Trao đổi

Trái tim nóng của người thẩm phán

Quyết định một bản án tử hình là chuyện không hề đơn giản với thẩm phán này. Sau bao trăn trở, ông đã kiên định bảo vệ số phận của nhiều bị cáo, cho họ một con đường sống khi thấy họ vẫn còn lòng nhân, tính phục thiện…


Trong căn phòng nhỏ của người thẩm phán có một ngăn tủ chứa đầy những bức thư của một cô gái. Mỗi lần mở ra, ông đều cảm thấy ấm lòng. Những bức thư đó được gửi đến từ một trại giam tỉnh – nơi chủ nhân nó đang thụ án tù chung thân về hai tội giết người, cướp tài sản.

Những bức thư không cần hồi âm

Ngày đó, cô gái trẻ vừa bước qua tuổi 19, lang thang không nhà cửa, không gia đình. Cô sống trong trại mồ côi – nơi cô bị bỏ rơi trước cổng khi vừa mới chào đời. Lớn lên, cô phải rời trại, nhường chỗ cho những em nhỏ khác. Từ đó, cô bữa đói, bữa no với đủ trò tiểu xảo học ở nơi đầu đường xó chợ.

Một lần, cô ăn trộm, phải thụ án một năm. Vừa ra tù, cô cố gắng đi xin việc làm nhưng ai cũng sợ cái quá khứ của cô nên từ chối. Đói quá! Cô móc túi một phụ nữ lớn tuổi. Phát hiện mất tiền, nghi ngờ cô là thủ phạm, nạn nhân đi theo mắng nhiếc cô suốt một chặng đường dài. Nổi đóa với những lời chói tai, cô quay lại xô xát với người này. Sau một hồi giằng co, người phụ nữ gục ngã vì bị cô cầm đá đánh vào đầu. Qua cơn hoảng sợ, cô đã quyết định giấu xác nạn nhân xuống một con sông gần đó. Đồng thời, thấy trên cổ nạn nhân có sợi dây chuyền vàng, cô tháo ra cất vào trong túi.

Vài ngày sau, vụ án bị phát hiện, cô nhanh chóng bị bắt. Tòa sơ thẩm nhận định hành vi giết người của cô mang tính côn đồ, nhân thân của cô không tốt, không còn khả năng cải tạo nên tuyên mức án tử hình. Cô kháng cáo mong được khoan hồng.

Tại phiên phúc thẩm, ông ngồi ghế chủ tọa. Nhìn bị cáo nhỏ nhắn bơ vơ, lạc lõng, người thẩm phán chạnh lòng. Tuy nhiên, hồ sơ vụ án quá rõ ràng, mức án tuyên có phần nghiêm khắc nhưng cũng không thể cho là nặng. Đại diện VKS đề nghị bác kháng cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm. Lời nói cuối của bị cáo là mong được sống để còn được một lần nhìn thấy mẹ.

Ánh mắt van xin thiết tha cùng những giọt nước mắt kéo dài thành dòng trên khuôn mặt còn non trẻ đã đánh động thẩm phán. Ông không khỏi băn khoăn, day dứt. Tuyên y án tử hình là chuyện rất dễ. Thế nhưng bao năm nay, ông luôn tâm niệm đã làm nghề xét xử thì đừng để trái tim mình chai sạn, đừng để bản thân mình vô cảm trước những thân phận con người. Cô gái kia có thể do hoàn cảnh đẩy đưa mà phạm tội đặc biệt nghiêm trọng nhưng cô ta vẫn còn có lòng phục thiện. Nhất là khi con người khao khát tìm về với cội nguồn, đấng sinh thành, mong được nhìn thấy người mẹ đã bỏ rơi mình mà không lời oán trách thì chưa hẳn đã xấu hoàn toàn.

Ông hoãn phiên tòa với lý do cần xác định lại một số điểm trong nhân thân… Sau đó, ông đã đem nỗi lòng mình trải ra với các đồng nghiệp. Thật may mắn, họ đã hiểu được ông và đồng tình. Cuối cùng, hội đồng xét xử đã nhận định bị cáo phạm tội mang tính nhất thời, không phải dự mưu từ trước… nên giảm án xuống thành tù chung thân.

