Tham gia tố tụng

Án hành chính: Vì sao bị hủy, sửa nhiều?

Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2009 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2010, Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình nhìn nhận tỉ lệ bản án, quyết định hành chính bị hủy, sửa còn cao.



Không ít chuyên gia cho rằng ngoài những nguyên nhân như trình độ và kinh nghiệm của thẩm phán còn có cả yếu tố thẩm phán “cả nể” cơ quan hành chính, quan chức địa phương.

Thực tiễn xét xử án hành chính hiện nay đang có một hiện tượng: Cũng với một hồ sơ vụ việc đó nhưng nếu như ở phiên sơ thẩm, nguyên đơn thường thua kiện thì tại phiên phúc thẩm, kết quả lại trái ngược.

Hai cấp xử, hai kết quả

Năm 2004, Công ty T. được UBND tỉnh Quảng Nam cho thuê hơn 23.000 m2 đất. Năm 2008, UBND tỉnh Quảng Nam ra quyết định thu hồi diện tích đất đã cho công ty này thuê để cho đơn vị khác thuê. Không đồng ý, Công ty T. đã khiếu nại. Tháng 4-2009, UBND tỉnh Quảng Nam có quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu với nội dung bác đơn khiếu nại, giữ nguyên quyết định thu hồi đất.

Công ty T. khởi kiện. Tháng 9-2009, TAND tỉnh Quảng Nam xử sơ thẩm đã bác đơn khởi kiện và giữ nguyên quyết định thu hồi đất của UBND tỉnh. Công ty T. kháng cáo. Tháng 3-2010, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Đà Nẵng đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty T., tuyên hủy quyết định thu hồi đất của UBND tỉnh Quảng Nam. Theo tòa, UBND tỉnh thu hồi đất nhưng không thông báo cho công ty, việc giải quyết khiếu nại cũng không đúng trình tự, thủ tục.

Tương tự, cuối năm 2008, Công ty HC làm thủ tục hải quan nhập khẩu hơn 220 tấn cáp thép dự ứng lực qua cảng Sài Gòn. Chi cục Hải quan Cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 4 (Hải quan 4) không cho thông quan vì cho rằng số lượng hàng trên thuộc diện phải kiểm tra chất lượng theo quy định. Bức xúc, Công ty HC đã khiếu nại, bị Hải quan 4 bác đơn.

Một phiên xử án hành chính tại TAND TP.HCM. Ảnh minh họa: HTD

Công ty HC đã khởi kiện yêu cầu Hải quan 4 phải bồi thường hơn 200 triệu đồng. Tháng 5-2009, TAND TP.HCM xử sơ thẩm đã bác đơn khởi kiện của Công ty HC, giữ nguyên quyết định của Hải quan 4. Tuy nhiên, ba tháng sau, tại phiên phúc thẩm được mở theo kháng cáo của Công ty HC, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đã sửa án sơ thẩm, tuyên chấp nhận yêu cầu của Công ty HC, buộc Hải quan 4 phải bồi thường gần 204 triệu đồng vì có lỗi khi không cho thông quan.

Án phức tạp, lại “nể nang”…

Trên đây chỉ là hai trong rất nhiều vụ việc mà người đi kiện hành chính chỉ tìm được công lý cho mình sau phiên phúc thẩm.

Theo đánh giá của TAND Tối cao, việc giải quyết các vụ án hành chính trong thời gian qua rất phức tạp, nhất là việc cung cấp chứng cứ của người khởi kiện còn khó khăn. Các tòa chưa có nhiều kinh nghiệm trong quá trình giải quyết, xét xử các vụ án hành chính. Một số quy định của pháp luật chưa thực sự phù hợp, còn thiếu thống nhất, mâu thuẫn, chồng chéo và chậm được bổ sung hoặc sửa đổi...

Luật sư Trần Minh San (Đoàn Luật sư TP.HCM) nhận xét việc án hành chính thường bị sửa, hủy có nhiều lý do: Thứ nhất, chuyên môn, nghiệp vụ của thẩm phán chưa vững. Trong khi đó, án hành chính thường là án khó như nhận định của một số tòa địa phương bởi liên quan đến chuyên môn của nhiều lĩnh vực khác (đất đai, thuế, sở hữu trí tuệ…). Đã vậy, các cơ quan chuyên môn như giám định, đo lường… cũng có khi lại tư vấn sai cho tòa.

Đặc biệt, theo luật sư San, không loại trừ có cả nguyên nhân do “cả nể”, xét xử theo kiểu “dĩ hòa vi quý” bởi tòa sơ thẩm thường nằm chung địa bàn với bị đơn - cơ quan hành chính và cán bộ tòa không hẳn đã độc lập hoàn toàn.

