Hành trình công lý

Bản án thiếu thuyết phục của TAND huyện Yên Thủy

CLO) Mặc dù đã quan sát cả hai gương chiếu hậu, phát tín hiệu còi đèn khi lùi xe trong quá trình điều khiển xe ô tô nhưng anh Lý không thể phát hiện ra cháu Tùng do nạn nhân lọt vào điểm mù của xe khiến cháu bé tử vong. Tuy nhiên, trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử VKSND huyện Yên Thủy, TAND huyện Yên Thuỷ tỉnh Hòa Bình đã có những dấu hiệu thiếu công tâm, cố tình buộc tội lái xe là anh Chu Bá Lý.


Không khách quan, thiếu chứng cứ
Theo đơn thư anh Chu Bá Lý (trú tại Thị trấn Lương Sơn – huyện Lương Sơn – tỉnh Hòa Bình), ngày 26/8/2015, anh Lý điều khiển xe ô tô tải biển kiểm soát 29C-38.748 đi từ Chương Mỹ – Hà Nội về phố Sấu – xã Lạc Thịnh – huyện Yên Thủy – Hòa Bình để đổ ga cho cửa hàng ga Thành An. Sau khi giao ga xong, anh Lý điều khiển xe ô tô chuyển động lùi, trước khi lùi xe tôi có tín hiệu còi, đèn báo hiệu và quan sát phía sau.
Lùi được khoảng 6m, quan sát qua gương chiếu hậu bên phải của xe thấy có một người phụ nữ điều khiển xe mô tô chở cháu bé phía sau và một cháu bé khác điều khiển xe đạp đi từ nhà dân ở bên phải đường theo chiều chuyển động lùi của xe ô tô ra đường lên xóm. Thấy vậy, anh Lý cho xe dừng lại đợi xe mô tô và xe đạp đi qua đuôi xe ô tô của mình. Khi thấy xe mô tô và xe đạp đi ngang tới thân xe ô tô phía bên trái anh Lý quan sát gương chiếu hậu không thấy chướng ngại vật nào ở phía sau nên tiếp tục cho xe lùi theo hướng cũ được khoảng 3m thì anh Lý thấy xe mình đè lên vật gì đó nên cho xe dừng lại. Hậu quả là đã làm một cháu bé chết. Sau khi gây tai nạn, anh Lý đã tự nguyện bồi thường số tiền 80.000.000 đồng cho gia đình bị nạn. Đại diện gia đình bị hại cũng không có yêu cầu đề nghị gì về trách nhiệm dân sự nữa.
Sau đó, anh Lý bị truy tố về tội danh trên vì đã vi phạm quy định tại khoản 1 điều 16 Luật giao thông đường bộ quy định về lùi xe: “Khi lùi xe, người điều khiển phải quan sát phía sau có tín hiệu cần thiết và chỉ khi nào thấy không nguy hiểm mới được lùi”.
Tháng 3/2016, TAND huyện Yên Thủy mở phiên tòa xét xử. TAND huyện Yên Thủy đã ra quyết định số 01/2016/HSST-QĐ ngày 30/3/2016 yêu cầu Viện kiểm sát nhân dân huyện Yên Thủy điều tra bổ sung để làm rõ vấn đề.
Tuy nhiên, theo anh Lý, khi Viện kiểm sát dựng lại hiện trường không đúng với các tình tiết xảy ra của vụ việc, cố tình dựng lại hình ảnh để buộc tội.
Ngày 29/7/2016,TAND huyện Yên Thủy xét xử và tuyên phạt tôi 12 tháng tù giam, không đồng ý với kết quả trên tôi đã gửi đơn kháng cáo lên VKSND tỉnh Hòa Bình. Qua đây, tôi rất mong các cơ quan chức năng vào cuôc trả lại công băng cho tôi.
Nhiều sai sót trong quá trình điều tra
Bà Vũ Thị Hường và Đàm Thị Hương là trợ giúp viên pháp lý thuộc Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Hòa Bình là người bào chữa cho Chu Bá Lý đã chỉ ra nhiều điều bất hợp lý trong quá trình truy tố và xét xử.
Trong quá trình khám nghiệm hiện trường sau khi vụ tai nạn xảy ra, Công an huyện Yên Thủy đã không thực hiện đúng quyết định số 18/2007/QĐ-BCA về quy trình điều tra, giải quyết tai nạn giao thông đường bộ. Trong đó, đã không đánh dấu vị trí nạn nhân dẫn đến sự khó khăn cho công việc điều tra giải quyết vụ án.
