Xã hội

Vì sao cái ác xuất hiện trong gia đình?

Người xưa có câu “hổ dữ không ăn thịt con” để ám chỉ việc cư xử ác giữa những người thân trong gia đình với nhau là chuyện không thể có và cũng không được phép vì “một giọt máu đào hơn ao nước lã”...


Thế nhưng, ranh giới cuối cùng này hiện rất mong manh khi cái ác đã len lỏi vào một số gia đình với mức độ nghiêm trọng.

Ác len lỏi vào nhà

Ngày 7/1, Công an huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh) ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam hai vợ chồng ông Trương Quốc Kiều (sinh năm 1961) và bà Nguyễn Thị Anh (sinh năm 1964, đều thường trú tại xã Đức Lĩnh) về tội “Giết người” - giết con trai ruột.

Trước đó, sáng 28/12/2010, người dân xã Đức Lĩnh phát hiện một thi thể nam thanh niên trôi trên sông Ngàn Sâu. Các lực lượng chức năng đã vào cuộc và xác định nạn nhân chết do bị đánh vỡ hộp sọ. Một cuộc truy tìm tung tích diễn ra trên địa bàn nhiều xã đã được Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Vũ Quang tiến hành ngay sau đó.

Cái ác rình rọa trong tổ ấm
Cái ác rình rập từ tổ ấm. Ảnh minh họa

Đáng chú ý là Trương Đài Bắc (sinh năm 1990), con của ông Trương Quốc Kiều và bà Nguyễn Thị Anh bị mất tích một cách đáng ngờ. Mặc dù vậy, việc truy tìm danh tính nạn nhân tiếp tục gặp khó khăn do ông Kiều, bà Anh không nhận xác người trôi sông là con trai mình và khai rằng Bắc đã vào Nam làm việc. Chỉ đến khi các điều tra viên chứng minh dấu vân tay của nạn nhân và dấu vân tay của Bắc trên chứng minh nhân dân là trùng khít thì đôi vợ chồng này mới thừa nhận là thủ phạm giết con.
 
Theo lời khai ban đầu của vợ chồng Kiều - Anh, Bắc từng là sinh viên khoa Thể dục Thể thao - Đại học Hà Tĩnh nhưng vì ăn chơi lêu lổng nên đã bị đuổi học. Bắc thường xuyên dọa nạt, xin tiền bố mẹ và trộm bán tài sản trong nhà để tiêu xài. Tối 21/12/2010, Bắc tiếp tục dọa nạt và xin bố mẹ một số tiền lớn, hai vợ chồng ông Kiều hứa là sáng mai cho. 

Tuy nhiên, đêm ấy, trong lúc Bắc đang ngủ, ông Kiều đã dùng thanh sắt đánh mạnh vào trán Bắc. Bắc tỉnh dậy bị ông Kiều nhảy lên ngồi đè trên bụng và gọi vợ giữ hai chân cho đến lúc Bắc tắt thở. Sau đó hai vợ chồng cuộn thi thể con trai mình vào bao tải, chở ra cầu chợ Bộng vứt xuống sông Ngàn Sâu phi tang.

Bất cứ ai đi qua nhà cụ Võ Thị M. ở thị trấn Tiên Kỳ, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam đều thấy hình ảnh một bà cụ già ngồi trước hiên nhà, dưới chân trái của cụ là sợi dây xích được buộc chặt vào chân. “Bả già rồi, lại hay lẩn thẩn. Sợ bả đi lang thang, hơi sức đâu mà đi giữ bả. Thôi xích chân lại cho yên thân...”, lời T (con gái của bà M) phân bua với khách về sợi dây xích chân người mẹ mình. Trong trí nhớ, cụ bảo sinh năm 1925, rồi cụ đưa tay chỉ sợi dây xích dưới chân và bảo: “Nó sợ tui đi chơi, hàng xóm không ai giữ nhà nên xích chân lại...”.Câu nói đứt quãng khi dòng nước mắt lăn dài trên đôi gò má nhăn nheo...

Chỉ vì mâu thuẫn với mẹ chồng là bà Lê Thị Hồng Lạc, cô con dâu Trần Thị Kim Thủy (sinh năm 1987, ở cùng nhà bà Lạc tại ấp 1, xã Tân Đông, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An) đã lạnh lùng quăng đứa con trai 9 tháng tuổi của mình xuống ao cá gần nhà. Rất may anh Trần Quốc Thuận (chồng Thủy) kịp thời phát hiện, nhảy xuống ao vớt con lên đưa đi cấp cứu. Công an xã Tân Đông đã hoàn tất hồ sơ vụ việc này để khởi tố với tội danh “Giết người”...

