Chính sách mới

Xây dựng chính sách về thủ tục hải quan: Tạo niềm tin cho doanh nghiệp

Tạo dựng hệ thống chính sách pháp luật với các quy định thuận lợi, dễ thực hiện và thời gian có hiệu lực kéo dài là mong muốn của không ít DN. Chính vì vậy, trong thời gian qua, hệ thống pháp luật hải quan thường xuyên được hoàn thiện, tương đối hoàn chỉnh, phù hợp với chuẩn mực quốc tế, thủ tục hành chính về hải quan được đơn giản, công khai minh bạch hơn tạo thuận lợi để ngành Hải quan thực hiện cải cách, hiện đại hóa, phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.


Tạo dựng hệ thống chính sách pháp luật với các quy định thuận lợi, dễ thực hiện và thời gian có hiệu lực kéo dài là mong muốn của không ít DN. Chính vì vậy, trong thời gian qua, hệ thống pháp luật hải quan thường xuyên được hoàn thiện, tương đối hoàn chỉnh, phù hợp với chuẩn mực quốc tế, thủ tục hành chính về hải quan được đơn giản, công khai minh bạch hơn tạo thuận lợi để ngành Hải quan thực hiện cải cách, hiện đại hóa, phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Ngành Hải quan đang ngày càng hoàn thiện thể chế, chính sách tạo thuận lợi cho hoạt động XNK.​​​ Trong ảnh: Công chức Chi cục Hải quan Quản lý hàng đầu tư (Cục Hải quan TP.HCM) hướng dẫn thủ tục cho DN. Ảnh: T.H. Xây “bệ đỡ” cho hoạt động XNK Những ngày cuối năm 2017, khi nhiều người đã nghĩ đến kế hoạch nghỉ ngơi sau một năm dài lao động mệt mỏi, thì ở phòng làm việc của một lãnh đạo Cục Giám sát quản lý về hải quan, những CBCC làm chính sách vẫn đang sôi nổi thảo luận về dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 38/2015/TT-BTC quy định về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế XK, thuế NK và quản lý thuế đối với hàng hóa XK, NK. Đây được coi là văn bản pháp luật “xương sống”, là nền tảng cho toàn bộ thủ tục hải quan, quản lý thuế đối với hàng hóa XNK. Với những người làm chính sách, làm thế nào để xây dựng một văn bản pháp luật đầy đủ, đáp ứng yêu cầu quản lý và phù hợp với mục tiêu đơn giản thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN là điều không hề dễ. Tại các đợt rà soát, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Vũ Ngọc Anh đều yêu cầu, dự thảo thông tư cần được rà soát thật chi tiết, cụ thể đến từng điều, khoản; đảm bảo yêu cầu quản lý chặt chẽ đồng thời tạo thuận lợi cho hoạt động XNK. Những yêu cầu này đáp ứng đúng chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Tài chính là thực hiện các giải pháp cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Xác định tầm quan trọng và những nội dung của dự thảo Thông tư có liên quan đến các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng DN, Tổng cục Hải quan đã nghiêm túc thực hiện các hoạt động cần thiết cho việc soạn thảo Thông tư theo đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Dự thảo thông tư sửa đổi đã được Tổng cục Hải quan tuyên truyền, phổ biến rộng rãi. Thông qua nhiều cuộc hội thảo lấy ý kiến trực tiếp các đối tượng bị điều chỉnh (các cục hải quan tỉnh, thành phố, cộng đồng DN và các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan) và bằng văn bản, Tổng cục Hải quan đã ghi nhận được hàng trăm ý kiến của cộng đồng DN và các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan. Là người có nhiều năm gắn bó với hoạt động XNK, thường xuyên tham gia các cuộc hội thảo của ngành Hải quan tổ chức, bà Nguyễn Ánh Tuyết- Trưởng phòng XNK Công ty TNHH Ford Việt Nam đánh giá cao những nỗ lực của ngành Hải quan trong việc xây dựng và ban hành chính sách. Như chia sẻ của bà Tuyết, Tổng cục Hải quan là một trong những đơn vị thường xuyên tổ chức, mời các hiệp hội, DN góp ý trực tiếp vào những chính sách mà mình chủ trì soạn thảo. Lãnh đạo ngành Hải quan rất lắng nghe vướng mắc của DN và đưa ra các giải pháp tháo gỡ. “Điều đó không phải cơ quan quản lý nào cũng làm được”- bà Tuyết nhấn mạnh. Một văn bản cũng có ý nghĩa lớn được Tổng cục Hải quan chủ trì xây dựng là dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/1/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan. Nghị định này không chỉ bổ sung những quy định rõ ràng, minh bạch, thống nhất trong quy định về thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hoá XK, NK, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh hơn mà còn tạo thuận lợi hơn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN. Đồng thời củng cố cơ sở pháp lý về thông tin hải quan, trị giá hải quan, thời điểm thông báo kết quả phân luồng tờ khai… để đảm bảo quản lý về hải quan, tăng cường hoạt động phòng chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Hoàn thiện đồng bộ chính sách Nói đến việc xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách lĩnh vực hải quan không thể không nhắc tới kế hoạch sửa đổi, bổ sung Luật Thuế XK, thuế NK số 107/2016/QH13, được Tổng cục Hải quan khởi động trong năm 2017. Theo ban soạn thảo, những nội dung sửa đổi chủ yếu tập trung vào các nhóm vấn đề: Nhóm vấn đề sửa đổi, bổ sung về miễn thuế nhằm khắc phục vướng mắc, bất cập hiện tại, tạo thuận lợi cho việc triển khai trên thực tế; Nhóm vấn đề sửa đổi mô tả hàng hóa và khung thuế XK đối với một số nhóm hàng tại Biểu thuế XK ban hành kèm theo Luật Thuế XK, thuế NK; Nhóm vấn đề sửa đổi, bổ sung quy định về hoàn thuế nhằm thực hiện mục tiêu cải cách thủ tục hành chính về thuế, tạo thuận lợi cho người nộp thuế và phù hợp với chủ trương khuyến khích sản xuất XK, phát triển công nghiệp hỗ trợ của Đảng và Nhà nước. Năm 2017 cũng là năm Tổng cục Hải quan hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 01/2015/QĐ-CP quy định chi tiết phạm vi địa bàn hoạt động hải quan; trách nhiệm phối hợp trong phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, qua đó báo cáo Bộ Tài chính trình Chính phủ để ban hành. Các nội dung trong dự thảo nghị định sửa đổi nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc còn tồn tại, tạo cơ sở pháp lý chung, áp dụng thống nhất việc xác định địa bàn hoạt động hải quan; trách nhiệm phối hợp trong công tác phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Ngoài việc tập trung sửa đổi các quy định pháp luật quan trọng trong lĩnh vực hải quan, năm 2017, Tổng cục Hải quan đã chủ trì tham mưu cho các cấp sửa đổi, bổ sung, ban hành mới 17 văn bản quy phạm pháp luật. Trong đó, Tổng cục Hải quan đã tham mưu Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ xây dựng Nghị định quy định Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia, kiểm tra chuyên ngành nhằm tạo thuận lợi tối đa đối với hàng hóa XNK. Nhìn lại khối lượng văn bản đã được ngành Hải quan chủ trì soạn thảo năm 2017 mới thấy được nỗ lực không ngừng của những người làm chính sách về thủ tục hải quan với mục tiêu trên hết là xây dựng những “bệ đỡ” vững chắc giúp DN vượt khó khăn và phát triển. Hy vọng rằng những văn bản quan trọng có hiệu lực trong năm 2018 sẽ mang lại sự thuận lợi hơn nữa cho DN và người dân.