Kinh tế

Khát vọng doanh nhân trẻ

Đã đến lúc giới doanh nhân Việt Nam phải nắm lấy sứ mệnh đổi thay để góp phần đưa dân tộc Việt Nam vươn lên mạnh mẽ đua tranh cùng thế giới, điều mà thế hệ doanh nhân Nhật Bản và Hàn Quốc những năm 60, 70 của thế kỷ trước đã làm để đổi thay dân tộc họ.


Họ là những người còn rất trẻ, kịp trang bị cho mình một nền tảng học vấn trước khi bước vào thương trường. Nhưng một thứ hành trang không thể thiếu với những doanh nhân trẻ này là ai cũng đau đáu một khát vọng làm giàu cho bản thân, cho doanh nghiệp, cho cộng đồng. Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam (13-10), Pháp Luật TP.HCM cùng gặp gỡ, trao đổi với những doanh nhân đầy máu lửa này.

TS NGUYỄN VŨ BẢO HOÀNG, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển Nhà Thủ Đức (ThuducHouse):

Doanh nhân trẻ sẽ còn vươn xa trên con đường hội nhập

Sau hơn 20 năm đổi mới và năm năm gia nhập WTO, nền kinh tế Việt Nam đã nhanh chóng đổi thay và phát triển. Theo tôi, những đóng góp quan trọng bậc nhất vào sự phát triển ấy chính là lực lượng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam, trong đó có đóng góp của lực lượng doanh nhân trẻ. Con số hơn 500.000 doanh nghiệp (DN) đăng ký thành lập đến nay là minh chứng sống động về một môi trường kinh doanh năng động. Nhưng tỉ lệ trên 95% các DN Việt Nam là vừa và nhỏ khiến chúng ta không khỏi suy nghĩ, đắn đo về sự đua tranh của các DN Việt Nam trong bối cảnh hội nhập.

Trong một môi trương kinh doanh đầy cạnh tranh khốc liệt như hiện nay thì rất cần những nhân tố sáng tạo và dám thể hiện khát vọng của bản thân mình. Việc tạo dựng và duy trì khát vọng là một nghệ thuật. Và để liên kết khát vọng bản thân trong môi trường kinh doanh đòi hỏi phải có quá trình nghiên cứu và vận dụng khéo léo, uyển chuyển nhưng đồng thời cũng phải đảm bảo được sự sáng tạo, năng động.

Với tôi, khát vọng chính là yếu tố trước tiên tạo nên sự khác biệt. Những DN Việt Nam hiện nay cần tạo dựng và duy trì, phát huy cả khát vọng của những nhân viên. Kiến tạo nên một môi trường tốt sẽ không ngừng sinh ra và nhân lên những cảm xúc tích cực để mọi người trong DN thương yêu, gắn bó với nhau như trong gia đình, từ đó tạo nên những con người tràn đầy khát vọng và sự sáng tạo - hai trong những yếu tố rất cần thiết cho DN.

Các doanh nhân trẻ TP.HCM với sứ mệnh liên kết, tạo cơ hội phát triển kinh doanh. Ảnh: Thế Anh

Tôi thiết nghĩ đã đến lúc các doanh nhân Việt Nam phải nắm lấy sứ mệnh đổi thay để góp phần đưa dân tộc Việt Nam vươn lên mạnh mẽ đua tranh cùng thế giới, điều mà thế hệ doanh nhân Nhật Bản và Hàn Quốc những năm 60, 70 của thế kỷ trước đã làm để đổi thay dân tộc họ. Và tôi tin thế hệ doanh nhân trẻ VN sẽ còn vươn xa trên con đường hội nhập.

ThS ĐỖ THANH NĂM, Chủ tịch HĐQT-Giám đốc Công ty Tư vấn Chiến lược Win-Win:

Giúp nhiều doanh nghiệp vượt qua thời điểm kinh tế khó khăn

ThS Đỗ Thanh Năm là nhà tư vấn chiến lược chuyên môn cho hơn 1.000 DN Việt Nam. Năm 2011, anh được nhà xuất bản Bibliotheque (Mỹ) đưa vào cuốn sách 500 nhân vật tiêu biểu về kinh tế, khoa học…

điều mà anh tâm đắc nhất trong công việc chính là đóng góp, hỗ trợ cho DN vượt qua những thời điểm kinh tế khó khăn và đào tạo được những thế hệ trẻ giỏi hơn mình. Mỗi DN đều mắc nhiều “căn bệnh” khác nhau, một nhà tư vấn phải là “bác sĩ” chẩn đoán đúng bệnh và tìm ra cách chữa trị tốt nhất cho DN. Điều đó đòi hỏi một nhà tư vấn bên cạnh kinh nghiệm, va chạm với nhiều DN, quá trình học hỏi, trí tuệ thì bạn phải có một năng lực vượt trội, tư duy nhận dạng được vấn đề và phải có sự tự tin. Ngành nghề nào cũng đòi hỏi nhiều thách thức nhưng người lãnh đạo DN giỏi phải nhìn nhận được cơ hội cho DN mình trong chính khó khăn.

“DN muốn lớn mạnh, vươn tầm quốc tế thì phải có cách suy nghĩ làm sao người khác phải học chính cái hay của mình. Một doanh nhân thành công có tri thức, vật chất, lòng nhân ái và sự sáng tạo mới tạo được sự bền vững cho DN” - anh Đỗ Thanh Năm chia sẻ.

