Kinh tế

Không thông qua biểu thuế suất tài nguyên

Chính phủ trình biểu thuế khai thác tài nguyên nhưng chỉ tăng 3% so với hiện tại, có tài nguyên không tăng thuế nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội gác lại.



Ngày 14-4, Chính phủ trình biểu thuế suất khai thác nhiều loại tài nguyên nhưng bị Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) bác vì mức tăng còn thấp, dễ dẫn đến việc khai thác cạn kiệt tài nguyên của đất nước…

“Không yên tâm…”

Trình bày báo cáo thẩm tra, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội Cao Ngọc Xuyên nhận xét việc tăng thuế tương đối cào bằng, vẫn ở mức rất thấp so với trần của khung thuế suất QH đã quyết định trong Luật Thuế tài nguyên. Ví dụ, một số tài nguyên không tái tạo được như sắt, mangan chỉ tăng từ 7% lên 10% trong khi mức trần QH cho phép là 20%; bạch kim, bạc, thiếc, kẽm, đồng, nhôm ở mức 10% trong khi mức trần là 25%...

Ủy ban Tài chính và Ngân sách kiến nghị cần áp dụng mức thuế suất cao hơn, góp phần sử dụng tài nguyên tiết kiệm, hạn chế tác động tiêu cực tới môi trường, tăng thu ngân sách. Chẳng hạn, thuế suất đối với than chỉ tăng từ 4% lên 5% trong khi than không tái tạo mà lợi nhuận từ khai thác than khá cao. Tương lai không xa chúng ta lại phải nhập khẩu than. Tương tự, mức thuế suất với dầu thô vẫn giữ nguyên như mức hiện hành (6%, 8%, 10%... tùy vào số lượng khai thác) trong khi kết quả thăm dò thì trữ lượng dầu thô rất hạn chế, Việt Nam đang phải nhập khẩu xăng dầu giá cao…

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Nguyễn Văn Thuận cũng cho rằng việc đánh thuế tài nguyên phải căn cứ vào trữ lượng tài nguyên, nhu cầu sản xuất kinh doanh, khuyến khích hay không khai thác, xuất khẩu thô… “Đánh thuế phải có cơ sở chứ không đơn thuần như bốc thuốc! Vừa rồi xuất khẩu cát sỏi ồ ạt rồi lại dừng. Nước ngầm khoan lên dùng hết, mai sau lấy gì mà dùng? Biểu thuế như thế tôi không yên tâm, đề nghị TVQH chưa thông qua” - ông thẳng thắn nói.

Biểu thuế suất khai thác tài nguyên còn thấp dễ dẫn đến việc khai thác cạn kiệt. Ảnh minh họa. Ảnh: CTV

Chủ nhiệm Hội đồng Dân tộc Ksor Phước bày tỏ lo lắng, tìm cách ngăn chặn xuất khẩu khoáng sản thô, tập trung chế biến sâu, tinh…?           

Tạm gác!

Bảo vệ biểu thuế suất trình cho UBTVQH, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh phân trần: Ngoài thuế tài nguyên còn các biện pháp quản lý khác như quy hoạch về khai thác khoáng sản (hạn chế, cấm khai thác), các công cụ về thuế… Ví dụ, muốn khuyến khích sản xuất, chế biến sâu trong nước, hạn chế xuất khẩu khoáng sản thô thì đánh thuế xuất khẩu cao.

Ông Ninh cũng cho rằng mức thuế tăng 1%-3% không hề nhỏ vì thuế tài nguyên là đầu vào của nhiều ngành sản xuất. Chẳng hạn, nếu tăng thuế khai thác than sẽ ảnh hưởng đến giá than trong khi giá than bán cho điện đang ở dưới giá thành… Ông nói: “Năm 2009, 21 đơn vị của Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam đóng thuế tài nguyên hơn 1.085 tỉ đồng trong khi lợi nhuận chỉ có 616 tỉ đồng. Năm 2010, nếu tăng 1% thuế khai thác than cùng sản lượng như năm 2009, ước tính tiền thuế tăng lên 1.600 tỉ đồng, lợi nhuận chỉ còn 514 tỉ đồng.”

Với dầu thô, bộ trưởng cho biết: Chính phủ đề nghị giữ nguyên mức thuế vì việc thăm dò, khai thác trên biển đang gặp những khó khăn, có đối tác còn đòi bàn thảo lại hợp đồng đã ký kết…

Sau khi nghe các ý kiến, Phó Chủ nhiệm QH Nguyễn Đức Kiên “gút”: UBTVQH tạm gác, chưa thông qua nghị quyết về biểu thuế tài nguyên. Ông yêu cầu cơ quan trình và ủy ban thẩm tra ngồi lại với nhau, cân nhắc điều chỉnh mức thuế để có thể trình UBTVQH thông qua trước ngày 19-4.

VĂN TIẾN

Theo phapluattp.vn