Xã hội

Ngày về của 872 phạm nhân ở trại Z.30D

8 giờ 30 buổi lễ mới diễn ra nhưng từ 5 giờ sáng, những phạm nhân đã lục tục dậy. Gọi là dậy thế thôi, kỳ thực đêm qua gần như họ không chợp mắt bởi niềm vui quá lớn.


Nếu ngày trước họ đã có những đêm dài mất ngủ khi vừa nhập trại bởi nhớ nhà, bởi ân hận, bởi chán nản, tuyệt vọng, bởi những năm tù đằng đẵng thì giờ họ mất ngủ bởi giây phút chờ đợi quá lâu, bởi những nhớ mong và hồi hộp. Niềm vui của những người được đặc xá cũng là niềm hạnh phúc của tập thể cán bộ, quản giáo và cán bộ, chiến sĩ trại Thủ Đức. Để trả về với xã hội những con người từng lầm lỗi, họ đã tận tụy ngày đêm để giúp mỗi người loại bỏ cái xấu, cái ác, vươn đến những điều tốt đẹp.

Mong bữa cơm đoàn tụ

N., một nữ phạm nhân, nói rằng việc đầu tiên khi trở về là nấu cho hai đứa con một bữa cơm. Bảy năm qua, chị mong một bữa cơm gia đình như thế. Chị nói chỉ nghĩ đến cái giá của đoàn tụ là sẽ không bao giờ tái phạm nữa. Những năm đi tù về tội buôn bán ma túy, chị không chỉ đánh mất một phần đời tự do mà còn lấy mất của hai đứa bé vòng tay chăm sóc của mẹ.

Nguyễn Thị Huyền, án phạt 16 năm về tội buôn bán ma túy, đã dành suốt buổi sáng hôm qua để chuẩn bị cho ngày về. Hành trang chẳng có gì ngoài mấy bộ quần áo mà gia đình gửi vào. Huyền khoe: “Ngày mai em sẽ được mặc lại những bộ quần áo này sau 10 năm!”. Những cô bạn cùng phòng chung vui với Huyền bằng cách sửa lại móng tay, kẻ lại mi mắt cho bạn. Trong chiếc túi xách của Huyền có những tấm ảnh kỷ niệm mà cô chụp trong những ngày tham gia đội văn trại của phân trại.

 

Thiếu tướng Hồ Thanh Đình, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, trao quyết định đặc xá cho phạm nhân.

10 năm trước, cô sinh viên năm thứ ba ngành du lịch Đại học Đông Đô (Hà Nội) được nghỉ một tháng sau kỳ thực tập, Huyền theo bạn trai vào Sài Gòn chơi và nghe bạn rủ đi bán ma túy. Cả hai bị Công an Tân Bình bắt ở một quán cà phê trên đường Vườn Lài khi đang giao hàng, Huyền lãnh án 16 năm, còn bạn cô 18 năm. Huyền khóc: “Ra tù, việc đầu tiên là em về với bố mẹ. 10 năm xa cách chắc em cần có thời gian để hòa nhập lại”.

Với Hiếu Thảo, cô gái mang án tù 10 năm về tội giết người thì ngày về, bên niềm vui là những nỗi lo. Tàn tật từ bé, khi sắp tốt nghiệp phổ thông thì cô học trò ấy trở thành nạn nhân của một vụ hiếp dâm tập thể mà kẻ chủ mưu chính là bạn trai của mình. Chán đời, cô bỏ học, lên TP.HCM tìm việc làm, rồi một chàng trai khác yêu và bị phụ tình, trong cơn ghen Thảo đã tạt acid vào người yêu. Nhìn cô gái chống nạng lên làm thủ tục đặc xá, bất giác chúng tôi nghĩ những khó khăn chờ cô sau cánh cửa nhà giam khi bản thân bị tàn tật và chưa có một nghề để mưu sinh.

Nỗi niềm ngày trở về

Cũng có những người ngày về vẫn nguyên vẹn một tương lai phía trước. Võ Hồng Hoa, cô gái xinh nhất phân trại 5, là một người như thế. 17 tuổi, Hoa từ Sa Đéc lên Sài Gòn cùng với chị, cô bị bắt khi đang bán thuốc lắc tại một vũ trường. Những ngày vào trại, đêm nào cô cũng khóc. Nhưng rồi được cán bộ giúp đỡ, động viên, cô dần tập quen với việc trả giá cho lỗi lầm của mình. Ở tuổi mới ngoài 20, sau bốn năm tù, cô được đặc xá. Suốt buổi sáng, cô gái này cứ luống cuống, ngượng nghịu rồi lại luôn miệng nói cười. Những năm tháng thụ án tù chưa làm mất hết nét hồn nhiên của Hoa.

