Tham gia tố tụng

Tố tụng Hành chính

Khiếu nại là việc công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ công chức đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính, hoặc quyết định kỷ luật cán bộ, công chức khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền lợi chính đáng của mình.


Ở Việt Nam những năm gần đây nội dung liên quan đến đất đai như việc thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng, đòi đất cũ ... chiếm tỷ lệ lớn trong khiếu nại hành chính.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến phát sinh khiếu nại: Quan hệ đất đai vốn phức tạp, dễ tranh chấp; Pháp luật về đất đai, mặc dù liên tục được bổ sung, sửa đổi, nhưng vẫn còn nhiều bất cập, thậm chí có quy định chồng chéo lên nhau; Công tác điều hành, quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai, dự án còn yếu kém; Tình trạng cán bộ, công chức lợi dụng chức vụ, quyền hạn, thiếu trách nhiệm trong công tác diễn ra nhiều nơi; Vụ việc giải quyết thiếu khách quan, không công bằng, thậm chí, nói như Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng, có vụ việc khiếu kiện của dân ”giải quyết sai ngay từ đầu” khiến người dân không thỏa mãn nên tiếp tục kiện cáo.

Theo quy định của pháp luật, sau khi nhận được trả lời của cơ quan có thẩm quyền là cơ quan bị khiếu nại, người dân có thể tự mình hoặc thông qua người đại diện lựa chọn một trong hai cách: tiếp tục khiếu nại đến cơ quan nhà nước cấp trên là cấp có thẩm quyền giải quyết khiếu nại cuối cùng hoặc khởi kiện ra toà hành chính để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.

Đặc điểm quan hệ quản lý vốn là quan hệ bất bình đẳng, và việc ”người dân đi kiện quan” trước Toà án những quyết định hoặc hành vi hành chính của cơ quan quản lý nhà nước cũng là một quan hệ bất bình đẳng. Vì người đi kiện là người bị quản lý, lại “đương đầu” với bên bị kiện là người của cơ quan nhà nước hoặc bộ máy cơ quan nhà nước.

Khác với Toà án thông thường, Toà án hành chính không xem xét các quyền dân sự của công dân hoặc xác định trách nhiệm hình sự của bị cáo, mà giải quyết tranh chấp giữa công dân và cơ quan công quyền về một vấn đề pháp luật, phán quyết về tính hợp pháp của quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính của cơ quan nhà nước hoặc nhân viên nhà nước. Người dân đi kiện vốn ít hiểu biết pháp luật, nhất lại là các quy định liên quan đến quản lý hành chính, nên không mấy ai chứng minh được tính bất hợp pháp của quyết định hành chính hay hành vi hành chính của cơ quan nhà nước bị kiện. Bởi vậy người dân đi kiện nhờ cậy luật sư tham gia tố tụng trong vụ án hành chính để giúp họ đòi lại công bằng.

Do nhiều nguyên nhân, không ít người dân đến với Luật Thái An sau khi đã hết thời hiệu khởi kiện, không thể tìm kiếm và đưa ra bằng chứng khởi kiện.... dẫn đến việc vụ án hành chính không được thụ lý. Việc nhờ luật sư Luật Thái An tham gia ngay từ giai đoạn đầu tố tụng không những giúp khách hàng khắc phục nhược điểm trên, mà còn bảo đảm quyền lợi chính đáng của họ.

Luật sư Luật Thái An có thể đại diện hoặc bảo vệ quyền lợi chính đáng cho đương sự trong tố tụng hành chính, thực hiện quyền bình đẳng với cơ quan nhà nước hoặc cán bộ, công chức nhà nước bị kiện tại Tòa án Hành chính các cấp trong nhiều lĩnh vực, bao gồm:

- Khiếu kiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính;
- Khiếu kiện quyết định áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm việc xử lý vi phạm hành chính;
- Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính trong việc áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính;
- Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính trong việc áp dụng hoặc thi hành biện pháp xử lý hành chính bằng một trong các hình thức giáo dục tại xã, phường, thị trấn; đưa vào trường giáo dưỡng; đưa vào cơ sở giáo dục; đưa vào cơ sở chữa bệnh; quản chế hành chính;
- Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính trong việc áp dụng biện pháp buộc tháo dỡ nhà ở, công trình, vật kiến trúc kiên cố khác;
- Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính trong việc cấp, thu hồi giấy phép về xây dựng cơ bản, sản xuất, kinh doanh; giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và chứng chỉ hành nghề hoặc khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính khác liên quan đến hoạt động kinh doanh, tài chính của thương nhân;
- Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính liên quan đến thương mại hàng hóa quốc tế hoặc trong nước;
- Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính liên quan đến chuyển giao tài chính trong nước và quốc tế, dịch vụ và cung ứng dịch vụ;
- Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính trong việc trưng dụng, trưng mua, tịch thu tài sản;
- Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính trong việc áp dụng thuế, thu thuế, truy thu thuế;
- Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính trong việc áp dụng phí, thu phí, lệ phí; thu tiền sử dụng đất;
- Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính trong quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ;
- Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính trong quản lý nhà nước về đầu tư;
- Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hải quan, công chức hải quan;
- Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính về quản lý hộ tịch;
- Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính đối với việc từ chối công chứng, chứng thực;
- Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính về quản lý đất đai trong trường hợp giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, trưng dụng đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, tái định cư; cấp hoặc thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; gia hạn thời hạn sử dụng đất;
- Các khiếu kiện khác theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.