ThS NĐÀO TRỌNG NHÂN, Chủ tịch QUEENSTONE GROUP:

Hướng đến thị trường 500 triệu dân của ASEAN

Xu hướng mở cửa và hội nhập kinh tế hiện nay luôn có sự đan xen giữa thời cơ và nguy cơ, giữa hợp tác và cạnh tranh khốc liệt, buộc mỗi doanh nhân Việt Nam phải có một tư duy sắc bén và sự dấn thân mạnh mẽ. Thay vì cạnh tranh giẫm đạp lên nhau trong một sân chơi nhỏ hẹp, cạnh tranh thuần túy về giá cả hay sức lao động, hay dựa vào các mối quan hệ… thì chúng ta cần chú trọng vào các yếu tố mang hàm lượng sáng tạo và có giá trị gia tăng cao, mang tính lợi thế so sánh rõ rệt như về thương hiệu, chất lượng… Chúng ta không chỉ chú trọng thị trường một số TP lớn mà còn phát triển mở rộng về thị trường nông thôn; không chỉ tư duy với thị trường 86 triệu dân ở Việt Nam mà còn hướng đến thị trường 500 triệu dân trong khối ASEAN.

Giới doanh nhân rất mong Nhà nước có cơ chế khuyến khích các DN tạo ra sản phẩm mũi nhọn, xây dựng những thương hiệu Việt có tính cạnh tranh toàn cầu. DN cần sự đối xử bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh giữa các thành phần kinh tế.

LÊ LINH DUY, Tổng Giám đốc Công ty Tam Nông:

Sát cánh cùng nông dân làm giàu

Khác với nhiều DN chọn kinh doanh nhắm vào lợi nhuận đơn thuần, anh Lê Linh Duy lại chọn hướng đi là sát cánh với người nông dân.

“Tôi vẫn hết sức trăn trở về số phận nông dân, quá ít người đồng hành với họ. Tự chăn nuôi, tự trồng trọt mà thiếu sự hướng dẫn để phát triển thương hiệu sao cho phù hợp” - Lê Linh Duy bộc bạch.

Theo anh Duy, vướng mắc không nhỏ hiện nay với nông dân chính là việc nhìn nhận sản phẩm từ phía người tiêu dùng. “Có thể thấy những sản phẩm như heo rừng, đà điểu đã từng có phong trào nhiều người tham gia chăn nuôi thế nhưng do thiếu kiểm định, thiếu giấy phép, những sản phẩm này, dẫu không hề kém về chất lượng nhưng vẫn không thể cạnh tranh với những sản phẩm thịt cùng chủng loại nhập khẩu. Đây là điều hết sức bất công cho nông dân chăn nuôi, nhiều sản phẩm phải bán chui bán nhủi, không được đánh giá đúng bản chất, điều này khiến nhiều nông trại phá sản. Đầu tư lớn nhưng phải bỏ không, trong khi đó nhu cầu thị trường thì không thiếu. Nếu những sản phẩm này được công nhận, được kiểm định chắc chắn giá trị sản phẩm sẽ không thua kém gì sản phẩm nhập khẩu. Khi đó, hàng Việt chắc chắn sẽ lên ngôi” - anh Duy chia sẻ.

ĐOÀN ĐÌNH QUỐC, Chủ tịch HĐQT-Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đình Quốc (DQ Corp):

Đổi tư duy quản trị từ “cái tôi” thành cái “chúng ta”

Khát vọng thay đổi tư duy quản trị từ cái tôi thành cái của chúng ta đã giúp DQ Corp từ một cơ sở nhỏ sản xuất kính trở thành một công ty sáng tạo, chuyên đưa giải pháp về kính cho nội thất và dẫn đầu thị phần ở lĩnh vực này.

10 năm trước, tôi quản lý công ty theo kiểu gia đình, quyết định nhanh, tăng trưởng nhanh nhưng ẩn chứa nhiều rủi ro, lãng phí nguồn nhân lực. Thành công chỉ mang yếu tố hên - xui. Từ khi chuyển sang mô hình quản trị hiện đại, mọi quyết định đầu tư đều được định lượng, đo đếm, hiệu quả mới tiến hành làm.

Nhưng sự khác biệt lớn của công ty từ vài công nhân ban đầu lên quy mô hơn 400 nhân sự là khâu đổi mới. Đổi mới về tư duy để đột phá và sáng tạo. Nếu trước DQ Corp chỉ tăng trưởng về quy mô thì nay đẩy mạnh tăng trưởng ở giá trị, nhất là hàm lượng chất xám trong khâu thiết kế, sáng tạo sản phẩm.

Từ năm 2008, khi cổ phần hóa, DQ Corp xác định phương châm cho hoạt động kinh doanh là sáng tạo cho đầu vào và đổi mới cho đầu ra. Phương châm này đã trở thành linh hồn cho các hoạt động của DN. Toàn công ty phát động phong trào nghĩ khác, nghĩ mới, nghĩ thêm và thay đổi quy trình kinh doanh từ bán sản phẩm sang bán giải pháp về kính cho nhà tắm. Kết quả của việc chuyển mình là doanh thu của công ty tăng đều, khoảng 20% và thương hiệu xuất hiện tại nhiều dự án bất động sản lớn như The Vista, Vincom center, Cantavil, Movempic Hà Nội…

Là người đứng đầu DN, khi chọn con đường sáng tạo và đổi mới, tôi tâm niệm phải chịu đầu tư và không ngừng học hỏi trong mọi hoàn cảnh, thậm chí chấp nhận thất bại để dũng cảm đứng lên đi tiếp.

 Theo phapluattp.vn