Pháp luật

Đưa quyền im lặng vào Bộ luật Tố tụng Hình sự Tòa đồng thuận, cơ quan điều tra băn khoăn

(PL&XH) - “Một vụ giết người xảy ra, nghi can sẽ bị tập trung truy vấn. Nếu không làm tốt công tác bảo vệ quyền được bào chữa, quyền im lặng cho nghi can thì không khéo chúng ta lại tạo nên một nạn nhân mới. Bị hại đã không cứu lại được, nhưng rất có thể lại thêm một ông Nguyễn Thanh Chấn oan uổng”, đại biểu Quốc hội, luật sư Trương Trọng Nghĩa góp ý việc luật hóa quyền im lặng trong hội thảo về Bộ luật Tố tụng Hình sự do Liên đoàn Luật sư Việt Nam vừa tổ chức.


(PL&XH) - “Một vụ giết người xảy ra, nghi can sẽ bị tập trung truy vấn. Nếu không làm tốt công tác bảo vệ quyền được bào chữa, quyền im lặng cho nghi can thì không khéo chúng ta lại tạo nên một nạn nhân mới. Bị hại đã không cứu lại được, nhưng rất có thể lại thêm một ông Nguyễn Thanh Chấn oan uổng”, đại biểu Quốc hội, luật sư Trương Trọng Nghĩa góp ý việc luật hóa quyền im lặng trong hội thảo về Bộ luật Tố tụng Hình sự do Liên đoàn Luật sư Việt Nam vừa tổ chức. Đáng quan tâm, LS Trương Trọng Nghĩa cho hay “tôi nghe nói có lãnh đạo cơ quan tố tụng còn nói rằng cứ cho quyền im lặng đi, nhưng càng im lặng thì sau này sẽ bị cho là ngoan cố, không hợp tác”. Nếu như vậy, thì có qui định quyền im lặng cũng trở nên vô nghĩa.