Trong quá trình dựng lại hiện trường điều tra viên không diễn lại hành vi của cháu bé mà áp đặt đưa hình nộm vào vị trí mà cơ quan công an (Cảnh sát điều tra) và quý viện (viện kiểm sát) cho rằng đó là tư thế và vị trí của cháu bé để buộc tội bị cáo. Biên bản thực nghiệm điều tra mô tả cháu Tùng khi được phát hiện không khớp với lời khai của nhân chứng là anh Bùi Gia Huy, lời khai ban đầu của nhân chứng Nguyễn Văn Chương, không khớp với Bản giám định pháp y số 13/GĐPY ngày 30/8/2015 của Phòng kỹ thuật hình sự công an tỉnh Hòa Bình, đồng thời cũng không khớp với thực tế của xe khi gây tai nạn (dấu vết để lại trên lốp ô tô đã được ghi nhận tại Biên bản khám nghiệm phương tiện liên quan đến vụ tai nạn giao thông) Chiếc xe ô tô do Lý điều khiển, theo thông số kỹ thuật.
Bên cạnh đó, lời khai của ông Chương (người làm chứng) có sự thay đổi so với ban đầu sau khi chứng kiến vụ tai nạn đã khai. Tuy nhiên sau khi tham gia buổi thực nghiệm hiện trường chúng tôi đều có mặt tại đó, chúng tôi cũng đã hỏi lại ông Chương và ông cũng khẳng định trước điều tra viên là lời khai của ông trước đây là hoàn toàn đúng. Ông chịu trách nhiệm về lời khai của mình. Nhưng có một điều kỳ lạ là khi ông Chương đang trình bày lại nội dung vụ việc cho chúng tôi nghe một cách khách quan thì có một đồng chí công an viên đến nhắc nhở ông Chương.
Sau đó ông Chương đã thay đổi lời khai phù hợp với bản ảnh thực nghiệm hiện trường đã dàn dựng nhưng lại trái ngược với dấu vết trên thân thể nạn nhân. Bà Hương là bà nội của cháu bé cũng thay đổi lời khai theo hướng buộc tội Chu Bá Lý. Khi lời khai của các nhân chứng thay đổi, điều tra viên và kiểm sát viên đã không cho đối chất để làm rõ theo điều 138 Bộ luật tố tụng hình sự. (Mà sử dụng làm căn cứ buộc tội chu Bá Lý là không đúng với quy định về Chứng cứ tại điều 64 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003).
Cháu Tùng khi đó chưa tròn 18 tháng tuổi, theo quy định nêu trên (Luật giao thông đường bộ) là phải có người lớn dắt và khi đi bộ phải đi sát mép đường bên phải; qua hồ sơ thể hiện (sau khi cháu Tùng được cô ruột chở đi chợ ở ngã ba phố Sấu về, cháu được cô đưa vào trong nhà với mẹ và bà, sau đó cô lấy xe máy chở con phía sau và cùng con gái đi xe đạp ra về. Khi cô vừa đi ra khỏi cổng nhà thì cháu Tùng cũng chạy theo cô ra khỏi cổng. Vì nhà nằm sát đường giao thông nên cháu chạy nhanh ra đường, chạy theo xe máy của cô) nên đã dẫn đến hậu quả đáng tiếc nêu trên nhưng bản cáo trạng đã không đề cập đầy đủ, mà chỉ mô tả sự việc xảy ra, hành vi của anh Lý theo chiều hướng buộc tội là không đúng với quy định tại Điều 167 BLTTHS.
Bên cạnh đó cũng cho thấy cơ quan CSĐTCA huyện Yên Thủy, Viện kiểm sát nhân dân huyện Yên Thủy chỉ chú trọng đến việc đi tìm các tình tiết, các chứng cứ buộc tội với Chu Bá Lý, gây bất lợi cho Chu Bá Lý mà không tìm các chứng cứ vô tội là không đúng với quy định của BLTTHS.
Qua theo dõi hồ sơ vụ án, chúng tôi nhận thấy cháu Tùng trong quá trình chạy theo xe máy của chị Hoa đã lọt vào điểm mù của xe ô tô do anh Lý điều khiển. Mặc dù đã quan sát cả hai gương chiếu hậu, phát tín hiệu còi đèn khi lùi xe nhưng anh Lý không thể phát hiện ra cháu bé và hậu quả đau lòng đã xảy ra. Hành vi của anh Lý không thỏa mãn yếu tố lỗi được quy định tại Điều 202 BLHS, mà thuộc vào điều 11 Bộ luật hình sự, trường hợp sự kiện bất ngờ. Do vậy vụ án cần được xem xét lại theo chiều hướng áp dụng điều 11 BLHS quy định về sự kiện bất ngờ tuyên Chu Bá Lý không phạm tội. Đề nghị các cơ quan chức năng điều tra làm sáng tỏ vụ việc một cách công khai, minh bạch tránh làm oan người vô tội.
Theo Báo congluan.vn