Pháp luật

Cắt điện sai, phải bồi thường

Không chứng minh được hành vi trộm cắp điện, cơ quan điện lực phải bồi thường hơn 34 triệu đồng. Khi chưa chứng minh được ông T. có hành vi trộm cắp điện, điện lực đã cắt điện ngay là trái thỏa thuận trong hợp đồng mua bán điện giữa hai bên.

 



Ông N.T.T là chủ một cơ sở sản xuất nước đá tại huyện Giồng Trôm (Bến Tre). Năm 2003, ông ký hợp đồng sử dụng điện với Điện lực Bến Tre. Suốt quá trình thực hiện hợp đồng, ông luôn thanh toán tiền điện đầy đủ, không có bất kỳ vi phạm nào.
Nghi là… cắt
Đầu năm 2007, Điện lực Bến Tre đã thay dây tín hiệu điện kế cho cơ sở ông T. Đến ngày 9-5-2007, phía điện lực kiểm tra, phát hiện dây này bị đứt. Nghi ngờ ông T. trộm cắp điện, phía điện lực đã lập biên bản ngừng cung cấp điện mặc cho ông T. thanh minh thanh nga hết lời là không hề đả động gì đến cái điện kế cả.
Sau đó, phía điện lực đã yêu cầu Phòng Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bến Tre đến kiểm tra hiện trường, đồng thời nhờ Phân viện Khoa học hình sự giám định vết đứt của dây tín hiệu điện kế. Kết quả giám định là “dây đứt do công cụ hai lưỡi cắt tạo ra”.
Tuy nhiên, hiện trạng thùng điện kế khi dây tín hiệu điện kế bị cắt vẫn còn được niêm chì. Cơ quan chức năng cũng không xác định được ai cắt, bản thân ông T. thì luôn khẳng định mình vô can. Dù vậy, phía điện lực vẫn cắt điện khiến cơ sở sản xuất nước đá của ông T. bị ngưng trệ. Mãi đến ngày 3-7-2007, Điện lực Bến Tre mới cung cấp điện lại cho ông T.
Kiện qua kiện lại
Điện lực Bến Tre cho rằng từ lúc dây tín hiệu điện kế bị cắt (26-2-2007) cho đến khi phát hiện, ngừng cấp điện (9-5-2007) là 73 ngày. Vì thế, phía điện lực đã yêu cầu ông T. phải nộp gần 247 triệu đồng, bao gồm truy thu tiền điện thất thoát, tiền phạt, tiền lãi…
Chẳng những nhất quyết không chịu bồi thường, tháng 7-2007, ông T. còn khởi kiện phía điện lực ra TAND thị xã Bến Tre yêu cầu bồi thường hơn 350 triệu đồng vì cắt điện sai, làm ông phải ngừng sản xuất, mất thu nhập. Sau đó, TAND thị xã Bến Tre đã đình chỉ vụ kiện vì hợp đồng mua bán điện giữa hai bên diễn ra tại huyện Giồng Trôm.
Đầu năm nay, đến lượt Điện lực Bến Tre khởi kiện ra TAND huyện Giồng Trôm yêu cầu ông T. phải trả gần 247 triệu đồng. Theo đơn khởi kiện, phía điện lực cho rằng dây tín hiệu bị cắt đứt làm mất ít nhất 1/3 sản lượng điện trên đồng hồ. Phần này ông T. hưởng nên phải bồi thường. Dù không xác định được ai là người cắt dây tín hiệu nhưng thùng điện kế để trong nhà của ông T. thì ông phải có nghĩa vụ bảo quản.
Ngược lại, ông T. phản tố, yêu cầu phía điện lực phải bồi thường cho mình hơn 350 triệu đồng.
Ðiện lực phải bồi thường
Vừa qua, TAND huyện Giồng Trôm đã xử sơ thẩm, tuyên bác toàn bộ yêu cầu của Điện lực Bến Tre, chấp nhận một phần yêu cầu phản tố của ông T., tuyên buộc Điện lực Bến Tre phải bồi thường cho ông T. hơn 34 triệu đồng do cắt điện sai.
Theo tòa, khi chưa chứng minh được ông T. có hành vi trộm cắp điện, Điện lực Bến Tre đã cắt điện là trái thỏa thuận trong hợp đồng mua bán giữa hai bên cũng như Luật Điện lực. Tòa cũng xác định tuy thùng điện kế nằm trong nhà của ông T. nhưng hiện trạng thùng điện kế khi dây tín hiệu điện kế bị cắt vẫn còn được niêm chì, chứng tỏ ngành điện chưa có biện pháp quản tốt. Mặt khác, phía điện lực không chứng minh được ông T. cắt dây thì không thể quy trách nhiệm cho ông được.
Bên cạnh đó, việc Điện lực Bến Tre cho rằng nếu dây tín hiệu bị đứt thì sản lượng ghi trên điện kế giảm 1/3 và ông T. được hưởng lợi cũng không có cơ sở. Trên thực tế, sản lượng điện mà ông T. xài trong khoảng thời gian điện lực đòi truy thu lại nhiều hơn sản lượng các tháng liền kề trước và sau đó.
Riêng đối với yêu cầu phản tố của ông T., tòa chỉ chấp nhận phần thiệt hại mà ông chứng minh được và buộc phía điện lực phải bồi thường.
Luật sư Lê Ngọc Cảnh Đoàn Luật sư TP.HCM:
Bồi thường là tất yếu!
Một vấn đề thấy rất rõ trong vụ án là muốn được tòa chấp nhận yêu cầu thì đương sự phải có chứng cứ chứng minh. Ở đây, phía điện lực đổ trách nhiệm về sợi dây tín hiệu điện kế bị đứt cho khách hàng nhưng không chứng minh được khách hàng có lỗi nên bị tòa bác là hợp lý.
Điều làm tôi suy nghĩ hơn chính là cách xử sự của phía điện lực với khách hàng, một cách xử sự có vẻ coi thường “thượng đế”. Khi chưa có gì chứng minh vi phạm, anh vẫn thẳng tay cắt điện khiến “thượng đế” khóc ròng vì bị thiệt hại. Theo tôi, không phải ngành điện độc quyền rồi muốn cắt, muốn đóng điện cho sáng hay cho tối gì cũng được. Khách hàng bỏ tiền mua điện chứ không phải được cho không. Họ cần phải được tôn trọng, phải được cung cấp dịch vụ theo đúng hợp đồng mà hai bên cam kết. Trong tình hình hiện nay, nếu doanh nghiệp nhà nước vẫn coi thường khách hàng mà hành xử sai, gây thiệt hại thì việc phải bồi thường như vụ án này sẽ là điếu tất yếu. 
Theo phapluattp.vn