Xã hội

Bộ trưởng Đinh La Thăng: Xấu hổ vì tiêu cực, tham nhũng trong ngành

Tư lệnh ngành này cho rằng, công tác phòng chống tham nhũng phải được thực hiện triệt để từ lãnh đạo đến người lao động.


Công tác thực hành tiết kiệm, phòng chống lãng phí và tham nhũng trong ngành Giao thông vận tải (GTVT) vô cùng khó khăn và phức tạp. Là ngành kinh tế - kĩ thuật quan trọng, được đầu tư lớn, hoạt động trên rất nhiều lĩnh vực, ngành GTVT tiểm ẩn nhiều nguy cơ về thất thoát, lãng phí cũng như tham nhũng. Đường sắt là chúa tham nhũng vặt Gay gắt trong một hội nghị bàn về phòng chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm tại Bộ GTVT, Bộ trưởng Đinh La Thăng chỉ rõ, những cố gắng trong công tác phòng chống tham nhũng của toàn ngành thời gian qua tuy đã đạt được một số kết quả nhất định, song vẫn chưa thấm vào đâu so với những thực trạng đang còn tồn tại. Ngay trong ngành đường sắt, quá trình trì trệ từ nhiều năm nay vẫn chưa khắc phục được trong cung cách làm việc cũng như thái độ phục vụ. Nhưng không vì thế mà ngành này ít có những vụ tiêu cực, tham nhũng, nếu kể ra thật đáng xấu hổ cho một loại hình vận tải vốn được coi là bình dân. Bộ trưởng Thăng ví dụ cụ thể ngay từ việc xếp toa, bán vé, bố trí tần suất chạy tàu của ngành đường sắt đã phát sinh quá nhiều tiêu cực, lãng phí. Đáng ngạc nhiên, ngay cả những người gác chắn tàu tại những điểm giao cắt với đường bộ cũng có thể gây khó khăn cho người dân và tìm cách tham nhũng, kiếm tiền cho riêng mình. “Tôi đã từng chứng kiến cảnh, mặc dù còn rất lâu mới đến giờ tàu chạy qua điểm giao cắt với đường bộ, nhưng nhân viên ở đây đã cố tình hạ rào chắn, ngăn phương tiện giao thông qua lại đường tàu. Tuy nhiên, nếu ai đó sốt ruột muốn qua rào chắn trước khi tàu đến, đồng thời có “ý thức” nộp tiền cho người gác chắn sẽ được người này mở rào chắn cho đi qua. Cảnh này thật bất ngờ và không ai có thể tưởng tượng ra một cách tham nhũng vặt vãnh nhưng lại trắng trợn đến như vậy”, Bộ trưởng Đinh La Thăng bức xúc nói. Không dừng lại ở đó, việc xếp toa bán vé của ngành đường sắt cũng vô cùng nhiều bất cập, đã tạo ra nhiều kẽ hở cho việc tham nhũng của đội ngũ cán bộ công nhân viên trong ngành. Bộ trưởng Thăng chỉ rõ, ở nhiều tuyến đường sắt có cự ly dài đã từng bị “vô hiệu hóa” bằng cách làm ma thuật của đội ngũ cán bộ, công nhân viên nhà ga, bán vé, nhân viên phục vụ, lái tàu… “Đơn cử như hành trình tàu khách từ TP HCM ra Hà Nội, nhân viên ga chỉ tập trung bán vé chặng ngắn cho khách hàng ra tới Bình Thuận, còn suốt chặng từ Bình Thuận ra Hà Nội sẽ được nhân viên trên tàu bố trí đón khách không vé với giá rẻ hơn, tạo lợi nhuận ăn chia. Điều này vừa làm lãng phí chi phí chạy tàu, vừa tạo điều kiện cho tình trạng tham nhũng vặt trong ngành đường sắt gia tăng”, ông Thăng chỉ rõ. Không kiểm tra, rà soát là còn lãng phí Không chỉ có ở ngành đường sắt, còn nhiều lĩnh vực khác trong ngành GTVT như các trạm thu phí đường bộ, các trạm đăng kiểm, trung tâm đào tạo sát hạch cấp giấy phép lái xe… cũng không ít những tiêu cực đã xảy ra. Trong công tác đầu tư xây dựng công trình giao thông, tại nhiều dự án, tình trạng nhiều nhà thầu yếu kém vẫn trúng thầu trong khi năng lực thi công không đáp ứng được điều kiện về chất lượng cũng như về mặt tiến độ đã gây thất thoát lãng phí lớn về nguồn vốn đầu tư. Bộ trưởng Đinh La Thăng đồng tình với quan điểm của