Pháp luật

Xử án ngoài giờ hành chính, được không?

Từ chuyện một đương sự đòi hủy án sơ thẩm vì cho rằng tòa xử án ngoài giờ hành chính, nhiều chuyên gia cho biết luật chưa quy định cụ thể nhưng trong một số trường hợp, việc tòa xử án ngoài giờ hành chính hay ngày nghỉ là cần thiết.


Như Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh, mới đây, trong một vụ ly hôn, sau khi TAND quận Liên Chiểu (Đà Nẵng) xử sơ thẩm, ông VTB đã kháng cáo yêu cầu cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm vì cho rằng TAND quận Liên Chiểu… xử án ngoài giờ hành chính.

Kháng cáo hi hữu

Đây là một nội dung kháng cáo khá hi hữu trong lịch sử tố tụng. Khi xử phúc thẩm, TAND TP Đà Nẵng nhận thấy theo hồ sơ, vợ chồng ông B. kết hôn từ năm 1989 rồi có với nhau một người con chung. Do cuộc sống chung bất hòa, người vợ đã làm đơn xin ly hôn. Xét thấy hôn nhân của hai vợ chồng là không thể hàn gắn, hiện hai người đã ở hai nơi riêng biệt, tòa tổ chức nhiều phiên hòa giải vẫn bất thành nên TAND quận Liên Chiểu đã chấp thuận cho họ ly hôn. Về phần tài sản chung, hai bên đồng ý tự thỏa thuận, không nhờ tòa giải quyết. Sau đó, ông B. kháng cáo, cho rằng tòa sơ thẩm bắt đầu xét xử vụ ly hôn của ông vào buổi trưa, quá giờ hành chính nên yêu cầu hủy án sơ thẩm.

Theo TAND TP Đà Nẵng, trong biên bản phiên tòa sơ thẩm của TAND quận Liên Chiểu có ghi rõ là phiên tòa sơ thẩm bắt đầu lúc 11 giờ ngày 28-8-2012, kết thúc lúc 12 giờ 30 phút cùng ngày. Như vậy, giờ khai mạc phiên tòa sơ thẩm vẫn nằm trong giờ hành chính. Sau đó, phiên tòa kéo dài qua giờ hành chính và kết thúc trễ nhưng không làm ảnh hưởng tới quyền lợi hợp pháp của các bên đương sự. Do đó, kháng cáo của ông B. là không có căn cứ...

Nhiều phiên tòa lưu động ở TP.HCM xử vào ngày nghỉ nhằm đạt được mục đích tuyên truyền, giáo dục pháp luật hiệu quả. Ảnh: HTD

Luật chưa quy định

Từ vụ việc của ông B., nhiều bạn đọc đã thắc mắc: Tòa có thể xử án ngoài giờ hành chính hay ngày nghỉ được không? Quy định tố tụng về chuyện này như thế nào?

Về mặt quy định, chúng tôi đã trao đổi với nhiều thẩm phán và được biết hiện nay chưa có điều luật nào buộc tòa phải xử án (các loại, kể cả hình sự lẫn dân sự, hành chính…) trong giờ hành chính hay nghiêm cấm việc tòa xử án ngoài giờ hành chính cả. Cho đến nay, TAND Tối cao cũng chưa có văn bản hướng dẫn gì về chuyện này.

Về mặt thực tiễn, theo các thẩm phán, thông thường các tòa đều xử án trong giờ hành chính nhưng trong một số trường hợp cụ thể thì chuyện này cũng có thể thay đổi, điều chỉnh theo sự sắp xếp của tòa. Phổ biến nhất là tình huống như của ông B. nói trên: Do trong cùng một ngày làm việc, tòa phải xét xử liên tiếp nhiều vụ án nên có khi giờ bắt đầu phiên tòa của một vụ án nào đó còn nằm trong giờ hành chính nhưng phiên xử về sau có thể kéo dài qua giờ hành chính và kết thúc trễ.

Ngoài ra còn một tình huống khác là khi xét xử lưu động, tòa có thể xử án ngoài giờ hành chính hoặc xử án vào ngày nghỉ nhằm đạt được mục đích tuyên truyền, giáo dục pháp luật hiệu quả. Chẳng hạn tại TP Đà Nẵng đã có không ít phiên tòa lưu động diễn ra vào các ngày thứ Bảy, Chủ nhật. Hay ở TP.HCM, thậm chí trước đây từng có vụ tòa xét xử lưu động tại một chợ đầu mối vào lúc… 4 giờ sáng. Số là bị cáo hành nghề bốc vác tại chợ này, lúc 4 giờ sáng hằng ngày cũng là giờ làm việc cao điểm tại chợ nên nếu xử lưu động vào thời điểm đó sẽ được nhiều người quan tâm, theo dõi...

