Hành trình công lý

Pháp luật không thể vì tình mà bỏ qua hành vi của Phạm Minh Kỳ

Tóm lược nội dung vụ án: Đầu năm 2002, anh Phạm Minh Kỳ (SN 1982) trú tại thị trấn Phú Túc, huyện Krông Pa (Gia Lai) kết hôn với chị Trần Thị Diễm Trinh (SN 1986) khi cả hai trót "ăn cơm trước kẻng". Vốn là quan hệ xóm giềng nên cả hai gia đình cùng tổ chức bằng một lễ cưới linh đình. Đứa con trai ra đời cùng năm. Mặc dù chưa đăng ký kết hôn (Trinh chưa đủ tuổi) nhưng họ đã chung sống như vợ chồng với nhau trong 9 năm.

 

 

Đến năm 2008, Trinh bắt đầu có dấu hiệu thiếu thuỷ chung với chồng, sống buông thả, nhiều đêm không về với chồng con. Mỗi tháng, Trinh chỉ tạt qua nhà vài bữa rồi đi biền biệt. Sáng ngày 30/11/2008, anh Kỳ theo dõi và bắt quả tang Trinh đang "quan hệ" với một người đàn ông tại khách sạn. Sau khi bị bắt quả tang, Trinh bỏ nhà đi hẳn. Tháng 11/2009, anh Kỳ gửi đơn lên TAND huyện Krông Pa xin ly hôn nhưng Tòa án không thụ lý vì anh Kỳ và chị Trinh chưa đăng ký kết hôn.

Bất ngờ xảy ra, Trinh và bố mẹ đẻ của mình đã gửi đơn đến công an huyện tố cáo anh Kỳ đã hãm hiếp Trinh. Ngày 5/8/2010, công an huyện Krông Pa đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự và khởi tố bị can đối với anh Phạm Minh Kỳ về tội Giao cấu với trẻ em (quan hệ tình dục với Trinh khi cô này chưa đủ tuổi thành niên - PV) theo Điều 115 của Bộ luật Hình sự. Ngày 9/8, Kỳ bị CQĐT Công an Krông Pa bắt tạm giam 4 tháng. Sự việc trên đã gây nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận.

Tiếp tục tranh luận vụ án, trong số báo này, chuyên mục "Thử tài tranh tụng" xin đăng tải ý kiến của tác giả Nguyễn Văn Hiếu - Học viện Cảnh sát Nhân dân nêu quan điểm, không thể vì tình bỏ qua hành vi phạm tội của Kỳ.



Trường hợp của bị can Phạm Minh Kỳ nêu trên, tôi tin rằng, mọi người cũng như tôi đều nhận thấy, hành vi của vợ và gia đình vợ bị can Kỳ chỉ được xem xét trong phạm vi đạo đức xã hội. Nhưng đối chiếu với hành vi của Kỳ với pháp luật hình sự thì Kỳ đã đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm. Và theo tôi, đã vi pháp pháp luật hình sự thì phải xử lý.

Tôi không đồng ý với quan điểm của tác giả Phong Hàn nêu ra ở số báo trước rằng, hành vi của Kỳ chỉ có thể xử lý về tội Tảo hôn theo Điều 148 BLHS. Nêu quan điểm như vậy là không chính xác, bởi hành vi giao cấu trước đó của Kỳ với chị Trinh khi chưa đủ 16 tuổi là đã đủ yếu tố cấu thành tội Giao cấu với trẻ em theo Điều 115 BLHS 1999.

Quan điểm của tôi cho rằng, tuy không được pháp luật thừa nhận (vì không có đăng ký kết hôn) nhưng người địa phương đều biết việc Kỳ và Trinh chung sống với nhau như vợ chồng và đã có con chung. Trên thực tế, điều này không ảnh hưởng tới việc định tội danh, bởi các quy định của pháp luật không còn công nhận hôn nhân thực tế tại thời điểm Kỳ và Trinh cưới nhau.

Quan điểm cho rằng: Có thể linh động áp dụng khoản 1 Điều 25 của BLHS (quy định về việc miễn trách nhiệm hình sự), để miễn truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Phạm Minh Kỳ. Căn cứ để áp dụng điều luật này là do "hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa". Khoản 1 điều 25 ghi rõ: "Người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự, nếu khi tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử, do chuyển biến của tình hình mà hành vi phạm tội hoặc người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa...”. Ví dụ: Tội lạm sát gia súc, tội hủy hoại tiền (BLHS 1985) không được quy định là tội phạm ở BLHS 1999. Như vậy có thể thấy, nếu căn cứ vào đây mà miễn TNHS cho anh Kỳ là không có cơ sở, vì điều này đồng nghĩa với việc nói hành vi giao cấu với trẻ em là không còn nguy hiểm. Hơn nữa, thời gian gần đây dư luận xôn xao vì hàng loạt vụ án giao cấu với trẻ em được đưa ra xử lý, như vậy có thể thấy rõ tính nguy hiểm cho xã hội của loại tội phạm này cần nghiêm khắc trừng trị.

Theo tôi, trong vụ việc này, Kỳ phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi đã thực hiện. Nhưng xét thực tế tình tiết của vụ việc, 2 người đã chung sống 9 năm, đã sinh con chung, vụ việc chỉ phát lộ khi Trinh có người đàn ông khác. Nếu áp dụng hình phạt nghiêm khắc với anh Kỳ thì đứa con của anh phải chịu thiệt thòi, mẹ bỏ theo người đàn ông khác, bố đi tù, hậu quả cho xã hội vẫn còn... Những yếu tố này tòa có thể xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo tinh thần khoản 2 Điều 46 BLHS chứ không thể bỏ qua việc xử lý Phạm Minh Kỳ theo Điều 115 BLHS năm 1999.       

Nguyễn Văn Hiếu