Theo LS Nghĩa, pháp luật hiện hành đang thiếu qui định quyền không khai báo khi chưa có luật sư (LS). Trái lại pháp luật qui định người bị tạm giữ, bị can, bị cáo có nghĩa vụ khai báo, khai báo càng sớm càng được tình tiết giảm nhẹ. Đồng thời, pháp luật về tố tụng cũng thiếu qui định về quyền không thú tội, quyền không bị đánh giá khi im lặng không khai báo, thiếu quyền LS được gặp riêng thân chủ, thiếu nghĩa vụ của CQĐT là cảnh báo cho nghi can, bị can, bị cáo, thiếu qui định nghiêm cấm truy tố, xét xử chỉ dựa vào lời thú tội… Vì vậy, việc luật hóa quyền im lặng là cần thiết, nhưng sao chép của nước ngoài, mà xét trên thực tế của pháp luật Việt Nam. Theo LS Nghĩa, có thể không dùng khái niệm quyền im lặng trong luật, mà qui định là quyền không khai báo cho đến khi gặp được LS và được LS tư vấn. “Mỗi năm cả nước xảy ra khoảng 100.000 vụ án hình sự và khoảng 80% số người bị tạm giữ, bị can, bị cáo không có LS thì lấy đâu ra LS riêng cho từng bị cáo chứ chưa nói đến bị can, người bị tạm giữ? Trong khi đó, việc lấy lời khai, hỏi cung được thực hiện rất nhiều lần trong quá trình điều tra. Vì thế, đòi hỏi lúc nào cũng phải có mặt của LS là không thực tế và nếu qui định vào luật thì chỉ là những “dòng chữ chết” trên giấy, không có tính khả thi”, ông Lê Văn Thư, Phó Cục trưởng V19, Bộ Công an, bình luận. Theo ông Thư, việc ghi nhận có quyền im lặng của người bị bắt, bị can, bị cáo hay không cho đến nay các nước cũng chưa đi đến thống nhất. Trong khi đó, pháp luật Việt Nam qui định bị can, bị cáo có quyền nhưng không có nghĩa vụ phải chứng minh là mình vô tội và tuyệt nhiên không có qui định nào buộc họ phải có nghĩa vụ khai báo hoặc cung cấp chứng cứ để chống lại mình. “Đưa quyền im lặng vào luật phải căn cứ vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của đất nước, phù hợp với tâm lý người Việt Nam và gắn với lợi ích, sự an nguy của cả cộng đồng, nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, đấu tranh phòng ngừa tội phạm. Nếu vì quyền im lặng mà ảnh hưởng đến an nguy của cộng đồng, nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia thì cần cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng. Không thể vì quyền im lặng của thiểu số mà đặt cả xã hội vào tình thế thử thách”, ông Thư nhấn mạnh . “LS Nghĩa đề xuất qui định nếu không có LS mà anh cứ khai thì lời khai của anh khi ra tòa không có giá trị pháp lý khiến tôi rất băn khoăn. Bởi thực tế, cho đến giờ chưa có đủ LS cung cấp cho hai đối tượng là người chưa thành niên và bị cáo có án cao nhất là tử hình. Khi mời LS không có mặt thì phải đợi, đợi thì thời hạn điều tra qui định rồi, vi phạm thời hạn rất phức tạp. Chưa cân nhắc điều kiện mà ghi vào luật thì không khéo dẫn đến án tồn đọng”, ông Thư nói. Do đó, ông Thư cho rằng cần sửa luật để giúp người bị tạm giữ, bị can, bị cáo thực hiện tốt hơn quyền được bào chữa, quyền có LS, chứ không ghi quyền im lặng vào luật. Trước băn khoăn của ông Thư về việc thiếu LS, LS Đỗ Ngọc Thịnh, Tổng Thư ký Liên đoàn LS Việt Nam khẳng định, không lo thiếu LS vì nhiều cử nhân luật chưa có việc làm và đặt câu hỏi: “Cơ sở pháp lý là có. Nếu không làm thì đến bao giờ mới làm và làm sao nguyên tắc tranh tụng được đảm bảo?”. Quyền im lặng chắc chắn góp phần hạn chế oan sai! Khác với quan điểm của đại diện CQĐT, Phó Chánh án TAND TC Trần Văn Độ lại ủng hộ luật hóa quyền im lặng. Bên lề hội thảo, ông Độ đã dành cho PV cuộc trao đổi nhanh về vấn đề này. Thưa ông, tại sao phải đặt ra vấn đề đưa quyền im lặng vào luật? Pháp luật Việt Nam chưa chính thức có qui định về quyền im lặng của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo nhưng đã có những qui định gián tiếp thể hiện nội dung của quyền im lặng. Ví dụ, người bào chữa có quyền có mặt khi hỏi cung bị can hay nếu được hỏi mà bị cáo không trả lời thì HĐXX chuyển sang hỏi người khác. Do đó, ghi nhận và qui định quyền im lặng của người bị buộc tội trong Bộ luật TTHS là rất cần thiết, là đòi hỏi khách quan của yêu cầu bảo vệ quyền con người trong nhà nước pháp quyền. Có ý kiến cho rằng qui định quyền im lặng là chỉ bảo vệ quyền lợi cho thiểu số mà có thể gây hại cho số đông? Quan điểm của ông? Nói như thế là không chuẩn. Quyền im lặng không nhằm bảo vệ cho một vài cá nhân, bảo vệ bị can, bị cáo, mà là bảo vệ người có khả năng bị oan. Một xã hội dân chủ, một nhà nước pháp quyền luôn đặt vấn đề bảo vệ quyền con người lên rất cao. Làm thế nào để không xét xử oan người vô tội, đó là vấn đề của xã hội, là lợi ích cộng đồng chứ không chỉ bảo vệ cá nhân người đó. Việc đảm bảo không xét xử oan sai là bảo vệ công lý của một quốc gia. Vậy theo ông nên ghi nhận quyền này như thế nào trong luật? Theo tôi không nên qui định mọi người đều có quyền có LS vì rõ ràng Việt Nam chưa thể đáp ứng điều đó, dù có huy động cả hệ thống trợ giúp pháp lý tham gia. Vì vậy, nên qui định những người bắt buộc có LS thì tạo điều kiện cho LS tham gia, còn những người khác thì giải thích cho người ta biết có quyền im lặng không khai báo, đồng thời luật vẫn khuyến khích khai báo và thành khẩn thì được giảm nhẹ. H.L (thực hiện) Hải Lý Nguồn: http://www.phapluatxahoi.vn/thong-tin-kt-xh/dua-quyen-im-lang-vao-bo-luat-to-tung-hinh-su-toa-dong-thuan-co-quan-dieu-tra-ban-khoan-84149