Văn bản pháp luật

Những điểm mới về chế định hợp đồng trong Bộ luật dân sự 2015

Bộ luật Dân sự 2015 chính thức có hiệu lực vào ngày 01/1/2017 có nhiều điểm ưu việt và giải quyết được nhiều vấn đề chưa rõ ràng ở bộ luật Dân sự cũ 2005.


Trong chế định hợp đồng, có nhiều điểm mới đáng lưu ý sau:
1.Vấn đề về đề nghị giao kết hợp đồng
Tại khoản 1 Điều 386 BLDS 2015 quy định như sau: “Đề nghị giao kết hợp đồng là việc thể hiện rõ ý định giao kết hợp đồng và chịu sự ràng buộc về đề nghị này của bên đề nghị đối với bên đã được xác định hoặc tới công chúng (sau đây gọi chung là bên được đề nghị)”.
Bộ luật Dân sự mới 2015 đã mở rộng rõ hơn về bên được đề nghị giao kết hợp đồng không còn chỉ gói gọn giữa bên đề nghị và bên nhận đề nghị mà còn có thể là bên đề nghị và nhiều bên nhận được đề nghị trong giao kết hợp đồng.
2.Vấn đề về thông tin trong giao kết hợp đồng
Điều 387 BLDS 2015 quy định như sau:
- Trường hợp một bên có thông tin ảnh hưởng đến việc chấp nhận giao kết hợp đồng của bên kia thì phải thông báo cho bên kia biết;
- Trường hợp một bên nhận được thông tin bí mật của bên kia trong quá trình giao kết hợp đồng thì có trách nhiệm bảo mật thông tin và không được sử dụng thông tin đó cho mục đích riêng của mình hoặc cho mục đích trái pháp luật khác;
- Bên vi phạm quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này mà gây thiệt hại thì phải bồi thường. ở Đây là nội dung mới ở BLDS 2015 quy định nhằm quản lý chặt chẽ thông tin trong quá trình giao kết hợp đồng, là cơ sở để giải quyết các tranh chấp phát sinh.
3.Vấn đề về im lặng trong quá trình giao kết hợp đồng
Khoản 2 Điều 393 BLDS 2015 quy định như sau: “Sự im lặng của bên được đề nghị không được coi là chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng, trừ trường hợp có thỏa thuận hoặc theo thói quen đã được xác lập giữa các bên”.
BLDS 2015 quy định sự im lặng của bên được đề nghị không được coi là chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng trừ trường hợp có thỏa thuận hoặc theo thói quen đã xác lập giữa các bên. Ở BLDS 2005, việc quy định không rõ về các trường hợp im lặng là đồng ý trong quá trình giao kết hợp đồng đã xảy ra nhiều tranh chấp phát sinh và thực tế Tòa án đã giải quyết im lặng là đồng ý trong quá trình giao kết hợp đồng mà không cần sự thỏa thuận im lặng là đồng ý.
4. Vấn đề về nội dung của hợp đồng
Được quy định tại Điều 398 BLDS 2015.
So với BLDS 2005 thì BLDS 2015 bổ sung thêm quy định “Các bên trong hợp đồng có quyền thỏa thuận về nội dung trong hợp đồng” nhằm nhấn mạnh rõ bản chất của hợp đồng ở mặt câu chữ, nhưng trên thực tế việc các bên có quyền thỏa thuận về nội dung trong hợp đồng đã được BLDS 2005 công nhận. BLDS 2015 còn bổ sung thêm “phương thức giải quyết tranh chấp” trong nội dung của hợp đồng nhằm tạo điều kiện cho hai bên khi ký kết hợp đồng có thể thỏa thuận với nhau về phương thức giải quyết khi xảy ra tranh chấp trong quá trình thực hiện hợp đồng
5. Vấn đề về thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản
Được quy định tại Điều 420 BLDS 2015.
Đây là điểm mới đáng lưu ý của BLDS 2015. Trong trường hợp hoàn cảnh thay đổi cơ bản, bên có lợi ích bị ảnh hưởng có quyền yêu cầu bên kia đàm phán lại hợp đồng trong một thời hạn hợp lý. Trong trường hợp các bên không thể thỏa thuận được về việc sửa đổi hợp đồng trong một thời hạn hợp lý, một trong các bên có thể yêu cầu Tòa án: chấm dứt hợp đồng tại một thời điểm xác định; sửa đổi hợp đồng để cân bằng quyền và lợi ích hợp pháp của các bên do hoàn cảnh thay đổi cơ bản. Tòa án chỉ được quyết định việc sửa đổi hợp đồng trong trường hợp việc chấm dứt hợp đồng sẽ gây thiệt hại lớn hơn so với các chi phí để thực hiện hợp đồng nếu được sửa đổi. Trong quá trình đàm phán sửa đổi, chấm dứt hợp đồng, Tòa án giải quyết vụ việc, các bên vẫn phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ của mình theo hợp đồng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Trên đây là những điểm mới cần lưu ý ở bộ luật Dân sự mới 2015 trong chế định hợp đồng. Bộ luật Dân sự 2015 đã giải quyết được những vấn đề tồn đọng, những vấn đề xảy ra tranh cãi trong thời gian dài mà không tìm được cách giải quyết phù hợp ở bộ luật Dân sự cũ 2005.