Kinh tế

Giá xăng tăng 900 đồng/lít

Petrolimex: Doanh nghiệp được trao quyền đúng lúc giá thế giới bất ổn.



Chiều 1-8, giá xăng tăng 900 đồng/lít. Ông Trần Ngọc Năm, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), cho biết tính trung bình 30 ngày, chênh lệch giữa giá cơ sở với giá bán lẻ cũ đối với mặt hàng xăng là khoảng 1.200 đồng/lít. Còn với mặt hàng dầu, mức chênh lệch là 700 đồng/lít. Nếu tính giá cơ sở chu kỳ 10 ngày gần đây thì mức độ chênh lệch sẽ cao hơn rất nhiều, xăng chênh lệch gần 2.000 đồng/lít, dầu hơn 1.000 đồng/lít. Trên cơ sở tính toán đó, Petrolimex đã đề xuất tăng 900 đồng/lít.

Cần dư luận chia sẻ

. Thưa ông, ngay sau khi được Nhà nước giao quyền định giá, DN có ngại người tiêu dùng nghĩ gì khi giá xăng dầu đã hai lần điều chỉnh tăng?

+ Ông Trần Ngọc Năm: Tôi cho rằng tình thế hiện nay là bất lợi cho DN. Khi vừa trao quyền cho DN thì thị trường xăng dầu đã phải chứng kiến hai lần tăng giá. Điều này sẽ khiến người tiêu dùng có tâm lý cứ trao quyền cho DN thì DN tăng giá, trong khi thực tế đây là tình huống bất khả kháng. Do thị trường thế giới đảo chiều, DN không tăng giá thì không được. Phải nói rằng DN không mong muốn tăng giá nhưng không còn cách nào khác. Nếu dư luận không chia sẻ thì rất khó cho DN, bởi khi đã điều chỉnh theo thị trường thì bắt buộc phải tăng. Giờ đây, niềm tin của người tiêu dùng là hàng đầu. Chúng tôi chỉ mong giá thế giới giảm để có thể điều chỉnh giảm theo. Thị trường có lên, có xuống thì mới có thể đón nhận sự đồng thuận của người tiêu dùng. Còn nếu chỉ có lên thì sẽ rất bất lợi cho DN kinh doanh xăng dầu.

Giá xăng đã tăng 900 đồng/lít. (Ảnh chụp lúc 13 giờ 20 ngày hôm qua) Ảnh: HTD

. Vậy tại sao những lần trước giá thế giới giảm mạnh nhưng mức giảm trong nước lại rất ít, thậm chí là ì ạch?

+ Tôi nhận thấy trong suốt thời gian đó không hề có một tiếng nói chung dễ khiến người tiêu dùng hiểu chưa đúng. Chúng ta đã có năm lần giảm giá. Tuy nhiên, hầu hết mọi người đều lấy ngay con số giá thế giới vừa giảm của ngày hôm trước đó để so sánh với mức giảm của trong nước. Trong khi thực tế Nghị định 84/2009 đã quy định rất rõ, giá cơ sở thì phải tính trung bình 30 ngày.

Ngay lần tăng giá này, nếu như chúng tôi cũng tính giá thế giới của ngày mới đây tăng thì mức chênh lệch cũng phải khác chứ không thể có mức tăng như lần này.

. Với vai trò là DN có thị phần lớn nhất, Petrolimex xác định sẽ đem đến lợi ích gì cho người tiêu dùng?

+ Để ý lại thời điểm đề xuất tăng giá trước vào ngày 20-7, có rất nhiều DN đề xuất các mức tăng khác nhau. Có nơi đề xuất tăng 500 đồng/lít, có nơi đề xuất 450 đồng/lít. Chúng tôi đề xuất 400 đồng/lít vì Petrolimex xác định sẽ tính toán đưa ra một mức giá để đảm bảo sự hợp lý nhất có thể.

Thời gian vừa rồi, nhiều người đặt câu hỏi tại sao đã trao quyền định giá cho DN nhưng mức giá của các DN lại giống hệt nhau? Vì các DN khác cũng phải cạnh tranh với Petrolimex để đưa ra mức giảm hấp dẫn nhất. Như vậy, thực tế các DN cũng đã có sự cạnh tranh và người được hưởng lợi là người tiêu dùng. Mức tăng 900 đồng lần này, chúng tôi thực sự đã phải tính toán kỹ.

DN cũng phải chịu lỗ

. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng giá thế giới liên tục biến động, với việc được trao quyền định giá như hiện nay thì DN đang có lợi?

