Pháp luật

Vắng kiểm sát viên: Tòa lúng túng

Mặc dù đã báo trước phiên xử Nguyễn Thị Thắm bị truy tố về tội đánh bạc (chơi đề) sẽ diễn ra vào ngày 29-10 nhưng kiểm sát viên giữ quyền công tố (VKSND huyện Cần Giờ) đã không có mặt.

 



Tòa phải hoãn và thông báo sẽ mở lại phiên tòa vào ngày 23-11. Cũng như lần trước, lần này kiểm sát viên vẫn... biệt tăm. Mở phiên tòa không xong, đình chỉ vụ án cũng không được nên tòa này đành phải gửi văn bản cùng hồ sơ về TAND TP.HCM xin hướng xử lý...
Viện đòi hồ sơ, tòa không trả
Vụ án trên Tòa Cần Giờ đã xử sơ thẩm lần một vào năm 2008, tuyên phạt Thắm 12 tháng tù. Xử phúc thẩm, TAND TP.HCM đã hủy bản án, buộc xử sơ thẩm lại với lý do cấp sơ thẩm đã tính sai số tiền đánh bạc, đồng thời chưa cho giám định lại chữ viết trong chứng cứ buộc tội bị cáo.
Mở phiên xử sơ thẩm lần hai năm 2009, tòa tuyên hoãn xử để yêu cầu giám định chữ viết của bị cáo như cấp phúc thẩm đề nghị khi hủy án. Đầu tháng 10-2009, Phòng Kỹ thuật hình sự, Công an TP.HCM kết luận chữ viết ghi trên cùi đề và phơi đề không phải của Thắm.
Sau khi có kết quả giám định, VKSND huyện đã có công văn xin tòa trả hồ sơ để điều tra bổ sung vì cho rằng kết luận giám định là chứng cứ mới.
Tuy nhiên, tòa không đồng ý. Tòa lập luận, thứ nhất, trước khi mở phiên tòa sơ thẩm lần hai, tòa đã nhiều lần yêu cầu viện điều tra bổ sung nhưng viện không thể bổ sung và giữ nguyên quyết định truy tố nên tòa đã xét xử. Thứ hai, Điều 181 BLTTHS quy định viện phải rút quyết định truy tố (nếu có) trước khi tòa xét xử, khi ấy tòa sẽ đình chỉ vụ án chứ phía viện không thể buộc tòa trả hồ sơ khi tòa đang xét xử. Cuối cùng, kết luận giám định không là chứng cứ mới làm thay đổi bản chất vụ án mà chỉ là một căn cứ để tòa đánh giá các chứng cứ buộc tội của VKS. Đây là trách nhiệm của tòa.
Do không chấp nhận việc trả lại hồ sơ như đề nghị của viện nên tòa đã mở lại phiên xử vào các ngày 29-10 và 23-11 như đã nêu ở trên. Phía viện đã vắng mặt...
Viện vắng, tòa bó tay?
Xung quanh việc viện vắng mặt, nhiều chuyên gia đã cho rằng đây là một lỗ hổng của luật.
Luật sư Vũ Quang Đức, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết việc tham gia phiên tòa là nghĩa vụ bắt buộc của kiểm sát viên. Nếu vị này vắng mặt có lý do chính đáng thì tòa hoãn phiên tòa và không quá một tháng sau phải mở lại. Tuy nhiên, luật không quy định cụ thể trường hợp kiểm sát viên vắng mặt nhiều lần (hoặc vì lý do nào đó cố tình vắng mặt) ảnh hưởng tiến độ xét xử thì phải xử lý ra sao. Luật sư Đức cho rằng cần phải có quy định chặt chẽ hơn về nghĩa vụ tham gia của kiểm sát viên khi tòa đã đưa vụ án ra xét xử để tránh tình trạng vị này không đến, tòa bó tay không biết xử sao.
Đồng quan điểm, luật sư Đinh Văn Thảo, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho rằng cần bổ sung vào trong luật quy định có nội dung theo hướng buộc kiểm sát viên phải tham gia phiên tòa. Nếu người này vắng mặt tại phiên tòa hai lần, kể cả có hoặc không có lý do chính đáng thì tòa có quyền đình chỉ vụ án. Theo luật sư Thảo, viện truy tố ai thì phải có trách nhiệm với quyết định của mình. Nếu kiểm sát viên không tham gia phiên tòa, có thể xem chuyện này tương đương với việc viện rút truy tố, tòa có quyền đình chỉ vụ án, bị cáo có quyền đòi bồi thường oan. Có như thế mới bảo đảm quyền công dân, tránh tình trạng có những trường hợp số phận pháp lý của một số bị can, bị cáo cứ treo lơ lửng, tinh thần thượng tôn pháp luật không được coi trọng.