Kinh tế

Quy định về đăng ký cấp biển số xe: Sao lại “đóng” với cán bộ công chức? (08/10/2010)

Thông tư 06/2009/TT-BCA(C11) (ngày 11-3-2009) về việc cấp, thu hồi đăng ký, biển số các loại phương tiện giao thông cơ giới đường bộ đang gây khó khăn cho đối tượng đăng ký là đối tượng công chức, đang sống và làm việc tại Hà Nội nhưng chưa có hộ khẩu Thủ đô.


Công chức nghèo kêu khó
Nguyễn Vũ Hà-một công chức làm việc tại Hà Nội hơn 10 năm nay thất vọng rời khỏi trụ sở đăng kí cấp biển số xe máy trên đường Láng chỉ vì anh chưa có hộ khẩu Hà Nội. Anh Hà than thở, với đồng lương của cán bộ công chức như anh chẳng biết bao giờ mới có thể mua nhà để được đăng ký hộ khẩu Hà Nội. Trong khi đó, nếu là sinh viên thì chẳng cần hộ khẩu hay CMT, hộ chiếu mà chỉ cần có “Thẻ học viên, sinh viên học theo hệ tập trung từ hai năm trở lên của trường trung cấp, cao đẳng, đại học, học viện kèm theo giấy giới thiệu của nhà trường”. Theo anh Hà: Đã có sự “phân biệt đối xử ở đây”, Thông tư  06/2009 không chỉ “mở” với đối tượng là sinh viên mà còn rất “thoáng” với “người Việt Nam định cư ở nước ngoài về sinh sống, làm việc tại Việt Nam”. Đối với những người này, nếu không có hộ khẩu, họ chỉ cần có “Sổ tạm trú” và hộ chiếu (hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu) là có thể dễ dàng đăng ký xe tại Hà Nội.
 
Anh Trần Quang Đại - cán bộ thuộc Đội CSGT số hai – quận Ba Đình (Hà Nội) giải thích: đây là cách “hạn chế đăng kí phương tiện trên địa bàn thành phố và quản lý việc đăng ký các phương tiện này”. Cán bộ công chức nếu đăng ký xe máy tại Hà Nội, bắt buộc phải có CMT, hoặc hộ chiếu do công an Hà Nội cấp, nếu không thì phải có hộ khẩu Hà Nội. Ngoài Thông tư 06, ngành CA không áp dụng văn bản nào khác vì Thông tư 06 đã “bao trùm” điều chỉnh toàn bộ hoạt động đăng ký cấp biển số xe trên toàn quốc.
 
Có quản lý được bằng hộ khẩu?
Việc dùng hộ khẩu để dễ dàng quản lý các phương tiện giao thông, đặc biệt khi có tai nạn giao thông xảy ra là một trong những nguyên nhân được đưa ra từ phía cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, chỉ quản lý chặt với cán bộ công chức là không hợp lý, trong khi đó, sinh viên chỉ cần có hai năm học tập, sinh sống tại Thủ đô là có thể được cấp giấy phép? Vậy sau khi sinh viên ra trường về quê hay sang tên đổi chủ phương tiện không qua cơ quan quản lý nhà nước thì các cơ quan này quản lý bằng cách nào? Và cho dù hạn chế lượng đăng ký xe, song thực tế, lượng xe đăng ký ở địa phương khác lưu thông trên địa bàn Hà Nội vẫn không giảm. Nếu đã không phân biệt lượng xe lưu hành trên địa bàn Hà Nội vậy hạn chế đăng kí xe máy chỉ riêng với đối tượng công chức để làm gì?
 
Còn nhớ trước đó, qui định mỗi người có hộ khẩu ở các quận nội thành Hà Nội chỉ được đăng ký một xe để giảm tải lượng tham gia giao thông đã phải bãi bỏ vì không thể thực hiện do nhiều người “lách luật” bằng cách “thuê” tên của những người có hộ khẩu ngoại thành để đăng ký xe. Xe cộ là phương tiện thiết thân gắn với cuộc sống của mỗi con người, có quản lý chặt đến mấy người dân vẫn không thể thiếu phương tiện này, vấn đề ở chỗ các quy định quá cứng nhắc sẽ làm tăng thủ tục hành chính phiền hà không đáng có, trong khi Nhà nước đang gắng sức giảm bớt những thủ tục rườm rà và dù quy định như vậy, người dân vẫn có thể lách luật.
 
Anh Anh