Xã hội

Pháp chế bị "bỏ quên"

Sáng nay (10/11), tại Hà Nội, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị tổng kết 6 năm thực hiện Nghị định số 122/2004/NĐ-CP của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức pháp chế các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ và doanh nghiệp nhà nước.



Ngày càng khẳng định “tiếng nói”

Ngay sau khi Nghị định 122 được ban hành, ở cấp TƯ, Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ đã chỉ thị các đơn vị trực thuộc, các DNNN trong phạm vi quản lý tiến hành rà soát về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và mô hình tổ chức pháp chế.

Hoạt động pháp chế có vai trò rất quan trọng, không thể xem nhẹ
Hoạt động pháp chế có vai trò rất quan trọng, không thể xem nhẹ

Trên cơ sở này, các tổ chức pháp chế luôn thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ, quyền hạn của mình trong các mặt công tác. Chẳng hạn, trong năm 2009 – 2010, các tổ chức pháp chế đã tham mưu, giúp lãnh đạo trong phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện Đề án 30 của Thủ tướng Chính phủ, theo đó tiến hành rà soát hàng nghìn văn bản (VB) với hàng trăm thủ tục hành chính đã được rà soát và công bố…

Tại địa phương, UBND cấp tỉnh đã chỉ đạo Sở Tư pháp cùng với các cơ quan liên quan triển khai Nghị định 122 trong phạm vi địa phương mình. Được sự quan tâm của chính quyền, nhiều tổ chức, cán bộ pháp chế các cơ quan chuyên môn đã chủ động tham mưu, giúp lãnh đạo trong phối hợp với Sở Tư pháp kiểm tra văn bản như từ năm 2004 – 2010, đã tham mưu, giúp Thủ trưởng cơ quan cùng các cơ quan khác thực hiện kiểm tra hơn 1000 VB, phát hiện 164 VB không phù hợp và kiến nghị đến các cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định.

Ở DNNN, việc triển khai Nghị định 122 từng bước được quan tâm, nhất là khi Luật DN năm 2005 ra đời. Thực hiện chủ trương cổ phần hóa DNNN, chuyển đổi mô hình tổ chức và hoạt động, các DNNN đã nhận thấy tầm quan trọng của công tác pháp chế.

Do vậy, thời gian qua, lãnh đạo nhiều DNNN đã quan tâm và chỉ đạo việc thành lập, bố trí, nâng cao năng lực cán bộ làm công tác pháp chế cũng như chú trọng đến hiệu lực, hiệu quả hoạt động của tổ chức pháp chế, tạo điều kiện có tính khởi đầu để tổ chức pháp chế tham gia vào các hoạt động quản lý, sản xuất và kinh doanh của DN.

Nhưng… vẫn bị “bỏ qua”

Mặc dù Nghị định 122 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã góp phần quan trọng trong nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác pháp chế nhưng công tác này vẫn gặp không ít khó khăn, bất cập. Đối với tổ chức pháp chế Bộ ngành, việc thực hiện các nhiệm vụ chủ trì, phối hợp chuẩn bị hồ sơ về dự thảo VBQPPL hay chủ trì, phối hợp tham gia ý kiến vào dự thảo VBQPPL là chưa phù hợp thực tiễn. Bởi qua thực tế cho thấy, không chỉ các tổ chức pháp chế Bộ ngành có trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ trên mà ngay cả các đơn vị khác trực thuộc các Bộ ngành cũng làm những nhiệm vụ này.

Tổ chức pháp chế cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh có nhiệm vụ tham gia ý kiến về mặt pháp lý đối với dự thảo VBQPPL do các đơn vi khác soạn thảo trước khi trình Thủ trưởng cơ quan. Tuy nhiên, cũng qua thực tiễn, các cơ quan chủ trì soạn thảo thường không thực hiện xin ý kiến của tổ chức pháp chế và sau khi soạn thảo đã trình thẳng thủ trưởng cơ quan ký, ban hành.

Đối với các DNNN, việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức pháp chế gặp nhiều hạn chế như việc tham mưu, giúp lãnh đạo DN những vấn đề pháp lý về tổ chức, hoạt động của DN còn khép kín.

Các nhiệm vụ tham gia xây dựng pháp luật, tham gia xây dựng các VB của DN, phổ biến giáo dục pháp luật… thì chưa được quan tâm và thực hiện nghiêm túc, lại chưa có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan như Bộ Tư pháp, tổ chức pháp chế Bộ, cơ quan ngang Bộ quản lý ngành, lĩnh vực hoặc ở địa phương là Sở Tư pháp, tổ chức pháp chế cơ quan chuyên môn về ngành, lĩnh vực mà DNNN tham gia sản xuất, kinh doanh.

Phó vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật Nguyễn Hồng Tuyến: Rất cần được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo

Trước thềm Hội nghị tổng kết 6 năm thực hiện Nghị định 122, phóng viên Báo PLVN đã có cuộc trao đổi ngắn với ông Nguyễn Hồng Tuyến - Phó Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật - về những vấn đề đáng quan tâm liên quan tới Nghị định 122.

 * Theo ông, đâu là hạn chế đáng lưu ý nhất trong quá trình thi hành Nghị định 122 suốt 6 năm qua?

- Tôi cho rằng, đó chính là nhận thức của lãnh đạo một số Bộ ngành và địa phương về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác pháp chế còn hạn chế, dẫn đến việc triển khai công tác pháp chế chưa thật sự đúng yêu cầu, chưa giao nhiệm vụ cho tổ chức pháp chế. Nhiều nơi, nhiều lúc công tác pháp chế chưa được coi trọng, khiến hoạt động nhiều khi chỉ mang tính hình thức, chưa đi vào bản chất.

 * Một số văn bản không có ý kiến của tổ chức pháp chế trước khi ban hành đã gây ra những ảnh hưởng nhất định ở địa phương. Tại sao lại có tình trạng này, thưa ông?

- Một trong những thiếu sót là Nghị định 122 đã chưa quy định rõ trách nhiệm của Sở Tư pháp trong tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện công tác pháp chế tại địa phương. Mặt khác, nhiều quy định của các VB liên quan đến công tác pháp chế thiếu tính thống nhất và đồng bộ.

Cụ thể, Nghị định số 13/2008/NĐ-CP, Nghị định số 16/2009/NĐ-CP chỉ quy định Sở Tư pháp có chức năng “tham mưu, giúp UBND cấp tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước… về công tác tư pháp khác”; trong khi Thông tư liên tịch số 01/2009/TTLT-BTP-BNV thì quy định Sở Tư pháp có nhiệm vụ chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra đối với công tác pháp chế của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh.

 * Theo ông, đã đến lúc phải tính đến giải pháp sửa đổi, bổ sung Nghị định 122 chưa?

- Đây không phải vấn đề thời điểm nữa mà còn là thực hiện nhiệm vụ mà Chính phủ đã giao cho Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức khác xây dựng nghị định thay thế Nghị định 122 để tạo cơ sở pháp lý trong kiện toàn nguồn nhân lực, các điều kiện đảm bảo hoạt động cho các tổ chức pháp chế.

Ngoài ra, cũng nhằm xác định công tác pháp chế trước hết là trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, các cấp lãnh đạo trong củng cố tổ chức và nâng cao hiệu quả công tác pháp chế.

 * Xin cảm ơn ông!

Hoàng Thư (thực hiện)

Thục Quyên
(Theo báo Pháp luật Việt Nam đưa tin)