Hành trình công lý

Một cán bộ tự thú tham nhũng trên 100 triệu đồng

Luôn bị lương tâm dằn vặt, một cán bộ đã làm đơn gửi cơ quan Công an tự tố giác sai phạm của bản thân và những người liên quan trong việc tham ô hàng trăm triệu đồng. Từ lá đơn này, cơ quan điều tra đã làm rõ một vụ án tham nhũng, đề nghị truy tố 4 cán bộ về các tội tham ô tài sản, cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.


Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Lạng Sơn, lại thuộc dân tộc thiểu số, Hoàng Chung tự nhận mình là một người may mắn khi được bố mẹ nuôi ăn học chu đáo và được đào tạo về chuyên ngành nông nghiệp tại nước ngoài. Sau khi về nước, Hoàng Chung được phân công công tác tại Viện Nghiên cứu cây công nghiệp và cây ăn quả tại Phú Thọ, năm 1990 về công tác tại Viện Nghiên cứu rau quả Trung ương (Viện NCRQTW) thuộc Viện KHNN Việt Nam, Bộ NN&PTNT. Năm 2002, khi thực hiện dự án "Hoàn thiện quy trình công nghệ nhân giống kỹ thuật cây dứa Cayen và cây vải chín sớm", Hoàng Chung đã được tín nhiệm bầu làm chủ nhiệm thực hiện dự án, triển khai tại Trung tâm nghiên cứu thực nghiệm rau quả Gia Lâm (Trung tâm NCTNRQ) do bà Nguyễn Thị Châu làm Giám đốc. Và sai phạm của Hoàng Chung cũng từ đây.

Khi tay trót nhúng "chàm"…

Theo kết luận điều tra của cơ quan CSĐT - Công an TP Hà Nội và cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân TP, sau khi Viện NCRQTW chuyển 781 triệu đồng tiền thực hiện dự án cho Trung tâm NCTNRQ Gia Lâm, Giám đốc Nguyễn Thị Châu cùng với Hoàng Chung - chủ nhiệm dự án và Nguyễn Thị Nụ - kế toán trưởng Trung tâm thỏa thuận cắt bớt quy mô thực hiện dự án, gửi tiết kiệm 500 triệu đồng để bảo toàn vốn, hợp thức chứng từ rút tiền chia nhau 208,4 triệu đồng, sử dụng trên 12 triệu đồng mua hoá đơn GTGT để hợp thức cho việc làm trên. Đến giữa năm 2006, Hoàng Chung đã làm đơn trình báo toàn bộ việc vi phạm pháp luật trên tới Công an huyện Gia Lâm. Từ lá đơn này, cơ quan Công an đã vào cuộc, làm rõ vụ việc tham nhũng trên; đồng thời làm rõ một loạt sai phạm khác của bà Nguyễn Thị Châu, Nguyễn Thị Nụ trong việc lợi dụng chức vụ quyền hạn được giao, thông đồng với Chu Thế Độ - nguyên Trưởng ban Dân tộc miền núi tỉnh Bắc Giang trong việc mua bán cây giống, để Chu Thế Độ chiếm đoạt 181,5 triệu đồng của Ban dân tộc tỉnh Bắc Giang, hợp thức chứng từ chi sai nguyên tắc gây thất thoát cho Trung tâm NCTNRQ Gia Lâm trên 41 triệu đồng; thông qua các hợp đồng mua bán cây giống ăn quả với Ban quản lý dự án 747 Phù Yên - Sơn La, cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây thiệt hại 783 triệu đồng của Trung tâm NCTNRQ Gia Lâm. Với các hành vi trên, cả 4 bị can Nguyễn Thị Châu, Nguyễn Thị Nụ, Hoàng Chung, Chu Thế Độ bị truy tố về tội tham ô tài sản, riêng Nguyễn Thị Châu và Nguyễn Thị Nụ còn bị truy tố về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Trong câu chuyện với chúng tôi, Hoàng Chung có phần dè dặt, bởi bản thân anh cũng là người trầm tính, quanh năm ở phòng thí nghiệm và những vườn cây ăn quả nên không mấy khi giao lưu chốn đông người. Thế nhưng khi nói về công việc chuyên môn của mình, tôi hiểu Hoàng Chung là một người rất yêu nghề, tận tụy với công việc và là một kỹ sư nông nghiệp giỏi. Anh say sưa kể về công việc nghiên cứu, lai tạo những giống cây ăn trái có chất lượng cao, giúp bà con nông dân các tỉnh phát triển kinh tế như xử lý kỹ thuật cho nhãn ra quả trái vụ, xử lý giảm hạt trên trái cam xã Đoài… Rồi tìm lại những giống quả quý đang bị mai một để nghiên cứu nhân giống. Thành công trong nghiên cứu khoa học của Hoàng Chung và các đồng nghiệp đã góp phần giúp cho nông dân các vùng chuyên trồng cây ăn trái như Hưng Yên, Bắc Giang, Nghệ An… tăng thu nhập. Hoàng Chung tâm sự, cán bộ nông nghiệp thì làm gì có ai giàu được với nghề. Cuộc sống thiếu thốn, lương ba cọc ba đồng, tự nhiên được một người đưa cho khoản tiền lớn với sự giải thích hợp lý thì cũng khó mà từ chối. Đấy là lần đầu tiên, khi là chủ nhiệm dự án "Hoàn thiện quy trình công nghệ nhân giống kỹ thuật cây dứa Cayen và cây vải chín sớm", Hoàng Chung được bà Nguyễn Thị Châu gọi vào phòng riêng đưa cho 10 triệu đồng, Hoàng Chung đã nhận bởi đó là số tiền không nhỏ so với thu nhập của bản thân.

