Hành trình công lý

Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp huyện Sóc Sơn (Hà Nội): Vì sao vẫn "vướng" khâu đền bù GPMB?

Ngày 8.12.2009, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu công nghiệp và đô thị thuộc Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội phối hợp với UBND xã Mai Đình, UBND huyện Sóc Sơn, tiến hành san lấp mặt bằng xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp vừa và nhỏ tại xã Mai Đình. Tuy nhiên, việc thi công đã không thể thực hiện được do người dân các thôn Mai Nội, Nội Phật, Song Mai Động... có đất nằm trong chỉ giới GPMB đã không bàn giao mặt bằng.



 

 

Chủ đầu tư "vội vã", người dân chịu thiệt?

Theo đơn khiếu nại của ông Nguyễn Văn Huấn, đại diện cho các hộ dân thôn Mai Nội, xã Mai Đình, huyện Sóc Sơn thì ngày 22.7.2009, người dân Mai Nội nhận được thông báo của UBND xã Mai Đình trên loa truyền thanh là ngừng sản xuất nông nghiệp để bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư là Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội. Các hộ dân có đất đã chấp hành thựuc hiện. Tuy nhiên, trong quá trình GPMB chủ đầu tư đã không thực hiện đúng trình tự, thủ tục về đền bù, hỗ trợ theo quy định của UBND thành phố Hà Nội, đặc biệt là chưa có dất tái định cư cho các hộ dân bị mất 30% đất nông nghiệp, chưa có phương án trả tiền hay ghi nợ bằng đất tái định cư, nhưng đã "vội vã" tiến hành trả tiền cho dân để lấy đất.

Cũng theo phản ánh của các hộ dân, khi chủ đầu tư chưa hoàn thiện việc đền bù, GPMB thì Chính phủ ban hành Nghị định số 69/2009/NĐ-CP ngày 13.8.2009, UBND thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 108/2009/QĐ- UBND ngày 29.9.2009. Khi các văn bản mới này có hiệu lực, đáng lẽ chủ đầu tư cần phải điều chỉnh về phương án bồi thường, để hỗ trợ cho những hộ dân trực tiếp sản xuất nông nghiệp chuyển đổi nghề nghiệp, ổn định đời sống, sản xuất. Nhưng, chủ đầu tư đã không thực hiện, mà áp dụng theo Quyết định số 18/2008/QĐ-UBND ngày 29.9.2008 của UBND thành phố Hà Nội.

Việc đền bù, GPMB được  chủ đầu tư áp dụng theo Quyết định số 18/2008/QĐ-UBND nhưng lại chưa có đất tái định cư và quá trình kê khai có nhiều sai sót. "Người dân đã được phát tờ khai, nhưng khi lên phương án đền bù lại không theo tờ khai. Việc kê khai, kiểm đếm, lên phương án bồi thường, hỗ trợ có rất nhiều sai sót. Đặc biệt là chưa có đất tái định cư với những hộ bị mất trên 30% đất nông nghiệp được sản xuất tái định cư theo quy định tại điểm 2- 3, Điều 40, Quyết định 18..." - anh Nguyễn Văn Huấn cho biết. "Khi Chính phủ ban hành Nghị định 69/2009/NĐ-CP, Ban quản lý dự án, Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội "nhanh chóng" xây dựng phương án bồi thường và thông báo cho dân nhận tiền ngay trong tháng 8.2009 với mức giá 65.000.000 đồng /sào (360m2), khoảng 180.000 đồng /m2, là mức giá thấp hơn nhiều so với Quyết định 108, gây thiệt thòi quá lớn cho người dân bị mất đất..." - bà Đỗ Thị Cấp thôn Song Mai Đông, xã Mai Đình nói.

Quyền lợi người dân có được đảm bảoà?

Ngày 22.7.2008, UBND TP Hà Nội có Quyết định số 2949/QĐ- UBND thu hồi 518.926m2 đất tại xã Mai Đình, huyện Sóc Sơn, giao cho Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội - chủ đầu tư thuê để thực hiện dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp vừa và nhỏ huyện Sóc Sơn. Hình thức sử dụng đất là thuê đất có thời hạn 50 năm, trả tiền thuê đất hàng năm. Thực hiện Quyết định này, chủ đầu tư đã tiến hành giải phóng mặt bằng, lấy đất. Nhưng khi tiến hành thi công ngoài hiện trường, người dân thôn Mai Nội đã ngăn cản vì cho rằng, chủ đầu tư chưa có đất tái định cư đối với hộ mất trên 30% đất nông nghiệp, chưa hỗ trợ học nghề, chuyển đổi việc làm và chưa hỗ trợ hoa màu như chủ đầu tư cam kết.

