Xã hội

Miền Trung - Tang thương trong lũ dữ (19/10/2010)



 
Cúu trợ ở Hương Khê - Hà Tĩnh                   Ảnh: TTXVN
 
 
Nghệ An:
9 xã bị cô lập hoàn toàn

Tính đến chiều ngày 18-10, cơn lũ lịch sử đã làm chết 12 người, 15.166 ngôi nhà bị ngập trong nước, hàng chục nghìn ha lúa mùa và hoa màu bị nhấn chìm. Thiệt hại ban đầu ước tính lên tới gần 400 tỉ đồng. Hiện nay toàn tỉnh có 21 xã đang nằm trong diện ngập lụt sâu, trong đó có 9 xã gần như bị cô lập hoàn toàn. Tỉnh đã khẩn cấp sơ tán được 2.275 hộ ra khỏi vùng ngập lụt. Ban chỉ huy PCLB tỉnh đã cấp khẩn trương 500 áo phao, 2 xuồng máy tăng cường ứng cứu cho người dân huyện Hương Nguyên. Đồng thời tỉnh Nghệ An cũng đề nghị Chính phủ hỗ trợ cho tỉnh 100 tỉ đồng và 3000 tấn gạo để cứu đói khẩn cấp cho người dân vùng lũ. 100 cơ số thuốc phòng chống dịch bệnh trên người, 6 tấn Bencozit phòng trừ bệnh trên gia súc.

Tổng Bí thư
Nông Đức Mạnh:
Hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại
Ngày 18-10, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã gửi điện thăm hỏi, động viên và chỉ đạo đối phó với thiên tai bão, lũ, lụt trên địa bàn các tỉnh từ Nghệ An đến Thừa Thiên Huế. Trước tình hình thiên tai, bão lũ còn diễn biến phức tạp, khó lường, Tổng Bí thư đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền các tỉnh bị lũ, lụt tập trung cao nhất mọi nguồn lực cho việc bảo vệ tính mạng, tài sản của đồng bào, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do lũ, lụt gây ra. Đồng thời khẩn trương triển khai các biện pháp phòng, chống có hiệu quả cơn bão Megi.
Ông Nguyễn Đình Chi – Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: “Trước khi có sự hỗ trợ của Chính phủ, chúng tôi đang tiếp tục theo dõi tình hình mưa lũ trên địa bàn, đồng thời chủ động hướng dẫn nhân dân vùng có thể bị chia cắt dự trữ lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm thiết yếu, thực hiện phương châm 4 tại chỗ để chủ động đối phó tình huống ngập lụt và chia cắt dài ngày. Trợ giúp kịp thời lương thực, thực phẩm, thuốc men cho nhân dân và giải quyết các vướng mắc trong vùng lũ”.

Có một thực tế đáng lo ngại đang xảy ra tại đây. Trên phần tả đê sông Lam đoạn từ km 700 + 400 đến km 78 + 450 đang xảy ra 2 cung trượt phía sông. Cung thứ nhất dài 20m, cung thứ 2 dài 30m, chiều cao cung trượt dài 5 – 6m, hiện tại đất đã sụt 30 – 40cm. Đỉnh cung trượt chỉ cách đỉnh đê 2m. Trên mặt đê xuất hiện 2 vết nứt dọc, mỗi vết nứt dài hơn 10m. Ngay sau khi phát hiện sự cố, Sở NN&PTNT, Chi cục Đê điều và PCLB đã chỉ đạo Hạt quản lý đê điều huyện Hưng Nguyên I kết hợp với UBND xã Hưng Lam xử lý. Trong khi mực nước trên sông Lam chưa kịp rút thì phía thượng nguồn vẫn xảy ra mưa với cường độ lớn, nguy cơ vỡ đê là điều hoàn toàn có thể xảy ra.

Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn Trung ương thì tình hình mưa lũ còn diễn biến phức tạp khi lũ trên các sông ở Nghệ An tiếp tục lên, hạ lưu sông La xuống chậm và còn duy trì ở mức cao. Chiều tối ngày 18-10, mực nước trên các sông có khả năng tiếp tục lên cao. Theo đó, Sông Cả tại Nam Đàn lên mức 7,5m, dưới báo động (BĐ)3: 0,4m, sau đó lên chậm và có khả năng đạt đỉnh vào sáng ngày 19-10 ở mức: 7,65m; Sông Ngàn Phố tại Sơn Diệm xuống dưới mức BĐ1;Sông Ngàn Sâu tại Hòa Duyệt xuống mức 11,0m, trên BĐ3: 0,5m; Sông La tại Linh Cảm xuống mức 6,5m, ở mức BĐ3; Sông Kiến Giang tại Lệ Thủy xuống mức 2,0m, dưới BĐ2: 0,2m.
 
