Hình sự

Nghị định 76/2003/NĐ-CP về việc quy định và hướng dẫn cụ thể việc áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục



 

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 76/2003/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 27 tháng 6 năm 2003

 

NGHỊ ĐỊNH

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 76/2003/NĐ-CP NGÀY 27 THÁNG 6 NĂM 2003 QUY ĐỊNH VÀ HƯỚNG DẪN CỤ THỂ VIỆC ÁP DỤNG BIỆN PHÁP ĐƯA VÀO CƠ SỞ GIÁO DỤC

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 02 tháng 7 năm 2002;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công an,

NGHỊ ĐỊNH:

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định cụ thể về đối tượng; trình tự, thủ tục đưa người vào cơ sở giáo dục; tổ chức cơ sở giáo dục; chế độ quản lý người bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục và những quy định khác có liên quan đến việc áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục.

Điều 2. Đưa vào cơ sở giáo dục

1. Đưa vào cơ sở giáo dục là biện pháp xử lý hành chính nhằm giúp đỡ, giáo dục người có hành vi vi phạm pháp luật theo quy định tại Điều 3 Nghị định này có điều kiện học văn hoá, học nghề, lao động và sinh hoạt dưới sự quản lý của cơ sở giáo dục để sửa chữa lỗi lầm, sớm trở thành công dân lương thiện, có ích cho xã hội.

2. Việc áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định.

Thời hạn áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục là từ sáu tháng đến hai năm.

Điều 3. Đối tượng đưa vào cơ sở giáo dục

1. Đối tượng đưa vào cơ sở giáo dục bao gồm những người có một trong các hành vi vi phạm pháp luật sau đây có tính chất thường xuyên (có từ hai lần vi phạm trở lên trong một năm), nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự và đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc chưa bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn nhưng không có nơi cư trú nhất định:

a) Xâm phạm sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm của công dân, của người nước ngoài;

b) Xâm phạm tài sản của tổ chức, cá nhân trong nước hoặc nước ngoài;

c) Gây rối trật tự công cộng; chống người thi hành công vụ;

d) Lợi dụng quyền tự do dân chủ, tự do tín ngưỡng để lôi kéo, kích động người khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân;

đ) Tổ chức cưỡng ép, lôi kéo, dụ dỗ người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép.

2. Không đưa vào cơ sở giáo dục người chưa đủ 18 tuổi; người trên 55 tuổi đối với nữ, trên 60 tuổi đối với nam.

Thời điểm tính độ tuổi nêu trên là ngày ký quyết định đưa vào cơ sở giáo dục; căn cứ pháp lý để xác định độ tuổi là giấy khai sinh, nếu không có giấy khai sinh thì phải căn cứ vào giấy chứng minh nhân dân hoặc sổ hộ khẩu.

3. Các trường hợp sau đây thì không ra quyết định đưa vào cơ sở giáo dục hoặc không bắt họ tiếp tục chấp hành quyết định đưa vào cơ sở giáo dục mà chuyển hồ sơ để Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn ra quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với họ theo quy định của pháp luật:

a) Người đã bị lập hồ sơ đưa vào cơ sở giáo dục, nhưng đến ngày ký quyết định đưa vào cơ sở giáo dục thì họ đã trên 55 tuổi đối với nữ hoặc trên 60 tuổi đối với nam;

b) Người đã có quyết định đưa vào cơ sở giáo dục, nhưng chưa chấp hành mà bỏ trốn, đến khi bị bắt lại đã trên 55 tuổi đối với nữ hoặc trên 60 tuổi đối với nam.

4. Không áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục đối với người không có Quốc tịch Việt Nam, người mang hộ chiếu nước ngoài.

Điều 4. Thời hiệu áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục

Thời hiệu áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục là một năm, kể từ khi đối tượng bị áp dụng biện pháp này thực hiện lần cuối một trong các hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định này.

Nếu trong thời hạn nêu trên, người có hành vi vi phạm cố tình trốn tránh thì thời gian trốn tránh không được tính và thời hiệu được tính lại kể từ khi người đó ra đầu thú hoặc bị bắt giữ.

Điều 5. Nguyên tắc xử lý

1. Mọi hành vi vi phạm hành chính được quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định này đều phải được phát hiện kịp thời, xử lý nhanh chóng, công minh theo đúng quy định của Nghị định này và các quy định của pháp luật khác có liên quan.

