Xã hội

Diện tích chung cư: Không ai bị thiệt một đồng nào

“Đừng quá quan tâm vào 1m² đất hay 2m² diện tích chung hay riêng vì về bản chất nó rất công khai, minh bạch, không ai bị thiệt thòi nên không cần quan tâm đến cách tính diện tích theo thông thủy hay gồm cả tường, cột..”, KTS Trần Vinh thuộc Hội Kiến trúc sư Hà Nội nói.


Không thay đổi về bản chất Mấy ngày nay, thông tin gây nóng nhất thị trường bất động sản là Thông tư 03/2014 quy định thống nhất một cách đo duy nhất diện tích các căn hộ là theo thông thủy - cách tính diện tích căn hộ đo theo những nơi nước có thể lan tỏa. Khi thông tin này được đưa ra, đã có những nghi ngại về việc mất cả tỷ tiền để mua các cột, tường liệu có được trả lại hay không? Ảnh minh họa Có thể trả lời ngay rằng không có bất cứ ai bị thiệt khi thay đổi về cách tính diện tích nói trên. Bởi, theo một chuyên gia chuyên về quy định đô thị, không ai bị thiệt hết, chủ đầu tư cũng không được lợi. “Khi chủ đầu tư công bố với người mua diện tích căn hộ của họ là ngần này thì chủ đầu tư cũng không có lợi gì hết. Tâm lý mua nhà hiện nay chỉ toàn là đầu cơ, người ta không để ý nhiều về những điều kiện để sinh hoạt mà người ta lại để ý nhiều về diện tích để bán đi bán lại có lời. Nhưng cũng phải đưa ra câu hỏi là tại sao có những tòa nhà sau khi có người vào ở giá cứ giảm dần, có những khu càng ở thì giá trị lại càng gia tăng. Có được điều đó là bởi đẳng cấp của khu nhà đó hơn hẳn những khu nhà khác. Nên đừng quá quan tâm vào 1m² đất hay 2m² diện tích chung hay riêng vì về bản chất nó rất công khai, minh bạch, không ai bị thiệt thòi nên không cần quan tâm đến cách tính diện tích theo thông thủy hay gồm cả tường, cột..”, KTS Trần Vinh cho biết. Trong giao dịch bất động sản, việc chấp nhận được sản phẩm là rất quan trọng. Bởi, theo chuyên gia này: "chúng ta cần phải xác định là chúng ta mua một sản phẩm có vị trí, không gian và những tiện ích công cộng. Đó là, vị trí căn hộ bạn mua là tầng nào, tòa nhà ở đâu, và quan trọng nhất là không gian trong căn hộ có bố trí hợp lý hay không? " Trên thực tế, với phương pháp đo tim tường, đúng là có thể nhìn thấy ngay những bức tường, cột hoặc hộp kỹ thuật trong không gian căn hộ. Nhưng, khi đến các căn hộ chung cư đang được người dân sử dụng, rất ít chủ nhân để trống toàn bộ tường. Mà đa số đều tận dụng bằng cách đóng đinh vào đấy để treo tranh, đưa các kết cấu vào đấy để nâng đỡ các tủ, giàn và các thiết kế phụ trợ khác cho căn hộ. Đối với những căn hộ có nhiều cột chịu lực (và, có thể cả hộp kỹ thuật), thật ra khi mua chủ đầu tư đã có ưu ái cho khách hàng với giá cả mềm hơn những căn có vị trí đẹp, căn góc. Nhưng theo chuyên gia này, ngay cả hộp kỹ thuật cũng có những công năng nhất định của nó. “Ví dụ một hộp kỹ thuật có công năng không? Người mua nhà thì bảo tôi có được dùng đâu sao tôi lại phải trả tiền? Nhưng nếu không có nó thì có thoát được nước không? Ví dụ như trong cơ thể mình, những gì đẹp thì mình bảo của mình, những gì xấu thì mình không thừa nhận à? Tất cả đều tồn tại một cách hữu cơ với nhau. Trong nhà mình có chỗ sử dụng chung, sử dụng riêng thậm chí có chỗ không sử dụng được mà vẫn phải chịu, bởi thông tin về sản phẩm là công khai, người mua nhìn thấy sản phẩm tận mắt, còn được xem nhà mẫu, nhưng vẫn chấp nhận chọn nó”, ông cho biết. Ai cầm tay bắt ký vào hợp đồng? Về những tranh chấp về diện tích chung, riêng trong thời gian qua, vị chuyên gia này nói, sao lúc mua không ai nghĩ, mà lúc khó khăn thì lại cùng ngồi lại để soi? “Chung quy chỉ tại tâm lý đầu cơ. Lúc mua không ai nghĩ, chỉ cần thổi căn này căn kia là được một mớ. Còn đến khi về dùng rồi thì lại đòi hỏi phải thế này thế khác, như thế là không sòng phẳng. Việc mua bán là thỏa thuận về mặt dân sự, thuận mua vừa bán, không ai cầm tay khách hàng bắt ký vào hợp đồng mua bán cả”. Theo Giáo sư Đặng Hùng Võ Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, những cam kết giữa chủ đầu tư và người mua nhà phải đưa đầy đủ vào hợp đồng, kể cả quy hoạch chi tiết đối với ngôi nhà đó được cấp có thẩm quyền phê duyệt, trong đó gồm cả các không gian sử dụng chung như nhà để xe, hồ điều hòa, diện tích cây xanh, khu vui chơi cho trẻ em... Người mua nhà cần phải quan tâm tới điều này để tự bảo vệ quyền lợi của mình. “Tình trạng hiện nay cũng cho thấy người mua nhà phải có trách nhiệm nhiều hơn với chữ ký của mình tại hợp đồng”, ông Võ nhấn mạnh. Giáo sư Đặng Hùng Võ cũng cho rằng pháp luật của Việt Nam đã có quy định về cách thực thi pháp luật và Luật thì có hiệu lực cao hơn Nghị định; Nghị định có hiệu lực cao hơn Thông tư. Trong trường hợp nội dung không thống nhất thì trước hết phải căn cứ vào Luật, sau đó đến Nghị định và cuối cùng là Thông tư. Trong trường hợp này chúng ta cần phải lưu ý tới việc nội dung đó là hướng dẫn hay là quy định phải thực hiện. Khi là hướng dẫn thì cam kết giữa hai bên của hợp đồng vẫn là yếu tố quyết định. Lam Nguyên Theo Báo điện tử VnMedia