Pháp luật

Rút kinh nghiệm vụ án: Giết người hay giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng

vừa qua Hội đồng xét xử phúc thẩm Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã quyết định: sửa Bản án hình sự sơ thẩm số 07/2019/HSST ngày 25/02/2019 của Tòa án nhân dân tỉnh LC, kết án Lục Thị Phương phạm tội “Giết người” theo khoản 2 Điều 93 BLHS năm 1999. Thông qua vụ án này, Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội thông báo để Viện kiểm sát nhân dân các cấp nghiên cứu, rút kinh nghiệm như sau:


1. NỘI DUNG VÀ QUÁ TRÌNH GIẢI QUYẾT VỤ ÁN Theo Bản án hình sự sơ thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh LC thì bị cáo Lục Thị Phương có hành vi như sau: Ngày 13/01/2015, Lục Thị Phương thuê 09 ngưòi cùng vói Phương đến phát nương tại khu đồi thôn Na Mạ 2 hiện do UBND xã Bản Lầu, huyện Mường Khương, tỉnh LC quản lý vì đang có tranh chấp. Khoảng 15h00’ cùng ngày, ông Nông Văn Lâm thấy có người phát nương nên báo gọi ông Dương Thắng Vượng và ông Nguyễn Văn Hoàn đến ngăn cản, ông Vượng và ông Lâm mỗi có 01 con dao tay, trên đường đi ông Vượng chặt và cầm theo 01 đoạn gậy gỗ tươi. Đến nơi, ông Vượng và ông Hoàn đi thu được 05 con dao của những người đang phát nương đưa cho ông Lâm cầm. Khi ông Vượng đi đến chỗ Phương thì xảy ra xô xát đánh nhau làm gậy của ông Vượng bị gãy làm đôi, ông Vượng bị thương vào sườn và khuỷu tay bên phải. Sau đó, Phương cầm dao bỏ chạy xuống lán ở phía dưới chân đồi, ông Hoàn gần đó chạy đuổi theo Phương. Khi Phương chạy được khoảng 08m, thì ông Hoàn cũng đuổi đến nơi. Tại đây, Phương dùng dao chém một nhát vào vùng ngực ông Hoàn làm ông Hoàn đi ngang được 3m thì gục ngã và chết tại chỗ, còn Phương tiếp tục bỏ chạy xuống lán của mình. Biên bản khám nghiệm hiện trường; Sơ đồ hiện trường, Bản ảnh hiện trường, xác định: Hiện trường chung là khu vực đất rừng tái sinh đã bị xáo trộn. Hiện trường cụ thể, diện tích khoảng 100m x 40m là bãi nương cây cỏ mới được phát đổ rạp lá vẫn còn tươi trên sườn đồi có độ dốc khoảng 45°. Phát hiện 01 đoạn cây tươi đường kinh 4,5cm, chiều dài l,12m bị gãy rời làm hai đoạn 77cm và 53cm, có một đầu vát chéo và một đầu vát 3 phía; bên ngoài chỗ gãy có 01 vết chém ngang làm cho phần bên trong bị tác động bẻ gãy theo chiều vát chéo. Cách về phía Tây Bắc 09m phát hiện nhiều vết máu dạng nhỏ giọt dính trên cỏ và lá cây, trên nền đất và cỏ có nhiều dấu vết máu tập trung thành bãi diện tích 40cm X 75cm. CQĐT đã thu giữ các dấu vết máu tại các vị trí; thu các đoạn cây tươi bị gãy làm đôi; đoạn cây khô... Biên bản khám nghiệm tử thi; Bản ảnh tử thi và Kết luận giám định pháp y, xác định: Tử thi Nguyễn Văn Hoàn bị một vết thương ở ngực dài 17cm từ đầu trong xương sườn số 3 bên phải hướng từ trên xuống dưới, từ ngoài vào trong đến sát bờ sườn bên trái cách mũi ức về bên trái 05 cm, dưới núm vú bên trái 09cm. Mổ mở rộng vết thương về phía đầu trên ức bộc lộ phát hiện vết thương đứt ngang xương ức và sụn sườn 5, 6, 7 bên trái.., vết thương tâm thất phải dài 05cm thấu vào buồng tim. Nguyên nhân chết: vết thương tim - Mất máu cấp. Biên bản tạm giữ đồ vật tài liệu hồi 17h20’ ngày 13/01/2015 tại lán của Lục Thị Phương, gồm: 01 con dao phát có chiều dài 95cm, cán gỗ tròn dài 58cm, đường kính 03cm; phần lưỡi dài 37cm, bản rộng nhất 08cm. Biên bản tạm giữ đồ vật tài liệu hồi 8h45’ ngày 18/11/2015, Dương Thắng Vượng nộp: 01 con dao mũi bằng có chiều dài 38,7cm; phần lưỡi dài 26cm, bản rộng nhất 05cm; chuôi dao bằng gỗ. Kết luận giám định của Viện khoa học hình sự - Bộ Công an, xác định: dấu vết thu tại hiện trường có dính máu, là máu của Nguyễn Văn Hoàn. Kết luận giám định thương tích của Trung tâm pháp y tỉnh LC kết luận: Tổn hại sức khỏe của ông Dương Thẳng Vượng là 12%. Biên bản xem xét dấu vết trên thân thể Lục Thị Phương hồi 17h40’ ngày 14/01/2015 xác định: Lục Thị Phương không có dấu vết thương tích gì. Cáo trạng (Lần thứ nhất) ngày 30/11/2015 của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh truy tố Lục