Cô gái trẻ thoát án tử hình, còn cơ hội được sống, còn cơ hội có thể được nhìn thấy mẹ. Tâm sự, ông nói: “Tôi tin quyết định giảm án đó là đúng, là nhân đạo bởi cô gái đó vẫn còn tình người”.

Bao năm qua, trong cuộc sống của ông đã có những niềm vui nho nhỏ khi nhận được thư cô gái kể về những gì đã phấn đấu cải tạo tốt trong trại giam. Bức thư nào cũng tràn đầy những nỗi niềm kèm với câu “Cháu biết chú rất bận. Cháu chỉ muốn kể chú nghe cháu đang sống tốt, chú không cần tốn thời gian hồi âm thư cho cháu”. Và cũng suốt thời gian qua, ít ai biết rằng ông vẫn để tâm tìm kiếm mẹ cho cô gái này. Việc làm của ông không phải xuất phát từ bất kỳ lời nhờ vả nào mà vì đáy lòng ông thôi thúc thế!

Trăn trở cảnh con không cha

Quay ngược thời gian, ông kể về vụ tử hình đầu tiên trong đời xét xử của mình. Khi tuyên bản án đó, giọng ông run và lạc hẳn đi. Án tuyên ngày đó là sự quyết định của một hội đồng có tới 4/5 người đồng tình xử phạt bị cáo N. mức án cao nhất. Phiếu duy nhất đề nghị án tù chung thân là của ông.

Ông bảo không phải ông do dự vì lần đầu quyết định mức án cao mà vì thấy bị cáo vẫn còn có khả năng phục thiện. Do đó, trong biên bản nghị án, ông vẫn bảo lưu quan điểm của mình là mong cấp phúc thẩm xem xét lại phần hình phạt.

Trước đó, bị cáo N. và anh A. mâu thuẫn với nhau trong bàn nhậu. N. bỏ về nhưng vẫn còn bực tức nên đã lấy dao quay lại tìm anh A. Đến nơi, thấy anh A. đang nằm trên võng ngủ, N. đã đâm nhiều nhát vào nạn nhân.

Tranh luận tại phiên tòa, đại diện VKS nhận định bị cáo giết người mang tính côn đồ, chém nạn nhân liên tục nhiều nhát, thể hiện sự phạm tội quyết liệt nên cần xử phạt với mức án nặng nhất.

Trước khi vào nghị án, vị thẩm phán bỗng thấy phân vân. Ông hé cánh cửa phòng nghị án nhìn bị cáo một lần nữa. Trước mắt ông là cảnh đứa con nhỏ của N. chạy đến ôm chặt chân cha khóc, van xin công an dẫn giải “Đừng giết cha cháu, trả cha cho cháu”… Hai cha con N. ôm nhau khóc nức nở. Trong hồ sơ vụ án thể hiện N. gà trống nuôi con từ khi vợ bỏ đi vì chê chồng nghèo. Không mẹ, giờ lại không cha, đứa bé rồi sẽ ra sao? Câu hỏi ấy cứ làm ông day dứt.

Cuối cùng, án tử hình vẫn tuyên vì phải theo sự quyết định của đa số. Ông dõi theo kết quả của phiên xử phúc thẩm. Ngày nhận tin cấp phúc thẩm y án sơ thẩm, ông đã rất buồn. Ông biết rằng chỉ với sự bảo lưu quan điểm của một mình ông trong biên bản nghị án sơ thẩm chưa thể thuyết phục được mọi người.

Những tháng ngày sau, ông vẫn kiên trì theo dõi số phận của N. Khi nhận được tin Chủ tịch nước đã ra quyết định tha tội chết cho N., lòng ông hân hoan những nỗi niềm khó tả. Ông biết rằng sự bảo lưu quan điểm của ông ngày đó đã được xem xét thấu đáo. Ông vui cho bị cáo, vui cho cha con họ còn có ngày gặp lại nhau…

Theo Báo Pháp luật TP.HCM online