Nghiên cứu

Hiểu đúng quy định của pháp luật hiện hành về giấy tờ có giá

Điều 163 của Bộ luật dân sự năm 2005 quy định: “Tài sản bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản”. Khi đọc được quy định này thì nhiều người không hiểu giấy tờ có giá là gì hoặc hiểu sai bản chất, cho rằng giấy tờ có giá ở đây là các loại giấy tờ như: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy đăng ký xe máy, xe ô tô,… Việc hiểu sai hoặc hiểu chưa đúng bản chất có thể sẽ gây ảnh hưởng đến các giao dịch dân sự. Vậy theo quy định của pháp luật, giấy tờ có giá theo đúng quy định của pháp luật là những giấy tờ nào?


Điểm 8 Điều 6 của Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2010 quy định giấy tờ có giá là “bằng chứng xác nhận nghĩa vụ trả nợ giữa tổ chức phát hành giấy tờ có giá với người sở hữu giấy tờ có giá trong một thời hạn nhất định, điều kiện trả lãi và các điều kiện khác“. Như vậy có thể thấy, nếu cho rằng Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là giấy tờ có giá thì cần trả lời một số câu hỏi như:
– Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có xác nhận nghĩa vụ trả nợ không?
– Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có đi kèm với điều kiện trả lãi không?
Thực chất Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chỉ xác lập quyền sử dụng của cá nhân đối với mảnh đất đó mà thôi và không hề phát sinh nghĩa vụ trả nợ đối với bất cứ tổ chức nào hay đi cùng với đó là điều kiện trả lãi. Vậy giấy tờ có giá là những loại giấy tờ nào?
Theo hướng dẫn tại Công văn 141/TANDTC-KHXX năm 2011 của Tòa án nhân dân tối cao thì giấy tờ có giá được liệt kê bao gồm các loại giấy tờ:
a) Hối phiếu đòi nợ, hối phiếu nhận nợ, séc, công cụ chuyển nhượng khác được quy định tại Điều 1 của Luật các công cụ chuyển nhượng năm 2005;
b) Trái phiếu Chính phủ, trái phiếu công ty, kỳ phiếu, cổ phiếu được quy định tại điểm c khoản 1 Điều 4 của Pháp lệnh ngoại hối năm 2005;
c) Tín phiếu, hối phiếu, trái phiếu, công trái và công cụ khác làm phát sinh nghĩa vụ trả nợ được quy định tại điểm 16 Điều 3 của Luật quản lý nợ công năm 2009;
d) Các loại chứng khoán (cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ; quyền mua cổ phần, chứng quyền, quyền chọn mua, quyền chọn bán, hợp đồng tương lai, nhóm chứng khoán hoặc chỉ số chứng khoán; Hợp đồng góp vốn đầu tư; các loại chứng khoán khác do Bộ Tài chính quy định) được quy định tại khoản 1 Điều 6 của Luật chứng khoán năm 2006 (đã được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2010);
đ) Trái phiếu doanh nghiệp được quy định tại Điều 2 của Nghị định số 52/2006/NĐ-CP ngày 19/5/2006 của Chính phủ về “Phát hành trái phiếu doanh nghiệp”…