Xã hội

Ít trường hợp bị 'phạt gấp đôi'

Sáng nay tại Hà Nội và TP HCM, số người vượt đèn đỏ, không chấp hành biển báo... bị "phạt gấp đôi" không nhiều. Tuy nhiên cảnh sát giao thông đã gặp các tình huống bất ngờ khi xử phạt người đi bộ.


Đầu giờ sáng, giao thông trên các tuyến đường đông đúc của thủ đô như Trường Chinh, Nguyễn Trãi, Đê La Thành... vẫn xảy ra ùn tắc, ùn ứ giao thông.

7h30 tại ngã tư Kim Ngưu - Thanh Nhàn, một tổ cảnh sát giao thông và thanh tra giao thông gồm 3 người, vất vả đứng dưới trời nắng nóng điều tiết giao thông và xử lý các lỗi vi phạm. Gần 8h chốt trực này mới lập biên bản xử phạt trường hợp vi phạm đầu tiên do tài xế ôtô không thắt dây an toàn.

Bị phạt cao, ông Bắc, phố Tôn Đức Thắng (Đống Đa, Hà Nội) cho biết: "Tôi có đọc báo, nghe đài nên nắm được thông tin hôm nay là ngày đầu Hà Nội và TPHCM xử phạt gấp đôi các lỗi vi phạm giao thông. Sáng ra vội đến cơ quan làm việc nên quên không thắt dây an toàn. Việc cảnh sát giao thông xử phạt là thỏa đáng".

Tuy nhiên, tại chốt trực của Đội CSGT số 3 trên đường Láng, bị cảnh sát giao thông xử phạt 400.000 đồng vì lái xe ôtô không chấp hành biển báo, anh Nguyễn Văn Toàn, Yên Dũng (Bắc Giang) tỏ ra ngỡ ngàng. Khi được cảnh sát giao thông giải thích về quy định xử phạt mới và cho đọc quy định thì anh Toàn cũng nghiêm chỉnh chấp hành.

"Tôi có nghe các thông tin đại chúng nói về việc xử phạt gấp đôi, tuy nhiên không hiểu những lỗi nào bị phạt cao nên hơi ngỡ ngàng khi mức phạt không chấp hành biển báo khá cao", anh Toàn nói.

Đến 9h sáng, chốt trực của Đội CSGT số 7 tại ngã tư Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến xử lý được 4 trường hợp: không đội mũ bảo hiểm, chở hàng cồng kềnh, điều khiển ôtô không thắt dây an toàn.

Các phương tiện giao thông ở Hà Nội chấp hành khá tốt quy định dừng xe trước vạch quy định. Ảnh: Xuân Tùng
Các phương tiện giao thông ở Hà Nội chấp hành khá tốt việc dừng xe trước vạch quy định. Ảnh: Xuân Tùng

Lý giải cho việc ít người bị xử phạt, Thượng úy Nguyễn Ôn Minh, Đội CSGT số 7 trực tại nút này cho biết, vào giờ cao điểm buổi sáng, cảnh sát giao thông phải tập trung phân luồng, giải quyết ùn tắc, sau đó mới tiến hành xử phạt những trường hợp vi phạm.

"Nhiều người được tuyên truyền về chủ trương áp mức phạt gấp đôi đã khiến họ có ý thức hơn trong việc chấp hành luật giao thông, chỉ còn một số ít là cố tình vi phạm. Những trường hợp này cảnh sát sẽ cương quyết xử lý", Thượng úy Minh nói.

Ghi nhận của VnExpress.net, tại Hà Nội, các lực lượng làm nhiệm vụ thực hiện khá nghiêm túc quy định xử phạt gấp đôi người vi phạm giao thông. Tại ngã tư, ít xuất hiện những trường hợp điều khiển xe vượt đèn đỏ, dừng xe không đúng vạch kẻ đường, điều khiển xe lạng lách đánh võng....Tuy nhiên, tại nhiều tuyến phố, người đi bộ vẫn thoải mái băng đường mà không bị xử phạt.

Trung sỹ Đặng Quang Vị, Đội CSGT số 4 cho biết, đã được tập huấn về việc xử phạt người đi bộ nhưng để áp dụng vào thực tế thì rất khó. Cảnh sát giao thông mới chỉ nhắc nhở những trường hợp vi phạm và yêu cầu đi đúng phần đường quy định.

Tại TPHCM, sáng nay nhiều người Sài Gòn trước khi ra ngoài đường đã nhắc nhở nhau "cẩn thận" vì nếu vi phạm giao thông sẽ bị xử phạt rất nặng, nhất là trong nội thành. Ngay từ sáng sớm, cảnh sát giao thông toàn thành phố đã ra quân thực hiện nghị định mới.

