Những vụ án nổi tiếng

Những vụ án bây giờ mới kể: 118 ôtô tay lái nghịch và số phận của Việt kiều Nguyễn An Trung

(Dân trí) - Đầu năm 1994, tôi nhận được tập hồ sơ dày cộp về sự việc oan trái của ông Nguyễn An Trung - Giám đốc Công ty Sài Gòn ôtô, Việt kiều Nhật. Đây cũng là một trong những vụ án có nhiều tình tiết ly kỳ. Tâm huyết của ông Trung với đất nước đã biến thành tai hoạ, khiến ông suýt phải trả giá bằng cả mạng sống...


Nguyễn An Trung là người An Giang, sang Nhật học về kỹ thuật từ đầu những năm 1960 và đã tốt nghiệp Tiến sĩ kỹ thuật ở Nhật, Nguyễn An Trung tham gia phong trào yêu nước, phản chiến. Vì các hoạt động này, ông đã bị chính quyền Sài Gòn cũ xử vắng mặt, kết án ông 6 năm tù vì tội chống chính quyền. Năm 1975, ngày thống nhất đất nước, ông Nguyễn An Trung là một trong những Việt kiều đầu tiên được chính quyền mới mời về dự lễ mừng Chiến thắng 30/4. Mặc dù đã ở Nhật hơn 10 năm, ông Nguyễn An Trung vẫn giữ quốc tịch Việt Nam vì yêu đất nước. Mục đích tốt đẹp lại trở thành hoạ Năm 1988, Việt Nam có Luật khuyến khích Đầu tư nước ngoài, ông Nguyễn An Trung nhanh chóng thành lập Công ty Sài Gòn ôtô, tuyển dụng khoảng 400 công nhân. Công ty của ông nhập khẩu các loại xe “secondhand” (xe đã qua sử dụng) như xe buýt, xe tải, xe chở rác, xe hút bùn, xe cần cẩu, xe công trình, giá rẻ, tay lái nghịch, đưa về Việt Nam, chuyển đổi thành xe tay lái thuận, bán phục vụ công cuộc xây dựng đất nước. Công việc của Công ty Sài Gòn ôtô tiến triển tốt đẹp. Ông Nguyễn An Trung đã tặng TP. Hồ Chí Minh một số xe buýt chuyển đổi tay lái và có ý định nếu công việc thuận lợi, sẽ có thể trang bị đủ xe buýt cho TP. Hồ Chí Minh. Cũng vào năm 1994, Công ty của ông Trung nhập về Cảng Sài Gòn lô xe 118 xe tay lái nghịch. Hàng đã về cảng Sài Gòn được 3 ngày, đang làm thủ tục xin giấy phép nhập khẩu, thì có lệnh cấm nhập khẩu xe ôtô tay lái nghịch, do Thủ tướng Võ Văn Kiệt ký. Như vậy hàng về cảng Việt Nam trước khi có lệnh cấm 3 ngày. Nếu căn cứ trên văn bản của luật pháp thì ông Trung không hề có tội (luật hay các văn bản luôn được coi là “bất hồi tố”, có nghĩa chỉ có hiệu lực từ lúc ban hành trở về sau chứ không có giá trị trở về trước). Tuy nhiên dựa vào lệnh cấm này, Công an TP. Hồ Chí Minh đã lập tức cho khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam ông Nguyễn An Trung vì tội danh buôn lậu. Ông Trung bị bắt tạm giam gần 10 tháng, lô hàng 118 xe ôtô tay lái nghịch trị giá hơn 1 triệu USD nhập khẩu từ Nhật bị Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh ra quyết định tịch thu. Căn cứ vào giá trị của lô hàng thì VKS đã đề nghị mức án “chung thân” với Việt kiều Nguyễn An Trung. Sau này ông Trung kể lại: Những ngày nằm trong nhà giam Chí Hoà, ông cảm thấy có những lúc tuyệt vọng. Bởi mục đích của ông chẳng có gì xấu, nhưng khi vấp rào cản của cơ chế hành chính quan liêu, ông đã phải trả một giá quá đắt. Phiên toà “vô tiền khoáng hậu” Có lẽ số phận còn mỉm cười với ông khi luật sư Nguyễn