Nghiên cứu

Một số ý kiến đối với quy định của Bộ luật tố tụng hình sự về thủ tục xét hỏi tại phiên toà hình sự sơ thẩm



Thủ tục xét hỏi là giai đoạn trung tâm của tố tụng hình sự nói chung và của hoạt động xét xử nói riêng. Trong giai đoạn này HĐXX, Kiểm sát viên và những người khác theo quy định của BLTTHS tiến hành kiểm tra các chứng cứ, tài liệu của vụ án một cách công khai bằng cách trực tiếp xét hỏi bị cáo, người bị hại, người làm chứng và những người tham gia tố tụng khác, xem xét vật chứng, công bố lời khai, xem xét tại chỗ…nhằm làm rõ các nội dung, tình tiết của vụ án, qua đó có những định hướng, nhận định khách quan, toàn diện về toàn bộ vụ án giúp cho việc tranh luận đi đúng trọng tâm, nghị án và tuyên án một cách chính xác và đầy đủ. BLTTHS hiện hành đã quy định chi tiết về thủ tục xét hỏi tại phiên toà hình sự sơ thẩm; tuy nhiên thực tiễn xét xử đã cho thấy một số quy định này có những bất cập, hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu của công tác đấu tranh phòng chống tội phạm. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi xin được đưa ra một số bất cập, hạn chế trong thủ tục xét hỏi tại phiên tòa hình sự sơ thẩm được quy định tại BLTTHS và đề xuất một số ý kiến đóng góp cho việc sửa đổi, bổ sung các quy định này trong việc sửa đổi, bổ sung một số Điều của BLTTHS mà các cơ quan chức năng đang thực hiện.

1. Về lựa chọn mô hình tố tụng phù hợp

Để xây dựng các quy định về thủ tục xét hỏi tại phiên tòa HSST cho phù hợp, trước hết cần thiết phải xác định mô hình tố tụng. Hiện nay, trên thế giới có hai mô hình tố tụng cơ bản là mô hình tố tụng tranh tụng và mô hình tố tụng xét hỏi (tố tụng thẩm vấn). Các mô hình tố tụng trên đều có những nét đặc trưng riêng phù hợp với lịch sử lập pháp cũng như chế độ chính trị của mỗi quốc gia, thủ tục tiến hành xét xử sơ thẩm của một vụ án hình sự cũng được quy định rất khác nhau. Đối với mô hình tố tụng xét hỏi (tố tụng thẩm vấn), nghĩa vụ chứng minh tội phạm được giao cho các cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng. Thẩm phán trực tiếp tham gia quá trình xét hỏi tại phiên toà và có vai trò quan trọng trong việc chứng minh tội phạm. Ngược lại, trong mô hình tranh tụng, thẩm phán đóng vai trò là người trọng tài vô tư, khách quan, lắng nghe ý kiến đối đáp giữa bên buộc tội (KSV) và bên gỡ tội (bị cáo, người bào chữa) để đưa ra những nhận định khách quan toàn diện về vụ án.

Mỗi loại hình tố tụng nói trên đều có những ưu điểm và hạn chế riêng. Tuy nhiên, xem xét mối tương quan trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của một quốc gia, quá trình toàn cầu hoá, hội nhập hoá, quốc tế hoá đời sống kinh tế - quốc tế, sự đi lên của trình độ dân trí nói chung cũng như trình độ nhận thức pháp luật của người dân nói riêng, sự đảm bảo ngày càng tốt hơn quyền và lợi ích của con người… thì mô hình tố tụng tranh tụng chứa đựng nhiều nhân tố thể hiện sự phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ mà công tác cải cách tư pháp ở nước ta hiện nay đặt ra, “Tranh tụng có nhiều yếu tố phù hợp với sự phát triển dân chủ, vì vậy tiếp nhận các yếu tố này là hướng phát triển đúng đắn trong cải cách tư pháp ở nước ta”[6] và  “trong quan hệ tranh tụng, quyền và lợi ích của cá nhân dường như được đảm bảo hơn…Phương pháp đối tụng trong phiên toà và việc san sẻ nghĩa vụ chứng minh tạo bảo đảm cho tố tụng có tính khách quan, công khai, công bằng…”[5].