Thị Phương về tội Giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, theo khoản 1 Điều 96 Bộ luật hình sự năm 1999. Tại Bản án hình sự sơ thẩm (Lần thứ nhất) ngày 06/7/2016, Tòa án nhân dân tỉnh LC, xử phạt bị cáo Lục Thị Phương 02 năm tù về tội Giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng; buộc bị cáo phải bồi thường cho đại diện hợp pháp bị hại Nguyễn Văn Hoàn 68.907.500 đồng. Do đại diện hợp pháp của người bị hại kháng cáo yêu cầu hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại về tội danh Giết người. Lục Thị Phương kháng cáo xin giảm hình phạt và xin được hưởng án treo. Bản án hình sự phúc thẩm ngày 07/8/2018, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội quyết định: Hủy toàn bộ Bản án hình sự sơ thẩm số 30/2016/HSST ngày 06/7/2016 của Tòa án nhân dân tỉnh LC để điều tra lại. Cáo trạng (Lần thứ hai) ngày 24/12/2018, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh truy tố Lục thị Phương về tội Giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, theo khoản 1 Điều 96 Bộ luật hình sự năm 1999. Tại Bản án sơ thẩm (Lần thứ hai) ngày 25/02/2019, Tòa án nhân dân tỉnh LC, xử phạt Lục Thị Phương 02 năm tù về tội Giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng; Buộc bị cáo bồi thường 105.210.000 đồng. Ngày 07/3/2019, đại diện hợp pháp bị hại Nguyễn Văn Hoàn kháng cáo đề nghị điều tra, truy tố bị cáo Lục Thị Phương về tội Giết người. Ngày 11/3/2019, bị cáo Lục Thị Phương kháng cáo xin giảm hình phạt, xin được hưởng án treo và xin giảm bồi thường. Ngày 12/11/2019, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục phúc thẩm, trên cơ sở phân tích về diễn biến, các tài liệu chứng cứ và lời khai tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại phiên tòa đã kết luận: căn cứ Điều 357 Bộ luật tố tụng hình sự, xét xử bị cáo Lục Thị Phương về tội Giết người theo khoản 2 Điều 93 Bộ luật hình sự năm 1999; Hội đồng xét xử phúc thẩm quyết định: áp dụng khoản 2 Điều 93 Bộ luật hình sự năm 1999, tuyên Lục Thị Phương phạm tội “Giết người”. 2. NHỮNG VẤN ĐỀ CẦN RÚT KINH NGHIỆM Đây là vụ án phức tạp xảy ra từ năm 2015, đã qua nhiều lần xét xử và quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Quá trình giải quyết vụ án đại diện hợp pháp bị hại Nguyễn Văn Hoàn có nhiều đơn yêu cầu xem xét lại về tội danh của bị cáo Lục Thị Phương. Đối với vụ án này cần đi sâu phân tích các nội dung, tình tiết của vụ án làm rõ về hành vi khách quan, ý thức chủ quan của bị cáo và những người khác - có liên quan, từ đó làm căn cứ xác định chính xác cấu thành tội phạm, đảm bảo xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Về nguyên nhân dẫn đến việc xảy ra vụ án, xuất phát từ việc Lục Thị Phương thuê 09 người lên phát nương trong khi diện tích đất này có tranh chấp, đang chờ chính quyền giải quyết dẫn đến việc nhóm các ông Lâm, Vượng, Hoàn là người có liên quan đến đất đang tranh chấp đã ngăn cản. Hành vi khách quan, ý thức chủ quan: Có căn cứ xác định nhóm người ngăn cản gồm các ông Lâm, Vượng và Hoàn đi thu dao phát của những người phát nương. Có việc ông Vượng yêu cầu thu dao phát nhưng Phương không đồng ý dẫn đến hai bên xô xát đánh nhau. Có việc ông Vượng dùng gậy và Phương dùng dao phát đánh nhau, hậu quả là gậy bị gãy đôi, ông Vượng bị thương vào tay và sườn giảm 12% sức khỏe. Vị trí ông Hoàn bị Phương chém vào ngực cách vị trí Phương đánh nhau với ông Vượng khoảng 08m về phía dưới chân đồi là chứng cứ xác định có việc Phương chạy xuống phía dưới đồi sau khi đánh nhau với ông Vượng. Biên bản khám nghiệm tử thi phản ánh cơ chế hình thành vết thương trên ngực ông Hoàn là chứng cứ xác định Phương và ông Hoàn đứng đối diện với nhau, Phương đứng ở phía dưới chân đồi hướng mặt lên phía trên, còn ông Hoàn đang ở trên đồi chạy xuống nên tư thế người ông Hoàn khi bị chém có xu hướng ngả ra phía sau. Kết luận giám định pháp y và kết quả điều tra xác định nguyên nhân chết của ông Hoàn bởi vết thương vào ngực do bị cáo Phương chém. Lời khai của bị cáo