nhiều Ban Quản lý dự án cương quyết loại bỏ các nhà thầu không đủ năng lực. Lãnh đạo cấp bộ cương quyết không có động thái bao che cho cấp dưới khi có hành vi “gửi gắm” các nhà thầu yếu kém trong bất kì dự án giao thông nào. Khi phát hiện ra hành vi gian dối sẽ xử lý từ Ban Quản lý dự án cho đến nhà thầu. “Bất kể văn bản, hợp đồng nào có dấu kí nháy của lãnh đạo cấp trên hay những cuộc điện thoại nhờ vả, giới thiệu nhà thầu thi công… hoàn toàn chỉ mang tính chất thông tin, Ban Quản lý dự án không được coi đấy là những cơ sở để thi hành quyết định lựa chọn nhà thầu. Các nhà thầu cần phải được xét duyệt thật kĩ, không được xét theo cảm tính, tâm lý nể nang, đùn đẩy trách nhiệm, gây thất thoát vốn đầu tư…”, Bộ trưởng Thăng cảnh báo. Trách nhiệm trong công tác rà soát, kiểm tra, giám sát cũng là khâu quan trọng được người đứng đầu Bộ GTVT cương quyết chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm túc. Bởi trong nhiều trường hợp, việc tính toán, rà soát sai sẽ gây lãng phí và thất thoát lớn trong việc đầu tư. Ngoài những biện pháp đấu tranh bài trừ tiêu cực, xử lý nghiêm hành vi tham nhũng trong toàn ngành như vẫn có hiện tượng đòi tiền “phần trăm” của các bên tham gia dự án, hay nhưng cách lobby để chạy chọt dự án, lại quả… Bộ trưởng Đinh La Thăng còn kêu gọi toàn ngành cần triệt để thực hành tiết kiệm chống lãng phí. “Cả nước đang thực hiện công tác thực hành tiết kiệm chống lãng phí. Ấy vậy mà khi tôi lên máy bay, ngồi ở hạng ghế thường nhưng lại gặp một số cán bộ, nhân viên của ngành GTVT ngồi ghế hạng thương gia. Những người này khi nhìn thấy Bộ trưởng là cứ cúi gằm mặt xuống, nhưng trốn làm sao được!? Điều đó cho thấy chúng ta thực hiện công tác này chưa nghiêm chỉnh”, Bộ trưởng Thăng chỉ rõ. Chống tham nhũng không chỉ ở cấp lãnh đạo Có thể thấy phòng chống tham nhũng là công việc hết sức quan trọng, liên quan đến sự phát triển bền vững của đất nước. Đây cũng là công việc cực kì khó khăn, phức tạp bởi tham nhũng là khuyết tật bẩm sinh của quyền lực, nó diễn ra trong nội bộ của các tổ chức liên quan đến lợi ích vật chất, tiền tài, danh vọng của tổ chức và cá nhân mỗi con người, đụng chạm đến những người có chức có quyền. Với đặc điểm, tình hình cũng như những giải pháp cụ thể, Bộ GTVT hy vọng trong thời gian tới sẽ thêm quyết tâm, quyết liệt trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và tham nhũng, khiến công tác này có chuyển biến rõ rệt và có hiệu quả. Trong đó xác định rõ vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị phải tạo ra được tính lan tỏa, rộng khắp đến mọi đối tượng cán bộ công nhân viên trong toàn ngành. Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng, ngay từ bây giờ Bộ GTVT phải triển khai việc xử lý trách nhiệm nghiêm túc đối với những người không thực hiện chống lãng phí hoặc dung túng, bao che cho cấp dưới có cơ hội tham nhũng. Người lãnh đạo không được cố tình hợp pháp hóa sai phạm, luôn phải rà soát lại toàn bộ đội ngũ, khẩn trương đào tạo thêm nguồn nhân lực trong sạch. Bên cạnh việc tin tưởng cán bộ, đồng nghiệp, ngành GTVT vẫn cần phải tăng cường kiểm tra giám sát, xử lý nghiêm cán bộ không đủ tư cách, phẩm chất, chuyên môn, đưa khoa học công nghệ, ứng dụng phần mềm vào các lĩnh vực, trong đó nhất thiết phải công khai cho công chúng biết rõ ràng, minh bạch các khoản chi phí đầu tư, xây dựng./. Nguyễn Quỳnh VOV online