2. Việc áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục phải bảo đảm đúng người, đúng hành vi vi phạm, đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền quy định tại Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định này.

Nghiêm cấm mọi hành vi xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự, tài sản của người bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục.

3. Khi quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục phải căn cứ vào quy định của pháp luật; căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi vi phạm, nhân thân của người vi phạm và các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hành chính để quyết định cho phù hợp.

4. Người bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục phải học tập, lao động và sinh hoạt dưới sự quản lý của cơ sở giáo dục để trở thành công dân có ích cho xã hội.

5. Người đã chấp hành xong quyết định đưa vào cơ sở giáo dục được tạo điều kiện hoà nhập với cộng đồng để làm ăn, sinh sống lương thiện; khi có đủ điều kiện theo quy định tại khoản 2 Điều 11 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính thì được coi như chưa bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục.

Điều 6. Thành lập và quản lý cơ sở giáo dục

1. Bộ trưởng Bộ Công an quyết định việc thành lập, sáp nhập, giải thể cơ sở giáo dục trong phạm vi cả nước.

Cơ sở giáo dục được thành lập theo từng khu vực. Trường hợp địa phương có nhiều đối tượng thuộc diện cần áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục thì Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh lập phương án đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an xem xét, quyết định thành lập cơ sở giáo dục tại địa phương mình.

2. Cơ sở giáo dục được quy hoạch, thiết kế, xây dựng theo quy định thống nhất của Bộ Công an, nhằm bảo đảm phù hợp với đặc điểm, yêu cầu của công tác quản lý, giáo dục trại viên và bảo đảm các tiêu chuẩn về phòng cháy, chữa cháy, vệ sinh môi trường.

3. Bộ Công an thống nhất quản lý các cơ sở giáo dục trong phạm vi cả nước; phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trong việc tổ chức, quản lý các cơ sở giáo dục.

Điều 7. Kinh phí bảo đảm cho việc áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục

1. Kinh phí bảo đảm cho đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, phương tiện và tổ chức hoạt động của cơ sở giáo dục; cho việc lập, xét duyệt hồ sơ; cho việc tổ chức đưa người vào cơ sở giáo dục, truy tìm đối tượng bỏ trốn; cho ăn, mặc, ở, học tập, phòng bệnh, chữa bệnh của trại viên do ngân sách nhà nước cân đối, bố trí trong dự toán ngân sách hàng năm của Bộ Công an.

2. Cơ sở giáo dục được tiếp nhận sự tài trợ, giúp đỡ về vật chất của các tổ chức, cá nhân; được tham gia hợp đồng, liên kết với các tổ chức, cá nhân trong hoạt động kinh tế theo quy định của pháp luật để tạo nguồn kinh phí hỗ trợ cho hoạt động của cơ sở giáo dục.

Điều 8. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Trại viên là người đang chấp hành quyết định đưa vào cơ sở giáo dục tại cơ sở giáo dục.

2. Người đang ốm nặng là người đang ở trong tình trạng bị bệnh nặng đến mức không còn khả năng lao động và sinh hoạt bình thường hoặc đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng và theo chỉ định của bác sĩ phải điều trị trong một thời gian nhất định mới có thể bình phục trở lại.

3. Người mắc bệnh hiểm nghèo là người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong hủi, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế coi là bệnh hiểm nghèo.

4. Gia đình đang gặp khó khăn đặc biệt là các trường hợp người bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục là người lao động duy nhất để đảm bảo cuộc sống gia đình; gia đình bị thiên tai, hoả hoạn lớn hoặc có thân nhân bị ốm nặng hoặc mắc bệnh hiểm nghèo mà ngoài người đó ra không còn ai khác để khắc phục hậu quả thiên tai, hoả hoạn hoặc chăm sóc người bệnh.

Chương 2:

THỦ TỤC ĐƯA NGƯỜI VÀO CƠ SỞ GIÁO DỤC

Điều 9. Lập hồ sơ đề nghị đưa vào cơ sở giáo dục

1. Đối với người thuộc đối tượng đưa vào cơ sở giáo dục, có nơi cư trú nhất định và đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn thì Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú xem xét, lập hồ sơ gửi Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện.