Hoạt động tố tụng theo phương pháp tranh tụng còn cho phép sử dụng việc kiểm tra chéo để xác định tính đúng đắn của lời khai và các chứng cứ khác, bởi ở mô hình tố tụng tranh tụng các bên đều có quyền xét hỏi và đưa ra ý kiến của mình về mọi vấn đề có liên quan đến vụ án. Mặt khác, do đều có nghĩa vụ chứng minh nên quyền của các bên tham gia tranh tụng tại phiên toà là ngang bằng nhau, tạo sự bình đẳng giữa các bên trước toà án. Thẩm phán thực sự đóng vai trò là người trọng tài vô tư, khách quan, xem xét, lắng nghe ý kiến của các bên (bên buộc tội và bên gỡ tội) để đưa ra phán quyết về từng tình tiết (chấp nhận hay không chấp nhận) và về vụ án.

Tuy nhiên, để xây dựng được mô hình tố tụng tranh tụng và vận hành mô hình này hoạt động một cách trơn tru, có hiệu quả cao thì cần phải có một hệ thống cơ sở vật chất đồng bộ; hệ thống pháp luật ổn định cao; hệ thống tổ chức các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp đủ về số lượng nâng cao về chất lượng; có đội ngũ Luật sư đông đảo, có đạo đức nghề nghiệp và chuyên môn nghiệp vụ giỏi…trong khi đó điều kiện ở nước ta hiện nay chưa thể đáp ứng được tất cả các yêu cầu trên.

Vì vậy, chúng tôi cho rằng trong giai đoạn hiện nay chúng ta nên nghiên cứu, vận dụng một số nguyên tắc của mô hình tố tụng tranh tụng phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội và định hướng cải cách tư pháp. Chúng tôi đồng ý với quan điểm Việt Nam hiện nay nên xây dựng một mô hình tố tụng theo kiểu “pha trộn”; bởi vì, nó không chỉ kết hợp hài hoà các các yếu tố hợp lý của cả hệ thống tố tụng xét hỏi (tố tụng thẩm vấn) và hệ thống tố tụng tranh tụng, mà còn đáp ứng được yêu cầu hội nhập quốc tế và cải cách tư pháp ở nước ta hiện nay. Có thể thấy mô hình tố tụng kiểu này đã được một số nước vận dụng và trên thực tế đã chứng tỏ được tính ưu việc của nó, ví dụ như Nga, Pháp, Trung Quốc…“hệ thống tố tụng của Cộng hoà Pháp và cộng hoà Liên bang Nga theo truyền thống là hệ thống tố tụng xét hỏi. Những năm gần đây, hai nước này đã đưa một số yếu tố của tố tụng tranh tụng tạo thành một mô hình tố tụng kết hợp theo kiểu bán tranh tụng và đã chứng minh được tính ưu việt của nó”[7].

2.  Về trách nhiệm chứng minh trong tố tụng hình sự

Điều 10 BLTTHS năm 2003 quy định: “trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng. Bị can, bị cáo có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội” . Theo chúng tôi, quy định này đã đồng nhất vai trò, chức năng xét xử của Toà án với chức năng buộc tội của Viện kiểm sát, khiến cho Toà án không còn là một cơ quan “trọng tài” đứng giữa bên buộc tội (KSV) và bên gỡ tội (bị cáo, người bào chữa) để đưa ra những phán quyết khách quan về vụ án nữa, bởi vì quy định như nội dung của điều luật thì Toà án cũng một cơ quan tiến hành tố tụng cùng với Viện kiểm sát và Cơ quan điều tra, “rõ ràng khi được giao nhiệm vụ chứng minh tội phạm, tâm lý đương nhiên của người được giao nhiệm vụ là phải hoàn thành nhiệm vụ được giao, tức là chứng minh được tội phạm” [2].

