Trao đổi

Thương anh, em thành ... tội phạm!

Tôi đã ngồi trò chuyện rất lâu với Lưu Quỳnh Mai, cô gái nhỏ bé sinh năm 1991, nhà ở xã Mỹ Đình, huyện Từ Liêm, Hà Nội khi em đang cải tạo ở Trại tạm giam Công an tỉnh Hà Nam và chợt nghĩ, dường như số phận đã quá khắc nghiệt khi liên tiếp giáng những đòn đau trí mạng xuống cuộc đời Mai.



Trong vòng 2 năm liên tiếp, em phải chịu hai cái tang khi cha mẹ lần lượt qua đời vì bạo bệnh. Nghỉ học từ năm lớp 9, Mai bươn chải với hàng chè chén ở khu vực sân vận động Mỹ Đình mỗi tối. Anh trai Mai mắc nghiện từ khi nào không biết, Mai bảo, có lẽ là do không chịu nổi những cơn đau do bệnh tật hành hạ.

Anh của Mai bị di truyền căn bệnh tim và thận từ người mẹ, khi sử dụng ma tuý, nó nói, người đỡ đau hơn nhiều (?!). Rồi người anh này đã bị bắt khi cùng thằng bạn gây ra vụ cướp giật. Án phạt 4 năm 2 tháng tù giam tại Trại giam Nam Hà. Em thay bố mẹ hằng tháng lên thăm anh. Khi trời chuyển mùa, nó giục đứa em gái phải gửi ngay ma tuý vào cho nó hít, không thì nó chết mất...

Cơ cực

Mấy năm nay, khi người ta xây dựng khu đô thị mới Mỹ Đình, thì những gia đình sống ở huyện Từ Liêm, xung quanh khu vực này mới đổi đời do giá đất tăng vù vù và một số hộ chuyển nghề do không còn ruộng để cày cấy nữa, nhà Mai cũng như thế, mẹ em khi còn sống ngoài việc đồng áng thì còn kiếm thêm tiền trang trải sinh hoạt gia đình với mẹt thuốc lá, chén chè rong quanh khu vực sân vận động Mỹ Đình. Thu nhập chẳng đáng kể gì, nhưng cũng đủ cho một cuộc sống tằn tiện nhất.

Thế nhưng, cả bố và mẹ em đều mắc bệnh hiểm nghèo, bố thì ung thư phổi, mẹ bị suy thận nặng, một tuần 2 lần phải vào viện chạy thận, thế nhưng đêm hôm bà vẫn phải mò mẫm bán chè chén để có thêm tiền chữa bệnh. Thương cha mẹ, từ năm lớp 7, Mai đã theo mẹ hằng đêm có mặt ở sân vận động Mỹ Đình để bán nước. Và năm lớp 9 thì Mai bỏ học vì gia cảnh nghèo khó và cũng phải chăm sóc mẹ bởi giai đoạn này, mẹ em đã phải nằm trên giường bệnh 24/24h.

"Em thèm đi học lắm, nhưng nhà nghèo quá, thôi thì bán nước giúp mẹ có tiền chữa bệnh". Thế nhưng, mọi cố gắng của em không giúp cho cha mẹ được sống lâu hơn trên cõi đời này. Bố mất năm trước thì năm sau mẹ em cũng qua đời vì bệnh đã đến giai đoạn nặng và kinh tế cũng đã khánh cùng lực kiệt.

Còn lại hai anh em nương tựa vào nhau. Mai không biết thằng anh Lưu Minh Phương mắc nghiện từ lúc nào, nhưng có lẽ là từ những cơn đau do căn bệnh di truyền từ người mẹ đã khiến nó luôn phải dùng đến sự trợ giúp của ma tuý để quên đi cảm giác đau đớn.

"Em không biết anh trai em ra ngoài xã hội thì thế nào chứ ở nhà anh ấy yêu thương và chăm sóc cho em từng li từng tí. Những lúc bố mẹ em ốm đau, anh ấy không nề hà gì việc chăm sóc. Khi em đến tuổi trưởng thành, anh trai em cũng dạy dỗ rất chu đáo, khuyên em không được yêu sớm..." - Mai vừa nói vừa thở dài.