Về chuyện này, một thẩm phán Tòa Hành chính TAND TP.HCM thật thà tâm sự: Làm thẩm phán, ngồi xét xử ở lĩnh vực nào cũng có thể gặp sai sót. Nhưng nói về mức độ “nhạy cảm”, có lẽ chiếc ghế thẩm phán hành chính là chiếc ghế “khó ngồi” nhất vì nó đụng chạm tới nhiều cơ quan hành chính. Ông thừa nhận có một số vụ án, khi xét xử bản thân ông cũng rất ngại...

Thiếu giám sát

Trong buổi tổng kết năm 2009, một lãnh đạo ngành kiểm sát nhận định pháp luật không quy định thời hạn tòa án phải giao bản án hành chính cho VKS cùng cấp, cũng như thời hạn chuyển hồ sơ vụ kiện khi bị cấp phúc thẩm tuyên hủy án để điều tra, xét xử lại. Điều này làm cho phía VKS khó khăn trong việc phát hiện vi phạm để kiến nghị.

Mặt khác, án hành chính hiện chỉ mới quy định giao cho cơ quan thi hành án thi hành các phán quyết của tòa về tài sản và quyền tài sản, còn việc thi hành các phán quyết khác như thu hồi, hủy bỏ quyết định sai pháp luật thì vẫn đang để trống. Do vậy, khi đụng đến những chuyện này thì cơ quan thi hành án cũng bó tay. Được biết 14 năm nay, chưa có một cơ quan nào đứng ra thống kê xem việc án hành chính được thi hành ra sao.

Một số vụ tương tự

- Ngày 25-2, TAND tỉnh Tiền Giang đã tuyên buộc UBND huyện Chợ Gạo phải nhận bà Đinh Thị Hải Yến trở lại làm việc và khôi phục toàn bộ quyền lợi về kinh tế, chính trị cho bà.

Khi làm kế toán ở xã Song Bình, bà Yến bị lãnh đạo “lệnh” chi nhiều khoản vô lý nên tố cáo lên huyện. Giữa năm 2008, bà được một người đàn ông đến nhà cho khoai. UBND xã cho rằng bà quan hệ không lành mạnh nên đề nghị huyện cho thôi việc… Xử sơ thẩm, TAND huyện Chợ Gạo đã bác đơn kiện của bà Yến dù không có chứng cứ chứng minh bà có sai sót để buộc thôi việc.

- Ngày 1-2, TAND đã hủy quyết định của UBND huyện Cần Giờ về việc bồi thường, hỗ trợ thu hồi đất của gia đình ông Nguyễn Văn Rô bởi sai quy định. Trước đó, tháng 9-2009, TAND huyện Cần Giờ xử sơ thẩm đã bác yêu cầu của ông Rô.

Trước đó, huyện Cần Giờ thu hồi hơn 2.000 m2 đất và bồi thường, hỗ trợ gia đình ông hơn 706 triệu đồng. Ông Rô cho rằng huyện đã áp dụng quy định cũ vốn áp giá đất nông nghiệp rất thấp (Nghị định 22 năm 1998 của Chính phủ). Đáng lẽ huyện phải áp dụng Luật Đất đai 2003 và Nghị định 197 năm 2004 của Chính phủ...

- Tháng 9-2009, TAND TP Hà Nội đã hủy quyết định của Chủ tịch UBND quận Long Biên về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây lắp số 5.

Năm 2001, công ty này ký hợp đồng thuê 1.000 m2 đất với xã Gia Thụy (nay là phường Gia Thụy). Năm 2006, UBND phường Gia Thụy yêu cầu công ty giải tỏa mặt bằng. Công ty đề nghị UBND quận Long Biên hỗ trợ di dời, đền bù giải tỏa hơn 1 tỉ đồng thì chỉ được hỗ trợ hơn 80 triệu đồng. Không đồng ý, công ty bị chủ tịch quận ra quyết định xử phạt hành chính 500.000 đồng và buộc phải tự tháo dỡ, di chuyển toàn bộ tài sản. Tiếp đó, chủ tịch quận ra quyết định cưỡng chế, phá dỡ công trình, thu giữ tài sản, máy móc trị giá nhiều tỉ đồng của công ty.

Công ty khởi kiện, bị TAND quận Long Biên bác yêu cầu. Tại phiên phúc thẩm, TAND TP Hà Nội kết luận quyết định của chủ tịch quận Long Biên là sai pháp luật.

HỒNG TÚ

Theo phapluattp.vn