Trong khi các cơ quan tiến hành tố tụng trước khi vụ án được đưa ra xét xử là cơ quan Điều tra và Viện kiểm sát đã hoàn thành hồ sơ theo hướng buộc tội đối với bị cáo thì tại phiên toà, HĐXX mà cụ thể là Thẩm phán chủ tọa phiên toà lại tích cực đóng vai trò xét hỏi, thẩm vấn bị cáo để chứng minh theo định kiến có tội đối với bị cáo, điều này không đúng với bản chất của Toà án là một cơ quan tư pháp, cơ quan xét xử mà suy rộng ra là không đúng với bản chất của một nhà nước pháp quyền XHCN.

Theo chúng tôi, để thực hiện được triệt để nguyên tắc tranh tụng như tinh thần cải cách tư pháp đặt ra, trước hết cần sửa đổi quy định của BLTTHS về trách nhiệm chứng minh tội phạm theo hướng giao nghĩa vụ chứng minh tội phạm cho bên buộc tội (Cơ quan Điều tra, Viện kiểm sát), còn Toà án là cơ quan xét xử, là vị trọng tài vô tư khách quan đứng giữa lắng nghe ý kiến, lập luận của các bên tham gia phiên toà để đưa ra phán quyết một cách công bằng.

Từ những phân tích trên, Điều 10 BLTTHS nên sửa đổi như sau:

“Điều 10. Nguyên tắc xác định sự thật của vụ án

Sự thật của vụ án cần được xác định một cách khách quan, toàn diện, đầy đủ và công bằng.

Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về bên buộc tội. Bị can, bị cáo có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội.”

3. Đối với quy định về thủ tục xét hỏi tại phiên toà HSST

3.1. Về bổ sung cáo trạng của KSV

Theo quy định của BLTTHS thì tại phần xét hỏi, sau khi đọc bản cáo trạng, KSV được quyền trình bày ý kiến bổ sung. Tuy nhiên, BLTTHS hiện hành lại không quy định cụ thể KSV được bổ sung cáo trạng như thế nào? Có được bổ sung tất cả các nội dung hay không? Hay chỉ được bổ sung những nội dung mà qua đó cũng không làm xấu đi tình trạng pháp lý của bị cáo? Do đó, trong thực tiễn xét xử đã nảy sinh nhiều quan điểm không thống nhất giữa những người tiến hành tố tụng tại phiên toà về nội dung này. Quan điểm thứ nhất cho rằng: KSV có quyền bổ sung tất cả nội dung mà bản cáo trạng đã truy tố. Quan điểm khác lại cho rằng, tại phiên toà KSV được quyền bổ sung vào nội dung của bản cáo trạng đã truy tố nhưng không được làm xấu đi tình trạng của bị cáo.

Theo chúng tôi, để đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp của bị cáo thì BLTTHS nên quy định cho KSV có quyền trình bày ý kiến bổ sung sau khi đọc bản cáo trạng nhưng nội dung bổ sung của KSV không được làm xấu đi tình trạng của bị cáo. BLTTHS hiện hành nên quy định cụ thể nội dung này để tránh việc hiểu và áp dụng khác nhau tại các phiên toà. Điều này cũng phù hợp với bản chất nhân đạo của nhà nước pháp quyền XHCN, của bản Hiến pháp sửa đổi về bảo vệ quyền công dân, quyền con người. Theo đó, Điều 206 cần được sửa đổi như sau:

Điều 206. Đọc cáo trạng

Trước khi tiến hành xét hỏi, Công tố viên đọc bản cáo trạng và trình bày ý kiến bổ sung nếu có. Ý kiến bổ sung cho bản cáo trạng không được làm xấu đi tình trạng của bị cáo.

2.2. Về trình tự xét hỏi

Tại phiên toà hình sự sơ thẩm, sau khi kết thúc phần thủ tục bắt đầu phiên tòa, nếu không ai có ý kiến và yêu cầu gì thêm thì chủ toạ phiên toà tuyên bố kết thúc phần thủ tục phiên toà chuyển sang phần xét hỏi. Thực chất thủ tục này là việc xét hỏi bị cáo, người làm chứng và những người liên quan khác để xác minh các chứng cứ trong hồ sơ vụ án do VKS gửi cho Toà án. Nghiên cứu các quy định về trình tự, thủ tục xét hỏi cho thấy phạm vi, nội dung xét hỏi cũng như phương pháp xét hỏi của các chủ thể (chủ tọa phiên toà, các thành viên HĐXX, KSV, người bào chữa và những người tham gia phiên toà khác) như thế nào cũng chưa được xác định rõ ràng cụ thể.