"Có khi nào anh trai em xin tiền của em để mua ma tuý không?" - tôi hỏi. "Không chị ạ. Biết là em bán hàng nước vất vả nên chả bao giờ anh ấy xin tiền, em chỉ thấy đi cùng bạn bè suốt ngày, chắc là làm những việc phi pháp để có tiền hút hít" - Mai ngậm ngùi.

Tình cảm của anh trai với em gái bao giờ cũng là tình cảm chân thật nhất, với thằng con trai 22 tuổi Lưu Minh Phương và cô em gái Lưu Quỳnh Mai cũng vậy - tôi tin điều ấy, nhưng chỉ vì Phương trót sa vào nghiện ngập và không đủ bản lĩnh để rút chân ra, nên đã vô tình kéo cả cô em vào vòng lao lý cùng mình, có lẽ, khi biết điều ấy, nó là người đau nhất chứ không phải ai khác.

"Hôm đó, em nhận được lời nhắn của anh trai em là gửi ma tuý vào cho anh ấy không thì anh ấy chết mất. Em không biết mua ở đâu nên chạy ra đường nhờ chú xe ôm mua giúp. Em đưa cho chú ấy một triệu đồng và nhận được một cục ma tuý bọc trong gói nilon. Chú xe ôm bảo em nếu muốn mang vào cho anh trai thì đút vào bên trong hộp thịt. Em làm theo nhưng khi cán bộ Trại giam Nam Hà kiểm tra đồ đã phát hiện ra và em bị bắt luôn tại chỗ".

Thế đấy! Việc phạm tội của Mai đơn giản đến ngỡ ngàng. Em nói với tôi rằng, em biết việc mua ma tuý là phạm pháp, em cũng biết những kẻ sử dụng nó chả ra gì, nhưng em không nghĩ đến hậu quả nếu việc em làm vỡ lở, mà trong đầu chỉ có một suy nghĩ là làm thế nào phải gửi ma tuý vào được cho anh trai, không thì anh trai sẽ bị những cơn đau hành hạ.

Những ngày đầu bị bắt, Mai kể, em khóc nhiều lắm, ngày nào cũng khóc, em không nghĩ cuộc đời mình có giai đoạn lại đen tối như vậy. Cùng buồng giam với Mai có 7 người, toàn các chị, các cô, Mai ít tuổi nhất nên cũng được mọi người động viên an ủi thường xuyên. Những ngày ấy, Mai gần như tuyệt vọng, cha mẹ không còn, anh trai thì tù tội, anh em họ hàng cũng chỉ thi thoảng mới đến thăm, thế nên các chị, các cô cùng buồng giam không biết từ lúc nào trở thành chỗ dựa tinh thần cho Mai.

Họ phạm nhiều tội lỗi khác nhau nhưng họ đều thấy thương em, bởi lẽ ra em không đáng phải đi tù, tội của em chỉ vì thiếu hiểu biết pháp luật. Từ nhỏ đến giờ có lẽ với Mai chưa có một ngày vui vẻ. Bố mẹ ốm đau triền miên, mẹ em cho đến lúc chết thì đã mắc bệnh đến hơn chục năm rồi.

Cái nghèo và không khí u uất luôn đeo đẳng trong gia đình Mai. Em nghĩ mình cứ chăm chỉ làm lụng, chịu khó chăm sóc bố mẹ thì sẽ được đền đáp, vậy mà ông trời luôn nổi cơn thịnh nộ với gia đình em, trút mọi uất ức xuống cơ thể nhỏ bé của em, bắt em phải gánh chịu kiếp nạn cho cả nhà.

Cuộc đời sẽ dang tay đón em

"Sau này về xã hội, em sẽ làm gì?" - tôi hỏi Mai. "Chắc là em lại đi bán nước ở sân vận động Mỹ Đình thôi chị ạ" - Mai rụt rè trả lời. Nhìn khuôn mặt măng tơ, ngơ ngác đến thảm hại của Mai, tôi chợt thấy chạnh lòng. Em mang những nét của một cô gái ven đô, còn lấm lem bùn đất, dịu dàng và chưa bị những ồn ào phố xá cuốn đi.

