Xã hội

Văn hóa quan chức: Khi bí thư tỉnh ủy mua… trống đồng!

(Tamnhin.net) - Truyền thông mấy hôm nay viết: “Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Đinh Văn Hùng là người mua một chiếc trống đồng có niên đại được xác định vào khoảng 2.000 năm”. Theo thông tin ban đầu, giá của chiếc trống cổ được ông Hùng mua là 1,2 triệu USD”.


Đồng thời, ông nguyên bí thư này còn “chơi” một đôi lục bình sản xuất vào khoảng thế kỷ 17-18, trị giá 1,8 tỷ đồng. Nói nguyên bí thư vì mới đây ông Hùng không làm Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình nữa nhưng khi mua những cổ vật trên, ông đương chức Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình.

Không đặt vấn đề tiền bạc ở đâu ông Hùng mua những cổ vật đắt tiền ấy và ông mua để làm gì, việc ấy cơ quan điều tra đang làm. Bài viết này chỉ nêu băn khoăn, tại sao ông lại đi mua những cổ vật ấy, đặc biệt là trống đồng.

Ghi chép cổ nhất có liên quan đến trống đồng xuất hiện trong Sử Bản, một cuốn sách Trung Quốc từ trước thế kỷ thứ 3 trước công nguyên. Cuốn sách này nay không còn, nhưng được dẫn lại một phần tại một cuốn sách cổ khác là cuốn Thông điển của Đỗ Hữu. Hậu Hán thư quyển 14 ghi: "Dân Giao Chỉ có linh vật là trống đồng, nghe đánh lên họ rất hăng lúc lâm trận".

Tương truyền, người ta đặt úp trống trên sàn nhà hay trên mặt đất, dùng cái dùi có mỏ khoắm bọc vải gõ vào. Trong nghi thức tang lễ người ta dùng trống đồng với kèn đám ma, sao ngang, đàn nhị, cồng chiêng, thanh la và trống bịt da dê. Riêng người Khơ Mú họ dùng dùi thẳng có phần đầu bọc vải để gõ vào trống úp xuống, còn người Lôlô đặt hai cái trống đồng nằm nghiêng hoặc treo nghiêng, mặt trống đối diện nhau và dùng dùi thẳng như người Khơ Mú. Tiếng trống đồng đối với những dân tộc kể trên là âm thanh của trời (tiếng sét), còn mặt trống tượng trưng cho mặt trời. Tiếng trống sẽ dẫn đường cho linh hồn người chết về với tổ tiên họ.  

Như thế, trống đồng thường được dùng trong chiến trận hay tang lễ. Chưa thấy tài liệu viết trống đồng dùng trong hội hè đình đám vui tươi. Tổng số trống đồng tìm được ở Việt Nam cho đến năm 1980 là 960 chiếc, chủ yếu đào từ lòng đất, hầu hết ở trong các ngôi mộ cổ.

Đương nhiên, trống đồng là báu vật quốc gia, và với nguồn gốc như thế có nên đem về nhà riêng hay không?

Đây là một câu hỏi nghiêm túc xét trên nhiều góc độ. Nó là báu vật quốc gia thì không thuộc sở hữu của cá nhân; cá nhân không có quyền và không thể giữ được dù bất cứ hình thức nào; đời này có giữ được thì đời sau sẽ lấy lại; chết chôn theo rồi cũng bị đào lên lấy trả cho quốc gia. Nó dùng trong tang lễ và chiến trận, được đào lên từ các ngôi mộ thì những ai có chút hiểu biết đều thấy phải tránh xa, chỉ những dịp đặc biệt đúng lễ mới nên tiếp xúc. Dân gian từng nói, đừng tham của chùa. Những gì ở chùa là của bá tánh, không chỉ báu vật mà một bông hoa, ngọn cỏ cũng không được đem về nhà riêng của mình.

Xét thế đã thấy rằng, quan chức đem trống đồng về nhà riêng của mình là không thể chấp nhận. Hành vi ấy chỉ biểu hiện một điều: Thiếu văn hóa; thậm chí dùng hai chữ “văn hóa” ở đây còn hơi khiên cưỡng vì với người dân bình thường nhất cũng biết việc đó phải tránh xa.

Nói đến chùa chiền, lâu này có câu cửa miệng “như của chùa” lắm khi được dùng để giải thích một cách sai trái là “của vô chủ”. Thực ra, của chùa không phải vô chủ, trước hết có các vị sư sãi coi sóc, tiếp theo và quan trọng hơn là thiện căn của bá tánh coi sóc. Ngay bữa cơm chay ở chùa, ai cũng có thể nếu có nhu cầu, tuy nhiên không phải tùy tiện.

Có người đã viết: “Nét văn hoá cơm chùa là một nét đẹp về chia sẻ. Về lấy của người có san sớt cho người không có. Của người giàu san sẻ cho người nghèo. Sau buổi lễ Phật, mọi người đều được mời ăn bữa cơm chùa, không phân biệt sang hèn, theo đúng tinh thần Phật dạy trong kinh Hiền Ngu. Tinh thần chia sẻ này còn được lưu giữ ở nhiều chùa làng. Ai có ít nhiều gì cũng đều đem góp vào. Có người quá nghèo thì tới góp công: gánh nước, chẻ củi, nhặt rau, nấu nướng, v.v. Rồi tới bữa cùng vui vẻ đồng bàn với nhau. Những bữa cơm chùa như thế thường đạm bạc. Các món đều có thể trộn chung với nhau mà không làm hư vị riêng, vì có vị riêng chút nào để mà hư. Những người sành ăn cơm chùa còn bảo phải trộn chung nhiều món ăn mới ngon”.

Tìm đến bữa cơm chùa là tìm đến cái tinh thần tối giản của nhu cầu, đến mức không coi nhu cầu bản thân là quan trọng nữa. Nên người ta hay nói, đến với bữa cơm chùa bằng cái tâm thọ trai, cái tâm của người tu học. Nếu có người lỡ để cho cái ngon tạo ra dục thực mà chén đến bốn năm bát cơm thay vì một bát cơm úp, thì sau khi ăn đã rồi phải lên ngay chánh điện sám hối tội... ăn tham!

Thật đơn giản và dễ hiểu. Thế nhưng, dường như có những điều tối đơn giản trong văn hóa Việt lại không có trong tư duy của một số quan chức hiện nay. Điều này có nhiều lý do. Nhiều quan chức thuở ấu thơ không được học hành đường hoàng, lớn lên trong không khí vô thần báng thánh, ra làm quan được giao quá nhiều quyền, ngỡ cả thế giới có thể nắm trong lòng bàn tay. Không hiểu biết mà nhiều quyền nên cứ hồn nhiên làm điều kỳ quặc, chướng tai gai mắt, thậm chí tự rước họa vào thân. Lấy của chùa về nhà riêng đã là điều tối kỵ, lại còn đem cả đồ tùy táng về nhà, trưng bày lên ngắm nghía, thật không tưởng tượng nổi. Rước tai họa nghìn năm về theo sau lưng mà còn hớn hở! Nhưng đem trống đồng về nhà mình trưng bày, trong đội ngũ quan chức Việt Nam hiện nay, ông Đinh Văn Hùng chắc gì đã là người đầu tiên hay cuối cùng?

Sáu Nghệ