Tại khoản 2 Điều 207 BLTTHS quy định:“Khi xét hỏi từng người, chủ toạ phiên toà hỏi trước rồi đến các Hội thẩm, sau đó đến Kiểm sát viên, người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự. Những người tham gia phiên toà cũng có quyền đề nghị với chủ toạ phiên toà hỏi thêm về những tình tiết cần làm sáng tỏ. Người giám định được hỏi về những vấn đề có liên quan đến việc giám định”.

Quy định trên vô hình chung làm cho HĐXX mất đi vai trò là một vị “trọng tài” vô tư, khách quan xem xét, đánh giá chứng cứ, lập luận của các bên (bên buộc tội và bên gỡ tội) để từ đó đưa ra những nhận định khách quan về vụ án. Thực tiễn xét xử cho thấy mặc dù BLTTHS có quy định KSV tham gia xét hỏi nhưng trên thực tế KSV chưa chủ động xét hỏi, nếu có thì cũng chỉ mang tính chất bổ sung cho những câu hỏi của HĐXX và thông thường KSV sẽ hỏi để nhằm mục đích bảo vệ bản cáo trạng của mình là đúng và việc buộc bị cáo có tội là có căn cứ. Việc hỏi để chứng minh tội phạm và làm sáng tỏ các tình tiết của vụ án chủ yếu vẫn do Thẩm phán - Chủ tọa phiên toà thực hiện.

Theo chúng tôi, phải xác định rõ trong BLTTHS trách nhiệm xét hỏi để chứng minh hành vi phạm tội chủ yếu là của KSV. Cụ thể, KSV phải là người xét hỏi trước và là người hỏi chính; HĐXX xét hỏi sau và chỉ hỏi về những tình tiết chưa rõ hoặc để kiểm tra, xác minh các chứng cứ mới tại phiên toà. Trình tự xét hỏi như vậy sẽ buộc KSV phải tích cực xét hỏi, tranh luận đối đáp lại ý kiến của bị cáo, người bào chữa để bảo vệ cho bản cáo trạng của mình qua đó tạo điều kiện cho HĐXX có nhiều thời gian để tập trung lắng nghe, đánh giá ý kiến của các bên, xem xét đánh giá các chứng cứ khác trong vụ án.

Do đó, trình tự xét hỏi cần phải được sửa đổi như sau: bên buộc tội là người hỏi chính và hỏi trước, làm rõ các tình tiết của vụ án để chứng minh cho quyết định truy tố của Viện kiểm sát là có căn cứ; sau đó đến bên gỡ tội (bị cáo, người bào chữa) hỏi nhằm mục đích phản bác lại ý kiến, lập luận của bên buộc tội và bảo vệ cho ý kiến, lập luận của mình; tiếp đến là những người khác có thẩm quyền hỏi theo quy định của pháp luật. HĐXX có thể tham gia xét hỏi xen kẽ trong quá trình những người nói trên xét hỏi nếu thấy xuất hiện những chứng cứ mới cần thiết phải làm rõ hoặc hỏi thêm những nội dung những người khác đã hỏi nhưng chưa được làm rõ.

2.3. Về phạm vi đối tượng chủ thể được tham gia xét hỏi trực tiếp

Theo quy định của BLTTHS hiện hành thì chỉ có HĐXX, KSV, người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự và người giám định là được tham gia hỏi trực tiếp tại phiên toà, còn những người khác thì chỉ có quyền đề nghị chủ tọa phiên toà hỏi thêm ai đó về nội dung gì. Để đảm bảo sự bình đẳng giữa các bên tham gia tranh tụng trong việc thực hiện quyền chứng minh trong vụ án và để thực hiện quyền đó thì BLTTHS cần quy định cho người bị hại, bị cáo, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án cũng có quyền xét hỏi trực tiếp.

