Hành trình công lý

Giã từ quá khứ giang hồ để phục thiện

Tôi tò mò nhìn những cánh tay xăm vằn vện, dấu ấn của một thời giang hồ. Những tên tuổi cộm cán một thời ở Hà Nội như Hải “mán”, Tài "gỉ", Hòa "dô", Long "mỳ", Khôi "Tại", Điệp "sún"... và rất nhiều những tên tuổi giang hồ khác mà tôi cam đoan rằng, nếu tra trên mạng Google, bạn sẽ "choáng" bởi các "thành tích" mà họ đã gây ra. Nhưng hôm nay ngồi đây, tôi không thấy họ nhắc lại những "thành tích" ấy theo kiểu nhiều gã giang hồ nửa mùa vẫn thích thú "nổ" cho thiên hạ biết chơi..


Trong những câu chuyện mà tôi chú ý nghe được, chỉ có sự thăm hỏi về gia đình, vợ con, nhà cửa, cuộc sống có hạnh phúc và thu nhập có "ổn" không. Họ - những con người từng có thời gian cải tạo ở Trại giam Phú Sơn 4 cùng tề tựu trong một buổi gặp mặt 30/4 đã thành thông lệ hằng năm với tên gọi ngày "họp lớp Phú Sơn". Trước sự chứng kiến của đại diện Ban giám thị Trại giam Phú Sơn 4, họ đã trải lòng mình, đã kể về hành trình gian khó hướng thiện đầy gian nan thử thách.

1.Gần 200 người, cả nam và nữ, cả già và trẻ, đến từ nhiều tỉnh, thành như Lai Châu, Sơn La, Lạng Sơn, Hải Phòng, Nam Định, Hà Nội... đều có chung đặc điểm là có thời gian cải tạo ở Trại giam Phú Sơn 4. Những người bất đắc dĩ phải gặp nhau ở Phú Sơn hôm nay đã có sự trưởng thành đáng trân trọng. Có lẽ, tôi đã "soi" họ bằng con mắt của một nhà báo nên thấy hầu như ai cũng có một hình xăm nào đó khi cánh tay vô tình để lộ ra, dù là nam hay nữ. Anh Khanh - "lớp trưởng" và cũng là người có thâm niên ở Trại giam Phú Sơn lâu nhất trong số này với thời gian cải tạo lên tới... 19 năm, bây giờ đã là giám đốc của một công ty giải trí nói vui: "Bạn không cần phải mua vé vào Công viên Thủ Lệ, bởi các hình xăm của tất cả mọi người ở đây đã là một... vườn bách thú rồi".

Nhiều người trong số họ bây giờ đã trở thành các ông bà chủ của các xưởng cơ khí, nội thất ôtô, nhà hàng, doanh nghiệp xây dựng... Điều đặc biệt là họ đã giúp đỡ những người bạn tù có công ăn việc làm, thu nhập ổn định ở cơ sở của mình. Có thể, bạn chưa bao giờ có cảm giác như tôi - khi ngồi giữa những người từng một thời lầm lỗi, nhưng không phải trong bộ quần áo sọc của trại giam, thế nên tôi không muốn hỏi "anh (hoặc chị) mắc tội gì", mà chỉ hỏi "anh (hoặc chị) đi bao năm, về lâu chưa?". Quá khứ đôi khi cũng không cần thiết phải khơi gợi lại, nếu như nó thực sự khiến cả người hỏi và người trả lời đều bối rối nhưng quá khứ khi nhớ đến có thể lại dâng lên cảm giác tiếc nuối.

Đó là trường hợp của anh H - một vận động viên tán thủ, đã từng đi thi đấu quốc tế và rinh về vô số huân, huy chương, giải thưởng cho sự nghiệp thể thao nước nhà, chỉ vì một phút không làm chủ được hành động của mình đã phải trả giá. Khi trở về, anh H đã quyết tâm làm lại và hiện đang là giám đốc một công ty xây dựng ăn nên làm ra.