Thành Vĩnh nhận lời bào chữa cho ông. Luật sư Nguyễn Thành Vĩnh là một luật sư nổi tiếng của Hà Nội và đã từ lâu, ông không nhận bào chữa cho bất kỳ vụ án nào vì lúc đó ông đã xấp xỉ 80 tuổi. Nhưng khi nhận được hồ sơ vụ Nguyễn An Trung do ông Huỳnh Mùi chuyển đến, luật sư Vĩnh đã đọc liền một mạch và ông thấy nếu không bào chữa vụ án này, ông sẽ ân hận. Trong phiên tòa bào chữa cho Nguyễn An Trung, chính luật sư cũng khóc. Ông giơ cao quyển sách ở Nhật viết về Nguyễn An Trung trong phong trào phản chiến, giơ cao những chứng cứ rất thuyết phục về luật “bất hồi tố” và giơ cao tất cả hình ảnh về 118 xe tay lái nghịch mà UBND TP. Hồ Chí Minh vẫn đang giữ. Tất cả đều là xe ép rác, xe hút bùn. Chi tiết này đã làm “bật ngửa” tất cả các vị thẩm phán và Hội thẩm nhân dân tham gia xét xử. Họ đọc hồ sơ vụ án và đều đinh ninh rằng ông Trung đã nhập gần như toàn bộ là ôtô con để trốn thuế và bán kiếm lời ở VN. Rất nhiều người “thấy sự bất bình” đã lao vào giúp ông một cách hoàn toàn vô tư. Như Giáo sư Huỳnh Mùi, ông cũng nguyên là Việt kiều Nhật, du học ở Nhật trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam, đã đỗ Tiến sĩ Toán học ở Nhật. Năm 1975, Giáo sư Mùi về nước với hoài bão đem kiến thức phục vụ đất nước. Giáo sư Huỳnh Mùi là bạn học cũ của ông Nguyễn An Trung ở Nhật, và là người giúp kêu oan cho ông Trung ở Hà Nội. Lúc này ở TP. Hồ Chí Minh, báo chí cũng chia làm 2 phe. Một phe bênh vực ông Trung, còn một phe lại rất hùng hồn kết tội ông Trung. Tất nhiên, tôi bảo vệ ông Trung, bởi dự cảm và lương tâm của người cầm bút khiến tôi hiểu rằng ông Trung hoàn toàn vô tội. Ngày 28/2/1995, phiên tòa sơ thẩm xét xử ông Nguyễn An Trung đã được mở tại TP. Hồ Chí Minh. Lần đầu tiên tôi nhìn thấy mặt ông Nguyễn An Trung, trán hói, trông phúc hậu và trí thức. Tôi cũng nhìn thấy một số đại diện của 2 hãng ôtô Itochu và Isuzu của Nhật cũng tham dự phiên tòa. Trong suốt hơn 10 tháng ông Trung bị tạm giam, Công ty Sài Gòn ôtô phải đóng cửa, nhưng ông vẫn chỉ đạo công ty trả lương đều cho hơn 400 công nhân, vì ông không muốn cuộc sống của họ bị điêu đứng. Phiên toà diễn ra thật sự căng thẳng. Phía công tố rất hùng hồn đưa ra các chứng cứ, các văn bản để kết tội Nguyễn An Trung, còn luật sư Nguyễn Thành Vĩnh đứng hiên ngang, dáng người nhỏ bé, gầy gò nhưng lời lẽ của ông thật khúc triết, có sức thuyết phục rất mạnh. Tại phiên tòa, Nguyễn An Trung đã phải nhiều lần nhắc đi nhắc lại là: “Tôi chỉ nhập khẩu xe công trình, xe hút bùn, xe chở rác, xe buýt, xe cần cẩu, xe làm đường, làm cầu... chứ không nhập xe du lịch 4 chỗ ngồi”. Tất cả những người ngồi tham dự phiên tòa đều ồ lên ngạc nhiên, nhất là cánh nhà báo chúng tôi. Trước những lập luận hết sức chặt chẽ, Nguyễn An Trung chỉ bị tuyên phạt “Cảnh cáo”, nhưng lô xe của ông lại bị tuyên “tịch thu”. Tôi viết bài tường thuật dài về phiên tòa sơ thẩm, nêu rõ ông Trung cần phải được tuyên không có tội mới đúng, và phải trả lại 118 xe ôtô trị giá hơn 1 triệu USD cho ông. Nhiều