Những vụ án nổi tiếng

Vụ án cầu Chương Dương (kỳ 2): Bản án tử hình

Tháng 5/1994, cuối cùng thì vụ việc cũng được đưa ra xét xử với một bản án khách quan và công tâm. Nhiều người cho rằng viên cảnh sát Nguyễn Tùng Dương tội không nặng đến thế, mà do báo chí, do dư luận đã thổi phồng lên. Với tôi, cái ác dù muốn hay không cũng cần phải được đưa ra ánh sáng vì đó là sự thật.


Súng cướp cò và tội vô ý khi thi hành công vụ! Theo lời khai của Nguyễn Tùng Dương, tối hôm đó, anh ta cùng một cảnh sát khác trực ở đầu cầu Chương Dương. Khi Nguyễn Việt Phương phóng xe máy lên cầu để sang Gia Lâm, Dương thấy xe máy của Phương không có đèn, nên đuổi theo yêu cầu quay lại trạm cảnh sát để giải quyết. Sang tới đầu cầu phía Gia Lâm thì đuổi kịp, Dương bắt Phương quay xe lại trạm cảnh sát ở đầu cầu phía Hà Nội. Đến đây thì viên cảnh sát Nguyễn Tùng Dương thay đổi rất nhiều lời khai và nhiều mâu thuẫn phát sinh. Trong đó có một lời khai như sau: Trong lúc đang kiểm tra Phương thì cảnh sát Nguyễn Tùng Dương vô tình làm rơi khẩu súng ngắn giắt bên người. Em Phương liền chộp lấy khẩu súng. Dương cũng vội chộp lấy tay em Phương để giằng súng lại. Hai bên giằng co nhau và súng bị cướp cò, em Phương trúng đạn, chết. Cơ quan Công an Hà Nội đã sử dụng lời khai “súng cướp cò” này để kết luận Dương phạm tội “vô ý giết người trong khi thi hành công vụ”. Với tội danh này, thì Dương có thể chỉ bị nhiều nhất là 2 năm tù, thậm chí có thể chỉ bị án treo. Đây là điều khiến cho gia đình ông Lát, bố em Phương, phẫn nộ nhất. Sau này, Viện Kiểm sát còn phát hiện ra viên cảnh sát Dương đã sử dụng biển số giả để lắp vào xe máy của mình hôm xảy ra án mạng. Khẩu súng “bị cướp cò” làm chết em Phương cũng là khẩu súng đã bị cấp trên yêu cầu thu hồi từ trước, nhưng Dương chưa nộp. Cơ quan kỹ thuật hình sự của công an thì kết luận rằng khẩu súng này không lắp được ống giảm thanh. Dựng lại đường đi của 2 viên đạn Tập hợp tất cả các thông tin có được, tôi và Quốc Khánh khẳng định là không thể có chuyện “súng cướp cò”. Chúng tôi suy nghĩ rất nhiều về 3 vết đạn trên cơ thể em Phương và đặt ra nhiều giả thiết. Cuối cùng, một diễn biến khiến tôi tin tưởng nhiều nhất, có thể là như sau: Hôm đó, viên cảnh sát đuổi kịp Phương và yêu cầu em quay xe lại. Em Phương chấp hành, quay xe lại. Đến đoạn cầu tối, nơi có dòng nước sâu nhất, Dương bảo em Phương dừng xe lại. Em Phương dừng xe, dựng chân chống xe. Dương cũng dừng xe, dựng chân chống, rồi tiến lại phía em Phương, hoặc em Phương tiến lại gần Dương. Dương rút súng bắn vào ngực em Phương. Viên đạn xuyên vào ngực và bị mắc ở xương sống. Em Phương gục xuống, 2 tay ôm lấy người theo phản xạ tự nhiên. Một tay che vào chỗ đau, một tay quờ quạng ở cổ. Lúc này Dương bắn phát thứ hai. Vì em Phương đang quỵ người lom khom thấp xuống, nên viên đạn xuyên qua ngón tay cái của bàn tay đang quờ quạng ở cổ, xuyên vào hõm vai gần cổ và chạy dọc theo chiều cơ thể đang cúi, chạy đến vùng thắt lưng thì hết đà, nằm lại gần viên đạn thứ nhất. Như vậy 2 viên đạn gây ra 3 vết thương. Phương chỉ kịp hô lên yếu ớt “cướp, cướp, cứu với”, trước khi chết. Đó là lúc mà 2 anh xe ôm xuất hiện. Tôi cho rằng viên đạn bắn vào gần cổ phải là viên đạn thứ hai, khi Phương đang gục xuống do bị viên đạn thứ nhất bắn vào ngực. Nếu đó là viên đạn thứ nhất, có nghĩa là được bắn vào người Phương khi em đang khỏe mạnh, tức đang đứng thẳng người, thì chắc chắn viên đạn này sẽ xuyên qua cổ để chui ra ngoài, chứ không chui dọc cơ thể và nằm lại gần thắt lưng được. Nếu súng cướp cò, thì chỉ cướp cò một phát. Còn nếu cướp cò tới 2 phát, thì không thể có 2 vết thương cách nhau khá xa như vậy. Em Phương dáng người nhỏ bé, chỉ cao hơn 1,5 mét. Còn viên cảnh sát Dương thì khá cao to, lực lưỡng, nguyên là cầu thủ bóng đá. Thật khó mà tin được có chuyện Phương dám cướp súng của Dương. Tại phiên tòa, Dương cố làm động tác bị em Phương “giằng co”, bẻ tay. Người ta thấy chỉ có người to khỏe hơn Dương, giỏi võ mới có thể bẻ quặt tay Dương được như vậy. Nhưng em Phương