Bằng tuổi em, những cô gái khác quần này áo nọ, hoạnh họe cha mẹ mua cho xe máy đắt tiền, thậm chí không thèm học trường trong nước mà đòi đi du học nước ngoài. Những cô gái luôn có bộ móng tay sơn vẽ cầu kỳ, không bao giờ biết đến việc rửa một chiếc bát ăn cơm, còn Mai, những mơ ước ấy với em là quá xa vời, em chỉ dám ước ao ngày nào cũng là ngày có bóng đá, ngày nào cũng là ngày lễ hội để nam thanh nữ tú trong nội thành Hà Nội rủ nhau ra sận vận động Mỹ Đình hóng mát, để hàng nước của em được đắt khách hơn, để thỉnh thoảng em mua thêm cho anh trai cái áo, cái quần.

Cũng có những lúc, em nhìn những cô gái điệu đà xinh đẹp bên cạnh những chàng trai sành điệu và thầm mong sẽ có một ngày mình cũng được như họ. Nhưng cuộc mưu sinh khó nhọc không cho phép em thực hiện điều ấy, dù chỉ là ý nghĩ thoảng qua. Em còn phải kiếm tiền để hằng tháng mua đồ vào tiếp tế cho anh trai còn ở trong trại.

Ở trong này, em được làm những công việc đơn giản, là quần áo và cắt chỉ ở những bộ quần áo đã may, với nhiều cô gái mới lớn quen ăn trắng mặc trơn, việc ấy tương đối khó nhọc và cũng có khi còn phải học chán, nhưng với Mai thì khác, em đã từng phải làm những công việc lam lũ, vất vả hơn nhiều. Thế nên thời gian ở trại với em lại là những ngày nhàn nhã nhất.

Em không còn phải thức đêm hôm và lo sốt vó mỗi khi trời đổ mưa bất chợt khiến mẹt thuốc lá bỗng chốc ướt nhèm. Em cũng không còn phải lo việc đi tiếp tế cho thằng anh mỗi tháng, nhưng điều đó lại khiến Mai thấy khổ tâm nhất. Con út trong nhà, vậy nhưng cũng chưa có ngày nào sung sướng. Hết lo cho bố mẹ lại đến lượt anh trai, mà em biết, với tình trạng của anh trai mình như bây giờ, thật khó để sau này anh ta cải tạo thành người tốt và tránh xa ma túy được.

Cả hai lần cha mẹ qua đời, anh trai Mai đều không có mặt ở nhà để chịu tang. Lần bố mất thì Lưu Minh Phương đang phải chịu án vì tội tàng trữ ma tuý trái phép, lần mẹ mất thì anh ta đã vào tù vì tội cướp giật tài sản. Hôm anh trai bị Tòa án nhân dân quận Cầu Giấy xử, Mai thấy anh mình đứng trước vành móng ngựa cùng với một thằng bạn nữa. Em chẳng nói được gì với anh trai và cũng không nghe thấy Hội đồng xét xử nói những gì vì mải khóc và tâm can cứ giằng xé những cảm xúc vừa thương vừa giận.

Ngôi nhà của hai anh em ở Mỹ Đình bây giờ luôn đóng cửa, nhưng tôi biết, đợt đặc xá này, Mai sẽ được trở về ngôi nhà thân yêu của mình, bởi theo Trung tá Trần Văn Phương, Phân trại quản lý phạm nhân Trại tạm giam Công an tỉnh Hà Nam thì Lưu Quỳnh Mai có quá trình cải tạo và chấp hành nội quy rất tốt. Cán bộ, chiến sĩ Trại tạm giam cũng nắm rõ hoàn cảnh khó khăn của Mai nên thường xuyên động viên, tạo điều kiện để Mai được học tập văn hóa và học nghề. Mai đã được đưa vào danh sách đề nghị xét đặc xá đợt này.

Một cô gái 19 tuổi, mảnh mai như tên gọi, ngoan ngoãn hiền lành đã vô tình thành kẻ phạm tội chỉ vì lòng trắc ẩn đặt không đúng chỗ. Ngày mai, em sẽ về lại với xã hội, con đường phía trước của em chắc hẳn sẽ còn gập ghềnh với cuộc mưu sinh nhọc nhằn, nhất là khi em vừa phát hiện đã mang trong mình căn bệnh thận di truyền từ người mẹ, nhưng tôi tin Mai sẽ vượt qua được để sống tốt hơn trên đường đời này. Cuộc đời không thể không dang tay đón em, bởi vốn dĩ em là đứa con hiếu thảo, một đứa em gái thương anh và quan trọng, em là người tốt.


  Đinh Hiền - Anh Hiếu