Có nhiều em bé còn đang ẵm ngửa cũng theo bố mẹ đến đây. Đó là kết quả của những mối tình mà bố mẹ chúng đã cùng nhau ươm mầm từ những ngày còn trong trại giam, yêu nhưng chỉ có thể trao lời qua ánh mắt và qua những ký tự đặc biệt được vẽ lên không khí mà chỉ những con người đã từng ở trại mới hiểu. Trong số gần 200 người này, đã có nhiều đôi nên duyên vợ chồng bắt đầu từ Trại giam Phú Sơn 4 ấy.

Đôi vợ chồng Thành “quạ” - Phương cứ ríu ra ríu rít bên đứa con mới 5 tháng tuổi, niềm vui riêng của họ cũng là niềm vui chung của cả "lớp Phú Sơn" này. Hạnh phúc càng khó chạm tới càng khiến con người ta nâng niu, gìn giữ. Thành - Phương không còn trẻ, và dù hạnh phúc tuy muộn mằn nhưng cũng khiến họ ngây ngất.

Tôi nhìn thấy sự xúc động chân thành dâng lên trong đôi mắt Phó Giám thị Trại giam Phú Sơn 4 - Thượng tá Hoàng Mạnh Quân. Chính anh là người đã thông báo với chúng tôi về cuộc hội ngộ đặc biệt này với lời nhắn nhủ: "Các nhà báo nên đến đó, để chứng kiến sự thay đổi rất đáng khích lệ của họ". Và chúng tôi hiểu, sự thành đạt của các phạm nhân khi đã hoàn lương đối với các anh - những người làm công tác cải tạo, giáo dục phạm nhân ở các trại giam - là một niềm vui vô bờ bến. Nhưng có một điều chúng tôi muốn nói, dường như xã hội vẫn e dè khi đón họ trở về, khi một số người trả lời phỏng vấn đều muốn chúng tôi không đưa tên thật lên báo, dù đã được thuyết phục. Bởi trong đáy sâu lòng mình, họ nói rằng, cuộc sống hiện tại rất bình yên, quá khứ là một cái gì đó đáng phải nhớ nhưng cũng có những quá khứ cần phải biết quên đi để sống tốt hơn. Và chúng tôi tôn trọng điều này.

2. Cuộc hội ngộ của hai ông chủ xưởng cơ khí lớn - một ở Hà Nội, một ở Thái Nguyên đã khiến nhiều người xúc động. Cả niềm vui và nước mắt. Một người khi vào trại đã có trong tay nghề hàn, đang làm công nhân ở nhà máy gang thép Thái Nguyên còn người kia mới là cậu thiếu niên 17 tuổi, đang học dở lớp 12. Nhờ sự dạy bảo của người thầy gặp được trong trại giam mà cậu học trò từng bỏ dở ước mơ trở thành sinh viên khoa Cơ khí, trường Đại học Bách Khoa đã "tốt nghiệp" với tay nghề "trên cả bậc 7". Khi "ra trường", thầy về quê ở thành phố Thái Nguyên mở xưởng rèn, trò về nhà ở Hà Nội thành lập Công ty. Đến nay, cả thầy và trò đều là những ông chủ.

Gặp lại trò, thầy mừng ra mặt vì "nó trưởng thành hơn cả sự trông đợi của tôi". Còn người học trò cũng không giấu nổi xúc động, chân thành cảm ơn những sự chỉ bảo mà từ khi còn trong trại, anh đã được học ở "thầy".