thì rất nhỏ bé, yếu ớt, không biết võ. Mà dù em Phương có biết võ, thì em Phương cướp súng của Dương để làm gì? Và tại sao Dương lại rút súng ra để cho em Phương cướp? Những câu hỏi này Dương không trả lời được. Cuộc họp báo nhã ý...! Khi chúng tôi sắp hoàn thành công việc điều tra ban đầu về vụ án cầu Chương Dương, thì Sở Công an Hà Nội tổ chức một cuộc họp báo, mời đông đảo các báo ở Hà Nội, trung ương và địa phương đến dự nhằm giải thích về vụ án cầu Chương Dương. Cuộc họp báo được tổ chức ở số 42 Hàng Bài, trụ sở của Tổng cục Cảnh sát. Đại diện của Công an Hà Nội trình bày một số diễn biến của vụ án và kết luận, viên cảnh sát Nguyễn Tùng Dương đã vô ý gây chết người, rằng đó là một sự việc đáng tiếc. Tại cuộc họp báo, tôi đã đứng lên chất vấn trên mười câu hỏi liên quan đến các diễn biến của vụ án. Có thể nói đại diện của Công an Hà Nội đã không trả lời được thỏa đáng bất kỳ câu hỏi nào của tôi trong cuộc họp báo đó. Loạt bài báo chấn động dư luận Sau cuộc họp báo có tính chất che chắn sự thật đó, chúng tôi báo cáo Ban Biên tập, đề nghị cho viết về vụ em Phương. Tôi viết phóng sự điều tra với đầu đề “Vụ án cầu Chương Dương” 2 kỳ. Hai kỳ phóng sự trên báo Đại Đoàn Kết đã như 2 quả bom dư luận ở Hà Nội và cả nước khi đó. Các bài báo phê phán Công an Hà Nội và viên cảnh sát giao thông Nguyễn Tùng Dương, đã nói hộ cho người dân biết bao điều phẫn uất hàng ngày mà họ đang phải chịu đựng, do không ít nhân viên cảnh sát xấu gây ra. Người dân tìm đọc và bàn tán về vụ việc ở khắp mọi nơi. Sau đó, một loạt các báo cùng lên tiếng mà mạnh nhất là báo Phụ nữ Thủ đô, tờ báo của Hội liên hiệp Phụ nữ Hà Nội. Trước sức ép của dư luận, Bộ Công an phải trưng cầu cơ quan giám định pháp y của Bộ Quốc phòng giám định lại các vết đạn trên tử thi của em Phương vì dư luận không tin tưởng giám định pháp y của Công an, cũng như của Bộ Y tế. Đại tá Vũ Ngọc Thụ, Viện trưởng Viện giám định Pháp y quân đội đã tiến hành khai quật tử thi em Phương để giám định lại. Kết quả giám định đường đạn của Giáo sư Thụ là một chứng cớ có sức thuyết phục để kết tội “giết người” cho viên cảnh sát Nguyễn Tùng Dương. Phiên toà đông nhất từ trước đến nay Tháng 5/1994, phiên tòa sơ thẩm đã được mở tại Hà Nội để xét xử bị cáo Nguyễn Tùng Dương. Hàng vạn người dân đã tụ tập ở trụ sở Tòa án Hà Nội để theo dõi phiên tòa. Chỉ những người có giấy mời của tòa mới được vào trong phòng xử án. Bên ngoài, tòa án đã bắc loa để nhân dân có điều kiện theo dõi. Tại phiên sơ thẩm, tòa án cho rằng chưa đủ chứng cứ buộc tội Nguyễn Tùng Dương, nên trả hồ sơ cho viện kiểm sát, yêu cầu điều tra bổ sung. Dịp chờ đợi này lại là một cơ hội để báo chí bày tỏ sự phẫn nộ của quần chúng đối việc làm thiếu tích cực của cơ quan pháp luật Hà Nội đối với vụ án. 5 tháng sau, vào tháng 10/1994, phiên tòa sơ thẩm được mở lại để xét xử bị cáo Nguyễn Tùng Dương. Và lần này thì bản án là “tử hình” về tội giết người đã được tuyên. Về tội cướp thì tòa cho rằng không đủ chứng cứ để kết luận. Hàng vạn người dân tụ tập bên ngoài phòng xử án, tràn ra cả ngoài đường phố đã reo hò dậy đất khi nghe thẩm phán tuyên “tử hình”. Luật sư Hùng bào chữa cho em Phương và ông Nguyễn Văn Lát, bố em Phương khi ra khỏi phòng xử án, đã được nhân dân công kênh trên vai đưa đi một đoạn đường dài. Đó là niềm vui của nhân dân trước chiến thắng của công lý. Tôi đứng lặng lẽ ở ngoài đường, quan sát người dân theo dõi phiên tòa. Một cụ già nói với tôi, bà đã từng chứng kiến nhiều phiên tòa từ thời Pháp, nhưng phiên tòa xử vụ Nguyễn Tùng Dương là phiên tòa đông người dự nhất từ trước đến nay. Đoạn kết Ít lâu sau vụ án này, ông Nguyễn Văn Lát, bố nạn nhân Nguyễn Việt Phương, đã đăng ký học tại trường Đại học Luật Hà Nội, hệ tại chức, và đã tốt nghiệp năm 1999. “Sau vụ án con tôi, tôi thấy có rất nhiều người dân bị oan khuất. Nếu họ không hiểu luật thì họ rất khó bào chữa cho mình và bị thua thiệt. Tôi muốn trở thành luật sư để giúp những người có cảnh ngộ oan ức như gia đình tôi đã từng bị”, ông nói.
Nguồn: Dantri.com.vn