Hành trình công lý

Xung quanh những sai phạm ở An Nông, Triệu Sơn, Thanh Hoá: Chuyện cũ ủ mãi vẫn mới

Ngay sau khi lên nắm quyền (1998), Chủ tịch xã An Nông, Lê Xuân Việt đã triệt để thực hiện những chính sách của mình nhằm moi tiền từ bán đất, các dự án xây dựng: đường điện, kênh mương, trường học, trạm xá... sử dụng vào mục đích riêng. Cuộc đại giải phẫu chỉ thực sự bắt đầu khi hàng trăm người dân nơi đây kéo xuống UBND huyện, tỉnh để phân rõ trắng, đen


Hô biến đất công thành đất tư

Vừa ngồi vào chiếc ghế của vị lãnh đạo cao nhất UBND xã mà người tiền nhiệm bỏ lại dang dở, ông Lê Xuân Việt đã thực hiện chiến lược hô biến đất công thành đất tư. Những khu vực đất nông nghiệp giáp ranh với đất thổ cư đều được quy hoạch, phân lô, mở đường với chiêu bài giãn dân. Để che đậy cho ý đồ không minh bạch này, ông Chủ tịch thực hiện theo kế sách quy hoạch đại trà nhưng bán nhỏ lẻ. Tại mỗi khu được xác định là đất thổ cư trong tương lai xa, xã sẽ bán ngay 1 vài lô cho các hộ có nhu cầu. Chẳng hạn như ở khu vực đồng ó, xã đã bán 2 lô (lô 1, lô 4). Điều đặc biệt là hầu hết các hộ mua đất đều là những vị tai to mặt lớn trong xã. Trong đó có cả Bí thư đảng uỷ xã, Phó Chủ tịch xã, Chủ tịch MTTQ xã, Chuyên viên phòng TNMT huyện, các trưởng thôn... Chỉ khi các vị này có nhu cầu thì mới có chủ trương bán đất, còn không thì thị trường đóng cửa. Kỳ lạ hơn, những số tiền xã thu không hề có hoá đơn thanh toán rõ ràng, tạo kẻ hở cho hệ thống cán bộ xã chiếm dụng đất.

Tại kết luận thanh tra 1680/KL-CT của UBND huyện Triệu Sơn, ngày 29.12.2005 có nêu: từ năm 1998 tới 2004 UBND xã đã bán trái thẩm quyền 40 suất đất, diện tích 9.291m2, gồm đất lúa, đất màu, đất khác, số tiền phải truy, thu là 776,2 triệu đồng. Tuy nhiên, khi Thanh tra tỉnh Thanh Hoá vào cuộc thì số đất bán trái phép là 55 hộ, tổng diện tích 12.095 m2, số tiền phải thu 820.920.000 đồng, được thể hiện trong công văn số 5281/UBND-TD của UBND tỉnh, ngày 12.12.2006. Không chỉ dựa vào quỹ đất, lãnh đạo xã An Nông còn dùng nhiều vòi khác nhau để trục lợi.

Khai man rút ruột công trình

Tính tới thời điểm năm 2007, có 4 công trình đáng chú ý: ngôi trường THCS 2 tầng, nhà Hội trường xã, hệ thống kênh mương, trạm y tế. Theo như phản ánh của người dân thì các công trình này đều không đảm bảo, bị rút ruột và khai khống. Các công trình hạ tầng trên đều thực hiện theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, nhưng tiền người dân đóng góp lại không được công khai, quyết toán cụ thể. Đối với trường 2 tầng, theo Nghị quyết HĐND xã, vốn dự toán khoảng 1,2 tỷ đồng, do xã tự thiết kế. Đơn vị thi công được dán mác của Tổng công ty xây dựng Sông Đà (thực tế do một cá nhân trong xã đảm nhận), quyết toán công trình sau khi thẩm định là 853.844.756 đồng. Tuy nhiên theo quan sát của chúng tôi, ngôi trường gồm 10 phòng, đổ giằng như nhà cấp 4, tường nhà nứt, rạn... Người dân gọi ngôi trường này là trường vừa học vừa run! Sau trường học là tới Hội trường xã. Công trình được nâng cấp từ nhà cấp 4, đổ cột để lên tầng. Theo kết luận thanh tra thì công trình này do một công ty có uy tín, tổng số tiền quyết toán gần 500 triệu đồng. Còn người dân thì không rõ công ty này có tồn tại hay không tồn tại và chỉ khi thanh tra về làm việc họ mới biết công trình ngốn hết ngần ấy tiền. Tiếp sau đó là công trình trạm y tế xã, hoàn thành năm 2007 chưa hết mùi vôi, vữa thì đã có hiện tượng rạn, nứt. Cho đến nay người dân yêu cầu nhiều lần mà UBND xã vẫn chưa công khai tài chính được. Chắc hẳn những con số vẫn cần nhiều thời gian để khớp lại với nhau? Đáng chú ý là hệ thống kênh mương nội đồng bị cắt, rút ruột, khai khống một cách trắng trợn. Theo kết luận thanh tra huyện, dự án này được triển khai từ năm 1999 đến 2003, nghiệm thu báo cáo huyện 8.568,1m, khai tăng 1.166,5 m so với thực làm 7.401,6m, số tiền tăng 46,66 triệu đồng. Không chỉ có vậy, UBND xã còn yêu cầu bên B nghiệm thu tăng 156 m, thành tiền 19.775.576 đồng để chia nhau. Những sai phạm trên đây thuộc trách nhiệm của Chủ tịch Lê Xuân Việt và hệ thống lãnh đạo xã An Nông.

Để có vốn thực hiện các công trình xây dựng kể trên, UBND xã An Nông ban hành thông báo số 09, ngày 18.07.2005 quy định: Hộ nào không hoàn thành nghĩa vụ đối với Nhà nước và địa phương thì không được giải quyết các công việc thuộc quyền lợi của công dân thông qua các thủ tục hành chính nhà nước. Vậy là người dân phải cắn răng nộp các khoản thu không rõ ràng, không được quyết toán công khai, không được đưa ra bàn bạc từ dưới cơ sở. Khi người dân đồng loạt gửi đơn kêu cứu tới cấp huyện và nhận thấy tình thế nguy nan, ông Chủ tịch Lê Xuân Việt đã gấp rút chỉ đạo nhằm hợp thức hoá các khoản thu chi. Khi thanh tra vào cuộc thì chỉ phát hiện và xuất toán 11 chứng từ sai chế độ, nguyên tắc tài chính: 17.502.000 đồng. Trên thực tế, con số này chỉ là một phần rất nhỏ trong hàng loạt những sai phạm có hệ thống của lãnh đạo xã An Nông từ nhiều năm nay.

Trong bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập tới một vài sai phạm lớn ở xã An Nông đã được các cấp thanh, kiểm tra và xử lý. Còn những sai phạm mới nảy sinh, Báo Đời sống &Pháp luật sẽ đề cập ở kỳ sau, để thấy được cách xử lý của huyện Triệu Sơn chưa đủ sức răn đe và ông Chủ tịch Lê Xuân Việt lại ngựa quen đường cũ.

Thanh Phương

Theo doisongphapluat.com.vn