Hành trình công lý

Viết tiếp bài xung quanh những sai phạm ở xã An Nông, Triệu Sơn, Thanh Hóa

Với hàng loạt những sai phạm có hệ thống của lãnh đạo xã An Nông mà đứng đầu là ông Chủ tịch Lê Xuân Việt (đã nêu ở kỳ trước), UBND huyện Triệu Sơn đã có hình thức kỷ luật các cá nhân vi phạm. Nhưng mức độ chỉ là cảnh cáo và khiển trách khiến người dân không đồng tình. ông Trần Đình Thuấn, thôn Vĩnh Trù 3, bức xúc: "Việc UBND huyện Triệu Sơn, thanh tra và xử lý những kẻ tham nhũng chưa thực sự thoả đáng, hình thức kỷ luật chưa đủ sức răn đe, đúng người nhưng chưa đúng tội.



 

Nhờn luật vì xử lý quá nhẹ

Khi toàn Đảng và toàn dân đang ra sức học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh mà chính quyền các cấp lại bao che, nương nhẹ cho những con đỉa bòn rút của nhân dân như vây là không hợp lý, tiếp tay cho tham nhũng".  Đúng như lo sợ của người dân, khi tình hình mới được hạ nhiệt ông Chủ tịch Lê Xuân Việt tiếp tục triển khai kế hoạch hô biến đất nông nghiệp thành đất thổ cư. Theo đơn tố cáo của công dân, trong năm 2006, 2007 UBND xã An Nông đã bán 10 suất đất tại các khu vực đất 2 lúa trái thẩm quyền. Cụ thể là khu vực đồng Láng có 3 suất, 2 suất đồng ó, 3 suất đồng Bút, 1 suất ở khu vực đồng Tàu, trung bình mỗi suất có diện tích 250m2. Thế nhưng không hiểu lý do gì mà trong kết luận thanh tra huyện Triệu Sơn chỉ xác định là UBND xã đã giao đất không đúng mặt bằng quy hoạch chi tiết khu dân cư. Hiểu theo kết luận thanh tra là UBND xã An Nông đã bán đất trên giấy, sau đó mới giao đại vào đất 2 lúa (vùng giáp ranh)? Điều đặc biệt là trong thời điểm tấc đất, tấc vàng, ông Chủ tịch Lê Xuân Việt vẫn thản nhiên để cho hộ ông Hà Xuân Nho lấn chiếm đất và làm nhà mà không có bất kỳ một biên bản hay phương án gì để xử lý vi phạm. Đáng ngạc nhiên hơn, ông Việt bật đèn xanh cho cán bộ địa chính xã, Lê Quang Trung tạm ứng tiền sử dụng đất của các hộ dân (riêng hộ ông Giảng là 3,5 triệu đồng) để chi dùng mà không có bất kỳ thủ tục thu, chi gì. Khi công ty Xăng dầu Thanh Hoá đã quá thời hạn thuê 2.000m2 đất tại khu vực đồng Mưa để làm cây xăng (theo công văn số 4842/UBND-NN ngày 16.11.2007 của UBND tỉnh Thanh Hoá đã hết thời hạn xây dựng công trình). UBND xã An Nông không lập tờ trình báo cáo huyện lại tự ý cho một cá nhân khác thuê lại? Giá cả bao nhiêu, thủ tục như thế nào?  Vẫn là những câu hỏi chưa có lời đáp!?

Không chỉ có vậy, ông Chủ tịch Lê Xuân Việt còn tự ý ký các hợp đồng thuê đất làm trang trại. Đằng nào cũng chuẩn bị mãn nhiệm, hết khoá, sai, đúng gì thì khoá sau xử lý chứ đâu đến lượt mình? Trước khi hạ cánh tranh thủ tạo điều kiện cho người dân làm được gì hay cái ấy? Cụ thể là ông Việt đã ký hợp đồng giao thầu cho hộ ông Trần Hữu Choang, 5.170 m2 đất, từ 2006 đến 30.10.2013; cho hộ ông Lê Đình Phú (ở thị trấn Triệu Sơn) hợp đồng thầu 44.362 m2, thời hạn thầu là 50 năm, số tiền 355.810.000 đồng. Không biết những khoản thuê, thầu này có vào sổ sách hay không và tiền sử dụng vào mục đích gì? Người dân thì đặt câu hỏi, liệu có những cuộc đi đêm tới nhà Chủ tịch để được ưu tiên như vậy?

