Xã hội

TP.HCM: Đề nghị có phụ cấp đắt đỏ

Nhiều trường hợp được TP cử đi học thạc sĩ, tiến sĩ nhưng sau đó đã xin bồi hoàn kinh phí đào tạo để ra ngoài làm với mức lương cao hơn.


Chiều 27-8, đoàn giám sát Ủy ban Thường vụ QH đã làm việc với UBND TP.HCM về thực hiện chính sách pháp luật trong tuyển dụng, đào tạo, bổ nhiệm đối với đội ngũ cán bộ, công chức (CBCC), viên chức.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hứa Ngọc Thuận, TP.HCM có hơn 100.800 viên chức và hơn 17.500 công chức nhà nước đang làm việc tại các sở-ngành, quận-huyện, phường-xã, thị trấn và các đơn vị sự nghiệp công lập. TP.HCM với lượng dân số ngày càng tăng nên số lượng biên chế công chức, viên chức hành chính, viên chức sự nghiệp hằng năm tăng theo. Riêng lĩnh vực giáo dục, trong năm học mới này số học sinh lớp 1 tăng 11.000 em, đội ngũ thầy cô giáo vì thế cũng tăng theo. TP đang thiếu nghiêm trọng giáo viên mầm non và giáo viên tiểu học.

Những năm qua, TP.HCM đã ban hành nhiều cơ chế chính sách về đào tạo, tuyển dụng, bổ nhiệm. Trong đó có nhiều cơ chế, chính sách đột phá như: Chính sách đãi ngộ đối với CBCC tự nguyện công tác ở phường-xã, thị trấn; chương trình đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ trong và ngoài nước… Qua đó góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ CBCC đang công tác trên địa bàn TP.

Tuy nhiên, theo báo cáo của UBND TP, chế độ chính sách tiền lương hiện quy định thống nhất cho cả nước mà chưa xem xét đến đặc thù địa phương nên chưa đảm bảo được chi phí cho cuộc sống của công chức, viên chức tại TP.HCM. Chế độ thu hút nhân tài chưa thật sự có hiệu quả nên vẫn còn tình trạng công chức, viên chức được đào tạo nhưng vẫn sẵn sàng chấp nhận bồi thường chi phí đào tạo để chuyển sang làm việc cho các đơn vị tư nhân hoặc nước ngoài có mức lương cao hơn.

Ông Hứa Ngọc Thuận cho biết riêng trong chương trình 300 thạc sĩ-tiến sĩ của TP (nay là chương trình 500 thạc sĩ-tiến sĩ), đã có 63 trường hợp xin bồi hoàn tiền đào tạo lại cho TP để ra ngoài làm việc. Đến nay đã có 23 trường hợp bồi hoàn xong. “Nguyên nhân của việc này không chỉ là do thu nhập mà còn do môi trường làm việc không phù hợp. Chúng ta cử người đi đào tạo mà về lại để cho nơi khác sử dụng thì đó cũng là vấn đề đáng suy ngẫm” - ông Thuận nói và kiến nghị cần nghiên cứu, cải tiến chế độ tiền lương, có phụ cấp đắt đỏ ở các đô thị lớn nhằm hạn chế chảy máu chất xám ra khỏi khu vực Nhà nước.

Ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH, Trưởng đoàn giám sát, ghi nhận TP.HCM là một trong những nơi công khai, minh bạch trong công tác tuyển dụng CBCC, đến nay chưa có phát hiện trường hợp sai phạm nào. Ông Lý cũng đề nghị TP rà soát lại các văn bản liên quan của UBND TP ban hành trước khi Luật CBCC, Luật Viên chức được ban hành cho phù hợp.

                                                                                                       Theo: phapluattp.vn