Hồ sơ đề nghị đưa người vào cơ sở giáo dục gồm có bản tóm tắt lý lịch, biên bản, tài liệu về các vi phạm pháp luật của người đó; văn bản về các biện pháp giáo dục đã được áp dụng; nhận xét của cơ quan Công an, ý kiến của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức xã hội cùng cấp có liên quan.

2. Đối với người thuộc đối tượng đưa vào cơ sở giáo dục, nhưng không có nơi cư trú nhất định thì Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã, nơi người đó có hành vi vi phạm pháp luật lập biên bản, báo cáo Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện.

Trường hợp đối tượng do cơ quan Công an cấp huyện, cấp tỉnh trực tiếp phát hiện, thụ lý, điều tra trong các vụ vi phạm pháp luật nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự mà thuộc đối tượng đưa vào cơ sở giáo dục quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định này thì cơ quan Công an đang thụ lý phải xác minh, thu thập tài liệu, lập hồ sơ gửi Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cùng cấp để đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục.

Hồ sơ đề nghị đưa người vào cơ sở giáo dục trong trường hợp này gồm có bản tóm tắt lý lịch, tài liệu về các vi phạm pháp luật của người đó; bản trích lục án và các biện pháp giáo dục đã bị áp dụng (nếu có).

3. Uỷ ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm chỉ đạo cơ quan Công an cùng cấp tổ chức quản lý chặt chẽ các đối tượng trong thời gian lập hồ sơ đưa họ vào cơ sở giáo dục.

4. Công an các cấp có trách nhiệm giúp Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cùng cấp trong việc thu thập tài liệu, lập hồ sơ đề nghị đưa người vào cơ sở giáo dục.

5. Trong thời hạn 02 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện phải giao hồ sơ cho cơ quan Công an cùng cấp để xác minh, thẩm tra hồ sơ. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan Công an cấp huyện có trách nhiệm xác minh, thẩm tra hồ sơ, báo cáo Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cùng cấp. Trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày nhận báo cáo xác minh, thẩm tra của cơ quan Công an, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện phải gửi hồ sơ, kèm theo văn bản đề nghị đưa vào cơ sở giáo dục đến Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh. Trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh gửi hồ sơ đến các thành viên Hội đồng tư vấn.

6. Trường hợp đối tượng do cơ quan Công an cấp huyện thụ lý, lập hồ sơ gửi Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cùng cấp theo quy định tại khoản 2 Điều này thì trong thời hạn mười ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện phải gửi hồ sơ, kèm theo văn bản đề nghị đưa vào cơ sở giáo dục đến Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh.

7. Trong trường hợp đối tượng do cơ quan Công an cấp tỉnh trực tiếp phát hiện, thụ lý, điều tra trong các vụ vi phạm pháp luật nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự và thuộc đối tượng đưa vào cơ sở giáo dục thì cơ quan Công an cấp tỉnh hoàn chỉnh thủ tục, hồ sơ gửi Hội đồng tư vấn để xem xét, giải quyết theo thủ tục chung quy định tại Nghị định này.

Điều 10. Hội đồng tư vấn về việc đưa vào cơ sở giáo dục

1. Hội đồng tư vấn về việc đưa vào cơ sở giáo dục do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập gồm Giám đốc Công an, Giám đốc Sở Tư pháp, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc cấp tỉnh, trong đó Giám đốc Công an là thường trực Hội đồng tư vấn. Thường trực Hội đồng tư vấn có trách nhiệm chuẩn bị tài liệu, tổ chức và chủ trì các cuộc họp của Hội đồng.

2. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ, Hội đồng tư vấn có trách nhiệm xem xét hồ sơ và tổ chức cuộc họp để xét duyệt hồ sơ, làm báo cáo trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh.

Hội đồng tư vấn làm việc theo chế độ tập thể, kết luận theo đa số. Trường hợp các ý kiến biểu quyết ngang nhau thì quyết định theo ý kiến có biểu quyết của thường trực Hội đồng tư vấn. Các ý kiến khác nhau phải được ghi vào biên bản cuộc họp gửi kèm theo báo cáo trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định.

3. Đại diện Hội đồng nhân dân cấp tỉnh được mời tham dự phiên họp của Hội đồng tư vấn.