Các hoạt động cứu trợ cho người dân vùng lũ
 

Hà Tĩnh:
Xe khách bị lũ cuốn – 20 chết và mất tích

Trong khi cả tỉnh Hà Tĩnh đang gồng mình chống lũ thì vào khoảng 4h30 sáng ngày 18-10 xe khách mang biển kiểm soát 48K - 5868, khởi hành lúc 4h30 ngày 17-10 từ Đắc Nông đi Nam Định. Khi đi qua địa phận xã Xuân Lam, huyện Nghi Xuân cách cầu Rong gần 100m thì nước lũ từ thượng nguồn đổ về, nước sông Lam bất ngờ dâng cao làm tràn lên mặt đường hơn 1m nhấn chìm toàn bộ hệ thống cột tiêu và vạch phân cách. Do lũ quá xiết lại vào ban đêm nên làm cho chiếc xe chao đảo cuốn trôi xuống dòng sông Lam. Trên xe lúc đó có khoảng 37 người, nhưng chỉ có anh Lường Hữu Thành (33 tuổi) quê ở xã Hà Thanh, huyện Hoằng Hoá (Thanh Hoá) kịp ôm đứa con gái hai tuổi và một số người nữa may mắn chui ra cửa kính bơi ngược lũ vào bờ.

Nhận được tin UBND tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo các lực lượng có mặt kịp thời để ứng cứu, UBND huyện Nghi Xuân cũng lập tức huy động lực lượng Công an quân đội với số lượng trên 200 người và 2 chiếc xuồng máy có mặt sớm tại hiện trường cứu được những người mắc kẹt lại trên bờ và cấp cứu những nạn nhân đã bị kiệt sức. Bộ Tư lệnh Quân khu 4 do Đại tá Nguyễn Hữu Truyền- Phó tham mưu trưởng Quân khu 4 chỉ huy điều động Lữ đoàn Công binh 414, cùng 1 xe Páp (xe lội nước),1 xe tời, 2 máy Va Lông sâu (máy dò) tiếp cận hiện trường lúc 9h sáng ngày 18-10 nỗ lực tìm kiếm chiếc xe trên. Theo ước tính ban đầu đã có khoảng 20 người chết và mất tích, 17 người được cứu và đưa đi cấp cứu tại bệnh viện Nghi Xuân.

Theo thông tin chiều ngày 18-10, từ ban PCLB Hà Tĩnh cho biết: Hiện tại tỉnh đã có 12 người chết, 83.517 hộ bị ngập sâu trong lũ, 178 xã của 12 huyện, thị trong tỉnh bị ngập lụt. Trong đó có 105 xã bị ngập sâu và chia cắt hoàn toàn. Tỉnh cũng đã sơ tán đến nơi an toàn được 17.000 hộ (68.000 người) của các huyện Hương Khê, Vụ Quang, Cẩm Xuyên, Đức Thọ, Lộc Hà, Nghi Xuân, Hương Sơn... Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, ông Võ Kim Cự - Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết: Hiện tại tỉnh đang tập trung cho công tác bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân trong vùng lũ. Có phương án tiếp cận, di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm, vùng chia cắt; chủ động đối phó với mưa lũ nhất là tại các địa phương có nguy cơ sạt lở đất, đồng thời cử các lực lượng bám sát, chỉ đạo công tác vận hành các hồ đập, sẵn sàng giúp đỡ, ứng cứu nhân dân khi cần thiết, tuyệt đối không được để người dân đói, rét; chú trọng đến công tác vệ sinh môi trường.

