Kinh tế

Bán vốn nhà nước: Cần cơ chế thông thoáng hơn

(ĐTCK-online) Từ nay đến cuối năm, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) sẽ thực hiện bán cổ phần tại gần 90 doanh nghiệp. 12 CTCK sẽ là đơn vị tư vấn cho các doanh nghiệp và làm đại lý đấu giá cho các doanh nghiệp mà SCIC thực hiện thoái vốn.


Tuy nhiên, theo đại diện một số CTCK làm đại lý đấu giá, để thực hiện thành công việc thoái vốn, cần có sự điều chỉnh tích cực trong cơ chế bán vốn theo hướng đa dạng và linh hoạt hơn, trên cơ sở kinh nghiệm rút ra từ hoạt động thoái vốn trong những năm trước.

Năm 2010, SCIC đặt kế hoạch hoàn thành bán vốn tại 170 doanh nghiệp, với dự kiến doanh thu bán vốn là 708 tỷ đồng. 8 tháng đầu năm, SCIC đã thực hiện thoái vốn tại 81 doanh nghiệp.

Theo SCIC, việc bán vốn nhà nước tại các doanh nghiệp này luôn phải đảm bảo nguyên tắc hiệu quả, phải chọn thời điểm thích hợp để bán và điều quan trọng là phải thay đổi về chất trước khi bán. Để thực hiện thoái đầu tư có hiệu quả, SCIC đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp có các cổ đông chiến lược, cam kết gắn bó với doanh nghiệp, có khả năng hỗ trợ về công nghệ, tài chính, quản trị doanh nghiệp cho các đơn vị này.

Danh sách CTCK làm đại lý tư vấn cho các DN mà SCIC thực hiện thoái vốn năm 2010

- CTCK Bảo Việt

- CTCK Tân Việt

- CTCK Đông Nam Á

- CTCK Tràng An

- CTCK Quốc Tế Việt Nam

- CTCK Quốc Tế Hoàng Gia

- CTCK Doanh nghiệp vừa và nhỏ

- CTCK VNS

- CTCK Việt Quốc

Giám đốc một CTCK làm tư vấn cho 15 doanh nghiệp mà SCIC thực hiện thoái vốn từ nay đến cuối năm cho biết, quy mô vốn của các doanh nghiệp thoái vốn khá nhỏ, có doanh nghiệp chỉ có vài tỷ đồng và doanh nghiệp có vốn cao nhất cũng chưa đạt 100 tỷ đồng. Sau vụ "lình xình" thoái vốn tại CTCP Du lịch Tiền Giang, các đơn vị tư vấn đã thận trọng hơn rất nhiều, nhất là trong việc định giá doanh nghiệp sao cho có thể đặt được mức giá khởi điểm phù hợp nhất, cho dù quy mô doanh nghiệp rất nhỏ. Vị giám đốc này cũng nhận định, mặc dù TTCK chưa phục hồi một cách vững chắc, nhưng mục tiêu thoái vốn tại các doanh nghiệp của SCIC vẫn rất khả thi, bởi nhà đầu tư quan tâm tới những thương vụ này thường là tổ chức, cổ đông lớn, cổ đông nội bộ trong doanh nghiệp.

Hiện nay, SCIC vẫn thực hiện công tác bán vốn nhà nước bằng phương thức bán đấu giá công khai, thông qua các tổ chức là các CTCK chuyên nghiệp, có chức năng tư vấn và bán đấu giá. Về quy trình, trước tiên SCIC công bố công khai kế hoạch bán vốn. Nhà đầu tư có thể tìm hiểu thông tin tại trang web của SCIC để biết kế hoạch này và chủ động tiếp cận doanh nghiệp nhằm đánh giá cơ hội đầu tư. Tuy nhiên, thông tin trong kế hoạch chỉ là khái quát. Các thông tin chi tiết hơn về doanh nghiệp cũng như mức giá khởi điểm và quy chế bán đấu giá sẽ được SCIC, thông qua các CTCK, công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng theo đúng quy định của pháp luật.

Thực hiện đấu giá cổ phần có cái lợi là giá cả minh bạch thông qua đấu giá, nhưng cũng có không ít điểm bất tiện. Cụ thể, việc công bố thông tin, các bước thực hiện kéo dài, quy mô doanh nghiệp nhỏ không hấp dẫn nhà đầu tư lớn, trong khi thực hiện đấu giá theo bước giá khiến cho số cổ phần bị xé lẻ. Bên cạnh đó, không ít nhà đầu tư muốn mua cổ phần của các doanh nghiệp theo cơ chế cổ đông chiến lược, tức là nắm giữ dài hạn và có hỗ trợ lại cho doanh nghiệp về các mặt như tài chính, quản trị… Vì là nhà đầu tư chiến lược, họ muốn mua cả gói theo phương thức thỏa thuận. Điều này chưa được thực hiện nên các CTCK không thể tiến hành mời gọi đối tác theo phương thức đàm phán.

Trong định hướng hoạt động, SCIC chủ trương tái cơ cấu phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, hoạt động trong những lĩnh vực, ngành nghề mà Nhà nước không cần đầu tư. Mục tiêu là đến cuối năm 2012, tổng số doanh nghiệp trong danh mục của SCIC chỉ còn khoảng 100 doanh nghiệp. Đó là những doanh nghiệp lớn, hoạt động trong những ngành, lĩnh vực thiết yếu, Nhà nước cần nắm giữ vốn. Việc quản lý quá nhiều doanh nghiệp nhỏ (474 doanh nghiệp nhóm C chỉ chiếm tỷ trọng 20% tổng số vốn nhà nước tại các doanh nghiệp do SCIC làm đại diện chủ sở hữu vốn) thuộc những ngành, lĩnh vực mà Nhà nước không cần nắm giữ vốn, sẽ khiến hoạt động của SCIC dàn trải, phân tán, giảm hiệu quả. Do vậy, bán vốn nhà nước được coi là nhiệm vụ trọng tâm của SCIC trong năm nay và năm 2011.



Hoàng Anh