Điều 11. Chuyển hồ sơ của đối tượng có dấu hiệu phạm tội để truy cứu trách nhiệm hình sự

Khi xem xét hồ sơ của đối tượng để đề xuất hoặc quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục, nếu xét thấy các hành vi vi phạm của người đó có dấu hiệu của tội phạm thì người có thẩm quyền phải làm công văn và chuyển ngay hồ sơ cho cơ quan điều tra có thẩm quyền để giải quyết theo thủ tục tố tụng hình sự.

Điều 12. Xử lý trường hợp một người vừa thuộc đối tượng đưa vào cơ sở giáo dục, vừa thuộc đối tượng đưa vào cơ sở chữa bệnh

Trong trường hợp một người thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật vừa thuộc đối tượng đưa vào cơ sở giáo dục, vừa thuộc đối tượng đưa vào cơ sở chữa bệnh thì cơ quan có thẩm quyền chỉ áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh.

Cơ quan đã thụ lý hồ sơ đưa vào cơ sở giáo dục có trách nhiệm chuyển toàn bộ hồ sơ đó cho Hội đồng tư vấn về việc đưa vào cơ sở chữa bệnh để tiến hành các thủ tục đưa vào cơ sở chữa bệnh theo quy định của pháp luật.

Điều 13. Quyết định đưa vào cơ sở giáo dục

1. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định việc đưa vào cơ sở giáo dục trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được báo cáo của Hội đồng tư vấn.

2. Quyết định đưa vào cơ sở giáo dục có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và phải được gửi ngay cho Công an cấp tỉnh, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú và giao cho người phải chấp hành quyết định đưa vào cơ sở giáo dục trước khi thi hành.

3. Nội dung quyết định đưa vào cơ sở giáo dục phải ghi rõ ngày, tháng, năm ra quyết định; họ, tên, chức vụ của người ra quyết định; họ, tên, ngày, tháng, năm sinh, nghề nghiệp, nơi cư trú của người bị đưa vào cơ sở giáo dục; hành vi vi phạm pháp luật của người đó; điều, khoản của văn bản được áp dụng; thời hạn phải chấp hành quyết định; nơi chấp hành quyết định theo hướng dẫn của Bộ Công an; quyền khiếu nại, khởi kiện đối với quyết định đưa vào cơ sở giáo dục theo quy định của pháp luật.

Điều 14. Thi hành quyết định đưa vào cơ sở giáo dục

1. Trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày ra quyết định, Công an cấp tỉnh có trách nhiệm đưa người phải chấp hành quyết định vào cơ sở giáo dục.

Thời hạn chấp hành quyết định đưa vào cơ sở giáo dục được tính từ ngày người bị áp dụng biện pháp này được đưa đi cơ sở giáo dục.

Khi nhận được quyết định đưa vào cơ sở giáo dục, Công an cấp huyện, Uỷ ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm phối hợp với Công an cấp tỉnh trong việc đảm bảo thi hành quyết định đó.

2. Trường hợp cần phải có thời gian để tiến hành các thủ tục trước khi đưa người có quyết định vào cơ sở giáo dục thì Công an cấp tỉnh ra quyết định quản lý họ tại Công an cấp tỉnh trong thời hạn không quá 05 ngày để tiến hành các thủ tục cần thiết.

Thời gian bị quản lý tại Công an cấp tỉnh được tính vào thời hạn chấp hành quyết định tại cơ sở giáo dục.

Chế độ ăn, ở của người đã có quyết định đưa vào cơ sở giáo dục trong thời gian bị quản lý tại Công an cấp tỉnh được hưởng như chế độ ăn, ở của trại viên cơ sở giáo dục.

Công an cấp tỉnh phải bố trí nơi giành riêng cho việc quản lý người đã có quyết định đưa vào cơ sở giáo dục trong thời gian họ bị quản lý tại Công an cấp tỉnh.

Bộ Công an hướng dẫn cụ thể việc quản lý đối tượng tại Công an cấp tỉnh trong trường hợp này.

3. Khi đưa người phải chấp hành quyết định đưa vào cơ sở giáo dục phải có hồ sơ kèm theo; hồ sơ gồm có:

a) Quyết định đưa vào cơ sở giáo dục;

b) Bản tóm tắt lý lịch và hành vi vi phạm pháp luật của người bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục;

c) Danh bản của người bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục;

d) Những tài liệu cần thiết khác có liên quan đến nhân thân của người phải chấp hành quyết định và để phục vụ cho việc quản lý, giáo dục người đó (nếu có).