Phương, ông Vượng và những người làm chứng phù hợp với những dấu vết, vị trí xảy ra việc đánh nhau được mô tả trong Biên bản hiện trường, có căn cứ xác định thời điểm đánh nhau giữa Phương với ông Hoàn xảy ra sau khi kết thúc việc đánh nhau giữa Phương với ông Vượng và duy nhất chỉ có hai người là ông Hoàn và Phương đánh nhau. Tuy có cùng nguyên nhân tranh chấp đất đai dẫn đến xô xát, nhưng hành vi của Phương đánh nhau với ông Vượng và hành vi của Phương đánh nhau với ông Hoàn được xác định là độc lập với nhau. Đây là chứng cứ quan trọng chứng minh không có sự chênh lệch về tương quan lực lượng khi hai bên đánh nhau. Quá trình điều tra vụ án, CQĐT không phát hiện và thu giữ được chiếc gậy ông Nguyễn Văn Hoàn sử dụng khi tham gia đánh nhau. Lời khai của Phương và một số người làm thuê cho Phương xác nhận ông Hoàn dùng gậy gỗ khi đánh nhau với Phương, còn lời khai của ông Vượng khẳng định ông Hoàn không dùng gậy gỗ khi đuổi theo Phương. Do lời khai của hai bên mâu thuẫn nhau, nên những lời khai này chưa đủ độ tin cậy. Cơ quan điều tra tiến hành kiểm tra xem xét trên cơ thể Lục Thị Phương không có dấu vết thương tích gì. Như vậy, chưa đủ cơ sở xác định ông Hoàn đã sử dụng gậy khi đánh nhau với Phương. Giả sử ông Hoàn có sử dụng gậy đánh nhau thì mức độ nguy hiểm của gậy gỗ thấp hơn nhiều so với hung khí là con dao phát (chiều dài 95cm, phần cán dài 58cm, lưỡi dài 37cm) được bị cáo Phương sử dụng. Về ý thức chủ quan: Ngay sau khi đánh nhau với ông Vượng, Phương đã cầm dao bỏ chạy phản ánh ý thức chủ quan của bị cáo không muốn tiếp tục đánh nhau. Do ông Hoàn đuổi kịp Phương nên hai bên đã xảy ra xô xát và trong khi đánh nhau Phương là người dùng dao chém vào ngực làm ông Hoàn bị chết. Xét về điều kiện và hoàn cảnh tại thời điểm đánh nhau, có căn cứ xác định ý thức chủ quan của Phương khi dùng dao chém vào ngực ông Hoàn không được coi là giải pháp đường cùng. Hơn nữa, việc Phương thuê 09 người đến phát nương trong khi đất này đang có tranh chấp phải chờ chính quyền địa phương giải quyết đã phản ánh rõ ý thức chủ quan của Phương bằt buộc phải biết rõ việc phát nương của mình sẽ có người đến ngăn cản, điều này thể hiện rõ ý thức chủ quan của bị cáo Phương phải biết và lường trước sự việc tranh chấp có thể xảy ra, từ đó chủ động và có phương án đối phó lại khi có sự ngăn cản. Với phân tích trên, quan điểm của các cơ quan tiến hành tố tụng cấp sơ thẩm xác định bị cáo Phương hoàn toàn bị động khi bị nhóm người gồm các ông Lâm, Vượng và Hoàn đến ngăn cản là không có cơ sở. Trong vụ án này, phải xác định nguyên nhân chính xuất phát từ việc Phương thuê người đến phát nương khi còn đang có tranh chấp. Việc các ông Lâm, Vượng và Hoàn tự phát đến ngăn cản thu dao không cho phát nương mà không báo chính quyền đến can thiệp cũng là nguyên nhân dẫn đến việc hai bên xảy ra xô xát đánh nhau. Tuy nhiên, hành vi của bị cáo Lục Thị Phương chém chết ông Nguyễn Văn Hoàn trong khi hai bên xảy ra xô xát đánh nhau không vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng và hành vi của bị cáo Lục Thị Phương phải được xác định là phạm tội Giết người quy định tại khoản 2 Điều 93 Bộ luật hình sự năm 1999. Thông qua vụ án này, nhằm nâng cao chất lượng hoạt động thực hành quyền công tố ở các giai đoạn, Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội đề nghị Viện kiểm sát nhân dân cấp sơ thẩm, đặc biệt là Kiểm sát viên khi thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra, xét xử vụ án phải nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án, nắm vững các chứng cứ buộc tội, các chứng cứ gỡ tội và các tình tiết khác có trong hồ sơ vụ án; thông qua xét hỏi công khai tại phiên tòa khẳng định tình tiết của vụ án làm rõ về hành vi khách quan, ý thức chủ quan của bị cáo và những người khác có liên quan, từ đó làm căn cứ xác định chính xác cấu thành tội phạm, đảm bảo xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội nêu ra để Viện kiểm sát nhân dân các cấp cùng rút kinh nghiệm./. Nguồn: Tra cứu pháp luật