Hành trình công lý

Ý kiến về “Vụ án con chó mực mất tích”: Kiện bằng niềm tin, được không?

Ngay từ khi nộp đơn, đương sự phải chứng minh rằng yêu cầu khởi kiện của mình là có cơ sở và hợp pháp.


Trên số báo ngày 18-4, chúng tôi đã phản ánh chuyện ông T. nghi ngờ người hàng xóm đã trộm và ăn thịt con chó mực thân yêu của mình nên khởi kiện ra TAND quận 12 (TP.HCM) đòi bồi thường hai triệu đồng.

Vụ kiện có tình tiết pháp lý thú vị là ông T. chỉ dựa vào “niềm tin chắc chắn” chứ không có một chứng cứ nào. Ông bảo mình “có nhiều suy luận hợp lý” cho thấy chính người hàng xóm đã bắt chó của ông làm thịt mời bạn bè nhậu. Cụ thể, nếu không bắt chó nhà ông thì người hàng xóm không dễ dàng bỏ qua cho ông khi ông mấy lần đến “nói chuyện phải quấy”. Hơn nữa, người hàng xóm “thường tỏ ra bối rối” khi ông đề cập đến chuyện con chó bị thịt trong bữa nhậu đó là chó đen hay chó vàng, bao nhiêu ký, mua của ai, lúc nào...

Không thể kiện “trời ơi”?

Thạc sĩ Phùng Thị Hòa, nguyên Trưởng khoa Dân sự - Kinh tế Trường cao đẳng Kiểm sát TP.HCM, nhìn nhận ngay rằng tòa không thể thụ lý vụ kiện của ông T. Bởi theo luật, khi nộp đơn kiện, đương sự phải chứng minh yêu cầu khởi kiện là có căn cứ và hợp pháp. Ở đây, cơ sở khởi kiện của ông T. chỉ là niềm tin, là suy luận mà thiếu đi các tài liệu, chứng cứ chứng minh chuyện khởi kiện là có cơ sở.

Đồng tình, luật sư Nguyễn Tấn Thi (Văn phòng luật sư Hoa Sen) phân tích thêm, luật quy định đương sự khi khởi kiện phải kèm theo tài liệu, chứng cứ liên quan nhằm hạn chế những vụ kiện “trên trời dưới đất”, kiện tào lao, kiện không đâu vào đâu, cứ muốn kiện ai là đi kiện.

Một thẩm phán TAND TP.HCM cho biết ông đã từng gặp rất nhiều trường hợp đi kiện nhưng không có chứng cứ nào cho thấy chuyện kiện tụng là có cơ sở. Khi đó, ông thường yêu cầu đương sự bổ sung tài liệu, chứng cứ; nếu đương sự không bổ sung được thì sẽ trả lại đơn kiện vì chưa đủ điều kiện khởi kiện. Với trường hợp của ông T., thẩm phán này nhận xét: “Mọi thứ trừu tượng quá, chung chung quá, không cụ thể chút nào. Cái mà ông T. tin tưởng, suy luận đâu phải lúc nào cũng đúng, nhiều khi lại sai thì sao?”...

Tòa vẫn thụ lý được?

Theo thẩm phán Tôn Văn Trung - Phó Chánh án TAND quận 12 (TP.HCM), hiện ông chưa được báo cáo về vụ này nên không biết là ông T. đã nộp đơn lên tòa hay chưa, hay đơn kiện đang nằm ở bộ phận thụ lý. Theo nhận định ban đầu của ông thì TAND quận 12 cũng khó mà thụ lý bởi đây là một vụ kiện dân sự, đương sự phải tự chứng minh yêu cầu ngay từ khi nộp đơn chứ không thể chỉ dựa vào niềm tin, vào suy luận rồi buộc tòa phải khởi động cả một guồng máy tố tụng.

Tuy nhiên, thẩm phán Trung vẫn để ngỏ một khả năng là không loại trừ trường hợp tương tự vẫn có tòa khác thụ lý vì việc đánh giá thế nào là có cơ sở để thụ lý tùy thuộc vào ý chí chủ quan của mỗi tòa. Tuy nhiên sau đó, trong suốt quá trình giải quyết án, đương sự sẽ phải đưa ra chứng cứ để bảo vệ quyền lợi của mình và bên bị đơn cũng có quyền phản tố. Chuyện ai đúng, ai sai tòa sẽ xem xét, kết luận dựa trên các chứng cứ hai bên trưng ra.

Thoáng hơn, thẩm phán Nguyễn Huỳnh Đức (TAND huyện Dĩ An, Bình Dương) và luật sư Nguyễn Thanh Lương (Phó Chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Bến Tre) đề xuất gặp trường hợp này, các tòa cứ nên mạnh dạn thụ lý dù đương sự chưa trình ra được chứng cứ ngay.

Thẩm phán Đức lý giải: Đây là một vụ đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng chứ không phải là một tranh chấp tài sản. Ông T. thấy có thiệt hại và chỉ rõ được người gây thiệt hại thì ông yêu cầu. Tòa chỉ nên xét mối tương quan như vậy mà thụ lý, giải quyết. Những yêu cầu khắt khe về các tài liệu, chứng cứ tòa sẽ yêu cầu ông T. cung cấp sau trong quá trình giải quyết án. Nếu ông T. không chứng minh được yêu cầu của mình thì lúc đó tòa bác đơn. Trong trường hợp phía bị đơn phản tố và chứng minh được mình đúng thì tòa sẽ chấp nhận sự phản tố đó. 

Tài liệu, chứng cứ kèm đơn khởi kiện:

Người khởi kiện phải gửi kèm theo đơn khởi kiện tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho những yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp.

(Điều 165 Bộ luật Tố tụng dân sự)

Theo Pháp luật TP.HCM