Pháp luật

Techcombank dùng bạo lực cưỡng chế nhà dân

Ngày 08/9/2016, một nhóm hàng chục người tự xưng là nhân viên Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) ngang nhiên xông vào nhà số nhà 7A, đường Hoàng Ngân, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội do các ông, bà P.T.C, P.T.L, cùng một số gia đình khác đang cư trú tại số nhà trên, tuyên bố cưỡng chế thu hồi toàn bộ nhà đất.


Điều đáng nói là nhóm nhân viên này không hề đưa ra được bất kỳ văn bản, quyết định nào của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền hoặc Bản án/Quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật có nội dung buộc họ phải giao nhà đất cho Ngân hàng hoặc cho phép Ngân hàng được tổ chức cưỡng chế.
Theo một số người dân sống xung quanh, hành vi này không thể chấp nhận được, vì nó không giống kiểu thu hồi nợ thuần túy mà giống “đòi nợ kiểu xã hội đen”.
Trở lại nguyên nhân xuất phát sự việc; ngày 1/12/2010 Công ty CP Gia Phạm ký kết với Ngân hàng Thương mại Cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) Hợp đồng tín dụng số 466/HĐTD/TH-PN/TCB. Số tiền vay theo Hợp đồng là 40.000.000.000 đồng (40 tỷ); thời hạn vay 48 tháng kể từ ngày giải ngân vốn vay lần đầu. Tài sản đảm bảo được thể hiện trên Hợp đồng thế chấp tài sản số 466 – 1/HĐTC-BĐS/TCB và Hợp đồng thế chấp tài sản của bên thứ ba (bao gồm các Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại địa chỉ số 7A đường Hoàng Ngân, Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội) Trong quá trình thực hiện hợp đồng, hai bên đã xảy ra tranh chấp.
Đến ngày 8/9/2016 Techcombank tổ chức cưỡng chế tài sản thế chấp của bên thứ ba tại địa chỉ số 7A đường Hoàng Ngân, Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội dẫn đến tình trạng trên.
Cũng cần phải nói thêm rằng: Đại diện Hợp đồng thế chấp của bên thứ ba là các ông, bà (P.T.C, P.T.L, P.T.K, L.T.H, P.T.A, N.T.L và Công ty CP Quan Nhân). Là bên cho Công ty Gia Phạm mượn tài sản để thế chấp ngân hàng hoàn toàn trên tinh thần tự nguyện, họ không được hưởng bất cứ một nguồn lợi nào. Như vậy, những người cho mượn tài sản để thế chấp đang có nguy cơ mất trắng tài sản của họ.
Đại diện phía vay vốn cho biết: Việc ngân hàng tự ý đưa người đến cưỡng chế nhà của chúng tôi là có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Hơn nữa, tại Điều 9 khoản 1 của các Hợp đồng Thế chấp tài sản đã ký với Techcombank ghi rõ: “Khi có tranh chấp trong việc thực hiện bản hợp đồng này thì trước hết các Bên phải gặp nhau bàn bạc, thương lượng giải quyết thỏa đáng. Trường hợp các Bên không đạt được thỏa thuận chung thì tranh chấp sẽ được đưa ra giải quyết tại Tòa án nhân dân Hà Nội hay Tòa án có thẩm quyền do Techcombank lựa chọn phù hợp với quy định của pháp luật và ghi nhận tại Đơn khởi kiện”. Nhưng Techcombank đã không thực hiện đúng Hợp đồng mà tự tổ chức cưỡng chế tài sản lài trái với quy định của pháp luật.
Trao đổi với PV, luật sư Trịnh Anh Dũng – Đoàn luật sư Hà Nội cho biết: “Ngân hàng là đơn vị kinh doanh, việc đòi nợ là quan hệ dân sự nên phải được xét xử bởi một bản án hay quyết định của tòa án có hiệu lực pháp luật, việc cưỡng chế cũng đã có cơ quan thi hành án dân sự. Do vậy, việc ngân hàng Techcombank huy động lực lượng đi siết nợ đang vi phạm pháp luật trầm trọng. Không thể có chuyện ngân hàng thương mại thì có quyền như cơ quan tiến hành tố tụng. Việc Techcombank tự ý đưa người đến để đe dọa uy hiếp tinh thần người vay nợ là có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng Pháp luật, Điều 135 Luật Hình sự 1999 sửa đổi bổ sung 2009 quy định: “Người nào đe doạ sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm. Hơn nữa, việc cán bộ ngân hàng Techcombank ập vào chỗ ở của người khác là vi phạm Điều 22 Hiến pháp năm 2013 quy định “công dân có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở. Không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu không được người đó đồng ý”.
Theo Báo congluan.vn