Xã hội

Nên chọn Bộ trưởng Thăng làm “tư lệnh” cổ phần hóa

Ngày 6/3, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 15 về một số giải pháp đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn tại doanh nghiệp Nhà nước.


Trước đó, chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn, tổng công ty cần nghiêm túc, quyết liệt thực hiện các giải pháp đồng bộ nhằm tạo ra chuyển biến mạnh mẽ và có được kết quả rõ rệt thực hiện đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trong đó tập trung thực hiện cổ phần hóa 432 doanh nghiệp theo phương án đã phê duyệt. Các bộ trưởng, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố, lãnh đạo các tập đoàn kinh tế chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về kết quả tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước thuộc phạm vi phụ trách. Đặc biệt, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh kiên quyết thay thế, điều chuyển lãnh đạo doanh nghiệp chần chừ, không nghiêm túc thực hiện, thực hiện không có kết quả tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và nhiệm vụ chủ sở hữu giao trong quản lý, điều hành doanh nghiệp. Trao đổi với VnEconomy, ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) cho rằng cần có một vị “tư lệnh” chịu trách nhiệm về cổ phần hóa, để đảm bảo chủ trương này được thực hiện một cách tích cực và hiệu quả. Theo đánh giá của ông, cùng với nỗ lực của chính phủ và các bộ, ngành trong thời gia qua, Nghị quyết 15 sẽ có tác động như thế nào đến quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước trong thời gian tới? Nghị quyết này thể hiện quyết tâm trong việc đẩy mạnh cổ phần hóa. Nhiều giải pháp đã được đưa ra để các doanh nghiệp không thể chậm được. Tuy nhiên, đây chỉ là chủ trương của Nhà nước, việc thực hiện có thành công hay không, mức độ thành công đến đâu còn tùy thuộc từ các đơn vị. Vẫn còn trở lực từ các bộ, ngành và địa phương. Một số chủ sở hữu vẫn muốn nắm giữ hay duy trì cổ phần chi phối. Họ quan niệm nếu giảm cổ phần đi, hoặc cổ phần hóa hết thì không còn gì để quản lý nữa. Do đó, để thực sự đẩy mạnh được cổ phần hóa, cần có một vị “tư lệnh” chịu trách nhiệm quá trình này. Vậy từ góc nhìn của ông, nên chọn ai làm “tư lệnh”? Cần tìm ra một vị tư lệnh được giao đủ thẩm quyền và chịu trách nhiệm chính. Khả dĩ nhất là chọn từ các bộ trưởng, mặc dù nhiều bộ trưởng cũng có phần e dè và ngại ngùng. Theo tôi, có thể giao cho Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng làm. Bởi lẽ, đây là cá nhân có đóng góp và kinh nghiệm trong quá trình cổ phần hóa thời gian qua. Thời gian công tác ở Tổng công ty Sông Đà, ông Thăng đã làm quyết liệt, vừa cổ phần hóa các đơn vị trực thuộc tổng công ty này vừa đẩy mạnh niêm yết. Sau đó, khi sang công tác tại Tập đoàn Dầu khí, ông Thăng cũng đẩy mạnh được quá trình này. Từ thời điểm ông Thăng nhậm chức Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đến nay, bộ này là điển hình về tiến độ cổ phần hóa mạnh mẽ trong thời gian qua. Vị tư lệnh này cũng cần có đủ thẩm quyền để đôn đốc thực hiện. Tiến độ thực hiện không chỉ tính theo quý mà phải được tính theo tháng và theo tuần. Chỉ ít ngày sau chỉ đạo của Thủ tướng tại hội nghị về tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước ngày 18/2, một số doanh nghiệp tại Tp.HCM đã có ý kiến xin lùi thời hạn cổ phần hóa. Theo ông, nguyên nhân là vì sao? Có thể, họ là những doanh nghiệp thua lỗ hoặc đang giấu lỗ. Thực tế, có trường hợp doanh nghiệp lỗ mấy năm rồi nhưng vẫn báo lãi, do đó, sức ép cổ phần hóa làm họ lúng túng và muốn trì hoãn để làm đẹp báo cáo tài chính. Cần rất cảnh giác với những doanh nghiệp như vậy. Những doanh nghiệp càng khó khăn, muốn lùi cổ phần hóa lại càng phải làm quyết liệt. Bởi lẽ, nếu chậm cổ phần hóa, có thể tài sản Nhà nước sẽ không còn gì cả. Thậm chí, có những doanh nghiệp không những mất hết vốn nhà nước mà “ăn” vào cả vốn ngân hàng. Quan sát những năm vừa qua cho thấy, hai đầu tàu lớn của cả nước là Tp.HCM và Hà Nội tiến hành cổ phần hóa rất chậm nhưng lại hay ngụy biện. Trong khi đó, doanh nghiệp ở một thành phố nhiều thuận lợi hơn hẳn các doanh nghiệp thuộc địa phương khác và bộ, ngành. Thế nhưng, các thành phố vẫn cứ muốn nắm giữ. “Bông Bạch Tuyết” là bài học điển hình nhất cho sự chậm trễ dẫn đến mất vốn nhà nước. Do đó, Chính phủ cần phải kiểm điểm các thành phố này vì để tiến độ cổ phần hóa diễn ra chậm. Những doanh nghiệp Nhà nước trực thuộc Bộ Giao thông, Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn còn “xương xẩu” hơn nhiều, nhưng họ vẫn làm được đấy thôi. Bài học từ việc cổ phần hóa Kem Tràng Tiền, Intimex từ nhiều năm trước khiến nhiều ý kiến lo ngại việc cổ phần hóa mạnh mẽ có thể gây thiệt hại cho Nhà nước. Còn ông nhìn nhận thế nào? Tôi nghĩ, ai nói như vậy là ấu trĩ. Cổ phần hóa chính là cứu tài sản Nhà nước. Nếu không cổ phần hóa, tài sản Nhà nước có thể mất. Trong khi đó, thực hiện cổ phần hóa chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả. Dù vậy, cũng cần nói là không thể cân đong đo đếm chính xác mọi trường hợp, bởi sự biến động của thị trường và các yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến quá trình cổ phần hóa. Do đó, rất cần tỉnh táo trong các phương án. Hầu hết doanh nghiệp sau cổ phần hóa đều hoạt động tốt hơn và hiệu quả, thu hút nhiều lao động, đóng thuế cho Nhà nước. Một số trường hợp quá bi bét, không thể cổ phần hóa được nữa thì nên cho giải thể phá sản càng sớm càng tốt. Mọi vướng mắc về cơ chế hầu như đã được tháo gỡ, vấn đề hiện tại chỉ là cần công khai minh bạch trong quá trình thực hiện.