Để lắng nghe và giải quyết thắc mắc của các hộ dân, ngày 23.11.2009, Phó Chủ tịch UBND xã Mai Đình Nguyễn Văn Thắng để chủ trì cuộc họp với sự tham gia của các bên. Các hộ dân có đất đề nghị lãnh đạo xã bảo vệ quyền lợi của các hộ dân, yêu cầu chủ đầu tư thực hiện đúng Điều 40, Quyết định 18.2008/QĐ-UBND của UBND Thành phố Hà Nội nếu như việc đền bù, GPMB thực hiện theo Quyết định này. Hoặc, thực hiện việc đền bù, GPMB theo Quyết định 108 thì phải trả tiền hỗ trợ học nghề, chuyển đổi việc làm. "Việc hỗ trợ đào tạo nghề, chuyển đổi việc làm là việc hết sức cần thiết đối với các hộ dân. Điều này vừa theo đúng quy định của pháp luật, vừa giúp chủ đầu tư sau này có thể tuyển những lao động tại địa phương vào làm việc tại khu công nghiệp. Các hộ dân đã nhiều lần kiến nghị đối với UBND huyện Sóc Sơn, chủ đầu tư nhưng đều không được trả lời một cách thỏa đáng..." - ông Đỗ Văn Tuyên, thôn Song Mai Động, xã Mai Đình, Sóc Sơn bức xúc khi trao đổi với PV. Đề nghị của các hộ dân vẫn chưa được thực hiện và Phó Chủ tịch UBND xã Mai Đình bỏ giữa chừng cuộc họp, không ký vào biên bản cuộc họp.

Thực tế, theo UBND huyện Sóc Sơn thì dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp vừa và nhỏ có 253/453 hộ bị thu hồi trên 30% diện tích đất nông nghiệp được giao theo Nghị định 64/NĐ- CP. UBND huyện Sóc Sơn chưa phê duyệt và chưa có cam kết bằng văn bản công khai đến người dân bị thu hồi đất về phương án hỗ trợ giao đất hoặc bằng tiền một lần, chưa chuẩn bị xong quỹ đất ở. Thậm chí cho đến khi chủ đầu tư tự cưỡng chế các hộ dân bàn giao mặt bằng thì vẫn chưa có phương án bố trí tái định cư cho các hộ dân bị mất trên 30% đất nông nghiệp.

Người dân vô cùng bức xúc và gửi đơn khiếu nại lên các cấp. Ngày 24.12.2009, Hội đồng Bồi thường, hỗ trợ tái định cư UBND huyện Sóc Sơn có Văn bản số 54/HĐBT, HTr&TĐC trả lời kiến nghị các hộ dân liên quan tới chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. UBND huyện Sóc Sơn đã chỉ đạo Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội, Ban quản lý Dự án huyện phối hợp với UBND xã Mai Đình tổng hợp số hộ có đất nông nghiệp được giao theo Nghị định số 64/NĐ- CP của Chính phủ bị thu hồi trên 30%, tổ chức công khai, dân chủ, tổng hợp hộ dân có nguyện vọng nhận tiền, số hộ có nguyện vọng nhận đất theo quy định tại Quyết định số 18/2008/QĐ- UBND của UBND Thành phố Hà Nội. UBND huyện chỉ đạo Trung tâm phát triển quỹ đất huyện lập dự án chuẩn bị quỹ đất tái định cư để trả cho các hộ bị thu hồi trên 30% diện tích đất nông nghiệp có nguyện vọng nhận đất.

Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng đền bù, GPMB Nguyễn Đức Trí cho biết, để giải quyết những tồn tại, vướng mắc, UBND huyện Sóc Sơn đã đề nghị UBND Thành phố Hà Nội cho phép áp dụng khoản 1, Điều 40, Quyết định 108/2009/QĐ- UBND ngày 29.9.2009 là hỗ trợ 5 lần giá đất nông nghiệp do thành phố quy định theo diện tích thực tế bị thu hồi nhưng tối đa không quá hạn mức đất nông nghiệp được giao; Xem xét có chính sách hỗ trợ khác cho các hộ dân có đất nông nghiệp bị thu hồi dưới 30% đã được phê duyệt và nhận tiền đền bù trước ngày 1.10.2009.

Người dân xã Mai Nội, Sóc Sơn đang mong chờ UBND Thành phố Hà Nội sẽ có những quyết định đúng đắn, hỗ trợ họ chuyển đổi nghề nghiệp, đào tạo việc làm, ổn định đời sống và tránh những thiệt thòi không đáng có khi không còn đất nông nghiệp để sản xuất.

Phương Nguyên

                                                                                                                                                                   Theo doisongphapluat.com.vn