+ Sao lại nghĩ giá lên thì DN có lợi? Rõ ràng chúng tôi đang bị sức ép. Giá lên mà điều chỉnh chưa kịp thời thì DN chỉ có lỗ. Có lẽ các báo cũng nên trao đổi thêm với các DN đầu mối để có thông tin đa dạng. Các DN cũng là người trong cuộc, để họ có ý kiến.

Chúng tôi đang cố gắng làm hết sức mình. Nếu làm không đúng thì đã có chế tài xử lý. Tất cả mức tăng, giảm đều có khung và vẫn được Nhà nước giám sát. Chúng tôi chỉ làm theo quy định.

. DN muốn có niềm tin của người tiêu dùng, sao không chọn phương án nào khác tốt hơn là tăng giá?

+ Phải khẳng định ai kinh doanh cũng nghĩ đến người tiêu dùng. Trong điều hành xăng dầu cũng vậy, chúng tôi luôn xác định ngay sau khi được giao quyền là không thể khẳng định chu kỳ nào cũng có lãi. Phải có lúc này, lúc kia. Nhưng xét về mặt tổng thể thì một năm kinh doanh phải có lãi, bởi không ai bỏ vốn ra mà lại không có lợi nhuận để tái đầu tư. Về nguyên tắc, các đầu mối xác định sẽ theo cơ chế thị trường, có tăng, có giảm. Và điều quan trọng, các mức tăng, giảm sẽ được người tiêu dùng giám sát thực tế bằng các con số công khai.

. Tới đây, giá thế giới dự kiến sẽ có nhiều biến động, Petrolimex có chiến lược gì trong việc nhập khẩu, thưa ông?

+ Hiện để hạn chế rủi ro, chúng tôi đã tìm đến nhiều nhà cung cấp, áp dụng nhiều cơ chế mua hàng để giảm tối đa những bất lợi cho thị trường. Còn nếu nói chúng ta dự tính được, phán đoán được hết thì rất khó.

. Xin cảm ơn ông.

Sẽ cân nhắc thời điểm điều chỉnh thuế nhập khẩu

Bắt đầu từ 13 giờ ngày 1-8, đồng loạt các DN đầu mối kinh doanh xăng dầu đã điều chỉnh tăng giá 500-900 đồng/lít. Đây là lần tăng giá thứ hai sau khi DN được tự chủ về giá.

Cục trưởng Cục Quản lý Giá Nguyễn Tiến Thỏa cho biết đến hết ngày 31-7, Cục đã nhận được đề nghị của bảy DN xin đăng ký tăng giá bán xăng dầu. Sau khi xin ý kiến của Bộ trưởng tài chính Vương Đình Huệ, Cục Quản lý Giá đồng ý để các DN điều chỉnh tăng và quyết định thời gian và mức tăng hợp lý. Riêng với thuế nhập khẩu, Bộ Tài chính vẫn giữ nguyên để hài hòa giữa Nhà nước - DN và người tiêu dùng. "Cục sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến giá thế giới, sẽ cân nhắc thời điểm điều chỉnh thuế nhập khẩu."

Theo chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Minh Phong, hai lần tăng giá xăng dầu gần đây sẽ tác động đến giá các mặt hàng thiết yếu khác. hiện giá gas cũng đã tăng mức kỷ lục hơn 50.000 đồng/bình 12 kg. Nếu không kiểm soát được giá cả, lạm phát có thể quay trở lại. Trong khi đó, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết dự kiến tính chung cả nhóm năng lượng và lương thực, thực phẩm thì CPI tháng 8 vẫn âm.

TRÀ PHƯƠNG

Nhà nước nên giảm thuế

Trước đây do chu kỳ giá xăng dầu thế giới giảm mạnh nên Nhà nước điều chỉnh tăng thuế nhập khẩu để tăng thu ngân sách. Nhưng nay giá thế giới biến động trở lại thì việc hạ thuế nhập khẩu để giữ giá trong nước là điều nên làm. Việc DN tăng giá sau khi được Nhà nước trao quyền định giá, tôi cho rằng phù hợp với xu hướng tăng của thế giới. Tuy nhiên, mức tăng, giảm có đúng hay không thì phải có kiểm toán vào cuộc.

TS NGUYỄN MINH PHONG, Viện Nghiên cứu phát triển
kinh tế - xã hội Hà Nội

Nguồn phapluattp.vn