tờ báo cũng có các bài viết bênh vực ông Nguyễn An Trung, nêu rõ mức án “cảnh cáo” là vô lý với ông Trung. Tất cả đều hi vọng chờ phiên tòa phúc thẩm. Nhưng phải 5 tháng sau, ngày 5/7/1995, phiên tòa phúc thẩm mới được mở. Một lần nữa, lập luận vững chắc của luật sư Nguyễn Thành Vĩnh lại vang lên: “Hãy vì công lý, vì lương tâm và trách nhiệm của Hội đồng xét xử. Nếu thực tâm các vị biết Nguyễn An Trung vô tội, hãy tuyên trả tự do cho ông ngay tại phiên toà này”. Và cuối cùng, chân lý đã lay động lương tâm các thành viên của Hội đồng xét xử. Phiên tòa này đã tuyên ông Trung “vô tội”. Nguyễn An Trung đứng dậy bật khóc. Những giọt nước mắt của một người đàn ông đã ngoài 50 tuổi thật tội nghiệp. Có lẽ đây là một trong những bản án từ “chung thân” thành “vô tội” rất hiếm hoi trong nền tư pháp của VN từ trước đến nay. Nhưng 118 xe ôtô lại không được trả cho chủ nhân. Phiên phúc thẩm kết thúc được vài tháng, tại kỳ họp Quốc hội cuối năm 1995, một quan chức cao cấp của Quốc hội gặp tôi và nói là Chính phủ đã bị cơ quan có trách nhiệm báo cáo sai sự thật về vụ ông Nguyễn An Trung, nói rằng ông Trung chuyên nhập lậu xe ôtô 4 chỗ ngồi, nên đã có sự chỉ đạo sai trái về vụ ông Trung. Vị quan chức này nói việc xử lý oan ông Trung quả là điều rất đáng tiếc. Nhưng việc làm oan “đáng tiếc” đó không làm quan chức nào ở TP. Hồ Chí Minh mất chức cả. Về số xe ôtô của ông Trung, trước khi phiên tòa xử ông Trung kết thúc, người ta đã cho hóa giá bán rất rẻ và đã gây ra một vụ án tham nhũng do biển thủ tiền bán xe ôtô của ông Trung. Với giá trị nhập khẩu từ Nhật khoảng trên 10.000 USD một xe, 118 xe ôtô trị giá khoảng trên 1 triệu USD. Nhưng nghe nói, cơ quan định giá ở Sài Gòn chỉ định giá khoảng 8 tỉ và người ta bán cho ai đó với giá khoảng 5 tỉ, ăn chênh lệch khoảng 3 tỉ , thời giá năm 1995. Một kết thúc buồn Cuối năm 2000, tôi sang Nhật và thật tình cờ, tôi gặp thầy giáo tiếng Việt Huỳnh Trí Chánh, nguyên Chủ tịch Hội Việt kiều yêu nước ở Nhật. Thầy Chánh là người đã tập hợp đông đảo ý kiến của các Việt kiều trên toàn thế giới lên tiếng bênh vực ông Nguyễn An Trung. Tôi cũng biết thầy Chánh là người tích cực tham gia phong trào phản chiến trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam cùng với ông Nguyễn An Trung và cũng là người chỉ đạo việc cướp Đại sứ quán Việt Nam của chính quyền Sài Gòn cũ ở Tokyo, khi chiến tranh Việt Nam kết thúc năm 1975, để giữ nguyên cơ sở vật chất của Đại sứ quán cho chính quyền mới. Tôi cũng mới nghe nói là ông Nguyễn An Trung không còn làm việc ở Sài Gòn nữa. Sau khi vụ án kết thúc năm 1994, ông Nguyễn An Trung vẫn ở lại Việt Nam làm đại diện cho hai Hãng Itochu và Isuzu của Nhật ở Việt Nam. Nhưng sau đó ông Trung đã đưa cả gia đình sang Úc sinh sống. Có lẽ suốt bao năm tranh đấu cho sự nghiệp giải phóng nước nhà ông Trung không sợ bắt bớ tù đầy của kẻ địch, nhưng nay trước đòn đánh của cơ chế bảo thủ của thời kỳ đó, ông Trung cảm thấy thực sự sợ hãi.
 Nguồn: dantri.com.vn