2.4. Đối với quy định về nội dung xét hỏi của KSV

Tại khoản 3 Điều 209 BLTTHS quy định: “Kiểm sát viên hỏi về những tình tiết của vụ án liên quan đến việc buộc tội, gỡ tội của bị cáo…”. Quy định này vô hình chung dẫn đến cách hiểu là KSV thực hiện cả chức năng gỡ tội cho bị cáo tại phiên toà trong khi theo quy định tại Điều 23 BLTTHS thì VKS có chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng hình sự. Tại phiên toà, KSV đại diện cho VKS thực hành quyền công tố cũng đồng nghĩa là thực hiện việc buộc tội bị cáo, bởi vì “công tố” được hiểu là “truy tố, buộc tội bị cáo và phát biểu ý kiến trước toà án, nhân danh nhà nước”[4]. Như vậy, sẽ là mâu thuẫn nếu như KSV thực hiện cả việc buộc tội và gỡ tội bị cáo tại phiên toà.

Theo chúng tôi, BLTTHS không cần thiết phải quy định cụ thể việc KSV, người bào chữa…hỏi về những nội dung gì, bởi lẽ chính tư cách tham gia tố tụng và chức năng tố tụng của các chủ thể tham gia phiên toà đã mặc nhiên “quy định” nội dung mà các chủ thể này hướng tới xét hỏi là gì. Ví dụ, người bào chữa đương nhiên sẽ luôn hỏi những câu hỏi về những tình tiết có lợi cho việc bào chữa với mục đích gỡ tội cho bị cáo. Ngược lại, KSV sẽ hỏi những câu hỏi với xu hướng buộc tội để bảo vệ cáo trạng của mình là có căn cứ pháp luật. Do đó, BLTTHS chỉ nên quy định việc chủ toạ phiên toà có quyền cắt (chấp nhận hay không chấp nhận) những câu hỏi của các chủ thể tham gia xét hỏi, nếu như câu hỏi của họ không liên quan đến vụ án hoặc có tính chất gợi ý (mớm cung). Ví dụ: Tại khoản 1 Điều 275 BLTTHS của Nga quy định:“Chủ toạ phiên toà không chấp nhận những câu hỏi có tính chất gợi ý và những câu hỏi không liên quan đến vụ án”.

2.5. Về việc ghi chép và sử dụng tài liệu tại phiên toà trong quá trình xét hỏi

Theo quy định của BLTTHS, bị cáo có quyền tự bào chữa cho mình. Tuy nhiên, cơ chế để bị cáo có thể thực hiện quyền này vẫn chưa đảm bảo, còn thiếu những quy định nhằm tạo điều kiện cho bị cáo thực hiện có hiệu quả quyền tự bào chữa. Ví như, BLTTHS chưa quy định cho bị cáo có quyền ghi chép và sử dụng những tài liệu tại phiên tòa trong quá trình bào chữa, tranh luận và đối đáp. Để giải quyết vấn đề này, theo chúng tôi nên quy định cho bị cáo được quyền ghi chép lại những nội dung cần thiết khi xét hỏi cũng như tranh luận và tạo các điều kiện thực tế cho bị cáo ghi chép. Quy định này bảo đảm sự khách quan, dân chủ tại phiên tòa, giúp bị cáo nắm vững các nội dung buộc tội của KSV và thuận lợi khi trình bày để bảo vệ quan điểm của mình.

Chúng ta đều biết rằng một vụ án hình sự, thông thường từ khi vụ án được khởi tố điều tra đến khi xét xử phải mất một khoảng thời gian nhất định, trí nhớ của những người tham gia tố tụng về những nội dung vụ án có thể không được đầy đủ và chính xác khiến cho việc khai báo tại phiên toà gặp không ít khó khăn. Mặt khác, trong quá trình tham gia tranh tụng tại phiên toà, bị cáo phải tham gia tranh luận, đối đáp với KSV-là người có kiến thức pháp luật, lại có đầy đủ hồ sơ vụ án trong tay, có thể viện dẫn, công bố chứng cứ để chứng minh cho quan điểm của mình bất cứ lúc nào…vì vậy nếu không quy định cho bị cáo nói riêng và những người tham gia tố tụng nói chung được ghi chép, sử dụng tài liệu tại phiên toà thì sẽ không bảo đảm được quyền bình đẳng giữa các bên khi tham gia tố tụng tại phiên toà.

