Tin tức và sự kiện

TRUNG TÂM HÒA GIẢI – ĐỐI THOẠI TẠI TÒA ÁN CÓ KÉO DÀI THỜI GIAN TỐ TỤNG?

Ngày 09/10/2018, Tòa án nhân dân tối cao ban hành Công văn số 308/TANDTC-PC triển khai thí điểm về Trung tâm hòa giải - đối thoại tại Tòa án tại 16 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM, Cần Thơ, Hải Phòng, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Nam, Khánh Hòa, Đồng Nai, Bình Dương và Long An


Trung tâm hòa giải hoạt động theo Dự thảo Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Quy định này khá mới và sẽ ảnh hưởng nhiều đến các đương sự trong quá trình tham gia tố tụng. Dưới đây là khái quát về quy dự thảo luật hòa giải - đối thoại tại Tòa án. 1. ĐỊA VỊ PHÁP LÝ Trung tâm Hòa giải, đối thoại tại Tòa án do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quyết định thành lập, chịu sự quản lý, kiểm tra, giám sát trực tiếp của Tòa án nơi đặt Trung tâm và hoạt động không vì mục đích lợi nhuận. Trung tâm Hòa giải, đối thoại tại Tòa án có nhiệm vụ tổ chức thực hiện hòa giải vụ việc dân sự, đối thoại khiếu kiện hành chính theo quy định; Lưu trữ hồ sơ, kết quả hòa giải, đối thoại và báo cáo về hoạt động của Trung tâm Hòa giải, đối thoại theo quy định của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao. 2. CÁC TRƯỜNG HỢP BẮT BUỘC HÒA GIẢI TẠI TRUNG TÂM ? Theo Điều 24 Dự thảo Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án có quy định: “Khi nhận đơn khởi kiện, đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn theo quy định tại Điều 190 Bộ luật Tố tụng dân sự, Điều 119 Luật Tố tụng hành chính, Tòa án chuyển đơn khởi kiện, đơn yêu cầu và tài liệu, chứng cứ kèm theo cho Trung tâm Hòa giải, đối thoại tại Tòa án khi có đủ các điều kiện sau đây: a) Vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án; b) Người khởi kiện, người yêu cầu không phản đối việc hoà giải, đối thoại trước khi Tòa án xem xét thụ lý theo trình tự tố tụng; c) Vụ việc không thuộc trường hợp không được hòa giải, đối thoại theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính.” Như vậy, đối với toàn bộ các vụ án dân sự, vụ án hành chính thông thường khi nộp đơn tại Tòa án đều thuộc trường hợp phải qua giải quyết tại Trung tâm hòa giải, đối thoại tại Tòa án trước khi được Tòa án thụ lý theo quy định. Đối với các vụ việc dân sự về yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn cũng phải bắt buộc trải qua thủ tục hòa giải, đối thoại tại Trung tâm này. Tuy nhiên, pháp luật vẫn có quy định mở, cho phép người khởi kiện, người yêu cầu có quyền phản đối việc hòa giải, đối thoại tại Trung tâm hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Như vậy, NẾU THÔNG THƯỜNG người khởi kiện chỉ phải nộp đơn khởi kiện để Tòa án giải quyết vụ án thì khi quy định mới này có hiệu lực thì đương sự nếu không muốn mất thêm thời gian tố tụng hòa giải tại Trung tâm hòa giải, đối thoại tại Tòa án thì PHẢI NỘP THÊM ĐƠN PHẢN ĐỐI VIỆC HÒA GIẢI, ĐỐI THOẠI, đối thoại để Tòa án có thể thực hiện thụ lý vụ án theo thủ tục thông thường mà không chuyển đơn cho Trung tâm hòa giải, đối thoại. 