Nghiên cứu

Những vấn đề đặt ra khi đổi mới tố tụng theo hướng tranh tụng

Đổi mới tố tụng hình sự, làm cho tố tụng thật sự dân chủ, bảo đảm khách quan, không làm oan người vô tội là một trong những nội dung của công cuộc cải cách tư pháp đã được nghị quyết của Bộ Chính trị đề cập...


“Nâng cao chất lượng công tố của kiểm sát viên tại phiên toà, bảo đảm tranh tụng dân chủ với luật sư, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác… khi xét xử, các toà án phải bảo đảm cho mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, thực sự dân chủ, khách quan; thẩm phán và hội thẩm nhân dân độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; việc phán quyết của toà án phải căn cứ chủ yếu vào kết quả tranh tụng tại phiên toà, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện các chứng cứ, ý kiến của kiểm sát viên, của người bào chữa, bị cáo… để đưa ra những bản án, quyết định đúng pháp luật…”.

Đổi mới tố tụng hình sự, làm cho tố tụng thật sự dân chủ, bảo đảm khách quan, không làm oan người vô tội là một trong những nội dung của công cuộc cải cách tư pháp đã được nghị quyết của Bộ Chính trị đề cập: “Nâng cao chất lượng công tố của kiểm sát viên tại phiên toà, bảo đảm tranh tụng dân chủ với luật sư, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác… khi xét xử, các toà án phải bảo đảm cho mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, thực sự dân chủ, khách quan; thẩm phán và hội thẩm nhân dân độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; việc phán quyết của toà án phải căn cứ chủ yếu vào kết quả tranh tụng tại phiên toà, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện các chứng cứ, ý kiến của kiểm sát viên, của người bào chữa, bị cáo… để đưa ra những bản án, quyết định đúng pháp luật…”.

Với những quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành, có thể nhận định: tố tụng hình sự của Nhà nước ta hiện nay – xét theo mô hình của tố tụng hình sự trên thế giới – là thuộc hệ thống tố tụng kiểu thẩm vấn. Nếu muốn đổi mới theo hướng tranh tụng thì chúng ta cần xem xét những vấn đề thuộc về quan điểm sau đây: 

1. Cần xem xét lại việc phân biệt cơ quan, người tiến hành tố tụng với người tham gia tố tụng

Tố tụng tranh tụng không phân biệt cơ quan, người tiến hành tố tụng với người tham gia tố tụng mà tất cả đều là người tham gia tố tụng, nhưng có chia ra thành chủ thể tham gia tố tụng thuộc bên buộc tội và chủ thể thuộc bên gỡ tội. Toà án không thuộc bên nào mà chỉ là “trọng tài” nghe các bên tranh tụng và phán quyết dựa vào kết quả tranh tụng. Việc quy định Toà án là cơ quan tiến hành tố tụng là đã làm mất đi tính khách quan khi giải quyết vụ án. Toà án phải là “người đứng giữa” hai bên – bên buộc tội và bên gỡ tội (bào chữa).

Việc quy định cơ quan, người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng, dẫn đến cách hiểu là chỉ có cơ quan, người tiến hành tố tụng mới được thu thập chứng cứ, mới tiến hành mọi hoạt động tố tụng, còn người tham gia chỉ là người “phụ thêm”, có làm gì thì làm nhưng cũng phải trên cơ sở hồ sơ mà cơ quan tiến hành tố tụng đã lập. Hiện nay, người bào chữa “cãi” cho thân chủ của mình trên cơ sở hồ sơ vụ án. Hồ sơ vụ án được lập một cách khách quan, đầy đủ, toàn diện thì người bào chữa được nhờ. Còn nếu hồ sơ được lập một cách phiến diện, không khách quan (ví dụ: trong nhiều lần lấy lời khai bị can, nếu bị can chối tội thì không được đưa vào hồ sơ, chỉ đưa vào hồ sơ những gì mà bị can nhận tội) thì người bào chữa rất khó nêu những tình tiết gỡ tội, vì không có trong hồ sơ.

2. Người trực tiếp tiến hành điều tra vụ án có thể được mời đến phiên toà để tham gia tranh tụng

Khi đã chia ra bên buộc tội và bên gỡ tội, thì bên buộc tội bao gồm cả người trực tiếp điều tra vụ án hoặc người trực tiếp tiến hành một hoạt động điều tra nào đó (khám xét, thực nghiệm điều tra…). Những người này cũng có thể được toà án mời đến phiên toà để làm sáng tỏ những tình tiết của vụ án. Vì họ là người trực tiếp tiếp cận vụ án, hơn ai hết họ nắm được những tình tiết của vụ án, tiếp xúc với nhân chứng, người bị hại… do đó, sự tham gia của họ tại phiên toà để tham gia tranh tụng là rất cần thiết, giúp cho Toà án xác định được chân lý của vụ án, phán quyết đúng người, đúng tội.