4. Khi tiếp nhận người có quyết định đưa vào cơ sở giáo dục phải đối chiếu, kiểm tra người được giao nhận với hồ sơ, căn cước, chứng minh nhân dân và giấy tờ tùy thân khác của người đó và lập biên bản giao nhận, ghi rõ những tài liệu có trong hồ sơ, tình trạng sức khoẻ hiện tại của người được giao nhận; tư trang, đồ dùng cá nhân mang theo và những vấn đề khác có liên quan đến việc giao, nhận đối tượng.

Điều 15. Cưỡng chế thi hành quyết định

Người phải chấp hành quyết định đưa vào cơ sở giáo dục, nếu không tự giác chấp hành hoặc có hành vi chống đối thì có thể bị khoá tay, áp giải hoặc bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế cần thiết khác theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của Bộ Công an để buộc người đó phải chấp hành quyết định. Trường hợp hành vi chống đối có dấu hiệu của tội phạm thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật hình sự.

Điều 16. Thời hiệu thi hành quyết định đưa vào cơ sở giáo dục

Quyết định đưa vào cơ sở giáo dục hết thời hiệu thi hành sau một năm, kể từ ngày ra quyết định. Trường hợp người bị đưa vào cơ sở giáo dục cố tình trốn tránh việc thi hành thì thời hiệu nêu trên được tính lại kể từ thời điểm hành vi trốn tránh được chấm dứt.

Điều 17. Truy tìm và bắt giữ đối tượng đã có quyết định đưa vào cơ sở giáo dục bỏ trốn

1. Người đã có quyết định đưa vào cơ sở giáo dục mà bỏ trốn trước khi được đưa vào cơ sở thì Trưởng Công an cấp huyện nơi người đó cư trú hoặc nơi đã lập hồ sơ ra quyết định truy tìm.

2. Trường hợp trại viên cơ sở giáo dục bỏ trốn thì Giám đốc cơ sở giáo dục ra quyết định truy tìm. Thời gian trốn khỏi cơ sở giáo dục không được tính vào thời hạn chấp hành quyết định.

3. Cơ quan đã ra quyết định truy tìm có trách nhiệm tổ chức truy tìm, bắt giữ đối tượng bỏ trốn. Khi tiến hành bắt giữ, nếu đối tượng có hành vi chống đối thì được áp dụng những biện pháp cưỡng chế cần thiết theo quy định tại Điều 15 Nghị định này để buộc người đó phải chấp hành.

Uỷ ban nhân dân và Công an các cấp có trách nhiệm phối hợp, giúp đỡ các cơ quan nói trên trong việc truy tìm, bắt giữ đối tượng bỏ trốn.

Khi phát hiện đối tượng có quyết định truy tìm, mọi người đều có trách nhiệm báo ngay cho cơ quan Công an, Uỷ ban nhân dân nơi gần nhất hoặc bắt và dẫn giải ngay đối tượng đến các cơ quan nói trên.

4. Khi bắt được đối tượng bỏ trốn hoặc nhận bàn giao đối tượng, cơ quan Công an phải lập biên bản, lấy lời khai của người đó; đồng thời, thông báo ngay cho cơ quan đã ra quyết định truy tìm biết để đến nhận đối tượng.

Khi nhận được thông báo, cơ quan đã ra quyết định truy tìm phải cử người đến ngay để nhận đối tượng và đưa họ về cơ sở giáo dục; việc giao nhận đối tượng phải được lập biên bản theo đúng quy định.

Trong thời gian chờ cơ quan đã ra quyết định truy tìm đến nhận đối tượng, nếu cần thiết thì người có thẩm quyền có thể ra quyết định tạm giữ hành chính theo quy định của pháp luật hoặc chuyển đối tượng lên Công an cấp tỉnh để quản lý họ theo quy định tại khoản 2 Điều 14 Nghị định này.

Nghiêm cấm việc tạm giữ đối tượng trong các phòng tạm giữ, tạm giam hình sự hoặc những nơi không bảo đảm vệ sinh, an toàn cho người bị tạm giữ hành chính.