3. THỜI GIAN HÒA GIẢI, ĐỐI THOẠI LÀ BAO LÂU ? Theo quy định tại Điều 27 Dự thảo Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án thì: “Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày được phân công, Hòa giải viên, Đối thoại viên phải tiến hành hòa giải, đối thoại. Trường hợp vụ việc phức tạp mà các bên tham gia hòa giải, đối thoại cần bổ sung thêm tài liệu, chứng cứ hoặc theo yêu cầu chính đáng của họ thì thời hạn này có thể được kéo dài nhưng không quá 10 ngày. Thời hạn hòa giải, đối thoại là 30 ngày, trường hợp cần thiết thì có thể được gia hạn nhưng không quá 02 tháng.” Như vậy đương sự tối đa phải mất thêm 03 tháng để thực hiện thủ tục hòa giải, đối thoại tại Tòa án trước khi vụ việc được Tòa án thụ lý theo quy định. Tuy nhiên, thời gian hòa giải, đối thoại trong trường hợp Tòa án chuyển đơn khởi kiện, đơn yêu cầu và tài liệu, chứng cứ kèm theo cho Trung tâm Hòa giải, đối thoại tại Tòa án thì không tính vào thời hiệu khởi kiện vụ án. NÊU TRONG TRƯỜNG HỢP đương sự tự yêu cầu thực hiện thủ tục Hòa giải – đối thoại tại Trung tâm Hòa giải, đối thoại tại Tòa án thì thời gian hòa giải này lại tính thời hiệu khởi kiện. Đương sự cần lưu ý để tránh mất quyền lợi hợp pháp của mình khi tự yêu cầu thực hiện thủ tục hòa giải, đối thoại này. 4. HÒA GIẢI VIÊN - ĐỐI THOẠI VIÊN LÀ AI? Theo quy định tại Điều 16 Dự thảo thì Tiêu chuẩn chung của Hòa giải viên, Đối thoại viên gồm: a) Là công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam, trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có phẩm chất đạo đức tốt, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có uy tín trong cộng đồng dân cư, trung thực, khách quan; b) Có sức khỏe bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao; c) Có kinh nghiệm và khả năng hòa giải, đối thoại; d) Tự nguyện thực hiện nhiệm vụ hòa giải, đối thoại. Những người dưới đây nếu có đủ tiêu chuẩn tại khoản 1 Điều này thì có thể được bổ nhiệm Hòa giải viên, Đối thoại viên: a) Thẩm phán, Kiểm sát viên, Điều tra viên và những người giữ chức danh tư pháp khác đã nghỉ hưu; b) Cán bộ trung cấp, cao cấp nghỉ hưu; c) Chuyên gia, nhà chuyên môn khác có ít nhất 10 năm kinh nghiệm trong các lĩnh vực công tác; d) Những người có uy tín cao trong xã hội. Chánh án Tòa án nơi có Trung tâm hòa giải, đối thoại xem xét lựa chọn người có đủ điều kiện trên cơ sở hồ sơ hợp lệ, từ đó đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao xem xét, quyết định. Thù lao của Hòa giải viên, Đối thoại viên được chi trả từ ngân sách nhà nước. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quy định cụ thể mức thù lao, việc chi trả thù lao cho Hòa giải viên, Đối thoại viên. 5. GIÁ TRỊ PHÁP LÝ CỦA BIÊN BẢN HÒA GIẢI - ĐỐI THOẠI THÀNH. Trong trường hợp trải thủ tục hòa giải, đối thoại của các bên mà đạt được sự thống nhất thỏa thuận thì sẽ được ghi nhận bằng “Biên bản ghi nhận hòa giải thành”. Tuy nhiên Biên bản này vẫn chưa phát sinh hiệu lực bắt buộc giữa các bên. Các bên đương sự phải thực hiện thủ tục yêu cầu công nhận hòa giải/đối thoại thành để tòa án ra “Quyết định công nhận hòa giải/đối thoại thành” – Quyết định này mới có hiệu lực pháp luật ngay sau khi được ban hành và không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm. Tổng hợp