Những vụ án nổi tiếng

Đắp mộ giả lấy tiền thật

Về lại vùng đất anh hùng Bà Điểm – Hóc Môn năm nào, cũng tại ngôi trường THPT mang tên Bà Điểm, có câu chuyện về những ụ đất BIẾT “nói” lên sự thật để tố cáo tiêu cực xảy ra tại ngôi trường này.


Đắp mộ giả, kiếm tiền thật

Từ năm 2001, Trường THPT Bà Điểm có đề nghị UBND huyện Hóc Môn xin được mở rộng trường từ việc giải tỏa nghĩa trang để phục vụ nhu cầu học tập của các em. Mãi đến năm 2007, UBND huyện mới chấp thuận. Nhưng, thật trớ trêu, từ việc giải tỏa nghĩa trang, được UBND rót kinh phí đền bù trong việc bốc cốt mộ đã dẫn đến tiêu cực trong đền bù giải tỏa.

Ông Nguyễn Xuân Trang, Hiệu trưởng nhà trường được giao trọng trách là làm chủ đầu tư để giải phóng mặt bằng. Ngay sau đó, ông hiệu trưởng đã cùng Dương Thành Dũng, (tên thường gọi Dũng “đầm”), Giám đốc Công ty TNHH Thiên Đệ hợp tác thực hiện. Khi việc bốc mộ được tiến hành, Dũng “đầm” giao lại cho nhân viên của mình phát hoang khu nghĩa địa vốn dĩ cỏ mọc xanh um, bít cả lối đi.

Tiếp đến, để có một bảng kê khai chi tiết và cụ thể hiện trạng, một tay Dũng “đầm” trực tiếp khảo sát, đóng cọc, ghi số mộ hiện hữu trong nghĩa trang. Số mộ ban đầu mà Dũng “đầm” khảo sát chỉ dừng ở con số 200 ngôi mộ. Trong đó có cả những ngôi mộ có chủ và vắng chủ. Thấy những khoảng đất trống, chưa có mộ mà số tiền đền bù cao, Dũng “đầm” tính toán và chỉ đạo đàn em của mình vun đất lên đắp thành những cái ụ cao rồi đặt tên cho những ụ đất này là “mộ”.

Lần lượt như thế, những chỗ nào có khoảng đất còn trống, Dũng tiếp tục đắp ụ làm mộ. Và từ đây, hàng loạt ngôi mộ giả được “ra lò”. Sau đó, Dũng “đầm” cắm cọc từng ngôi mộ rồi vẽ sơ đồ hiện trạng một cách thật chi tiết và cụ thể. Để cho thật quy củ, Dũng thuê người lên bảng vẽ bằng vi tính và làm báo cáo dự toán đúng với những gì mà mình phác họa. Số mộ ban đầu được Dũng “đầm” kê khai là 280 mộ phần nằm trong khu nghĩa trang cần giải tỏa.

Sau này, trong bản vẽ quy hoạch lại phát sinh thêm 5 ngôi mộ cần phải bốc và số mộ được điều chỉnh lên là 285 ngôi mộ. Có bản vẽ được thiết kế bằng máy tính hoành tráng rồi, Dũng “đầm” mang đến tận tay cho từng thành viên trong hội đồng ký tên vào. Thế là các vị thành viên của hội đồng giải tỏa ký chớp nhoáng vào bản vẽ quy hoạch  mà không cần ra hiện trường để khảo sát thực tế như đúng quy định.

Sau khi có được gói thầu  “béo bở”, Dũng “đầm” lặn lội xuôi ngược tìm cho mình một tay sai tin cẩn để thực hiện phi vụ. Phải trải qua nhiều vòng “sơ tuyển”, Trương Minh Hải, ngụ ấp Tân Mỹ, xã Xuân Bảo, huyện Cẩm Mỹ mới được Dũng “đầm” chọn thực hiện bốc mộ tại nghĩa địa. Mỗi một ngôi mộ được bốc, Dũng “đầm” trả cho Hải 100 ngàn đồng. Được vài hôm, khi số mộ ở nghĩa trang vơi đi gần một nửa, khoảng hơn trăm ngôi mộ được bốc cốt đi cũng là lúc Dũng “đầm” bắt đầu “bật đèn xanh” cho phi vụ của mình.

"Gian" với người sống, "ngoan" với người chết

Dũng “đầm” yêu cầu Hải tìm những người chịu nhận làm thân nhân cho những ụ đất được đắp lên nhằm thu lợi. Mỗi một mộ phần, nếu có người đứng tên, Dũng “đầm” ra giá sẽ trả 1 triệu đồng. Nghe có vẻ ngon ăn, lại là những ụ đất đã được cấp phép phê duyệt, Hải gật đầu  một cái nhanh chóng và lao vào tìm người chịu nhận thân nhân của những... ụ đất.  Hải dành cho người nhà của mình trước. Hải lặn lội đến tận nhà ông nhạc mẫu là Lù Lỹ Cấm, ngụ ấp 3, xã Nghĩa Trung, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước “tặng” cho ông 10 “phần mộ”. Hải yêu cầu ông bố vợ mình đến chính quyền địa phương xác nhận là thân nhân của những ụ đất trên.

