Kinh tế

Sẽ làm rõ “nghi án” làm giá cổ phiếu

TT - Sau vụ thao túng giá cổ phiếu DVD và DHT được phanh phui, một nguồn tin từ Ủy ban Chứng khoán nhà nước (SSC) cho biết sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng làm rõ một số “nghi án” làm giá cổ phiếu.


Cùng với hàng loạt vụ thao túng giá từng được phát hiện trong năm 2010, một số “nghi án” làm giá cổ phiếu đang nằm trong tầm ngắm của SSC và các cơ quan chức năng...

Thanh tra vào cuộc...

Nguồn tin từ SSC cho biết thanh tra của cơ quan này đang vào cuộc làm rõ một số “nghi án” làm giá cổ phiếu từng được dư luận quan tâm, một trong số đó là cổ phiếu AAA của Công ty CP nhựa và môi trường xanh An Phát. Từ tháng 11-2010, thanh tra của SSC đã bắt đầu làm việc với công ty này để làm rõ một số thông tin liên quan đến các hợp đồng mua bán, chuyển nhượng cổ phiếu của các cổ đông lớn, việc phát hành cổ phiếu riêng lẻ...

Trước đó, “nghi án” làm giá cổ phiếu AAA từng gây xôn xao trên thị trường khi cổ phiếu này có một đợt tăng giá khá bất thường, chạy một mạch từ mức 44.500 đồng/cổ phiếu lên 91.400 đồng/cổ phiếu (ngày 18-8 và 16-9). Cũng trong thời gian này, trên thị trường xuất hiện thông tin có một đối tác Nhật muốn đầu tư vào công ty nhưng bị từ chối với lý do “tránh thiệt hại cho cổ đông”, nhưng một cổ đông lớn khác cũng tranh thủ bán sạch 3 triệu cổ phiếu AAA.

Cổ phiếu AAA sau đó rớt sàn và giảm liên tục với khối lượng giao dịch sụt giảm mạnh. Giải trình với HNX vào ngày 29-9, phía An Phát khẳng định công ty không thực hiện bất kỳ hoạt động nào tác động đến việc giảm giá cổ phiếu AAA trên thị trường. Cùng ngày, An Phát cũng có thông cáo báo chí phủ nhận tin đồn về việc hội đồng quản trị công ty bán ra cổ phiếu, đồng thời cho rằng việc biến động giá cổ phiếu này do các yếu tố khách quan, ngoài tầm kiểm soát của công ty.

Ngoài cổ phiếu AAA, thời gian qua thị trường chứng khoán cũng xuất hiện nhiều “nghi án” làm giá cổ phiếu khác, như cổ phiếu HTV (Công ty CP Vận tải Hà Tiên), MKV (Công ty CP Dược thú y Cai Lậy)... Nguồn tin từ SSC cho biết tùy vào từng thời điểm, các “nghi án” làm giá cổ phiếu, kể cả những vụ do “đội lái” (những người làm giá chứng khoán) làm đạo diễn cũng sẽ được lật lại...

Tung tin thâu tóm...

Một trong những chiêu thức làm giá cổ phiếu từng được một số nhà đầu tư và tổ chức áp dụng là tung tin thâu tóm một doanh nghiệp để đẩy giá cổ phiếu, sau đó âm thầm bán ra cổ phiếu để bỏ túi chênh lệch giá. Vụ thao túng giá cổ phiếu DHT (Dược Hà Tây) là một ví dụ. Ông Lê Văn Dũng, nguyên chủ tịch hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc DVD, cùng nhóm người liên quan đã âm thầm gom cổ phiếu DHT trước khi tung tin thâu tóm doanh nghiệp này, nhưng sau đó đã ào ạt bán ra cổ phiếu DHT.

Tuy nhiên, người “tiên phong” trong việc sử dụng “chiêu thức” này là bà Nguyễn Kim Phượng, từng là một cổ đông lớn của Công ty CP Vật tư và vận tải ximăng (VTV) với tỉ lệ nắm giữ 8,5%. Với việc tung tin thâu tóm VTV thông qua hình thức chào mua công khai vào đầu tháng 2-2010, khi giá VTV tăng cao, bà Phượng không mua mà âm thầm bán ra VTV để thu về một khoản lợi nhuận lớn. Theo ước tính của nhiều nhà đầu tư, chỉ riêng phi vụ này bà Phượng có thể đã bỏ túi hàng chục tỉ đồng, do chênh lệch giá giữa thời điểm chào mua công khai với thời điểm bán lên tới 20.000 đồng/cổ phiếu.

Một “kịch bản” tương tự từng diễn ra với cổ phiếu của Công ty CP Thương mại dịch vụ vận tải ximăng Hải Phòng (HCT) được ông Trần Thái Hưng, một nhà đầu tư tại Nghệ An, thực hiện.

Một quan chức SSC thừa nhận vẫn chưa có biện pháp hiệu quả ngăn chặn chuyện lạm dụng việc thâu tóm doanh nghiệp để làm giá chứng khoán. Tuy nhiên, vị quan chức này cũng cho rằng sau khi các cá nhân tham gia thao túng giá cổ phiếu DHT và DVD bị bắt giữ, những đối tượng có ý định sử dụng chiêu thức này chắc chắn sẽ nghĩ lại.

“Tung hứng” giá cổ phiếu bằng tài khoản ủy quyền

Thao túng giá chứng khoán thật ra không phải là câu chuyện mới mẻ trên thị trường chứng khoán VN, nhưng chỉ bắt đầu rộ lên nhiều trong năm 2010, với nhiều biến tướng ngày càng phức tạp hơn. Trong đó, việc sử dụng tài khoản ủy quyền để tung hứng giá chứng khoán được xem là một trong những chiêu thức sử dụng khá phổ biến.

Chẳng hạn, tài khoản đứng tên ông B nhưng ủy quyền cho ông A toàn quyền sử dụng, thực chất là ông A mượn ông B đứng tên trên tài khoản. Với chiêu thức “hồn Trương Ba, da hàng thịt” này, một nhà đầu tư có thể sử dụng hàng chục tài khoản ủy quyền để giao dịch, thao túng giá mà không bị thổi còi. Các vụ thao túng giá chứng khoán liên quan đến cổ phiếu của Công ty CP sản xuất kinh doanh dược và thiết bị y tế Việt Mỹ (AMV), Công ty CP quốc tế Sơn Hà (SHI), Công CP bêtông Hòa Cầm - Intimex (HCC)... là những ví dụ. Trong vụ AMV, ông Võ Văn Trường (Đồng Nai) sử dụng hai tài khoản của mình và 10 tài khoản đứng tên người khác rồi thông đồng với ông Phạm Đình Phú (Đồng Nai) để giao dịch, tạo cung cầu ảo về cổ phiếu này suốt hai tháng.

ĐÌNH PHÚC

(theo đưa tin của Báo Mới)