Tư vấn pháp luật

5 ĐIỂM NGƯỜI LAO ĐỘNG CẦN LƯU Ý KHI GIAO KẾT HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG

Hợp đồng lao động là một văn bản thoả thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động về việc làm có trả lương, điều kiện làm việc, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động. Tuy nhiên, khi tham gia vào quan hệ lao động, nhiều người lao động không quan tâm nhiều đến các điều khoản trong hợp đồng lao động. Hoặc có quan tâm nhưng còn mơ hồ về các vấn đề pháp lý có liên quan dẫn đến tình trạng bị lừa vì không biết luật.


Chính vì lẽ đó, đừng vội vàng đặt bút ký khi bạn chưa nắm được những vấn đề pháp lý cơ bản của hợp đồng lao động. Quyền và nghĩa vụ của người lao động – Điều khoản không thể bỏ qua Căn cứ Điều 5 Bộ luật lao động năm 2012, khi tham gia quan hệ lao động nói chung và giao kết Hợp đồng lao động nói riêng, người lao động có các quyền cơ bản dưới đây: - Làm việc, tự do lựa chọn việc làm, nghề nghiệp, học nghề, nâng cao trình độ nghề nghiệp và không bị phân biệt đối xử; - Hưởng lương phù hợp với trình độ kỹ năng nghề trên cơ sở thoả thuận với người sử dụng lao động; được bảo hộ lao động, làm việc trong điều kiện bảo đảm về an toàn lao động, vệ sinh lao động; nghỉ theo chế độ, nghỉ hằng năm có lương và được hưởng phúc lợi tập thể; - Thành lập, gia nhập, hoạt động công đoàn, tổ chức nghề nghiệp và tổ chức khác theo quy định của pháp luật; yêu cầu và tham gia đối thoại với người sử dụng lao động, thực hiện quy chế dân chủ và được tham vấn tại nơi làm việc để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình; tham gia quản lý theo nội quy của người sử dụng lao động; - Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật; - Đình công. Bên cạnh quyền lợi như nêu trên, người lao động có các nghĩa vụ dưới đây: - Thực hiện hợp đồng lao động, thoả ước lao động tập thể; - Chấp hành kỷ luật lao động, nội quy lao động, tuân theo sự điều hành hợp pháp của người sử dụng lao động; - Thực hiện các quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và pháp luật về bảo hiểm y tế. Tiền lương – Ngại gì mà không thoả thuận Lương là một điều khoản quan trọng khi giao kết hợp đồng lao động. Con số chi tiết sẽ do 2 bên thoả thuận nhưng tiền lương không được thấp hơn mức lương tối thiểu theo vùng quy định tại thời điểm giao kết hợp đồng lao động. Từ 01/01/2019, mức lương tối thiểu vùng được quy định như sau: - Mức 4.180.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng I; - Mức 3.710.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng II; - Mức 3.250.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng III; - Mức 2.920.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng IV. Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi – Đừng bỏ qua lợi ích của chính mình Thời giờ làm việc bình thường là không quá 8 giờ trong một ngày và không quá 48 giờ trong một tuần. Người sử dụng lao động có quyền quy định làm việc theo giờ hoặc ngày hoặc tuần; trường hợp theo tuần thì thời giờ làm việc bình thường không quá 10 giờ trong 01 ngày, nhưng cũng không được quá 48 giờ trong 01 tuần. Trong trường hợp phải làm thêm giờ, phải làm việc vào ban đêm thì tiền lương sẽ cao hơn làm việc bình thường. Người lao động làm việc liên tục 08 giờ hoặc 06 giờ (đối với các công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Bộ Y tế ban hành) được nghỉ giữa giờ ít nhất 30 phút, tính vào thời giờ làm việc. Trường hợp làm việc ban đêm, thì người lao động được nghỉ giữa giờ ít nhất 45 phút, tính vào thời giờ làm việc. Ngoài nghỉ giải lao giữa giờ trong ngày làm việc bình thường và ngày nghỉ hằng tuần, thì một năm người lao động đi làm đủ 12 tháng thì sẽ có 12 ngày phép năm và nghỉ hưởng nguyên lương vào các ngày lể tết. Điều khoản bảo mật, hạn chế cạnh tranh – áp dụng như nào để đúng luật Theo khoản 2 Điều 23 Bộ luật Lao động 2012, khi người lao động làm việc có liên quan trực tiếp đến bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ theo quy định của pháp luật, thì người sử dụng lao động có quyền thỏa thuận bằng văn bản với người lao động về nội dung, thời hạn bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, quyền lợi và việc bồi thường trong trường hợp người lao động vi phạm. Đây là một điều khoản không bắt buộc trong hợp đồng lao động, những khi người lao động làm việc có liên quan đến bí mật kinh doanh thì thường trong hợp đồng lao động có điều khoản này. Ngoài các công việc nêu trên, nếu trong Hợp đồng lao động có điều khoản này thì lại bị xem là điều khoản trái luật vì hạn chế quyền tự do làm việc của người lao động. Thế nên, người lao động cần đọc, tìm hiểu kỹ điều khoản này khi giao kết và thực hiện hợp đồng. Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động Trong một số trường hợp cụ thể, người lao động và người sử dụng lao động đều có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Tuy nhiên, khi thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động người lao động và người sử dụng lao đọng đều phải tuân thủ một số điều kiện nhất định, cụ thể: Người lao động đang làm việc theo Hợp đồng lao động xác định thời hạn và Hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng (sau đây gọi chung là Hợp đồng lao động mùa vụ) có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn trong những trường hợp sau đây: - Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động. - Không được trả lương đầy đủ hoặc trả lương không đúng thời hạn đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động. - Bị người sử dụng lao động đánh đập hoặc có lời nói, hành vi nhục mạ; hành vi làm ảnh hưởng đến sức khỏe, nhân phẩm, danh dự hoặc cưỡng bức lao động; bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc. - Bản thân hoặc gia đình có hoàn cảnh khó khăn không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động, như là: + Phải nghỉ việc để chăm sóc vợ hoặc chồng, bố đẻ, mẹ đẻ, bố vợ, mẹ vợ hoặc bố chồng, mẹ chồng, con đẻ, con nuôi bị ốm đau, tai nạn. + Khi ra nước ngoài sinh sống hoặc làm việc. + Gia đình gặp khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, địch họa, dịch bệnh hoặc chuyển chỗ ở mà người lao động đã tìm mọi biện pháp nhưng không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động. - Được bầu làm nhiệm vụ chuyên trách ở cơ quan dân cử hoặc được bổ nhiệm giữ chức vụ trong bộ máy nhà nước. - Lao động nữ mang thai nếu có ý kiến xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng xấu tới thai nhi. - Người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 90 ngày liên tục đối với người làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn và một phần tư thời hạn hợp đồng đối với người làm việc theo Hợp đồng lao động mùa vụ mà khả năng lao động vẫn chưa được hồi phục. Khi thực hiện quyền này người lao động phải tuân thủ về điều kiện thông báo trước cho người sử dụng lao động. Đồng thời, người lao động cần nên lưu ý các vấn đề mình gặp phải nếu đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái luật Nguồn: luatmanhtin