Xử được nhưng phải tùy trường hợp

Bàn về chuyện này, Thẩm phán Nguyễn Thành (Phó Chánh án TAND TP Đà Nẵng) cho biết trong một số trường hợp, tòa vẫn có thể xử án ngoài giờ hành chính nhằm bảo đảm ba mục đích:

Thứ nhất là nhằm tuyên truyền, giáo dục ý thức pháp luật, phục vụ nhiệm vụ chính trị tại địa phương. Bởi lẽ với những phiên tòa lưu động, việc tổ chức ở các địa điểm công cộng như chợ, trường học… và thời gian diễn ra vào ngày nghỉ thì người dân sẽ tham dự đông đảo hơn, việc tuyên truyền, giáo dục ý thức pháp luật cho người dân sẽ đạt kết quả cao hơn.

Thứ hai là nhằm tránh án quá hạn, tồn đọng. Số lượng án quá hạn, tồn đọng tại các tòa ngày càng tăng cao, nếu chỉ xử án trong giờ hành chính thì sẽ không thể giải quyết hết và các án sẽ chồng chất và tỉ lệ án quá hạn sẽ tăng cao. Vì vậy, cần phải kêu gọi cán bộ tòa án làm việc vào các ngày nghỉ và làm việc ngoài giờ hành chính…

Thứ ba là nhằm tránh tốn kém, mất thời gian, công sức của các bên đương sự. Ví dụ: Đến 16 giờ 30 là hết giờ hành chính, tòa dự tính khoảng 1 tiếng nữa sẽ xử xong, nếu lúc này tạm dừng phiên tòa để ngày mai xử tiếp thì rất dễ nhưng sẽ gây tốn kém, làm mất thời gian, công sức cho tất cả các bên tiến hành cũng như tham gia tố tụng.

Một vấn đề khác, theo Thẩm phán Thành, là các cán bộ tòa, những người tiến hành tố tụng cũng cần phải làm việc tâm huyết, nhiệt tình, đặc biệt trong những lần xử án ngoài giờ hành chính để đảm bảo được chất lượng xét xử.

Cần chú trọng sức khỏe

Nhiều trường hợp phiên tòa kéo dài quá giờ hành chính thì hội đồng xét xử cũng cần phải xem xét, tính toán xem có ảnh hưởng tới chất lượng giải quyết vụ án hay không. Chẳng hạn nếu phiên tòa diễn ra từ sáng kéo dài quá 13 giờ trưa hoặc kéo dài từ đầu buổi chiều đến tối mịt thì những người tiến hành tố tụng và tham gia tố tụng sẽ bị đói và mệt mỏi, làm ảnh hưởng tới chất lượng xét hỏi hoặc tranh luận. Trong trường hợp này, chủ tọa phiên tòa nên tham khảo ý kiến các bên, nếu xét cần tạm dừng phiên tòa để các bên nghỉ ngơi thì cũng nên tạm dừng nhằm đảm bảo chất lượng xét xử.

Một thẩm phán TAND TP.HCM

Nên chấp nhận

Nên chấp nhận việc tòa xử án ngoài giờ hành chính vì hiện số lượng án ngày càng tăng, biên chế của tòa thì có hạn, nếu đội ngũ cán bộ tòa án không làm việc và đưa vụ án ra xét xử ngoài giờ hành chính thì sẽ khó mà giải quyết án kịp thời. Lúc đó sẽ dễ xảy ra tình trạng án chồng án, án quá hạn gia tăng. Quyền lợi của các bên đương sự sẽ bị ảnh hưởng bởi thời gian giải quyết vụ án phải kéo dài.

Luật sư NGUYỄN TẤN THANH,Đoàn Luật sư TP.HCM

Đảm bảo quyền lợi hợp pháp

Tôi cũng cho rằng không nhất thiết là tòa cứ phải xử án trong giờ hành chính. Nếu có lý do hợp lý thì vụ án kéo dài ngoài giờ hành chính hoặc xử vào các ngày nghỉ đều có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, tòa cần phải lưu ý đến việc đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các bên đương sự như quá trình tống đạt hợp lệ, không có khiếu nại của các bên…

Kiểm sát viên TRẦN VĂN HUY,VKSND quận Sơn Trà, 
TP Đà Nẵng

Nguồn phapluattp.vn