Lá đơn tự tố cáo hành vi phạm tội của bản thân và đồng phạm do Hoàng Chung viết gửi cơ quan Công an. "Trong người tôi lúc đó chia làm 2 nửa: nửa lý trí thì bảo tại sao lại nhận tiền, nửa lòng tham thì giục tại sao lại không nhận? Tôi hỏi chị Châu và được giải thích đó là tiền tiết kiệm từ công việc được giao. Tôi cũng lăn tăn nhưng cuối cùng thì vẫn nhận. Và khi lý trí đã không đủ tỉnh táo sẽ khiến người ta đi hết cái sai này đến cái sai khác. Sau lần nhận 10 triệu đồng đầu tiên ấy, chị Châu còn đưa cho tôi 3-4 lần khác, tổng cộng khoảng 100 triệu đồng. Số tiền này tôi thực cầm 60 triệu đồng, còn lại của chị Châu gửi…" - Hoàng Chung thở dài… "Sau những sự việc xảy ra, tôi không muốn đổ lỗi cho ai cả bởi suy cho cùng, chính tôi là người có lỗi. Nếu tôi đủ tỉnh táo để ngay từ đầu nhận ra được những việc làm của mình là vi phạm pháp luật thì đâu có hậu quả như bây giờ. Đến khi tỉnh ra, tôi mong muốn có được một cơ hội để sửa lỗi…".

Lương tâm bị cắn rứt

Cái sự "tỉnh ra" ấy của Hoàng Chung bắt đầu từ giữa năm 2006, khi những sai phạm liên quan đến đất đai tại Trung tâm NCTNRQ Gia Lâm bắt đầu lình xình trong nội bộ cơ quan. Lá đơn tố giác hành vi phạm tội của bản thân và những người liên quan, được Hoàng Chung soạn thảo trong vòng… nửa năm. Quãng thời gian ấy là cuộc đấu tranh quyết liệt trong chính bản thân anh. Cho đến cuối tháng 11/2006, lá đơn tố giác đã được Hoàng Chung mang đến Công an huyện Gia Lâm. "Nếu tôi không tự thú, có thể không ai biết đến vụ tham nhũng ấy bởi việc nhận tiền của tôi với chị Châu không có giấy tờ nào chứng minh, nhưng tôi không thể tha thứ cho sai phạm của bản thân mình". Chính vì vậy, khi nộp xong lá đơn, Hoàng Chung thấy mình được giải thoát. Cùng với việc khai báo thành khẩn, Hoàng Chung là người đầu tiên nộp lại cho cơ quan Công an toàn bộ số tiền đã tham nhũng để khắc phục hậu quả. Tiếp xúc với PV Báo Công an nhân dân khi các cơ quan pháp luật chuẩn bị các thủ tục để đưa vụ án ra xét xử, đương nhiên, Hoàng Chung không tránh khỏi tâm trạng buồn và đau khổ. Anh không hối hận về việc mình đã làm bởi anh đã xác định lỗi trước hết ở bản thân không đủ tỉnh táo trước những cám dỗ vật chất; nhưng anh lo liệu sau sự việc này, có còn lòng nhiệt huyết để tiếp tục công việc của một kỹ sư nông nghiệp gắn bó với bà con nông dân mà cả đời anh đeo đuổi, đam mê.

Cần sự lãng quên và tha thứ

Khi thực hiện bài viết này, chúng tôi không có ý gỡ tội cho Hoàng Chung bởi những vi phạm về pháp luật của anh đã được thể hiện trong kết luận điều tra của cơ quan CSĐT - Công an TP Hà Nội và mới đây được Viện Kiểm sát nhân dân thành phố hoàn thành cáo trạng truy tố 4 bị can, trong đó có Hoàng Chung với tội danh tham ô tài sản. Hành động tự làm đơn tố giác hành vi phạm tội của mình và đồng phạm của Hoàng Chung cũng đã được cơ quan điều tra ghi nhận và đề nghị các cơ quan pháp luật cho giảm nhẹ hình phạt theo quy định của pháp luật. Tới đây, vụ án sẽ được đưa ra xét xử và sự thành khẩn của Hoàng Chung sẽ là một tình tiết để giảm nhẹ. Ở một góc độ nào đó, hành động của Hoàng Chung cần được nhìn nhận là khá dũng cảm mà không phải ai cũng làm được như anh. Một nhà hoạt động xã hội - chính trị khi nói về cuộc chiến chống tham nhũng tại Việt Nam, đã nhấn mạnh tới sự lãng quên, tha thứ của toàn xã hội đối với những người tham nhũng biết hối cải. Bởi nếu không có sự lãng quên, tha thứ, sẽ có những người lo ngại về những vi phạm trong quá khứ và không tham gia mặt trận này. Nhà hoạt động xã hội - chính trị ấy đã nhấn mạnh: Sự lãng quên và tha thứ là một phần của đạo luật chống tham nhũng. Giờ đây, Hoàng Chung đang đối mặt với một bản án nghiêm khắc của pháp luật bởi anh và những người đồng phạm bị truy tố theo khoản 3 Điều 278 BLHS, với khung hình phạt từ 15 năm đến 20 năm. Nhưng với những người đã dũng cảm tự đứng ra nhận lỗi như Hoàng Chung, cần lắm sự tha thứ của tất cả mọi người

Nguồn: Hương Vũ - CAND