Từ những phân tích trên, chúng tôi đề nghị sửa đổi một số các quy định về thủ tục xét hỏi tại phiên toà tại Chương XX BLTTHS cụ thể như sau:

Điều 207. Trình tự xét hỏi

1. Các tình tiết về từng sự việc và về từng tội của vụ án phải được Hội đồng xét xử xác định đầy đủ thông qua việc xét hỏi và kiểm tra các chứng cứ, tài liệu của vụ án.

2. Khi xét hỏi từng người, Công tố viên hỏi trước rồi đến người bào chữa, sau đó đến người bảo vệ quyền lợi của đương sự. Những người tham gia tố tụng có quyền, nghĩa vụ trong vụ án có quyền hỏi người khác hoặc đề nghị chủ toạ phiên toà hỏi thêm người khác về những tình tiết cần được làm sáng tỏ. Người giám định tham gia hỏi về những vấn đề có liên quan đến việc giám định. Chủ toạ phiên toà và các thành viên Hội đồng xét xử có thể hỏi thêm về các tình tiết của vụ án mà các bên chưa làm rõ hoặc có mâu thuẫn.

 Trong quá trình xét hỏi, chủ toạ phiên toà có quyền cắt những câu hỏi không liên quan đến vụ án hoặc câu hỏi có tính chất gợi ý do các bên đưa ra.

3. Bị cáo và các đương sự được quyền ghi chép và sử dụng tài liệu trong quá trình xét hỏi.

4. Những vật chứng có liên quan trong vụ án được xem xét trong quá trình xét hỏi.

Điều 209. Hỏi bị cáo

1. Chủ toạ phiên toà điều khiển để các bên hỏi riêng từng bị cáo. Nếu lời khai của bị cáo này có thể ảnh hưởng đến lời khai của bị cáo khác thì chủ toạ phiên toà phải cách ly họ. Trong trường hợp này, bị cáo cách ly được thông báo lại nội dung lời khai của bị cáo trước và có quyền đặt câu hỏi đối với bị cáo đó.

2. Bị cáo trình bày ý kiến về bản cáo trạng và những tình tiết của vụ án. Những người tham gia xét hỏi có thể hỏi thêm về những điểm mà bị cáo tình ày chưa đầy đủ và có mâu thuẫn.

3. Nếu bị cáo không trả lời các câu hỏi đặt ra thì việc xét hỏi được tiếp tục đối với những người khác cùng với việc xem xét vật chứng, tài liệu có liên quan đến vụ án.

Điều 211. Hỏi người làm chứng

1. Người làm chứng phải được hỏi riêng từng người. Chủ toạ phiên toà quyết định áp dụng những biện pháp theo quy định của pháp luật để những người làm chứng khác không biết được nội dung xét xử đó.

2. Trước khi người làm chứng được hỏi về những tình tiết của vụ án, Công tố viên phải hỏi rõ về quan hệ giữa họ với bị cáo và các đương sự trong vụ án. Khi hỏi người làm chứng, Công tố viên yêu cầu họ trình bày rõ những tình tiết trong vụ án mà họ biết, sau đó hỏi thêm về những điểm mà người làm chứng khai chưa đầy đủ hoặc có mâu thuẫn. Hội đồng xét xử, người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự có thể hỏi thêm người làm chứng.

3. Nếu người làm chứng là người chưa thành niên thì chủ toạ phiên toà có thể yêu cầu cha, mẹ, người đỡ đầu hoặc thầy, cô giáo giúp đỡ để hỏi.

     4.    …

                                    Hồ Nguyễn Quân -  Toà án quân sự Khu vực 1 Quân khu 4
Nguồn: http://toaan.gov.vn/