Ông Lù Lỹ Cấm cũng “biết trước biết sau”, hỏi ngọn ngành con rể của mình, những ngôi mộ trên là như thế nào. Khi được Hải trả lời chắc như “đinh đóng cột” rằng những phần mộ này chỉ là mộ giả thì ông Lù Lỹ Cấm đồng ý ngay. Vì ông Cấm cho rằng, nếu là mộ thật, ông sẽ không dám do sợ mắc tội... với người đã chết. Khi ông bố vợ đã đồng ý, Dũng đưa số thứ tự vị trí của từng ngôi mộ theo sơ đồ hiện trạng được vẽ trước đó để ông Lù Lỹ Cấm điền vào đơn xác nhận thân nhân.

Suy nghĩ mãi, ban đầu ông Lù Lỹ Cấm chỉ tìm cho mình được 8 người trong bà con dòng tộc. Có lẽ con số 8 được Dũng xem là vận xui, biểu hiện sự tù tội do thể hiện của hình tượng “cái còng” nên Dũng quyết tâm bảo ông bố vợ cố nghĩ thêm thân nhân trong gia đình... cho chẵn 10 cái. Khi mọi thủ tục đã xong xuôi, Dũng dẫn bố vợ mình ra nghĩa trang chụp hình từng huyệt mộ để lấy lọ đựng xương cốt. 

Đương nhiên, 10 cái lọ mà Dũng đưa cho ông Lù Lỹ Cấm gọi là đựng xương cốt thì bên trong hoàn toàn không có gì. Mọi việc cũng đã xong, sau đó ông Lù Lỹ Cấm nhận được giấy mời của UBND xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn chi trả cho 30 triệu đồng tiền đền bù di dời mộ theo quy định. Ngay khi ra khỏi cổng UBND xã, ông Cấm bị “cắn ngay” 20 triệu đồng tiền bồi thường những ngôi mộ trên khi phải trả công đào và những chi phí khác. Bản thân ông Lù Lỹ Cấm chỉ giữ lại 10 triệu đồng.   

Càng về sau, để lấp vào danh sách những người nhận những mộ giả cho đủ 58 người, bất kể ai có nhu cầu cần tí tiền, Dũng đều giới thiệu đến nghĩa trang ấp Bắc Lân để xác nhận nhân thân những ụ đất do mình tự đắp lên.

Trong một lần, Dũng đến tiệm hủ tiếu gần nhà, đặt “vấn đề” làm ăn với ông chủ tiệm tên Phùng Thanh, cư ngụ tại Thị trấn An Thạnh, huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương. Dũng rỉ tai ông Thanh, photocopy 10 bộ hộ khẩu và giấy chứng minh nhân dân và làm thêm một số thủ tục khác để nhận tiền. Thấy kiếm tiền dễ, ông chủ tiệm hủ tiếu đồng ý ngay. Dũng đưa cho Phùng Thanh bảng kê khai thân nhân đã chết và đưa ra địa phương xác nhận. Chỉ cần có thế, ông Thanh nộp lại giấy xác nhận và đợi lấy tiền.

Ngày lấy tiền đền bù rồi cũng đã đến, Dũng bảo ông chủ tiệm hủ tiếu Phùng Thanh đến nghĩa trang Bắc Lân chụp hình từng thân nhân của mình bên những “mộ phần” đang đào. Xong, ông Phùng Thanh đến UBND Bà Điểm nhận 27 triệu đồng. Nhưng, vừa ra khỏi cổng UBND đã bị Dũng ăn chặn hết 22,5 triệu đồng và phần ông chỉ còn 4,5 triệu đồng.

Tìm mãi vẫn còn thiếu người nhận làm thân nhân của mộ, Dũng cho đàn em của mình đến cả đình, chùa, miếu, mạo để tìm người. Trong một lần tình cờ, bà Huỳnh Kim Anh, ngụ phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức đi cúng đình Lái Thiêu, tỉnh Bình Dương thì gặp một người đàn ông tên Tâm.  Người đàn ông này rỉ tai bà Anh một cách dễ kiếm tiền là chỉ cần kê khai tên những thân nhân đã chết và xác nhận tại địa phương rồi đi lĩnh tiền. Thấy ngon ăn, lại vừa mới “thành tâm khấn vái” nơi cửa đình, bà Anh đồng ý ngay. Sau khi hoàn tất các thủ tục như yêu cầu, bà Anh nhận được 21 triệu đồng nhưng bị Tâm “chặn” ngay 18,2 triệu đồng và đưa cho bà Anh 2,8 triệu tiền công.

Cứ như thế, 58 ụ đất trống được Dương Thành Dũng đắp lên nhằm chiếm đoạt tiền của nhà nước đã được hợp thức hóa thân nhân đến nhận và lãnh tiền đền bù theo quy định. Tất cả, 9 người đều được Dũng và đàn em dẫn dắt chỉ bảo mọi thủ tục để xác nhận thân nhân khống của những ngôi mộ trên. Số tiền mà bọn chúng chiếm đoạt của Nhà nước là 174 triệu đồng.

Vừa qua, Cơ quan CSĐT Công an TP HCM đã thi hành lệnh bắt tạm giam Dương Thành Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Thiên Đệ lợi dụng ký hợp đồng đo vẽ hiện trạng, trực tiếp chỉ đạo một số đối tượng lập hồ sơ khống chiếm đoạt tiền của nhà nước và làm rõ một vài vấn đề có liên quan đến việc lập mộ giả rút tiền trong dự án sân tập thể dục thể thao của Trường THPT Bà Điểm