Gần 900 phạm nhân, mỗi người là một hoàn cảnh, số phận riêng. Chung niềm vui được tự do nhưng ngày về mỗi người mỗi cảnh. Việc hòa nhập với xã hội sau một thời gian dài là điều không dễ. Cũng có những người ngày đoàn tụ cũng là ngày phải đối diện với nỗi buồn chia ly khi chồng, vợ của họ vì lý do này khác đã không còn chờ đợi. Cũng có người nỗi ân hận về sự lầm lỗi cứ nhân lên khi ngày trở về đã không còn kịp báo hiếu bậc sinh thành…

Thay mặt những phạm nhân được đặc xá, anh Lý Văn Vũ, phạm nhân phân trại K1, xúc động phát biểu: “Tôi bị tuyên án bảy năm về tội lưu hành giấy tờ có giá giả khác. Tôi từng có công việc ổn định, từng là thành viên HĐQT của một công ty, có một gia đình yên ấm, chỉ vì ham những đồng tiền bất chính mà đã đánh mất tất cả. Khi ấy tôi thấy cuộc đời hoàn toàn đen tối, tôi từng nghĩ đến cái chết. Nhưng khi vào trại Thủ Đức, tôi được cán bộ động viên, giúp đỡ, dần dần tôi lấy lại được thăng bằng và hiểu ra rằng muốn được ngẩng cao đầu thì chỉ có con đường lao động chân chính và làm ăn lương thiện”.

ĐỨC HIỂN - TRUNG DUNG

872 phạm nhân được đặc xá

Trong dịp 2-9-2010, trại giam Thủ Đức có 872 phạm nhân được đặc xá trong số 873 hồ sơ đề nghị. Con số ấy cho thấy việc bình xét đề nghị đặc xá đã được trại Thủ Đức chuẩn bị rất chặt chẽ và chu đáo.

Đợt đặc xá này có những người chưa đủ tiêu chuẩn vì chỉ mới chấp hành được một phần tư án phạt tù nhưng ban giám thị trại Thủ Đức vẫn đề nghị đặc xá vì lý do nhân đạo. Đó là những người già cả, có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt và việc giam giữ thêm họ là điều không cần thiết. Hai cụ già 82 và 84 tuổi mang án giết người mà chúng tôi gặp, gương mặt lặng đi vì hạnh phúc, líu ríu nói lời cám ơn cán bộ khi biết tên mình nằm trong danh sách được đặc xá.

Đà Nẵng: Sáng 30-8, tại trại giam Hòa Sơn, Hội đồng đặc xá Công an TP Đà Nẵng đã tổ chức lễ công bố quyết định đặc xá của Chủ tịch nước cho 34 phạm nhân. Theo Thượng tá Trần Thanh Thảo - giám thị trại giam Hòa Sơn, đây là những phạm nhân có thành tích cải tạo tốt và đã thụ án đến 2/3 thời gian so với mức án phạt.

Gia Lai: Ngày 30-8, trại giam Gia Trung (Bộ Công an) trên địa bàn huyện Mang Yang đã tổ chức lễ công bố quyết định đặc xá của Chủ tịch nước. Theo đó, có 371 phạm nhân của trại được nhận quyết định đặc xá, trong đó có 22 nữ, 58 trường hợp là đồng bào dân tộc thiểu số, ba trường hợp trên 70 tuổi. Những phạm nhân được đặc xá đợt này là những người có quá trình cải tạo tốt, chấp hành các quy định của trại giam.

Lâm Đồng: Sáng 30-8, tại trại tạm giam thuộc Công an tỉnh Lâm Đồng, ban giám thị và Hội đồng tư vấn đặc xá, tha tù tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức lễ công bố quyết định đặc xá của Chủ tịch nước cho 65 phạm nhân có quá trình cải tạo tốt, chấp hành tốt kỷ luật và quy chế trại giam. Năm nay, ngoài tiền ăn, các phạm nhân còn được trại giam bố trí xe đưa về địa phương.

TP.HCM: Sáng 30-8, tại trại giam Thủ Đức, Thượng tướng Lê Thế Tiệm - Thứ trưởng Bộ Công an đã công bố quyết định đặc xá cho 827 phạm nhân. Cùng ngày, trại Xuân Lộc và trại An Phước cũng tiến hành đặc xá cho hơn 600 phạm nhân cư trú tại TP.HCM. Sau khi nhận quyết định đặc xá, toàn bộ những người này tập trung tại Trường Bồi dưỡng nghiệp vụ Công an TP.HCM (Thủ Đức) để được hướng dẫn, giới thiệu về việc chọn ngành nghề, công việc để tái hòa nhập cộng đồng. Đây là nét mới trong công tác đặc xá năm nay.

LÊ PHI - N.LINH - NGUYỄN TIẾN DÂN - ÁI NHÂN