Xã hội

Tổng thống Mỹ Barack Obama bất ngờ đoạt giải Nobel Hòa bình 2009

Theo Ủy ban giải Nobel, họ quyết định chọn ông Obama để trao giải Nobel Hòa bình vì “những nỗ lực phi thường của ông trong việc tăng cường đối ngoại quốc tế và hợp tác giữa các dân tộc”.


Theo hãng tin AP, kết quả trên đã “gây sốc” cho những người theo dõi giải Nobel bởi ông Obama lên nhậm chức chỉ chưa đầy hai tuần trước khi danh sách này được chốt (vào ngày 1-2).

Trước đó đã có đồn đoán rằng ông Obama sẽ đoạt giải, tuy nhiên nhiều người theo dõi giải thưởng danh giá này cho rằng hãy còn quá sớm để trao giải cho vị tổng thống này.

“Hiếm có nhân vật nào có tầm ảnh hưởng như ông Obama, ông đã giành được sự chú ý của cả thế giới và đem đến cho người dân hy vọng về tương lai tốt đẹp hơn”, Ủy ban giải Nobel viết. Ủy ban này cho biết họ cũng đánh giá cao sự nhìn nhận, nỗ lực của Obama về một thế giới không có vũ khí hạt nhân: "ông đã kêu gọi giải giáp vũ khí hạt nhân và nỗ lực tái khởi động tiến trình hòa bình ở Trung Đông bị bế tắc".

Thorbjorn Jagland, chủ tịch Ủy ban giải Nobel, nói ông hy vọng giải Nobel Hòa bình sẽ giúp ông Obama giải quyết được những xung đột tại Iraq và Afghanistan. Còn cựu tổng thống Phần Lan Martti Ahtisaari, người được trao giải Nobel Hòa bình năm ngoái, nói qua việc trao giải cho ông Obama, rõ ràng Ủy ban giải Nobel muốn khích lệ ông Obama tiếp tục theo đuổi những vấn đề mà ông đang thảo luận trên trường quốc tế.

Trong khi đó, bà Wangari Muta Maathai, nhà môi trường Kenya được trao giải Nobel Hòa bình 2004, nói giải thưởng của ông Obama, có cha là người Kenya, sẽ giúp châu Phi tiến về phía trước. “Tôi nghĩ điều này thật phi thường. Nó (việc ông Obama được trao giải Nobel) thậm chí sẽ truyền cảm hứng cho cả thế giới. Ông Obama cho thấy chúng ta có thể đến với nhau, cùng nhau hợp tác làm việc”, bà nói.

Ông Mohamed ElBaradei, Tổng giám đốc Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế, đoạt giải Nobel Hòa bình 2005, nói ông Obama xứng đáng nhận giải Nobel do những nỗ lực đưa Iran quay trở lại bàn đàm phán trực tiếp với Mỹ về vấn đề hạt nhân. “Tôi không nghĩ là còn có người xứng đáng hơn ông ấy”, ông ElBaradei nói.

Trên các mạng xã hội Twitter và Facebook, nhiều người chỉ bày tỏ vỏn vẹn một từ “Wow” trước tin ông Obama đoạt giải Nobel Hòa bình.

Giải Nobel Hòa bình 2009 được công bố vào thời điểm quan trọng đối với ông Obama khi ông đang cử nhiều phái đoàn hòa bình tới các quốc gia, trong đó gồm phái đoàn của Ngoại trưởng Hillary Clinton tới châu Âu và Nga (khởi hành hôm nay, 9-10) để bàn về vấn đề chương trình hạt nhân của Iran và CHDCND Triều Tiên, vấn đề kiểm soát vũ khí…

Trước đó, ngày 8-10, đại sứ Mỹ tại Trung Đông - ông George Mitchell - đã có cuộc gặp Tổng thống Israel Shimon Peres và dự kiến sẽ gặp Thủ tướng Benjamin Netanyahu trong hôm nay trước khi đàm phán với các lãnh đạo Palestine ở Bờ Tây về thương thảo hòa bình trong khu vực.

Ông Obama là tổng thống Mỹ thứ ba đoạt giải Nobel Hòa bình. Trước ông Obama, hai tổng thống Theodore Roosevelt và Woodrow Wilson cũng đã được trao giải Nobel Hòa bình vào năm 1906 và 1919. Cựu tổng thống Jimmy Carter cũng được vinh dự nhận giải thưởng này vào năm 2002. Năm 2007, cựu phó tổng thống Al Gore cũng đã chia giải Nobel Hòa bình với ủy ban về biển đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc.

Năm nay, Ủy ban giải Nobel đã nhận được 205 đề cử cho giải Nobel Hòa bình - con số kỷ lục từ trước tới nay.

Vài nét về ông Barack Obama

Barack Obama, tên đầy đủ là Barack Hussein Obama, sinh ngày 4-8-1961 tại thủ phủ Honolulu, tiểu bang Hawaii, Mỹ. Cha là người Kenya, mẹ là người Mỹ da trắng.

Ông Obama bị bố bỏ rơi khi chỉ mới 2 tuổi và sống trong hoàn cảnh thiếu thốn vật chất tại Hawaii (có lúc chuyển sang Honolulu và Indonesia). Ông tốt nghiệp Đại học Columbia với bằng cử nhân chính trị học chuyên ngành quan hệ quốc tế; tiếp đó vào Trường luật Harvard, trở thành người da màu đầu tiên được bầu làm chủ tịch báo Harvard Law Review trong lịch sử hơn 100 năm của Harvard.

Năm 1996, ông Obama tranh cử Thượng viện bang Illinois và giành thắng lợi, sau đó tái đắc cử vào năm 1998, rồi 2002. Đến giữa năm 2002, ông bắt đầu vận động tranh cử vào Thượng viện Mỹ và thắng lợi trong cuộc bầu cử 2004.

Ngày 5-11-2008 (giờ Việt Nam), ông đã đi vào lịch sử nước Mỹ khi đánh bại đối thủ đảng Cộng hòa John McCain trong cuộc đua vào Nhà Trắng, trở thành tổng thống Mỹ thứ 44 và là tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ ở tuổi 47. Ông tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20-1-2009.

Theo Tuổi Trẻ Online - Thứ Bảy, 10/10/09