Kinh tế

Dòng tiền lớn vẫn đứng ngoài thị trường chứng khoán

Những phiên giao dịch ảm đạm kéo dài không dứt do sự giải ngân hạn hẹp ở cả nhà đầu tư nội lẫn ngoại. Dự báo lạm phát tăng cao, nhiều doanh nghiệp sa sút trong quý II... là những trở lực ngăn cản chứng khoán xoay chiều.


Thanh khoản sàn Hà Nội kiệt quệ dần, nhất là phiên cuối tuần, HNX chưa đạt nổi 170 tỷ. Trung bình một ngày chừng 19,36 triệu chứng khoán, tương đương 207,29 tỷ đồng, giảm gần 10% về lượng và 14,2% về giá trị so với bình quân tuần trước.Không tới mức teo tóp như HNX, trị giá chuyển nhượng ở HOSE khởi sắc nhẹ, song vẫn loay hoay ở mức thấp. Trung bình mỗi ngày ghi nhận 478,8 tỷ đồng, ứng với 27,47 triệu chứng khoán.

Bài toán thanh khoản trở nên nan giải hơn, khi thị trường chưa cho thấy dấu hiệu sức mua sẽ cải thiện. Ngược lại, chứng khoán còn đối mặt với nhiều áp lực, như: lạm phát dự báo tăng cao trở lại, sau khi giá nhiều mặt hàng biến động mạnh và cơn sóng giá vàng trỗi dậy trong những ngày qua. Trong khi đó, hàng loạt doanh nghiệp thua lỗ trong quý II, thậm chí sau nửa năm hoạt động cũng chưa có lời đồng nào và việc gỡ gạc lại ở 2 quý cuối được dự báo không hề dễ.

Giám đốc phân tích một công ty chứng khoán ở TP HCM cho rằng, xu hướng phân hóa cổ phiếu sẽ lộ rõ hơn trong thời gian tới, khi số công ty công bố kết quả kinh doanh nhiều hơn. Song, ngay cả khi điều này xảy ra, theo ông, cũng chưa hẳn tạo làn sóng giải ngân cục bộ. Bởi, nguồn tiền hiện không dư dả, nhà đầu tư sẽ cân nhắc kỹ trước khi quyết định mua bất kỳ cổ phiếu nào và cũng chẳng lo sẽ không mua được như thời kỳ thị trường sôi động trước đây.

Nhà đầu tư giải ngân cầm chừng, thanh khoản tiếp tục loay hoay ở mức thấp. Ảnh: B.H. Cổ phiếu chứng khoán thu hút lượng tiền lớn so với các ngành khác. KLS tuần thứ 5 liên tiếp dẫn đầu HNX về lượng mua bán, tổng cộng 13,03 triệu. Tuy nhiên, kết quả này đã giảm gần 20% so với tuần trước. VND ghi nhận mức chuyển nhượng vượt trội so với các ngành khác, với 10,96 triệu. Ở sàn TP HCM, SSI cũng được thu gom mạnh và thường xuyên nằm trong tốp đầu bảng về thanh khoản.

Thị trường tuần này cũng không nhận sự hỗ trợ đắc lực của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, lực cầu mang tính thăm dò là chính, giao dịch cầm chừng. Điều này tiếp tục đẩy lùi cả 2 chỉ số về các mức thấp hơn.

Vn-Index mất tới 15,58 điểm, xuống 414,74 điểm - mức thấp nhất kể từ cuối tháng 5. Chuỗi đi xuống của HNX-Index chưa kết thúc và sẽ rớt khỏi mốc 70, nếu đà giảm vẫn tiếp diễn trong tuần sau. Chỉ số sàn Hà Nội bắt đầu tuần mới tại 71,54 điểm.

Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ròng trên HOSE. Khối này mua 12 triệu, 515,33 tỷ đồng, bán ra 14,5 triệu, 517,51 tỷ đồng. Tại HNX, khối ngoại giảm mua bán so với tuần trước, giao dịch 2,84 triệu cổ phiếu, tương ứng 44,94 tỷ đồng.

UPCoM-Index dừng ở 32,36 điểm, sau 2 phiên tăng và 3 phiên giảm trong tuần, bình quân có 184.203 cổ phiếu chuyển nhượng, giá trị1,53 tỷ đồng, tăng 13,23% về khối lượng và 14,78% về giá trị so với tuần trước.

Theo: VNEXPRESS