Vì sao cái ác hiện diện trong gia đình?

Gia đình vốn là bến bờ bình yên nhất từ bao đời nay. Thế nên, trước những tội ác xảy ra ngày càng nhiều trong tổ ấm đã khiến người ta bàng hoàng đặt câu hỏi: Vì sao cái ác lại có thể hiện diện cả trong những gia đình, dẫn đến cảnh cha mẹ giết con, con tàn nhẫn với cha mẹ, anh chị em cướp đoạt cuộc sống của nhau?. Phải chăng đạo đức xã hội tha hóa đến mức một số người không còn biết đâu là giới hạn của hành động, không còn đoái hoài tới sự đánh động của lương tri?.

Ông Hoa Hữu Vân - Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận định: “Đã đến lúc chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật về bức tranh bạo lực, tội phạm gia tăng, gây hậu quả cũng như hệ lụy nghiêm trọng cho xã hội. Những con số về bức tranh bạo lực, bạo hành mà các cơ quan chức năng đưa ra chưa phản ánh đầy đủ tính chất nghiêm trọng của sự việc, sự tha hóa, xuống cấp của đạo đức xã hội, nền tảng truyền thống văn hóa tốt đẹp đang bị lung lay”.

Trong đời sống xã hội hiện đại, con người đứng trước nhiều áp lực trong cuộc sống và thách thức trong mưu sinh. Những áp lực ấy nếu có điều kiện sẽ bật bung ra và người ta gây ra tội ác trong gia đình và trong xã hội như phân tích của bà Lê Minh Nga - Giám đốc Trung tâm Tư vấn Tình yêu, Hôn nhân và Gia đình: “Bạo hành sẽ phát sinh ra bạo lực và khủng hoảng về đạo đức, lối sống sẽ dẫn đến những vấn đề xã hội đau lòng, nhức nhối lương tri như con giết cha, vợ giết chồng, anh giết em... Khi môi trường sống, các giá trị văn hóa, tinh thần bị mai một, bị ảnh hưởng từ phim ảnh bạo lực, games online... sẽ là mảnh đất tiềm ẩn cái ác, bột phát hành vi phạm pháp, mất nhân tính như những vụ việc giết người man rợ đã và đang xảy ra ở nhiều nơi”.

Ngăn chặn điều ác - không phải là không thể

Xưa nay, cuộc tranh đấu giữa cái ác và cái thiện luôn là cuộc chiến cam go. Nhưng nếu biết cách, phần thắng sẽ thuộc về cái thiện. Cuộc đấu tranh với cái ác trong gia đình cũng vậy. Bên cạnh sự ngăn chặn, trừng trị, răn đe bằng pháp luật hình sự thì sự chung tay của cả xã hội nói chung và cá nhân mỗi người, mỗi gia đình nói riêng cũng rất quan trọng.

Thế nên Thạc sĩ Nguyễn Thị Tâm - Giám đốc Công ty Ứng dụng tâm lý Hồn Việt đã cho rằng: “Để ngăn chặn nạn bạo hành trong gia đình và tội phạm xã hội, trước tiên phải chú trọng việc giáo dục nhân cách, đạo đức và lối sống trong mỗi mái nhà để tạo ra sức đề kháng cho các thành viên, nhất là trẻ em, thanh thiếu niên.

Trong mỗi gia đình - tế bào xã hội, nếu cha mẹ là tấm gương sáng cho con cái noi theo, có lối sống tốt, nhân cách tỏa sáng, coi trọng những giá trị tinh thần... thì ở nơi đó, mầm mống tội phạm và cái ác khó có cơ hội phát sinh. Song song đó, hệ thống giáo dục phải thay đổi toàn diện và gấp rút nghiên cứu đề ra phương thức giáo dục về đạo đức, nhân cách cho học sinh, những chủ nhân tương lai của đất nước, sao cho phù hợp, mang lại hiệu quả cao”.

Còn Tiến sỹ xã hội học Trịnh Hòa Bình lại có lời khuyên: “Để giảm thiểu tội ác, chúng ta phải biết sống với áp lực, hóa giải áp lực và tìm kiếm một cuộc sống nhân văn. Đặc biệt, chúng ta phải cố gắng tìm kiếm sự tốt đẹp ở những người khác. Khi ấy, chúng ta mới hiểu được và trân trọng ý nghĩa cuộc sống của những người xung quanh cũng như ý nghĩa cuộc sống của chính mình”.

Xuân Hoa