 Trước tình hình trên, Bộ Quốc phòng đã điều 01 máy bay từ sân bay Gia Lâm vào Vinh để trực tiếp phục vụ bay cứu trợ các vùng khó khăn của Hà Tĩnh. Huy động 92 phương tiện xuồng, ca nô của các lực lượng quân đội, biên phòng, công an và hơn 100 phương tiện của nhân dân tập trung cứu trợ, đặc biệt tại các huyện Hương Khê, Vụ Quang, Thạch Hà. Đồng thời tổ chức cứu được 280 người thuộc Cẩm Xuyên và Đức Thọ; vận chuyển 1 tấn mì tôm rời, 60 thùng nước khoáng, 02 chuyến bạt chống tràn. Bộ Công an đã điều động bổ sung 12 xuồng cao tốc tới các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình để thực hiện cứu trợ cho nhân dân vùng ngập lũ.
 
 
 

Thừa Thiên - Huế:
2 người chết và mất tích, 7 người bị thương

Tại Thừa Thiên - Huế, mưa lũ kết hợp với lốc xoáy đã làm 1 người chết (ông Trần Ngọc Me, 83 tuổi) do lốc xoáy tại xã Phong Mỹ (Phong Điền) và mất tích 1 người do nước cuốn trôi trên sông Tà Rình, xã Hồng Quảng (A Lưới) cùng 7 người bị thương (gồm 6 người ở xã Phong Mỹ và 1 người ở xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, trong đó có 3 học sinh). Mưa lũ và lốc xoáy cũng đã khiến 60 nhà dân và 3 trường học bị sập và tốc mái, làm gãy đổ gần 30 ha cao su, keo và tràm đang trong thời kỳ thu hoạch.

Mưa lớn liên tiếp trong những ngày qua còn gây ra tình trạng sạt lở nghiêm trọng tại các địa phương ở Thừa Thiên - Huế. Tuyến đường Hồ Chí Minh qua huyện A Lưới sạt taluy âm, dương và phần nền mặt đường, chiều dài 160m, với khoảng 20.000 m3 đất đá gây ách tắc giao thông tại km 319+980 (đèo Pê ke, xã Hồng Thuỷ).

 Để đối phó với mưa lũ, tỉnh Thừa Thiên- Huế đã dự trữ 100 tấn gạo, 100 tấn mỳ ăn liền; dự trữ tại các huyện, thị xã và TP. Huế 246,5 tấn gạo, 154,2 tấn mì ăn liền, 118.470 lít xăng dầu, 3,5 tấn muối. Ban chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh đã có công văn yêu cầu Ban quản lý dự án nhà máy thủy điện Hương Điền mở hết khẩu độ 2 cửa van số 3 và số 4 đến cao trình thiết kế để đảm bảo thoát lũ và đảm bảo an toàn công trình

Trong những ngày mưa lũ, đặc biệt sau khi cơn lốc xảy ra tại xã Phong Mỹ (Phong Điền), lãnh đạo Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh đã kiểm tra và chỉ đạo khắc phục hậu quả, thăm hỏi, động viên và hỗ trợ người bị thương 1,5 triệu đồng/người, hỗ trợ gia đình có người chết 4,5 triệu đồng/người; chỉ đạo sơ cứu, cấp cứu người bị thương, bố trí nơi ở cho các hộ dân bị tốc mái, nhà sập. UBND huyện Phong Điền đã xuất 1,4 tấn gạo, 200 thùng mì tôm, 500 lít nước uống, 120 đèn dầu, 1.500 tấm lợp cho nhân dân, đồng thời huy động 100 cán bộ chiến sĩ Bộ chỉ huy Quân sự huyện, công an huyện và 300 dân quân tự vệ tại chỗ phối hợp với 80 cán bộ chiến sĩ Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh giúp dân lợp lại nhà cửa.

Nguyễn Chung- Ngọc Vượng - Việt thắng - Hà An
 
Biển Đông có sóng cao từ 12-14m
Chiều ngày 18-10-2010, Trung tâm khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, sáng ngày 18-10, bão Megi đã đi vào phía Đông đảo Lu Dông (Philippin). Đến 13 giờ ngày hôm nay (19-10), vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,6 độ Vĩ Bắc; 118,1 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 610km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14 (tức là từ 150 đến 166km một giờ), giật cấp 16, cấp 17. Tính từ tâm bão, vùng gió mạnh nguy hiểm từ cấp 10 trở lên có bán kính khoảng 200km, từ cấp 6 trở lên có bán kính khoảng 400km. Dự báo trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10- 15km.
 
Gui cho ban be Gửi cho bạn bè print Bản i