Chúng tôi xin trở lại căn nguyên mối nhân duyên thầy trò này để bạn đọc hình dung ra phần nào câu chuyện. Anh Hà Đình Tuấn, trú tại phường Tân Lập, thành phố Thái Nguyên đang làm công nhân nhà máy gang thép Thái Nguyên thì bị bắt vì tội tiêu thụ của gian. Án phạt 14 năm 6 tháng. Sau ngày nhập trại không lâu, anh được "biên chế" vào đội 34, đội cơ khí của phân trại K1. Với vốn kiến thức học được về hàn công nghiệp nặng cộng với kinh nghiệm hơn 10 năm làm thợ, lập tức anh được chọn mặt tôn làm thầy và được phong là Đội trưởng Đội Cơ khí, một trong những đội oách nhất trại. Mô hình dạy nghề theo kiểu học đi đôi với hành thực sự hữu ích. Những người trụ lại ở đội cơ khí cho đến lúc ra trại đều là người có tay nghề cao cả. Khi trở về, họ đều là thợ giỏi, sống được với nghề.

"Còn 10 ngày nữa là tròn 11 năm thì tôi ra trại", anh Tuấn cho biết. Ngần ấy năm, có rất nhiều phạm nhân đã được anh dạy nghề, truyền nghề. Anh cũng cùng với anh em ở đội tham gia xây dựng nhiều công trình của trại. Anh tự hào vô cùng khi kể về ngày thi công công trình nhà thi đấu, cả đội đã dùng tời, tời được cả khối kiến trúc đồ sộ mà không cần thứ máy móc hiện đại nào hỗ trợ. Thế nên, CBCS, anh em phạm nhân ví các anh như những "thần đèn" trại giam. Giữa cán bộ quản giáo, giáo dục với các anh có sự gần gũi, thân tình đáng ngạc nhiên. Nếu ai đó bảo những ngày ở tù là vô nghĩa, thì với anh Tuấn không hẳn như vậy. Những ngày này giúp anh thêm yêu lao động, trân trọng hơn những sản phẩm do mình làm ra.

Nhắc đến vợ, anh rất đỗi tự hào. Chị đã đợi anh hơn 10 năm trời, đã một mình nuôi dạy hai đứa con. Anh nói rằng, với phần lớn những người án dài như mình, người vợ hoặc người chồng đều đề nghị ly hôn. Đó là một cú sốc tinh thần mà nhiều phạm nhân khó vượt qua. Nhưng anh lại là một trường hợp may mắn, khi trở về anh đã đền đáp công ơn vợ mình bằng cách làm ăn chân chỉ. Cái xưởng cơ khí mở tại nhà lúc nào cũng râm ran tiếng búa, tiếng đe. Gần chục người thợ, trong đó có cả bạn tù cùng anh gầy dựng cuộc sống trong niềm vui lao động. Nhìn vào các anh, thiên hạ chẳng ai dám miệt thị gọi là... thằng tù.

Trở lại với người học trò của anh Tuấn, anh Nguyễn Tuấn Hà (do yêu cầu nhân vật, chúng tôi xin đổi tên), chúng tôi mới thấy rằng, chí khí của người thiếu niên phạm sai lầm khi đang là cậu học trò lớp 12 thật đáng khâm phục. Do mâu thuẫn trong giao thông, Hà đã gây án. Tưởng rằng tất cả đã khép lại, thế nhưng sự khoan hồng của pháp luật đối với trẻ vị thành niên, sự động viên khích lệ của cán bộ và đặc biệt là "trường" đào tạo nghề trong trại giam đã làm thay đổi mọi suy nghĩ bi quan của Hà. Trước khi gây án, Hà đã thi thử vào trường Đại học Bách Khoa. Nào ngờ, chưa kịp biết điểm thi thử, chưa kịp làm hồ sơ thi vào khoa Cơ khí thì Hà bị bắt. Hà gia nhập đội quân 34 (đội 34), phân trại K1 để tiếp tục ước mơ đến với nghề cơ khí dở dang của mình. Tại đây, anh được các "thầy", những người cũng mặc bộ quần áo sọc như mình chỉ dẫn.