Điều 18. Hoãn hoặc miễn chấp hành quyết định đưa vào cơ sở giáo dục

1. Người đã có quyết định đưa vào cơ sở giáo dục nhưng chưa đến chấp hành quyết định tại cơ sở giáo dục, được hoãn chấp hành quyết định trong các trường hợp sau đây:

a) Đang ốm nặng có chứng nhận của Trung tâm y tế hoặc bệnh viện từ cấp huyện trở lên;

b) Đang mang thai có chứng nhận của Trung tâm y tế hoặc bệnh viện từ cấp huyện trở lên hoặc phụ nữ đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi, có đơn đề nghị và được Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú xác nhận;

c) Gia đình đang gặp khó khăn đặc biệt, có đơn đề nghị và được Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú xác nhận.

Khi hết thời hạn được hoãn hoặc khi điều kiện hoãn không còn thì quyết định đưa vào cơ sở giáo dục được tiếp tục thi hành ngay.

2. Người đã có quyết định đưa vào cơ sở giáo dục nhưng chưa đến chấp hành quyết định tại cơ sở giáo dục, được miễn chấp hành quyết định trong các trường hợp sau đây:

a) Đang mắc bệnh hiểm nghèo, có chứng nhận của bệnh viện hoặc Trung tâm y tế từ cấp huyện trở lên và người đó không còn nguy hiểm cho xã hội;

b) Có tiến bộ rõ rệt trong việc chấp hành pháp luật hoặc lập công trong thời gian được hoãn chấp hành quyết định đưa vào cơ sở giáo dục.

3. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định việc hoãn hoặc miễn chấp hành quyết định trên cơ sở đơn đề nghị của người phải chấp hành quyết định đưa vào cơ sở giáo dục. Trong trường hợp cần thiết, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh giao cho Giám đốc Công an cùng cấp thẩm tra, xác minh các trường hợp cụ thể quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này trước khi ra quyết định.

Chương 3:

TỔ CHỨC CƠ SỞ GIÁO DỤC VÀ QUẢN LÝ TRẠI VIÊN

Điều 19. Tổ chức cơ sở giáo dục

1. Tổ chức, bộ máy của cơ sở giáo dục gồm có Giám đốc, các Phó giám đốc, cán bộ quản lý, giáo dục, dạy văn hoá, dạy nghề; cán bộ hậu cần, kỹ thuật, y tế và lực lượng Cảnh sát bảo vệ.

2. Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm Giám đốc, Phó giám đốc cơ sở giáo dục; quyết định biên chế và tổ chức bộ máy của cơ sở giáo dục do Bộ trưởng Bộ Công an quyết định.

Quy mô mỗi cơ sở giáo dục quản lý từ 500 đến 2.500 trại viên. Cơ sở giáo dục có trên 1.000 trại viên có thể thành lập các phân khu theo quy định của Bộ Công an.

Điều 20. Giám đốc, Phó giám đốc cơ sở giáo dục

1. Giám đốc cơ sở giáo dục là người đứng đầu cơ sở giáo dục và phải chịu trách nhiệm về toàn bộ hoạt động của cơ sở giáo dục.

2. Phó giám đốc là người giúp Giám đốc thực hiện những nhiệm vụ theo sự phân công của Giám đốc, chịu trách nhiệm trước Giám đốc và trước pháp luật về lĩnh vực công tác được phân công.

Điều 21. Tiêu chuẩn của Giám đốc, Phó giám đốc và cán bộ, nhân viên cơ sở giáo dục

1. Giám đốc, Phó giám đốc, cán bộ quản lý, giáo dục, cán bộ hậu cần, y tế và Cảnh sát bảo vệ phải là người có phẩm chất chính trị tốt, có ý thức tổ chức kỷ luật, hiểu biết chuyên môn nghiệp vụ và pháp luật.

2. Giám đốc, Phó giám đốc phải là người tốt nghiệp một trong các trường: Học viện Cảnh sát nhân dân, Học viện An ninh nhân dân, Đại học Luật, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Sư phạm và phải có kinh nghiệm về quản lý, giáo dục những người vi phạm pháp luật.

3. Cán bộ quản lý, giáo dục, cán bộ dạy văn hoá, dạy nghề và chỉ huy lực lượng Cảnh sát bảo vệ phải là người đã tốt nghiệp Trung học Cảnh sát, Trung học An ninh hoặc tương đương trở lên.

4. Sĩ quan, chiến sĩ Cảnh sát làm nhiệm vụ quản lý, dẫn giải, bảo vệ phải là những người đã được đào tạo, huấn luyện về nghiệp vụ chuyên ngành theo quy định của Bộ Cô