Dân sự

Ủy quyền việc thừa kế di sản nhà đất

Tôi có hỏi cơ quan nhà đất và luật gia ở Việt Nam, và được chỉ dẫn rằng nếu tôi ở ngoại quốc mà muốn làm giấy ủy quyền việc thừa kế di sản nhà đất cho chị ruột tôi còn ở Việt Nam (vì ba mẹ tôi mất không để lại di chúc) thì phải làm giấy ủy quyền ra notary cấp county và sau đó là state rồi mới đem đến Tòa đại sứ Việt Nam ở San Francisco chứng nhận...

 

– Sau đó tôi đã làm đủ hết thủ tục đem đến tại Tổng lãnh sự. Nhân viên ở đây nói rằng từ tháng 4 năm 2004 họ sẽ không ký bất cứ giấy ủy quyền nào về bất động sản nữa. Tôi có hỏi vậy giải quyết vấn đề này như thế nào, chẳng lẽ tôi phải đích thân về lại Việt Nam? Họ bảo không biết và chẳng cho một lời hướng dẫn cụ thể nào. Tôi rất mệt mõi với chuyện trống đánh xuôi, kèn thổi ngược như thế này.NGUYEN, Angela (nơi ở: USA, email:fakeglasses@hotmail.com).



Trả lời:

 

Bạn Nguyen, Angela thân mến,

 

Sự việc thực tế đôi khi tưởng chừng đơn giản nhưng lại phức tạp, mất nhiều thời gian, vướng mắc và khó giải quyết. Nội dung bạn hỏi, tôi nghĩ cũng đơn giản và bình thường, tuy nhiên trở ngại đã xảy ra đối với bạn.

 

Theo quy định của pháp luật hiện hành thì vấn đề về thừa kế được quy định cụ thể trong Bộ luật Dân sự thông qua ngày 28 tháng 10 năm 1995 và có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 1996.

 

Thực tế bạn đã gặp trở ngại ở khâu hợp pháp hoá lãnh sự. Do chưa được đọc nội dung của giấy uỷ quyền mà bạn viết, nên tôi chưa thể đưa ra hướng dẫn cụ thể. Tuy nhiên, nếu nội dung giấy uỷ quyền là “uỷ quyền việc thừa kế di sản nhà đất cho chị của bạn còn ở Việt Nam” thì nội dung này được hiểu là “bạn đã tặng cho phần di sản nhà đất mà bạn được thừa kế cho chị của bạn ở Việt Nam”. Theo nội dung này thì giấy uỷ quyền bạn lập không thể hợp pháp hoá lãnh sự được vì:

 

Theo quy định của Nghị định số 75/2000/NĐ-CP ngày 8 tháng 12 năm 2000 của Chính phủ về công chứng, chứng thực và Thông tư số 01/1999/TT-NG ngày 03 tháng 6 năm 1999 của Bộ Ngoại giao quy định thể lệ hợp pháp hoá giấy tờ, tài liệu thì Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài (Đại sứ quán, Lãnh sự quán Việt Nam) không có thẩm quyền công chứng, chứng thực việc giao kết hợp đồng mua bán, tặng cho, trao đổi, thế chấp bất động sản tại Việt Nam.

 

Do đó, nếu bạn có ý định tặng cho phần di sản nhà đất mà bạn được thừa kế cho chị của bạn ở Việt Nam thì bạn phải trở về Việt Nam để làm thủ tục theo quy định tại cơ quan có thẩm quyền cấp tỉnh nơi có bất động sản. Nhưng nếu bạn chỉ uỷ quyền giải quyết việc thừa kế (uỷ quyền giải quyết vụ việc, không phải tặng cho) thì trong giấy uỷ quyền bạn phải nói rõ. Khi đó giấy uỷ quyền của bạn sẽ được hợp pháp hoá lãnh sự.

 

Chúc bạn vui.

 

Thạc sĩ-Luật gia HỒ NGỌC HÀ THY

 

 

Người Viễn Xứ

 

 

                       Theo phapluatvietnam.com