Chưa dừng lại ở đó, trong đơn tố cáo của công dân gửi cho ĐS&PL có nêu, từ tháng 7.2009, Chủ tịch xã An Nông vẫn xem thường pháp luật, ngang nhiên bán đất 2 lúa ở 3 xứ đồng. Cụ thể là bán đất đồng Mưa, 17 suất, diện tích 4.700m2, đồng Ngó bán 11 suất, diện tích 1.650m2, vùng đồng Tàu là 200m2. Tổng diện tích bán đất 2 lúa là 6.550 m2, trong khi người dân không có đất sản xuất, khi bán đất không thông báo, thiếu quy chế dân chủ. Số tiền UBND xã đã và sẽ bán đất được bao nhiêu, sử dụng ra sao, ai là người dám sát, kiểm tra cần được UBND huyện Triệu Sơn làm rõ.

Ăn chặn cả tiền hỗ trợ mẹ liệt sỹ, nạn nhân nhiễm chất độc da cam

Trong đơn khiếu nại được người con gái viết hộ cho người mẹ liệt sỹ Lê Thị Mùi,  gần 90 tuổi, có đoạn: "Gia đình được nhà doanh nghiệp Lê Anh Thọ hỗ trợ 8 triệu đồng và 1 bức trướng. Tiền vừa nhận thì xã yêu cầu mang tiền lên để xem xét, khi xem xét xong xã đưa lại có 5 triệu, còn 3 triệu chính quyền xã giữ. Sau nhiều lần khiếu nại lên UBND huyện thì ông Chủ tịch mới gọi con rể bà Mùi là Vũ Trọng Thuyết nhận thêm 2 triệu. ông Vũ Trọng Hải, Chủ tịch mặt trận đưa lại 500.000 đồng, còn 500.000 đồng xin làm công tác phí?”. 

Khi dự án hỗ trợ người khuyết tật và nạn nhân chất độc da cam được tổ chức phi chính phủ Mỹ tài trợ 137 triệu đồng, UBND xã An Nông không cấp phát một lần mà chia nhỏ theo kiểu ban ơn và bấu, xén. Trong đơn tố cáo ông Nguyễn Đức Màu, thôn 12 có trình bày: “Gia đình tôi thuộc diện được hỗ trợ của tổ chức phi chính phủ Mỹ, 2 triệu đồng. Trên thực tế tôi mới nhận được 500 nghìn đồng và 1 tạ cám chăn nuôi (trị giá 300 nghìn đồng). Khi chúng tôi có đơn lên UBND xã để khiếu nại thì mới cho thêm 3 túi bột, 5 kg (trị giá 105 nghìn đồng)”. Số tiền còn lại không biết đã chạy đi đâu? Không chỉ có ông Màu mà hàng chục gia đình khác có đơn tố cáo lãnh đạo xã An Nông ăn chặn tiền hỗ trợ này. Như nhà ông Nguyễn Văn Bình, thôn Đô Trình 3, có 1 đứa con bị chất độc da cam, trong diện nhận hỗ trợ 2 triệu đồng nhưng chỉ được nhận có 500 nghìn đồng và 1 tạ cám chăn nuôi. Cứ theo cách tính thông thường, số tiền đến được tay người dân đã bị chặt đầu, chặt đuôi gần một nửa.

Những sai phạm của lãnh đạo xã An Nông đã có hệ thống và quá rõ ràng, nếu không có một cuộc đại giải phẫu thì chắc hẳn người dân quanh năm vẫn bị bòn rút một cách trắng trợn. UBND huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hoá cần có động thái mạnh mẽ và quyết liệt hơn, xử lý những tập thể, cá nhân sai phạm nhằm lấy lại lòng tin của quần chúng nhân dân.

Thanh Phương

                                                                                                                                                                         Theo doisongphapluat.com.vn