Pháp luật

Cấp bách xây dựng Luật Biểu tình

Vấn đề này nhận được nhiều ý kiến từ các đại biểu Quốc hội (QH), tại buổi thảo luận tổ chiều 21.5 về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015 và điều chỉnh một số luật năm 2014.


Sau sự việc Trung Quốc (TQ) đặt giàn khoan trái phép trên thềm lục địa nước ta, ĐBQH đoàn TPHCM kiến nghị tính cấp thiết của việc xây dựng Luật Biểu tình. ĐBQH Trương Trọng Nghĩa nêu: Từ thực tế cho thấy nhu cầu về biểu tình của nhân dân là rất lớn nhưng hiện chưa có khung pháp lý. Sau vụ việc TQ đặt giàn khoan trái phép vào thềm lục địa nước ta, cho thấy ta còn lúng túng, thậm chí có những hành động bạo loạn, không có quy định chi tiết trách nhiệm các cơ quan chức năng. Vì thế tôi đề nghị kỳ họp thứ 8 QH cần đưa việc xây dựng chương trình Luật Biểu tình vào thảo luận, hướng đến thông qua vào kỳ họp thứ 9. Theo ông Nghĩa, những nội dung có thể đưa vào luật như phạm vi, thời gian, thành phần biểu tình, ai chịu trách nhiệm với các nguyên tắc cơ bản như không được cản trở giao thông, xâm phạm tài sản, kích động... Luật Biểu tình sẽ là chế tài, là cơ sở để cần thiết ngăn chặn hành vi vi phạm, các cơ quan chức năng có căn cứ để giám sát và xử lý, tránh những e ngại mà ta không kiểm soát được. Một số đại biểu cho rằng, cần cân nhắc thật kỹ việc xây dựng các luật mới, ưu tiên cho những luật ảnh hưởng trực tiếp đến người dân. Theo ĐBQH Võ Thị Dung, với việc cảnh sát biển đang thực thi nhiệm vụ căng thẳng trên Biển Đông, cần sớm đưa Luật Cảnh sát biển VN vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của QH. Một số ý kiến đề nghị, ngoài bốn dự án luật đề nghị được xây dựng tại kỳ họp này là Luật An toàn thông tin, Luật Thú y, Luật Kiểm toán Nhà nước và Luật Dân số thì cần ưu tiên bổ sung các luật: An toàn thông tin và Kiểm toán Nhà nước do tính cấp thiết. Riêng với hai dự án Luật Thú y và Luật Dân số thì nên cân nhắc, bởi nên dành thời gian để xem xét và thông qua những luật khác cấp bách hơn. Dương Hà Theo Lao động