"Sáng sớm đã bị phạt, tôi từ Cần Thơ lên, quên mất TP HCM đang áp dụng mức phạt rất nặng, phải đóng tới 150.000 đồng, xót quá", anh Thanh, bị cảnh sát giao thông xử phạt tại giao lộ "điểm" Cách Mạng Tháng Tám - Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3 phân trần.

Ngược lại thì tại giao lộ Nguyễn Văn Cừ - Trần Hưng Đạo, quận 5, 2 cảnh sát giao thông thuộc đội Chợ Lớn làm việc hết sức từ 6h sáng để "giúp" người dân hiểu hơn là áp dụng phạt nặng. "Nếu làm căng quá thì người dân rất bức xúc vì mức phạt cao. Chỉ hơn 1 tiếng mà có đến 4 trường hợp không đủ tiền đóng phạt 150.000 đồng cho hành vi lấn vạch", cảnh sát giao thông Đỗ Tuấn Kiệt cho biết

Cảnh sát giao thông nhắc nhở người vi phạm. Ảnh: Kiên Cường
Cảnh sát giao thông nhắc nhở người vi phạm. Ảnh: Kiên Cường

Tại ngã tư Bình triệu, quận Thủ Đức, khi cảnh sát giao thông tuýt còi người đi bộ thì người vi phạm lập tức bỏ chạy, muốn xử phạt cảnh sát phải ra tận nơi "áp giải" vào.

Kiểm tra chứng minh nhân dân một người bán rong khi đi bộ sai luật, cảnh sát giao thông Lê Văn Chung không biết phải xử lý ra sao khi người phụ nữ này khai chỉ có CMND photo nhưng để quên ở nhà. Anh Chung đành cảnh cáo và cho đi.

Tương tự, đội cảnh sát giao thông Bình Triệu cũng không biết phải giải quyết sao khi người đi bộ không đem CMND và khai trong biên bản quê ở Tân Bình Thuận, địa chỉ nhà trọ thì không nhớ. Sau đó, biên bản vẫn được ghi theo địa chỉ ở tận Bình Thuận.

"Tôi thấy xe vắng nên tranh thủ đi qua, không ngờ bị phạt tới 70.000 đồng, biết vậy đi đúng vạch sơn cho rồi", chị Nguyễn Thị Ngọc, vừa bị cảnh sát tuýt còi vì đi bộ sai phần đường quy định ngán ngầm nói.

Nếu như trong khu vực trung tâm thành phố khá "nhàn" vì đa số người dân được thông tin đầy đủ, việc chấp hành giao thông cũng tốt hơn thì khu vực gần sát đường vành đai phân chia nội - ngoại thành TP HCM cảnh sát giao thông khá vất vả.

Khu vực giao lộ Tam Bình (tỉnh lộ 43 và quốc lộ 1), một tài xế container bị tuýt còi khi đi lấn đường. Nhận giấy xử phạt, tài xế há hốc mồm vì số tiền phạt lên tới 1,2 triệu (ngoại thành thì mức này là 700.000 đồng). "Trời, sao cao dữ vậy. Lại còn bị giam bằng lái 30 ngày, coi như tháng này tiêu luôn", tài xế nói.

"Đến trưa có đến 20 trường hợp người đi bộ vi phạm, nhưng chúng tôi chỉ nhắc nhở, 10 trường hợp vượt làn dừng cùng 50 các hành vi vi phạm khác. So với nghị định cũ, việc áp dụng xử phạt theo nghị định mới và mức phạt tăng cao ở phạm vi nội thành giúp giảm 30-40% số vu vi phạm tính trung bình từ sáng đến giờ", ông Trần Như Sĩ, Đội trường cảnh sát giao thông Bình Triệu cho biết.

Theo nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ vừa được ban hành, từ 20/5, tại các khu vực nội thành của Hà Nội và TP HCM người đi xe máy vượt đèn đỏ, không chấp hành hiệu lệnh, đi vào đường cấm, đi ngược chiều vào đường một chiều... sẽ bị phạt 300.000-500.000 đồng và tước bằng lái 30 ngày (mức chung áp dụng ở các nơi khác là 100.000-400.000 đồng).

Đối với ôtô, các hành vi dừng đỗ, quay đầu xe không đúng quy định bị phạt 600.000-1.000.000 đồng (tăng gấp đôi so với mức chung). Hành vi vượt đèn đỏ, lái ôtô khi có nồng độ cồn vượt mức cho phép sẽ bị xử phạt 1-1,4 triệu đồng (mức chung là 600.000-800.000 đồng). Hành vi dừng đỗ, quay đầu xe gây ùn tắc giao thông sẽ bị phạt đến 2 triệu đồng.

Xuân Tùng - Kiên Cường

(theo VnExpress)