Hà hỏi tôi cảm nhận về cái cổng của trại Phú Sơn. Ngay lập tức, tôi bảo đó là một cánh cổng trại giam gây thiện cảm với tất cả mọi người. Hà liền cười bảo, "có bàn tay của tôi đó". Nếu chưa đi qua cánh cổng sắt sơn màu xanh trang nhã với hình khối, hoa văn không chê vào đâu được, thì thật khó cảm nhận được sự tài hoa của những người thợ cơ khí đặc biệt, trong đó có Hà. Đó không phải là cánh cửa sắt nặng trịch, chỉ có tác dụng đóng, mở mà còn là một hình khối kiến trúc toàn vẹn, thanh nhã. Nó giúp người ta xoá đi ý nghĩ về sự đáng sợ đằng sau cánh cửa nhà tù. Những ai đi qua cánh cửa này thăm con, em mình, những người đang trả giá cho sự lầm lỗi cũng yên tâm hơn về môi trường cải tạo này.

10 năm ở tù, khi trở về với sự giúp đỡ của gia đình, bạn bè, Hà đã thành lập Công ty TNHH chuyên kinh doanh sắt thép và có một xưởng cơ khí... Một nửa công nhân của Hà là bạn tù và con em của họ. Không chỉ là ông chủ, hiện nay Hà còn đang là sinh viên năm thứ 3, Trường Đại học Kinh tế quốc dân. Thì ra, việc đầu tiên sau khi ra trại là Hà đi học bổ túc để tốt nghiệp PTTH, sau đó thi ngay vào hệ tại chức, Đại học Kinh tế quốc dân. Trong thời gian học bổ túc, Hà gặp được vợ mình. Một cuộc sống riêng tư vui vầy, công việc yêu thích và tương lai thực sự đang mỉm cười với Hà.

3. Có thể ở trong trại giam, những người mà hôm nay chúng tôi gặp đã nhìn các cán bộ có nhiệm vụ cải tạo, giáo dục họ như "ban Quân" (Thượng tá Hoàng Mạnh Quân - Phó giám thị Trại giam), "thầy Ngọc" (Trung tá Lê Đức Ngọc, cán bộ giáo dục) bằng ánh mắt và suy nghĩ của những người đang có tội nhưng ngày hôm nay, tôi đã chứng kiến nhiều lời cảm ơn được thốt lên từ đáy lòng với những người thầy đặc biệt ấy. Những bài hát vang lên tự nhiên, trong trẻo và rất đỗi chân thành. Không ai nghĩ những người đang hát vang các bài hát ca ngợi Đảng, Bác Hồ kia lại là những người từng mang án hàng chục năm tù, thậm chí cả án chung thân về các tội đặc biệt nghiêm trọng như giết người, cướp tài sản...

"Tôi luôn kính phục và mến yêu thầy Trần Xuân Quảng. Đó là một quản giáo rất nghiêm khắc, ai đã vi phạm kỷ luật thì thầy không tha nhưng chính thầy lại là người luôn muốn để anh em được trở về sớm hơn. Thế nên, dù có bị kỷ luật, thầy vẫn tạo mọi điều kiện để anh em không bị cắt giảm thi đua", Hà đã nói về quản giáo Trần Xuân Quảng bằng lòng biết ơn vô hạn như vậy. Còn anh Long, biệt hiệu Long "mỳ" thì cho biết: "Ý tưởng tổ chức "lớp Phú Sơn" xuất phát từ ý nghĩ, chúng tôi phải giúp nhau. Giúp nhau sống tốt hơn và đẹp hơn trong mắt cộng đồng". "Lớp Phú Sơn" còn thành lập quỹ, quỹ giúp đỡ nhau khi ai đó gặp khó khăn, bệnh tật, hoạn nạn và cả những chuyện hiếu hỷ của mỗi gia đình. Sự quan tâm của những người từng mắc sai lầm, từng trưởng thành trong môi trường trại giam tới nhau thật đáng để cộng đồng tin tưởng. Họ đã thực sự trở về


  Cao Hồng - Đinh Hiền