Kinh tế

Giá cả sau Đại lễ: Diễn biến khó lường (12/10/2010)

Hà Nội vừa qua 10 ngày Đại lễ, mặc dù trước dịp này Sở Công  thương Hà Nội nhận định, tình trạng tăng giá hàng hóa thực phẩm tại Hà Nội chỉ mang tính nhất thời, sau Đại lễ giá hàng hóa sẽ “hạ nhiệt” và giữ ổn định.


Tuy nhiên, theo khảo sát và ghi  nhận của  phóng  viên Đại  Đoàn Kết, một ngày sau Đại lễ, giá cả có những thứ đã trở lại  bình thường, nhưng nhiều thứ đã  nhân cơ  hội  này để “xác lập” một mặt bằng giá  mới.
Giá lại... tăng
Lo ngại những diễn  biến  bất  thường  về giá  cả trong những  ngày diễn  ra Đại  lễ, các cơ  quan  chức  năng  đã  đề  ra nhiều  giải  pháp  quản  lý  và  bình ổn giá cả. Sở Công  thương Hà Nội đã  công bố  nhiều biện pháp đẩy mạnh việc kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện các quy định về niêm yết giá và bán theo giá niêm yết ...
 
Tuy nhiên, những ngày qua, đặc biệt là trong 2 ngày trọng điểm, ngày 9 và 10-10, do ảnh hưởng của sự kiện, cộng với  việc kiểm soát giá lỏng lẻo, thiếu nghiêm túc, giá  cả  hàng hoá tiêu dùng, dịch vụ của Hà Nội  đã  diễn  biến tăng  khó  kiểm  soát. Giá các loại rau xanh, thực phẩm tươi sống tăng thêm khoảng 20% - 30% so với cuối tháng 9. Tại các chợ dân sinh, tình trạng khan hiếm hàng hoá diễn ra phổ biến  từ vài ngày và đỉnh điểm nhất là  khoảng 1 ngày  trước  Đại  lễ. Chợ Thành Công, thịt lợn, bò, gà tăng thêm 10.000 đồng – 15.000 đồng/kg tuỳ từng thời  điểm  trong ngày, song tăng giá mạnh nhất là mặt hàng hải sản. Cụ thể ghẹ xanh giá tăng thêm từ 30.000– 40.000 đồng/kg, tôm sú tăng 20.000-30.000 đồng/kg. Những mặt hàng khô khác cũng tranh thủ ăn theo như gạo, nấm hương, mộc nhĩ cũng nhích lên thêm vài nghìn đồng/lạng. Gạo Bắc Hương từ 11.000 đồng/kg tăng lên 12.500 đồng/kg, tôm khô từ 85.000 đồng/kg lên 100.000 đồng/ kg, trứng gà công nghiệp từ 13.000 đồng/chục lên 18.000 đồng/chục... Giá rau  xanh  bị  đẩy lên  từ 10-20%. Cải thảo tăng 12.000  đồng/kg lên 20.000 đồng/kg, cà chua tăng 5.000 đồng/kg, bí xanh ngày thường từ 6.000-9.000 đồng/kg, hai ngày tăng 10-12.000 đồng/kg... Chị Oanh, một  người bán thực  phẩm  tại  chợ  Thành Công  cho  biết: “Khả  năng hàng  thực  phẩm trở  về  mức giá cũ  là  khó, vì tâm lý  người  bán  hàng, kể cả  bán lẻ và  bán buôn  đều  muốn nhân  dịp  này tăng  giá  lên chút ít để  kiếm  lời  nhiều hơn”.

Không chỉ có hàng hoá  tiêu  dùng  tăng  giá  chóng mặt, các  dịch  vụ  xung quanh Đại  lễ cũng  tăng giá không  điểm dừng. Trên địa bàn Hà Nội dịch vụ taxi trở nên “cháy hàng”. Các khu vực từ trung tâm thành phố đến các đường vành đai xuất hiện taxi “đồng giá”. Đi taxi từ cầu Long Biên ra gầm cầu Chui giá 100.000 đồng/lượt, xe ôm 40.000 đồng/lượt, không mặc cả.
 
Kiểm soát giá: Nói  dễ, khó làm
Mới đây, tại cuộc  họp  của  Bộ  Công thương, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh: “Trong quý IV, giá cả có thể có nhiều biến động do các ngành hoàn thành kế hoạch năm. Sức ép về mặt hàng hóa, giá cả là rất lớn nên yêu cầu bình ổn giá là quan trọng”.

Tuy vậy, ông Nguyễn Văn Đồng, Phó giám đốc Sở Công thương Hà Nội cũng đã thẳng thắn thừa nhận, tại các chợ cóc và các chợ bán lẻ, do không thể kiểm soát được nên cũng khó tránh khỏi việc tiểu thương tự ý tăng giá của một số mặt hàng. Các lực lượng quản lý thị trường vẫn sẽ tập trung kiểm tra kiểm soát chống các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá quá mức, tung tin thất thiệt gây rối loạn thị trường  từ nay  đến cuối  năm.

Với những diễn biến giá cả trong những ngày trước và sau Đại lễ đã cho thấy sự quản lý lỏng lẻo, thiếu sát sao của các cơ quan quản lý. Điều này chứng tỏ việc kiềm chế  lạm  phát vẫn chưa hiệu quả.

Một trong những minh chứng  rõ ràng cho tình trạng này đó là  việc  khan hiếm hàng hoá ngay trong các siêu  thị  và các điểm bán hàng bình ổn giá. Nhiều ý kiến  của  người  tiêu  dùng  phản ánh, ngay  tại  các  siêu  thị  lớn như Intimex, Big C, Hapro... tuy  không xảy  ra chuyện  tăng giá, sốt  giá những lại diễn  ra tình trạng khan hiếm các chủng  loại  hàng  hoá khiến người tiêu  dùng  nếu  có  nhu  cầu phải  mua ngoài  siêu  thị. Đây  là  dịp  để  những điểm bán lẻ tăng giá, bắt chẹt  người  tiêu  dùng.

Dự  báo  về  giá  cả  thời  gian tới, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội lo ngại, đây mới chỉ là những tín hiệu đầu tiên. Từ nay đến Tết Nguyên đán, chắc chắn sẽ có thêm nhiều đợt điều chỉnh giá mới. Nhóm hàng lương thực, thực phẩm  chiếm  tới hơn 40% trong tổng chỉ số CPI, thì việc tăng giá này sẽ gây sức ép mạnh mẽ lên mục tiêu kiềm giữ lạm phát. Giữ được chỉ số giá tăng trung bình 0,5% mỗi tháng và 1,5% cho 3 tháng cuối năm để đạt mục tiêu CPI 8% thực sự là một thách thức.

Hương Thủy